Sức mạnh nguồn cội trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Ngày đăng: 28/11/2023
Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng của tháng Tư gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, người dân Việt Nam nô nức chuẩn bị cho ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba Âm lịch. Điều này không chỉ thể hiện truyền thống của người Việt Nam là nhớ ơn cha mẹ, ông bà, Tổ tiên theo huyết thống của mình, mà còn tôn vinh những người có công trong việc khai làng, lập ấp.

1. Tìm về nguồn cội

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở Việt Nam có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Theo dòng lịch sử của dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã đưa các Vua Hùng với tư cách là nhân vật lịch sử vào chính sử, như: Việt Nam thế chí của Hàn lâm Viện học sĩ Hồ Tông Thống ghi chép năm 1372; Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435; Ngọc phả Hùng Vương do Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) giao cho Hàn lâm Trứ học sĩ Nguyễn Cố lập năm 1470; đặc biệt, năm 1917, dưới triều Vua Khải Định, Bộ lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy ngày mùng Mười tháng Ba Âm lịch hằng năm để cử hành “Quốc tế”.

Một dấu mốc quan trọng thể hiện sự tiếp nối của lịch sử trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là: năm 1946, một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa” ngày 18/02/1946 quy định về những này nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày lễ tôn giáo, trong đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba Âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng ở Phú Thọ, Bác Hồ đã ân cần dặn dò cán bộ, chiến sỹ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bên cạnh đó, trong những văn bản quy phạm của Nhà nước ta sau này cũng đã quy định rất rõ về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba Âm lịch. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240103010134-1.jpeg

Giỗ Tổ Hùng Vương, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam

Năm 1962, Đền Hùng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2009, Đền Hùng được công nhận là một trong 10 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự do bày tỏ, thực hành tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật nhằm mục đích bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cội nguồn, trong đó, có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước luôn hướng về cội nguồn dân tộc, như trong câu ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Không chỉ dừng lại ở phạm vi đất nước Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được cả bạn bè quốc tế biết đến khi Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại kỳ họp lần thứ 7 ngày 06/12/2012. Sự kiện này đã khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc và sức sống, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

2. Vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong thời đại ngày nay

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình tín ngưỡng thể hiện truyền thống, đạo lý của người Việt Nam: “con người có tổ có tông”, trở thành một trong những thành tố tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ có ý nghĩa bồi đắp về mặt tâm linh, ý thức cội nguồn mà còn góp phần quan trọng vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vai trò quan trọng thể hiện trên một số mặt sau:

Một là, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những ý nghĩa đặc biệt của nó đã góp phần hình thành bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, góp phần củng cố ý chí độc lập, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Hơn thế nữa, trải qua hàng nghìn năm lịch sử tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang góp phần bảo lưu vững chắc giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hai là, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi dây gắn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc qua các giai đoạn lịch sử, không chỉ phản ánh tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn là biểu tượng của ý thức hệ dân tộc.

Ba là, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Việc Unesco công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã mở ra một không gian văn hóa rộng lớn, trải dài từ Bắc vào Nam, từ trung tâm Đền Hùng Phú Thọ đến Đền thờ Vua Hùng ở tỉnh Cà Mau, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam, hình thành nên nét đặc sắc của văn hóa nhân loại.

Bốn là, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần tăng cường đồng thuận xã hội. Trước hết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần tăng cường đồng thuận xã hội về mặt tâm lý đạo đức, là sự thừa nhận những giá trị chung của con người Việt Nam như đạo lý hướng về cội nguồn, tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường đồng thuận trong quan hệ chính trị. Trải qua các giai đoạn lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đồng thuận giữa chính quyền với người dân. Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương và do Nhà nước chủ trì, được quy định là ngày nghỉ lễ của cả nước.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội lan truyền rộng khắp toàn cầu, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống lại càng được chú trọng hơn. Phát triển mạnh mẽ nền văn hóa và con người Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hóa văn hoá; đồng thời, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, giáo dục của nhân loại để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại. Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đem lại thực sự trở thành một yêu cầu cấp thiết, bởi đó là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng ở tầm quốc gia, dân tộc.

Trần Thanh Liêm