Lễ hội năm làng Mọc, biểu hiện sinh động đời sống văn hóa của người Việt cổ vùng ven Thăng Long
Ngày đăng: 01/06/2021
Ảnh: thanhxuan.hanoi.gov.vn
Kẻ Mọc nằm bên bờ sông Tô Lịch, phía Tây Nam của thành Đại La xưa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Cả vùng Kẻ Mọc có tên chữ là Nhân Mục, gồm 5 làng là Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), tục gọi là năm làng Mọc.

Lễ hội của từng làng Mọc được tổ chức hằng năm, vào dịp sau tết Nguyên đán. Địa điểm diễn ra lễ hội là ở đình các thôn Mọc, đó là đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất. Mỗi đình thờ mỗi vị Thần hoàng làng riêng của làng mình.

Đình Cự Chính thờ thần Thành hoàng là Lã Đại Liệu, ông là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công và Thánh Bà Trương Mỵ nương, con gái làng Quan Nhân. Đình Giáp Nhất thờ Thành hoàng làng là Phùng Luông, vị tướng đã cùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chống bọn đô hộ nhà Đường (thế kỷ VIII). Đình Phùng Khoang thờ Thượng đẳng Phúc thần Đoàn Thượng, một vị tướng thời Lý.

Theo tục lệ, cứ đến kỳ Đại hội (5 năm tổ chức một lần, mỗi kỳ do một làng đứng ra đăng cai), 5 làng Mọc sẽ cùng nhau tổ chức lễ hội trọng thể với nhiều nghi thức, trò diễn hấp dẫn, nhằm rước các thánh (Thành hoàng làng) du xuân, thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an.

Rước kiệu trong lễ hội năm làng Mọc. Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn

Xa xưa, lễ hội tổ chức kéo dài cả tháng, nay chỉ gói gọn từ 08-14/2 âm lịch, do phường Nhân Chính đảm nhiệm chủ yếu. Không gian lễ hội bắt đầu từ đình làng đăng cai và mở rộng ra ở cả năm làng, cùng các vùng phụ cận. Sau khi hoàn tất một số nghi lễ như: lễ mở cửa đình, lễ rước nước và lễ mộc dục, lễ y phong (mặc áo Thánh) là chính thức bước vào lễ hội. Lịch lễ hội được 5 làng Mọc thực hiện như sau:

Ngày 8/2 âm lịch, Mọc Phùng Khoang tổ chức múa rồng. Các tiểu ban lễ trình tại đình. Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất.

Ngày 9/2, tổng duyệt lần cuối đoàn rước.

Ngày 10/2, rước kiệu Thánh ông, Thánh bà, từ đình trong ra đình ngoài theo lệnh của ông khởi chỉ, bà khởi chỉ. Đồng thời, các dòng họ ở Cự Lộc, Chính Kinh, Phùng Khoang đội mâm lễ ra đình.

Ngày 11/2 tổ chức rước kiệu, rước Thánh. Đám rước bao gồm nghi trượng đủ bộ, trống bản, rồng, sư tử, đội múa sênh tiền, kiệu Thánh, kiệu Long đình, kiệu hoa, quan viên chức sắc, đội tế… của 5 làng.

Ngày 12/2 chính hội. Các làng rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó. Buổi sáng, Ban thể sát đón ông bà Khởi chỉ, Giai nam, Giai nữ ra đình làm lễ, sau đó tuyên bố khai mạc lễ hội và tổ chức lễ rước. Sau lễ rước, tổ chức tế hội đồng. Buổi chiều bế mạc, đội tế Nam Quan tế yên vị.

Ngày 13/2, buổi sáng, ông bà Khởi chỉ, Giai nam, Giai nữ làm lễ tạ, ban thể sát tổ chức đón như ngày hội. Buổi chiều các tiểu ban lễ hội làm lễ tạ.

Ngày 14/2 buổi sáng làm giỗ hậu. Buổi chiều thu dọn, hoàn tất lễ hội.

Ngoài việc tế lễ, rước xách, làng đăng cai còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ người, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, chọi gà, hát quan họ... làm tăng sức hấp dẫn của hội làng dịp đầu xuân. Lễ hội là biểu hiện sinh động những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống của cư dân người Việt cổ vùng ven Thăng Long khi xưa.

Ngày 27/5/2021 vừa qua, Lễ hội năm làng Mọc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Quyết định số 1727 ngày 27/5/2021 của Bộ VH, TT&DL về việc công nhận lễ hội năm làng Mọc là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

 

NL