Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Góc nhìn từ công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng
Ngày đăng: 20/10/2022
Chuẩn bị cho lễ hội Thành Bản Phủ (tỉnh Điện Biên)
Văn hóa là khái niệm rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực và hoạt động xã hội, thiết chế xã hội cụ thể. Trong đó, tín ngưỡng, tôn giáo là một lĩnh vực đặc thù thuộc về văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã được đề cập ở nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong nội dung này, chỉ xin đề cập công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng để cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

1. Một số trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Căn cứ Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Căn cứ Nghị quyết số 50-NQ/CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với 4 nội dung chính, gồm: (i) quan điểm, (ii) mục tiêu, (iii) nhiệm vụ và giải pháp, (iv) tổ chức thực hiện.

Quan điểm phát triển văn hóa đến năm 2030

Tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng trong Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác văn hóa, Chiến lược văn hóa đến năm 30 khẳng định 5 quan điểm:

Thứ nhất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; đảm bảo yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng.

Thứ hai, xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc, là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ tri thức, văn nghệ sỹ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Thứ ba, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Thứ tư, phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

Thứ năm, chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, to dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu phát triển văn hóa

Bên cạnh các quan điểm nêu trên, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể, liên quan đến từng phạm vi, từng lĩnh vực, từng giai đoạn, gắn với các số liệu, tỷ lệ và chỉ tiêu xác định. Khái quát hóa các mục tiêu cụ thể đó, Chiến lược đã chỉ ra mục tiêu chung trong chính sách văn hóa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải hướng tới và đạt được, đó là: (i)Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... (ii)Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (iii)Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế. (iv)Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa

Để thực hiện quan điểm và mục tiêu đề ra, phù hợp với định hướng của Đảng về công tác văn hóa, đồng thời giải quyết, khắc phục các vấn đề tồn tại trong công tác văn hóa ở trong nước, cũng như trước những thách thức mang tính khách quan, thời đại tác động đến việc phát triển văn hóa trên phạm vị toàn cầu, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào: (i) Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; (ii) Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; (iii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc;  (iv)Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa; (v)Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa.

Mô phỏng phiên chợ quê tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tổ chức thực hiện

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cũng có một số nhiệm vụ cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao cho cách bộ, ngành, địa phương chủ trì triển khai thực hiện.

Trong đó, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí, hướng dẫn về văn hóa công vụ, văn hóa ứng xử trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; xây dựng hệ thống chính sách đãi ngộ cho các văn nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật đặc thù. Như vậy, trong phạm vi công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ được giao xây dựng về tiêu chí, hướng dẫn về văn hóa ứng xử trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là những cơ sở tín ngưỡng có sự tham gia đông đảo người dân từ trong và ngoài nước.

Bên cạnh nội dung chủ trì triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nêu trên, trong chức năng của mình, Bộ Nội vụ còn có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công trức trực tiếp tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền cho các chủ thể văn hóa, tổ chức cá nhân tôn giáo, cộng đồng tín ngưỡng ý thức được giá trị của văn hóa và nguồn lực văn hóa trong đời sống xã hội.

2. Kế hoạch quản lý nhà nước về tín ngưỡng giai đoạn 2021-2026

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch  Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng giai đoạn 2021-2026, trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm như dưới đây.

Mục đích, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng

Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng của Bộ Nội vụ nằm trong định hướng chung trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì vậy, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng thuộc nhiệm của hệ thống hành chính phải đảm bảo các yêu cầu và mục đích vừa mang tính nguyên tắc, lại vừa mang tính cụ thể như sau đây:

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng phải bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trong các hoạt động về tín ngưỡng của mọi người. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng trong thời gian tới.

Cả tầm vĩ mô và vi mô, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng phải bảo tồn, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp trong các hoạt động tín ngưỡng, đồng thời hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động tín ngưỡng tiêu cực, trái pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định xã hội, ngăn chặn các thế lực xấu lợi dụng tín ngưỡng làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao trong lĩnh vực nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định sự nhất quán của Đảng, Nhà nước về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Nội dung công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng

Cụ thể hóa việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kế hoạch công tác  quản lý nhà nước về tín ngưỡng xác định một số trọng tâm công tác, là:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình thực trạng tín ngưỡng, tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng đến cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để hiểu rõ, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác đối với tín ngưỡng.

Tổ chức các hội thảo, tọa đàm và các hội nghị hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng cho những đối tượng thực hành tín ngưỡng như người đại diện, ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, người chuyên hoạt động tín ngưỡng (thủ nhang, thanh đồng, thầy cúng, thầy mo,...) để hiểu và thực hành tín ngưỡng đúng chủ trương, chính sách, pháp luật.

Tuyên truyền, vận động người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người có uy tín trong cộng đồng tín ngưỡng, phát huy vai trò của đảng viên, hội viên các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp là người am hiểu tín ngưỡng để giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, giảm thiểu những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động tín ngưỡng.

Biên soạn sách, tài liệu, bài viết, tờ gấp, phóng sự, film tư liệu,… phục vụ công tác tuyên truyền liên quan đến tín ngưỡng với những nội dung chuyên đề như: Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng; Những đặc điểm cơ bản của tín ngưỡng; Thực trạng tình hình tín ngưỡng ở Việt Nam và từng vùng miền; Hoạt động của một số loại hình tín ngưỡng phổ biến; Giá trị văn hóa đạo đức của tín ngưỡng; Những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng; Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng,… để phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ và thực hiện tuyên truyền trong lĩnh vực tín ngưỡng.

Lễ đón Bằng công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 02/4/2017

Thứ hai, tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản pháp luật khác có liên quan và đối với các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng chưa được pháp luật quy định.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động, thực hành tín ngưỡng đúng quy định pháp luật. Nâng cao cảnh giác, không tin theo và không tham gia những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng vi phạm pháp luật. Phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp trong hoạt động tín ngưỡng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, pháp luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát, nắm tình hình hoạt động tín ngưỡng, nhất là một số hoạt động tín ngưỡng phổ biến như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ vua Hùng, anh hùng dân tộc, thờ Mẫu, tín ngưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số; một số tín ngưỡng có sự ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội; một số tín ngưỡng có đặc điểm gần với tôn giáo, một số “hiện tượng tôn giáo mới” hiện nay. Bên cạnh đó, thực hiện khảo sát tình hình sử dụng đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng ở địa phương, trong đó làm rõ chủ thể sở hữu tài sản của cơ sở tín ngưỡng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tín ngưỡng; công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng để kịp thời có giải pháp đồng bộ.

Thứ tư, tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tránh sự chồng chéo, bỏ trống trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tín ngưỡng, hoạt động của các tín ngưỡng là di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh và hoạt động tín ngưỡng tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đồng thời, Kế hoạch cũng xác định việc cần thiết phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng như: công tác an ninh, những vấn đề liên quan đến đất đai cơ sở tín ngưỡng, công tác truyền thông, hay các yếu tố liên quan đến năng lượng đặc biệt trong chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe.

Thứ năm chủ trì, phối hợp các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế những điểm nóng liên quan đến tín ngưỡng.

Có thể nói, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng cũng như kế hoạch công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng đã được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng giai đoạn 2021-2026 là tương đối toàn diện, vừa giải quyết những mục tiêu chiến lược, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của mọi người dân, lại vừa đáp ứng thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên từng phạm vi địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, để công tác văn hóa nói chung và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng nói riêng đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó vai trò trung tâm thuộc về hệ thống ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo./.

TS. Lê Trung Kiên