Thực hành tâm linh mới và sự gắn kết với cộng đồng có xu hướng gia tăng trong bối cảnh niềm tin và sinh hoạt tôn giáo truyền thống đi xuống
Ngày đăng: 12/12/2022
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Gallup, niềm tin của người Mỹ vào một vị thần toàn năng và có mặt khắp nơi tiếp tục giảm và đã giảm xuống còn 81%, giảm 6% so với năm 2017, mức thấp nhất kể từ khi Gallup khảo sát lần đầu tiên vào năm 1944.

Niềm tin này của người Mỹ đã đạt được mức 98% liên tục từ sau Thế chiến II cho đến khi con số này giảm xuống 92% vào năm 2011 và tiếp tục giảm trong thập kỷ tiếp theo.

Ở châu Âu, sự sụt giảm niềm tin như vậy thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2018, chỉ có 65% tin tưởng: 27% tin vào Thiên chúa trong Kinh thánh và 38% còn lại tin vào một “thế lực cao hơn”.

Đồng thời với những thống kê này là sự sụt giảm số lượng thành viên và số người dự lễ nhà thờ. Một cuộc khảo sát năm 2020 được thực hiện trước đại dịch với 15.278 hội đoàn tôn giáo ở Hoa Kỳ do Faith Communities Today thực hiện cho thấy một nửa trong khoảng 350.000 hội đoàn tôn giáo của nước này có dưới 65 người dự lễ vào bất kỳ ngày cuối tuần nào. Đó là mức giảm hơn một nửa so với mức tham dự trung bình là 137 người vào năm 2000.

Nhưng giữa các con số thăm dò đang giảm này, các nghiên cứu bổ sung đã phát hiện ra một xu hướng mới nổi: những người tự coi mình là “tâm linh”, nhưng không nhất thiết là “tôn giáo”. Đây là những người tin rằng có thế lực nào đó hoặc ai đó vĩnh hằng “ở trên cao” hoặc “sâu bên trong”, nhưng họ chọn các cách thức khác với sự thờ phượng truyền thống của giáo đoàn để kết nối với yếu tố hay nhân tố bất tử đó.

Các cách thức này, hay “các thực hành tâm linh”, bao gồm thiền định, yoga, tarot, đọc sách, ăn chay, hòa mình vào thiên nhiên, viết lách, tôn vinh tổ tiên và sáng tạo nghệ thuật,...

Trong một thời gian dài, người ta cho rằng những người thích sự cô độc của trải nghiệm tâm linh là ích kỷ và không tham gia vào các hoạt động cộng đồng như hoạt động chính trị, bầu cử, hoạt động tình nguyện và các cuộc tụ họp cộng đồng, hoặc ít tham gia vào các công việc và quan tâm của cộng đồng hay quốc gia. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng giả định đó là xa sự thật. Những người tham gia vào các thực hành tâm linh cũng có tinh thần cộng đồng như những người theo tôn giáo truyền thống.

Các nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo (JSSR) và Tạp chí Xã hội học Hoa Kỳ (ASR) đưa ra một trường hợp rằng các thực hành tâm linh có thể và thúc đẩy mọi người kết nối với nhau như những người đến nhà thờ dự lễ và thờ phượng.

Một số coi mình vừa theo cả tâm linh mới và vừa theo tôn giáo truyền thống. Theo nghiên cứu của JSSR, những người này đi đầu trong sự tham gia các hoạt động cộng đồng, theo sau là những người tự coi mình là người tâm linh nhưng không theo tôn giáo. Đi sau cùng trong sự tham gia hoạt động cộng đồng là những người coi mình là tôn giáo nhưng không phải là tâm linh.

Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là nhận thức, ý niệm mơ hồ, khao khát điều gì đó vĩ đại hơn bản thân chúng ta, dù nó có liên quan đến một cộng đồng đức tin được đặt tên cụ thể hay không, là động lực đã được chứng minh để một người bước ra khỏi tấm thảm, mở cửa, bước ra ngoài, lăn xả, dấn thân và tham gia bằng bất cứ cách nào người ta chọn, để tham gia vào việc giúp đỡ cộng đồng hoặc thế giới của mình tiến bộ hơn.

Điều đó cũng có nghĩa là cần ghi nhận, nhấn mạnh và hỗ trợ không chỉ những người xác định là tâm linh, mà còn cả khía cạnh tâm linh - chứ không chỉ tôn giáo - của bất kỳ giáo đoàn tôn giáo truyền thống nào mà người đó tham gia.

Điều đó mở ra viễn cảnh toàn cầu về sự phục hưng của đức tin và hoạt động xã hội tích cực được thúc đẩy bởi tâm linh./.

Bùi Quang Nhượng (tổng hợp và dịch theo worldreligionnews).