Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng kính các Thánh tử đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam
Ngày đăng: 13/07/2018
Nhân kỷ niệm 30 năm Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam (19/6/1988-19/62018), ngày 01/5/2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thư công bố Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về Năm Thánh, Phong Thánh và Lễ khai mạc Năm Thánh mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

1. Năm Thánh

Đối với giáo hội Công giáo, Năm Thánh là hoạt động tôn giáo đặc biệt, đã trở thành truyền thống và phổ biến đối với Giáo hội Công giáo. Trong lịch sử giáo hội Công giáo, căn cứ vào truyền thống Cựu ước (Do thái giáo), cứ 7 năm có một năm Hồng ân hay là năm đại xá, và cứ sau 49 năm thì có năm Đại Hồng ân hay là năm toàn xá. Năm thánh có hai loại: Thông thường và ngoại thường. Năm thánh thông thường được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1300 và được quy định cứ 100 năm sẽ tổ chức một lần, sau đó rút xuống 50 năm, 33 năm và 25 năm. Năm thánh ngoại thường như năm thánh năm 1933 kỷ niệm 1900 năm ơn Cứu độ và Năm thánh năm 1983 kỷ niệm 1950 năm Chúa chết và phục sinh.

Ngoài Năm thánh toàn cầu có Năm thánh quốc gia. Mỗi Năm Thánh có một chủ đề riêng, có các hoạt động tương ứng với từng chủ đề. Năm Thánh giúp cho mọi người Công giáo nhìn nhận lại các hoạt động quá khứ, hướng tới tương lai, mỗi người được lãnh nhận các ơn thiêng liêng nhờ tham gia các hoạt động cụ thể trong Năm thánh đã được người có trách nhiệm trong giáo hội quy định. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã được cử hành một số Năm thánh như: Năm thánh truyền giáo 2003 ghi dấu 470 năm đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam, Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm Tòa thánh thiết lập Giáo hội tại Việt Nam và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Ngoài ra mỗi giáo phận cũng có thể xin Tòa thánh Vatican cho phép mở Năm thánh như Giáo phận Xuân Lộc mở Năm thánh năm 2014 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận. Giáo phận Vinh mở Năm thánh năm 2018 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận.

2. Phong Thánh

Phong Thánh là một hình thức sinh hoạt tôn giáo đặc biệt của Giáo hội Công giáo để tuyên dương công trạng những người đã chết mà khi còn sống đã có nhiều công lao đóng góp cho Giáo hội, hoặc đã nêu những gương đạo đức đặc biệt cần được đề cao, cổ vũ hay đã chết vì đạo. Về phân loại thì có nhiều, nhưng nhìn chung có một số Thánh như:

- Thánh mặc nhiên công nhận là thánh không qua các thủ tục phong bầu và Giáo hội đã suy tôn từ lâu như Đức Mẹ Maria, thánh Giuse, Các thánh Tông Đồ,…

- Các thánh hiển tu: do đời sống tu trì đạo đức mà được Giáo hội phong thánh, như  thánh Biển Đức, thánh Đa Minh, thánh Phanxicô..

- Các thánh tử vì đạo: những người không chịu bỏ đạo nhưng đã chịu chết để tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình. Những người này đều có thể được phong miễn là đã chết vì đạo và để lại gương sáng. Con số các vị thánh tử đạo thường đông và dễ được phong thánh hơn.

Trình tự phong thánh: Trước hết phải có người đứng đơn xin phong thánh cho người được phong. Người đứng đơn có thể là một cá nhân, một tập thể giáo dân, một dòng tu, hoặc một Giám mục hay Hội đồng Giám mục địa phương nơi có người được đề nghị phong làm thánh. Hồ sơ của người được phong gửi về Bộ Phong Thánh của Tòa thánh Vatican nghiên cứu, nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào bên đứng đơn cung cấp những tài liệu, chứng cứ để minh chứng là những người đó có xứng đáng được phong thánh hay không. Những người được phong Thánh thường là trải qua mấy bậc sau:

- Bậc tôi tớ của Chúa: là những người được ghi vào danh sách những người được nghiên cứu để phong thánh.

- Bậc đáng kính: là những người được Tòa thánh Vatican suy tôn và được ghi vào sổ những bậc đáng kính (nếu bên đứng đơn cung cấp đủ tài liệu chứng minh). Những vị đáng kính chưa được tôn vinh như một vị thánh nên chưa được tôn vinh nơi công cộng.

- Bậc Chân phúc (Phước lộc hay Á thánh): Vị Chân phước được suy tôn nơi công cộng, nhưng chỉ ở một địa phương hay trong một khuôn viên nhất định. Muốn được phong từ bậc Đáng kính lên hàng Chân phúc thường phải trải qua một thời gian chờ đợi 50 năm để nghiên cứu theo dõi và thường phải có phép lạ làm chứng. Phong Chân phúc là một bước có thể dừng lại ở đó, hoặc có thể tiến lên được phong thánh tức là được ghi tên vào danh sách các vị hiển thánh.

- Bậc Hiển thánh: Đây là bậc cao nhất, cũng là bước cuối cùng của việc phong thánh. Các vị Hiển thánh chính thức được ghi tên trong danh sách những vị thánh của Giáo hội toàn cầu và được tôn vinh trong Giáo hội Công giáo khắp thế giới. Để nâng một vị từ bậc Chân phúc lên Hiển thánh cũng có khi phải trải qua thời gian chờ đợi, nghiên cứu mấy chục năm và phải có phép lạ làm chứng.

Giáo hoàng Gioan Phaolo II giảm thời gian tiến trình phong thánh xuống còn 5 năm. Thánh Têrêsa Cacutta qua đời năm 1997, được phong chân phước năm 2003 và phong hiển thánh năm 2016. Thánh Giáo hoàng Gioan PhaolôII qua đời năm 2005, được phong chân phước năm 2011 và phong hiển thánh năm 2014.

3. Thánh tử đạo Việt Nam và Lễ khai mạc Năm Thánh mừng kính các Thánh tử đạo

Ngày 19/6/1988 Giáo hoàng Gioan Phaolô II tổ chức trọng thể lễ phong thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt Nam tại Rôma. Năm 1988, Nhà nước đã chấp thuận Giáo hội Công giáo Việt Nam  được lấy ngày 24/11 hàng năm làm ngày lễ “Kính các thánh tử đạo Việt Nam” như Giáo hội Công giáo đề nghị. Từ đó đến nay Giáo hội Công giáo vẫn thực hiện theo tinh thần quy định của Nhà nước, cơ bản các hoạt động diễn ra trong cơ sở thờ tự, thuần túy Công giáo.

Trong 117 Thánh tử đạo Việt Nam được phong thánh năm 1988, được chia ra theo quốc tịch: 11 người gốc Tây Ban Nha: 6 Giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh; 10 người gốc Pháp: 2 Giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Pari; 96 người Việt Nam: 37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân, trong đó có 1 phụ nữ. Trong 117 Thánh qua đời dưới thời các vua chúa sau: 2 người dưới thời Chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767); 2 người dưới thời Chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782); 2 người do sắc lệnh của Chúa Cảnh Thịnh (1782 – 1802); 58 người dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1841); 3 người dưới thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847); 50 người dưới thời vua Tự  Đức (1847 – 1883).

Ngày 01/5/2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố tin Tòa thánh Vatican chấp thuận cho Công giáo Việt Nam tổ chức Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tuyên Thánh tử đạo cho 117 Thánh tử đạo Công giáo Việt Nam Khai mạc ngày 19/6/2018 (ngày phong thánh 19/6/1988), Bế mạc ngày 24/11/2018 (ngày lễ các Thánh tử đạo Việt Nam). Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức ở cấp giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ.

Trong Năm Thánh, mỗi giáo tỉnh, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ ấn định một trung tâm hành hương như Vương cung Thánh đường Sở Kiện (Giáo tỉnh Hà Nội); Trung tâm hành hương Thánh mẫu La Vang (Giáo tỉnh Huế), Trung tâm hành hương Ba Giồng, Mỹ Tho (Giáo tỉnh Sài Gòn). Ngoài ra tại mỗi giáo phận, Giám mục giáo phận sẽ chỉ định một nhà thờ hoặc một trung tâm làm địa điểm hành hương trong Năm Thánh. Các tín hữu được hưởng ơn toàn xá khi tham dự Lễ Khai mạc và Bế mạc, khi hành hương đến các địa điểm được chỉ định. Giáo hội Công giáo khuyến khích giáo dân làm các việc tông đồ, bác ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng,…

Trong ngày Lễ Khai mạc Năm thánh Tử đạo Việt Nam (19/6/2018), Tổng Giáo phận Hà Nội tổ chức Lễ Khai mạc năm thánh Tử đạo cấp Giáo tỉnh tại Vương cung Thánh đường Sở Kiện (Hà Nam). Tại Tổng Giáo phận Huế và Tổng Giáo phận Tp.Hồ Chí Minh mỗi Giáo phận có một chương trình và lịch riêng (chủ yếu các giáo phận tổ chức từ ngày 19/6 đến 30/6, một số Giáo phận Nha Trang và Giáo Phận Vĩnh Long tổ chức vào đầu tháng 7/2018, Giáo phận Thái Bình tổ chức từ ngày 15/6, một số Giáo phận tổ chức sau ngày 19/6 và có Giáo phận tổ chức vào đầu tháng 7).

Tại Giáo tỉnh Hà Nội, lễ Khai mạc Năm thánh đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Sở Kiện (Hà Nam) từ chiều ngày 18 - 19/6/2018 với khoảng 20.000 giáo dân tham dự, do Hồng y Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội làm chủ lễ và sự tham gia của 13 Giám mục và 300 linh mục thuộc 09 Giáo phận (Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm, Thanh Hóa, Thái Bình và Vinh) ngoài ra còn có Giám mục Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế cũng tham dự chương trình. Giám mục Hoàng Văn Đạt (Giám mục Giáo phận Bắc Ninh) đã có bài giảng lễ nói về các Thánh Tử đạo Việt Nam trong đó chỉ dẫn giáo dân: “mỗi người trong hoàn cảnh và khả năng của mình, chủ yếu là yêu mến, thể hiện qua não trạng và nếp sống công bình và bác ái mọi nơi, mọi lúc, theo gương Chúa Giêsu yêu mến đến cùng. Kế đến, cùng với mọi người thành tâm thiện chí, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, lập trường chính trị, nắm tay nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống trên quê hương Việt Nam”.

 Các Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động chủ yếu trong nội bộ Giáo phận với sự tham gia của Giám mục Chính tòa, Linh mục đoàn và giáo dân. Tại các giáo xứ, dòng tu đã đăng tải các bài viết về hạnh tích Thánh tử đạo dưới nhiều hình thức khác nhau như: bài viết lịch sử các Thánh tử đạo trên trang mạng truyền thông; dựng hình ảnh các Thánh tử đạo tại khu vực nhà thờ giáo xứ để giáo dân thăm quan, tìm hiểu; rao giảng trong các buổi lễ về việc noi gương các Thánh.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xuất bản cuốn “Hạnh các Thánh tử đạo Việt Nam” do Giám mục Nguyễn Văn Khảm chủ biên, ghi lại lịch sử của các Thánh tử đạo Việt Nam và phổ biến đến các giáo phận, dòng tu, hội đoàn Công giáo, trong đó khẳng định: “Bài học, rút ra từ những cái chết của các vị Tử đạo là bài học sự sống…Sự sống đó chính là tình yêu với những gì cao thượng và chân thật”… “Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút cho Thiên Chúa và tha nhân”.

Các hoạt động của Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam được Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền, các ban ngành liên quan của các địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Các hoạt động mừng Năm thánh mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam cơ bản diễn ra thuần túy tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự./.

Đào Thị Đượm