Đôi điều về tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở An Giang
Ngày đăng: 01/12/2022Người Khmer ở tỉnh An Giang hiện lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh các hoạt động lễ hội thường niên như CholChnam Thmay, Phật đản, Ok-Om-Bok, Sene Dolta, Dâng y Kathina… lấy các ngôi chùa Nam tông làm trung tâm tổ chức và cử hành nghi thức, người Khmer tại An Giang còn lưu giữ một số tín ngưỡng dân gian như thờ thần Ông Tà, thần Arak Neak Tà, cách đuổi tà ma… Trong số này, bên cạnh những tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của người Khmer, thì vẫn tồn tại một số điểm còn hạn chế.
Tín ngưỡng thờ Ông Tà
Tín ngưỡng thờ Neak Tà hay thờ Ông Tà tồn tại từ thời sơ khai của người dân Nam Bộ. Neak Tà là vị thần thuộc Tà thần, được người dân Khmer tôn kính, cúng vái cầu những việc mà ta mong muốn. Về nguồn gốc, Naek Tà là một trong những loại hình tín ngưỡng cổ xưa, xuất phát từ Bà la môn giáo, có nghĩa như sau: " Neak" là ý nói đến con người nói chung và "Tà" là chỉ một người đàn ông có tuổi hoặc thuôc phái nam. Có thể hiểu, Neak Tà là vị thần có hình là người đàn ông có tuổi. Về quyền năng, dân chúng quan niệm Ông Tà là một vị phúc thần và là thần bảo hộ trong phum sóc của người Khmer.
Nếu như người Việt, người Hoa có thờ Ông Địa và Thành Hoàng thì người Khmer thờ Ông Tà như là một vị thần cai quản đất đai nơi chung quanh Ông ở. Người Khmer An Giang tin rằng, Ông Tà là thần bảo hộ xung quanh cho phum sóc của mình. Khi có việc gì thì đến miếu Ông Tà vái xin, dù việc lớn hay nhỏ, quan trọng hay bình thường thì cũng đến cúng như: đau bệnh, làm ăn không khá, xui xẻo,...
Khi đi vái Ông Tà phải mang theo 5 cây nhang (họ cho rằng tại miếu sẽ có 5 ông thần ở đó kể cả Ông Tà), lễ vật ban đầu có thể là nải chuối, trái cây, cá hấp, bánh kẹo,... sau khi vái, nếu như ước nguyện thì trả lễ vật sẽ theo mức độ việc lớn nhỏ mà cúng lễ như: đầu heo, gà, vịt luộc,....
Nhưng lễ vật cúng Ông Tà thông thường nhất chính là nải chuối. Khi cúng nải chuối phải có một quả được bóc vỏ phân nửa để Ông Tà dùng. Ông Tà không hình dạng vì không ai biết. Từ xưa đến nay, người dân chỉ thờ vật tượng trưng. Ví dụ như một, hai hoặc ba cục đá nhẵn bóng, giống như đã bị mòn, vừa bằng khoảng cùm tay người lớn, đặt vào miếu cùng một ly cắm hương. Cũng có nơi chỉ có miếu và ly hương thôi chứ không có cục đá hay hình tượng nào.
Ban thờ Ông Tà tại gia đình người Khmer
Miếu thờ của Ông Tà rất đơn giản chỉ làm bằng những cây tre, lá thốt nốt, lá dừa,...hoặc có chỗ thì làm bằng xi măng, gạch rồi chọn một hốc đá hay nơi nào có bống mát như bụi tre, cây cổ thụ,... Tất cả có đặc điểm chung là thấy cây hương tàn, cục đá, một tượng đất nặn hình dạng một vị thần mà người dân tưởng tượng ra.
Tín ngưỡng thờ Arak Neak Tà
Ở một số nơi, người dân Khmer hoà nhập Arak với Neak Tà gọi là Arak Neak Tà. Arak được người dân ở đây hiểu như là một vị thần bảo vệ và gìn giữ cho mình. Ở Nam Bộ, người ta cho rằng Arak có nguồn gốc từ linh hồn của người đã chết tồn tại trong dân gian. Họ đem thờ những linh hồn ấy bằng ngày cúng cơm, bánh, trái; hoặc cầu thỉnh khi có việc xui xẻo không tốt đến họ, gọi là cúng "mã người đã khuất". Nếu như sự việc quan trọng sẽ có thầy cúng xem cho, cần cúng những lễ vật gì theo yêu cầu của Arak.
Có rất nhiều Arak: Arak bảo vệ gia đình (Arak TrâKhâul), Arak giữ rừng (Arak Preay), Arak của dòng họ (Arak Chou-buô),... Tích về Arak được truyền miệng trong dân gian Nam Bộ rằng: "Ngày xưa có một vị sư tên là Lô Kta sống dậy. Ông đi vận động bà con Phật tử ở Phum Sungke đóng góp xây dựng một ngôi chùa ở đây. Trong khuôn viên chùa ông trồng nhiều loại cây, có cả cây chuối. Nhưng ở nơi trồng chuối, ông trồng đi trồng lại nhiều lần mà cây chuối vẫn chết. Quá ngạc nhiên, ông cho đào chổ ấy lên. Xuống sâu khoảng nửa thước gặp hai phiến đá chồng lên nhau, ông cho lấy hai phiến đá lên, thấy ở dưới có một bức tượng bằng đá. Tin ấy đồn đi khấp nơi, bà con xúm nhau lại xem rồi làm phước cho tượng đá ấy ba ngày đêm. Xong họ đem tượng đá rửa sạch bùn, thấy hiện rõ đó là tượng một người phụ nữ, có búi tóc ở đỉnh đầu, bà con cho là tượng nữ thần. Lúc đó ở gần chùa có một bà lão tên Dsay Khmau, bà bị bệnh phù thủng hơn hai năm nay nhưng không khỏi bệnh. Khi nghe ở chùa có tượng nữ thần, bà cho cháu gái xin đi rước thần, đem về bà thoa khắp thân mình. Lạ thay, bệnh tình của bà lão thuyên giảm dần đến ngày thứ bảy thì khỏi hẳn luôn. Sau khi khỏi bệnh, bà lão mới đến chùa lạy tạ ơn cứu mạng của nữ thần.
Từ đó về sau, mọi người trong Phum sóc có bệnh hoạn gì hoặc điều gì không may thường đến cầu cúng Deay Khmau xin bà lão hãy nhập thần để chỉ bảo.
Vì vậy, Arak Neak Tà là tín ngưỡng lâu đời của người Khmer ở vùng bảy núi An Giang, người dân tin vào những điều tốt đẹp do Arak Neak Tà mang lại, đó là hóa giải được tật bệnh, những khó khăn trong cuộc sống, làm cho người dân có cuộc sống tươi đẹp hơn.
Tín ngưỡng trừ ma
Không chỉ riêng người Khmer theo Phật giáo tin rằng có một thế giới bên kia, là thế giới dành cho người chết. Mà theo quan niệm người Khmer cho rằng, hướng Tây là hướng của sự chết, của cõi âm. Con người khi chết đi sẽ về cõi này, chờ xét xử, tội ác của bản thân ở trần gian sẽ bị phán xử khi con người bước qua thế giới bên kia.
Cũng như dân tộc Việt, tín ngưỡng đa thần của Bà la môn giáo vẫn còn tồn tại, lưu giữ trong tâm thức người dân Khmer và quan niệm về thế giới bên kia, không chỉ có người chết, mà trong đó còn có thần thánh, ma quỷ. Người Khmer phân biệt rõ ma (Thmot) và quỷ (Bay sach). Ma lại được chia thành hai loại, là ma rừng (thmot pray) và ma trong dòng họ (thmot chua). Ma rừng là ma sinh sống trên cây to, thường hay dọa người sống. Ma trong dòng họ là người thân đã quá vãng mà chưa kịp đi đầu thai, ma thuộc loại này hiền và có khi theo giúp đỡ những người trong gia đình, dòng họ.
Quỷ thường ác hơn ma, gồm hai loại, một là do con người tạo ra bằng cách phù phép để làm những việc ác hại người, hai là gồm những người chết bất đắc kỳ tử, chết trẻ, chết vì uất ức, tức giận không đầu thai sang kiếp khác mà linh hồn vất vưởng để trêu ghẹo, trả thù. Mỗi loại ma quỷ có hình dạng khác nhau khi xuất hiện, vì thế người ta đặt tên cho chúng như là những vật hữu hình như quỷ Misa, quỷ đói Bây sách, quỷ Cô hồn (Thmot Lonn), quỷ bào thai (Konn Krot)…
Người Khmer An Giang tin rằng những người xấu, chết oan, số đoản mạng,...khi chết mà không được siêu thoát sẽ ở lại trên thế gian phá hoại dân chúng. Những vong hồn ấy sẽ đi phá hoại, hù doạ xung quanh trong phum sóc của ngươi dân làm cho người sống bất an, những căn bệnh không rõ nguyên nhân, bị xui xẻo,...họ nói là bị ma ám, ma nhập, quỷ ám, quỷ nhập,... Họ tin rằng, hồn ma chỉ hoạt động vào ban đêm, người nào hợp với nó mới thấy. Nếu như thấy ma thì người dân phải dùng đồ vật bẩn có ngay tại lúc ấy, như quần của người phụ nữ, nước tiểu, để tát hoặc quất lên hồn ma, ngăn chúng không tới gần được mình. Có thể lý giải cách đánh ma này như sau: Ma vốn sợ sự ô uế không được siêu thoát. Dùng những thứ giơ bẩn đánh vào nó là cách tốt nhất để trừ ma.
Trong đời sống thường ngày, người Khmer tin rằng mặt kiến có thể trừ ma với những oai lực giống như gương phản chiếu của người Hoa dùng để chiếu yêu hiện hình và tan biến linh hồn, không thể siêu sinh. Khi cơm nước còn lại thì phải đậy nắp kỹ lưỡng nếu không ma đói vào ăn sẽ hại cho ta. Hoặc thuốc uống nấu để cho người uống thì phải để một cái mặt kiến vào đó để khi hồn ma bưng lên uống thì hình dạng mình hiện ra quá xấu thì từ đó về sau sẽ không tới phá nữa. Có thể giải thích lý do là vì ma chết oan, chết không biết ngày tháng, hình dạng của mình như thế nào, không thể nhận biết được cho nên lần đầu tiên hay về sau khi biết là chính mình đã không còn như trước nữa thì rất sợ thấy hình dạng ấy của chính nó. Nếu như người Hoa dùng cây kiếm gỗ của thầy pháp để trừ ma thì người Khmer dùng đũa bếp trong gia đình mình để trừ ma.
Nếu một người nào bị ma nhập vào không sức ra được thì người dân Khmer tìm cây đũa bếp trong nhà mà đánh vào người bị nhập, chỉ đánh nhá nhá làm chứng vậy thôi nhưng hồn của ma, quỹ sẽ sợ mà sức ra. Một điều cấm kỵ là không được cầm cây đũa bếp mà rõ không vì hồn ma rất ghét tiếng động và nhất là tiếng của cây đũa phép lâu năm của một gia đình nào đó.
Thuật ếm
Bên cạnh những tín ngưỡng dân gian chứa đựng niềm tin tôn giáo mãnh liệt của người dân, thì bên cạnh đó, người Khmer An Giang còn tồn tại một số tín ngưỡng mang màu sẵ mê tín dị đoan, như bùa yêu, thư, ếm… những thuật này được sử dụng chủ yếu với mục đích cá nhân, mang đến những tiêu cực đối với người khác. Do đó, những tà thuật, mê tín này cần phải được kiểm soát và dần loại bỏ ra khỏi cuộc sống của người dân.
Tà thuật trù ếm và nguyền rủa có thể được sử dụng để hại người trực tiếp và gián tiếp. Người bị trù dập sẽ bị ốm đau, tai nạn, hay kể cả thiệt mạng. Trù ếm là một trong những tà thuật thông dụng ở dân gian. Mục đích để trả thù, hoặc để trấn an, bảo vệ một linh địa, một địa điểm chôn cất bảo vật hay nghĩa trang. Lời trù ếm có thể có hiệu lực ngay tức khắc, hoặc ngấm ngầm nhiều năm tháng.
Phương pháp trù ếm thông dụng nhất là dùng một hình nộm, tức là một tiêu biểu đại diện cho người bị trù. Hình nộm có thể được cấu tạo bởi sáp, đất sét, gỗ, vải hay giấy (những con rối nộm). Hình nộm sẽ được tác tạo giống hệt người bị trù ếm. Hình nộm càng giống đối tượng thì càng có hiệu quả. Người bị trù sẽ chịu chung số phận với hình nộm của họ, khi bị đánh đập, hành hạ, xúc phạm, hủy diệt qua những hình thức đốt, đâm, bẻ gãy, nhận nước, xúc phạm bởi đồ dơ bẩn hoặc chôn xuống đất.
Tà thuật trù ếm, nguyền rủa, còn được các phù thủy, thầy bùa, thầy phép mang ra chợ đời buôn bán. Những người này tự cho rằng mình có quyền năng đặc biệt để mua bán tà thuật hại người cũng như để giúp người. Họ có thể ban phép miễn phí hay đòi hỏi phải có giá trả, có khi giúp ích cho công lý, có khi tạo thêm nghiệp ác.
Lễ hội và phong tục tập quán của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tại An Giang nói riêng thường hòa quyện vào nhau. Trong từng lễ (bund) có nhiều nghi thức (pithi). Ở mỗi nghi thức cụ thể đều có sự đan xen giữa yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Ngay trong hoạt động lễ hội của người Khmer đều hiện diện các sinh hoạt thường ngày. Người Khmer không có sự phân biệt “rạch ròi” giữa phong tục tập quán với lễ hội. Lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào thực hiện những nghi lễ mong sao cho quan hệ giữa con người và thiên nhiên tốt hơn.
Các nghi lễ truyền thống và tín ngưỡng của người Khmer ở An Giang về cơ bản vẫn giữ được bản sắc văn hoá, biểu hiện qua hình thức đa dạng, phong phú. Vừa có những nét chung của các dân tộc khác, vừa có nét riêng của người Khmer ở địa phương mình. Hiện nay, những tín ngưỡng thuộc về mê tín dị đoan đã có sự thay đổi và cũng dần phai nhạt trong tín ngưỡng đương đại. Đại đa số các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Khmer được tổ chức nhằm khuyên răn con người sống có đạo lý, tránh xa cái xấu, cái ác. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Khmer đã góp phần làm đa dạng các hoạt động văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
Thu Thủy