Tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
Ngày đăng: 01/11/2022
Đình Lão Hộ, huyện Yên Dũng là một trong số di tích tiêu biểu thờ Thánh Tam giang trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
1. Khái quát về tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang

Bắc Giang là vùng đất phên dậu của kinh thành Thăng Long qua nhiều thế kỷ. Trong lịch sử nơi đây đã từng là chiến địa của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng đồng thời cũng là vùng tụ cư của các cư dân đến khai hoang, phục hoá lập ấp, lập làng. Những người có công trong công cuộc chống ngoại xâm và dựng xây làng xã lần lượt được dân thờ phụng và được nhà nước phong kiến ban sắc phong thần.

Qua kiểm kê di tích ở Bắc Giang cho thấy về cơ bản triều đình phong thần nhiều nhất cho thần sông, thần núi và thiên thần; còn nhiên thần, nhân thần, thổ thần rất ít được nâng lên thành "Thành hoàng" làng. Thần sông được phong làm Thành hoàng có Thánh Tam giang, Bằng giang, Nam Bình giang, Bò giang, Minh giang…

Thánh Tam giang là danh xưng chung của hai anh em họ Trương là: Trương Hống, Trương Hát. Hai ngài còn có 2 người em trai nữa là Trương Lừng, Trương Lẫy và một người em gái là Đạm Nương. “Các ngài là nhân thần. Ngày 5 tháng giêng, đức Thánh Mẫu đẻ ra một bọc 5 con, gồm 4 trai, 1 gái. Sinh thời làm quan tể tướng của Triệu Việt Vương, dẹp giặc nhà Lương”. Tên gọi Tam giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại phong kiến Việt Nam ghi trong sắc phong, ban cho các làng xã thờ phụng: “Tam giang thượng đẳng thần”. Tên gọi "Thánh Tam giang" có lẽ còn bắt nguồn từ đặc điểm nơi thờ phụng, qua khảo sát cho thấy Thánh Tam giang chủ yếu được thờ dọc lưu vực ba con sông là sông Cầusông Thươngsông Cà Lồ.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang thường có ở các làng ven lưu vực sông Cầu là chủ yếu. Hiện có 102 đình, đền, nghè thờ Thánh Tam Giang trên địa bàn; mật độ di tích thờ Thánh Tam giang dày đặc ở hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (nơi có sông Cầu chảy qua). Các làng ở khu vực này hầu hết là làng cổ, được hình thành từ lâu đời và có nhiều nét văn hóa gắn liền với sông nước như: Quang Biểu, Đạo Ngạn, Thượng Lan, Hạ Lan, Thượng Lát, Hạ Lát, Vân, Trúc Tay, Mai Thượng, Phú Cốc, Mỗ, Mang, Thương Thốn, Yên Điềm, Mai Hạ, Nguyễn, Nội Hương, Mai Phong, Hương Thịnh, Bái Thượng, Xuân Biều, Cảnh Mỹ, Tân Chung, Nam Sơn, Lý Viên, Tiên La…

Gắn với hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa là các sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc mang đặc trưng văn hóa vùng miền như lễ hội bơi chải, tung hoa làng Mai Thượng (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa), hội vật cầu nước làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên)... Tỉnh Bắc Giang hiện có 94 lễ hội với những tập tục sinh hoạt văn hoá dân gian liên quan tới tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang. Đây là những di sản văn hóa vô giá cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại.

Lễ hội vật cầu nước làng Vân Hà, huyện Việt Yên gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang

2. Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang trong đời sống xã hội của người dân Bắc Giang

Theo quan điểm của triết học Mác-xít, tín ngưỡng, tôn giáo thuộc về phạm trù ý thức xã hội, nó sẽ bị  tồn tại xã hội quyết định theo đúng quy luật khách quan. Tuy nhiên, tín ngưỡng, tôn giáo cũng có tính độc lập tương đối, nó có tác động trở lại và gây ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến đời sống xã hội. Tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ở các làng, xã có tác động tốt đến việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Cùng với xu hướng thế tục hóa của tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang đã hòa mình vào mọi hoạt động sống của xã hội. Nó trở thành sợi dây vô hình liên kết giai cấp, tầng lớp trong một lợi ích chung, tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Lồng ghép với các hoạt động tín ngưỡng giúp cho các đoàn thể thêm thuận lợi trong công tác vân động quần chúng tích cực sản xuất phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh và tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương.

 Việc duy trì tổ chức các sự lệ liên quan tới tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang tại các làng xã hằng năm tạo ra sự trao truyền, tiếp nối của các thế hệ, giúp bảo lưu truyền thống văn hóa các làng xã, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Việc thực hiện nhu cầu tín ngưỡng giúp người dân giải tỏa tâm lý, an tâm hơn trong cuộc sống. Qua các hoạt động thờ cúng và lễ hội, người với người xích lại gần nhau, thông cảm, xẻ chia với nhau hơn, tình đoàn kết anh em, xóm giềng được củng cố. Qua sinh hoạt lễ hội cũng làm cho con người hiện tại được sống cùng quá khứ, ước mơ hướng tới ngày mai. Việc thực hiện các nghi thức trong tế lễ khiến mọi người thêm tôn trọng nội quy, luật tục, tôn trọng lẫn nhau và ứng xử có văn hóa hơn. Đến chốn linh thiêng mọi người đều giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động, ai cũng rất chú ý để không ảnh hưởng đến quy định chung. Những biểu hiện ấy tưởng chừng rất nhỏ nhưng có giá trị rất lớn trong việc tạo nên nép đẹp văn hóa, bảo tồn giá trị đạo đức nhân văn truyền thống, góp phấn giảm bớt các tiêu cực xã hội.

Với những nét đặc sắc của phần lễ trong việc tế lễ Thành hoàng và các hoạt động văn hóa thể thao trong phần hội, các làng thờ Thánh Tam giang ở Bắc Giang đã và đang thu hút hàng nghìn khách thập phương tới tham quan và tham dự các lễ hội hàng năm. Trong dịp lễ hội, mọi người dân trong làng đều tự giác tham dự, từ các cụ già tám mươi, chín mươi tuổi đến các em nhỏ. Điều đó chứng tỏ hội lễ của làng là một nhu cầu tâm lý của tất cả dân làng với một động cơ chung là ôn lại truyền thống của làng. Qua đó nâng cao được ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên đối với cả cộng đồng làng.

Lễ hội bơi chải làng Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực nói trên, tín ngưỡng thờ thánh Tam Giang cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đối với đời sống xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong các lễ hội thờ Thánh Tam giang, song hành với những mặt tích cực kể trên còn tồn tại những hiện tượng tiêu cực như buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, trò chơi đỏ đen... Trong những ngày lễ hội, trước cổng đình, đền, nghè đều xuất hiện dịch vụ đổi tiền lễ, bán vàng mã, sách xem vận hạn tốt xấu không có nguồn gốc xuất sứ, các dịch vụ ăn uống không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm bủa vây sung quanh di tích. Bên trong di tích tiền công đức, tiền giọt dầu rải khắp nơi, thậm chí gài trên mũ, đặt vào tay, chân Thánh... nhìn rất phản cảm, dung tục trước chốn thanh khiết, linh thiêng.

Ngoài một số ít những người đến lễ hội để vãn cảnh, số đông còn lại chuẩn bị một số tiền không nhỏ để thể hiện sự tín tâm của mình. Phần nhiều những người đi lễ Thánh hiện nay đều mang trong mình tâm lý cúng nhiều tiền, mâm cao cỗ đầy thì mới thiêng (càng dâng nhiều, Thánh càng ban nhiều tài lộc). Như vậy, họ đến với Thánh, thể hiện lòng thành trước Thánh không vì nhu cầu tâm linh mà vì nhu cầu, mục đích kinh tế.

Với niềm tin vào đức Thánh của làng, nhiều người dân không ngần ngại bỏ tiền của sắp lễ thật lớn, đốt thật nhiều vàng mã để mong đức Thánh phù hộ nhiều hơn cho gia đình mình. Những việc làm như vậy không chỉ ảnh hưởng về đời sống kinh tế của người dân mà còn làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, không gian thờ phụng.

Các trò chơi dân gian trong lễ hội thờ Thánh Tam giang hiện nay đang dần mai một, thay vào đó là các trò chơi hiện đại mang tính ăn thua, đỏ đen, lừa đảo như: Chiến nón kỳ diệu, cua-cá, chẵn-lẻ, phi tiêu trúng thưởng. Nhiều nơi chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phát động ủng hộ tiền và ngày công cho công việc tập thể như: làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, nhà trẻ...gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu huy động cho việc tu bổ, tôn tạo di tích, mua sắm đồ thờ thì người dân lại rất sẵn lòng.

Những biểu hiện kể trên trong các lễ hội thờ Thánh Tam giang cho thấy mặt trái của nền kinh tế thị trường đã xâm nhập sâu vào một bộ phận không nhỏ người dân, tác động trực tiếp đến đạo đức, lối sống, hình thành tư duy lối sống thực dụng trong hoạt động lễ hội (trần sao âm vậy).

Bên cạnh đó, tín ngưỡng, tôn giáo là là lĩnh vực nhạy cảm và là một phần không thể thiếu của đời sống. Chính vì vậy, tín ngưỡng, tôn giáo dễ bị lợi dụng kích động gây bức xúc dư luận, mất đoàn kết, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự xã hội. Bởi vậy, nó chi phối không nhỏ đến sự ổn định chính trị-xã hội. Cũng chính bởi tin vào sự phù hộ của Thánh đã tạo nên tâm lý an phận, thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự may rủi, không cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống của một bộ phận nhân dân.

3. Phát huy vai trò của tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang trong đời sống xã hội

Một là, thừa nhận sự tồn tại khách quan của tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ở Bắc Giang: Tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang nằm trong vốn văn hóa truyền thống của nhân dân trong tỉnh, cần phải được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu tinh thần chính đáng của số đông quần chúng. Điều này đã được Đảng và Nhà nước khẳng định trong nhiều văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật. Mọi hành vi, thái độ từ mặc cảm, thành kiến, phân biệt đối xử, cấm đoán, cưỡng ép đến can thiệp thô bạo tới quyền tự do tín ngưỡng của công dân không chỉ đi ngược lại quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Ở nhiều địa phương, do hạn chế về trình độ mọi mặt nên đã có lúc vi phạm nguyên tắc này. Do đó, cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, giúp họ thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như những ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) của tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang nói riêng trong đời sống cộng đồng.

Hai là, quan tâm đến sự tác động trở lại của các lĩnh vực trong đời sống xã hội đối với tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang: Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Bắc Giang đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của tỉnh. Đời sống kinh tế - văn hóa của các tầng lớp dân cư trở nên khá đa dạng. Hầu hết mọi làng quê không còn thấy sự hiện diện của nhà tranh, vách đất như những năm trước đổi mới. Ngược lại, nhiều nhà mái bằng, nhà cao tầng đã mọc lên thay thế những nhà mái ngói. Nhiều làng xóm trông cảnh quan không kém gì những dãy phố nơi đô thị. Dân số tăng nhanh, đất đai thu hẹp dần, đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp do việc “đổi đất lấy công trình”, tức là bán một phần đất ở hoặc đất canh tác cho các doanh nghiệp mở nhà xưởng đế lấy tiền đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Vấn đề đặt ra đối với các địa phương hiện nay, là coi trọng kinh tế nhưng không nên xem nhẹ yếu tố văn hóa, giáo dục và nhu cầu tinh thần của nhân dân. Ngay trong khi phát triển kinh tế phải quan tâm định hướng về văn hóa trên cơ sở giữ gìn và phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc địa phương vốn được lưu truyền trong dân gian như những loại hình tín ngưỡng, những câu hát, điệu múa, trò chơi dân gian; đồng thời, biết tiếp thu những yếu tố văn hóa mới tiến bộ của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu để phát hiện trong vốn văn hóa của cha ông còn những gì chưa được khám phá, những gì còn bị vùi lấp trong lớp bụi thời gian để tiếp tục “gạn đục khơi trong”. Xây dựng một lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh không còn mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Chú trọng văn hóa ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chính văn hóa sẽ giúp cho kinh tế phát triển thuận lợi và bền vững. Chú trọng công tác giáo dục, bởi lẽ, chỉ có kiến thức phong phú mới giúp cả kinh tế và văn hóa phát triển song hành.

Ba là, xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ở Bắc Giang cần dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể và tâm tư, tình cảm của nhân dân: Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền có những hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Không nên đem cách thực hành văn hóa, tín ngưỡng ở vùng này về vùng khác, địa phương này về địa phương khác một cách chủ quan, tùy tiện. Việc kế thừa, học tập các nơi khác cũng phải biết chọn lọc, biết “gạn đục khơi trong”. Bất cứ làng quê nào, dù đã tồn tại từ lâu đời hay mới được hình thành đều tiềm ẩn những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng riêng của mình. Do vậy cần phải thấy hết những điều kiện khách quan và chủ quan của từng làng, xã liên quan tới đời sống tâm linh của con người như thế nào. Ngược lại, cũng cần thấy được tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang có nguồn gốc từ đời sống hiện thực, phản ánh và chịu sự quy định của chính thực tiễn cuộc sống. Nó luôn được bổ sung bởi chính thực tiễn cuộc sống đang hàng ngày hàng giờ biến đổi chứ không phải là “nhất thành bất biến”. Do đó, việc giữ gìn và phát huy tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang phải luôn gắn liền với thực tiễn, với những sự vận động và biến đổi thường xuyên của đời sống kinh tế, chính trị xã hội và văn hóa, phù hợp với mọi đối tượng khác nhau như: nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ, thanh niên, sinh viên, phụ nữ... tránh sự áp đặt chủ quan duy ý chí. Phải thường xuyên xem xét, lắng nghe ý kiến của nhân dân để rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình sửa đổi, bổ sung chủ trương chính sách sao cho phù hợp với sự vận động của thực tiễn.

Bốn là, Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội cần quan tâm định hướng đúng đắn nhu cầu tín ngưỡng hợp lý của nhân dân: Sinh hoạt tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang là những hoạt động thuộc ý thức xã hội, là nhu cầu tâm linh văn hóa của cộng đồng. Do vậy, giữ gìn và phát huy truyền thống này phải gắn với việc khơi dậy ý thức của mỗi con người để họ làm chủ được hoạt động của mình, không bị nhầm lẫn, bị lòe bịp hoặc lôi cuốn, sa ngã vào mê tín dị đoan. Có nhận thức đúng đắn thì người dân mới không bị niềm tin mù quáng chi phối, mới chế ngự và điều chỉnh được các hành vi và hoạt động của mình.

Muốn làm được điều đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu. Trước những thời cơ và thách thức mới, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước hoàn toàn không phải là sự khắt khe, chế ngự đối với nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân như một số người đã hiểu lầm. Đó chính là hành lang khoa học định hướng và đảm bảo cho các hoạt động tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang phát huy được những ảnh hưởng tích cực, đồng thời, ngăn chặn và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội. Sự hướng dẫn, giúp đỡ, giáo dục của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chỉ thực sự phát huy hiệu quả và có ý nghĩa nếu mỗi cá nhân biết gắn bó chặt chẽ lợi ích của mình với lợi ích cộng đồng trong sự nghiệp chung.

Từ những điều trên cho thấy, Tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang đã để lại những giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị trên quê hương Bắc Giang. Đó là hệ thống di tích bao gồm các công trình đình, đền, nghè có giá trị lịch sử, văn hoá; nhiều di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang còn được thể hiện rõ nét và sinh động qua các lễ hội và phong tục tập quán. Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa có sức lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội và nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của nhân dân ta trong nhiều thế kỷ. Đánh giá đúng đặc điểm, thực trạng, và những vấn đề đặt ra của tín ngưỡng thờ Thánh Tam giang ở tỉnh Bắc Giang hiện nay để có cái nhìn khách quan về những giá trị tích cực cũng như những hạn chế, tiêu cực của loại hình tín ngưỡng này nhằm đề xuất những giải pháp phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó trong quá phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nghiên cứu tín ngưỡng thờ thánh Tam giang cũng chính là góp phần vào quá trình gạn đục khơi trong, phát huy những giá trị tích cực của các loại hình tín ngưỡng trong quá trình xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

ThS. Nguyễn Thị Duyên