Đình làng – Một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam
Ngày đăng: 20/10/2022
Đình làng có vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ. Đình làng được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ra đời vào thời Lê –Mạc, là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, một biểu tượng của tính cộng đồng, trung tâm văn hóa, hành chính của làng xã truyền thống.

Lịch sử, nguồn gốc

Có một số tài liệu nói đến từ “đình” xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ II, thế kỉ III, tuy nhiên vai trò của nó không giống như sau này, đình lúc đầu được nhắc tới chỉ là trạm nghỉ chân dọc đường. Đến thời nhà hậu Lê, đình làng đã phát triển ở nhiều vùng trong cả nước với nhiều chức năng. Đình có bia xưa nhất là đình Thanh Hà (Hà Nội), vốn xưa thuộc làng Thanh Hà cổ, nay thuộc phố ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm. Bia đề năm Thuận Thiên thứ 3 (1433). Các cứ liệu trên cho phép ta khẳng định đình làng đã có từ thời Lê Sơ, đầu thế kỉ XV. Những ngôi đình xưa nhất còn bảo tồn đến ngày nay đều có niên đại vào thời nhà Mạc, thế kỉ XVI, đó là: Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) dựng năm Đại Chính thứ 2 (1531); đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) được ghi vào niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577); đình Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh), được dựng vào cuối thế kỉ XVI; đình Là (Thường Tín, Hà Nội) dựng năm Diên Thành thứ 4 (1581); đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) dự đoán được dựng vào thế kỉ XVI.

Về nguồn gốc, đình làng cũng có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chưa có giải đáp chắc chắn. Có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng. Có ý kiến khác cho rằng, vào thời Lý ở Thăng Long, người ta xây dựng những phương đình (có quy mô nhỏ) để dán các thông báo của chính quyền, hoặc là nơi người ta tuyên đọc các văn kiện của nhà vua. Sau đó, kiến trúc loại này tỏa về làng với chức năng như trụ sở hành chính của làng. Một vài ý kiến khác cho rằng đình làng có thể bắt nguồn từ các kiến trúc thờ thần đất và thần nước mà cư dân Việt cổ trong tín ngưỡng bản địa, sùng bái thần đất và thần nước. Trong tiến trình lịch sử tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực, thờ mẫu, thờ sức mạnh tự nhiên, và có phần ảnh hưởng không lớn lắm của đạo Phật, đạo Nho đã được bổ sung tạo ra những biến thể phong phú của Thành Hoàng làng Việt Nam.

Chức năng của đình làng

Đình làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có ba chức năng chính là: Tín ngưỡng, hành chính và văn hóa. Rất khó để xác định chức năng nào có trước, chức năng nào được bổ sung. Hơn nữa, ba chức năng đan xen, hòa quện với nhau đến mức khó có thể phân biệt.

Chức năng tín ngưỡng: Trong các đình làng Việt Nam, vị thần được thờ cúng là Thành Hoàng làng, vị vua tinh thần, thần hộ mệnh của làng. Khi tín ngưỡng Thành Hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc cũng nảy sinh ra một số Thành Hoàng mà chức năng cũng giống như ở Trung Quốc… Các vua triều Nguyễn còn lập miếu thờ Thành Hoàng làng ở tỉnh và huyện. Nhưng khi tín ngưỡng Thành Hoàng về làng, xã thì nó đã biến đổi khác với tín ngưỡng Thành Hoàng ở Trung Quốc. Như vây, tín nguỡng Thành Hoàng Trung Quốc khi du nhập vào làng xã Việt Nam thì các yếu tố văn hóa Hán, hoặc hiện tượng Hán hóa khác bị cổng làng chặn lại thì nó lại tìm thấy các tín ngưỡng bản địa có tính tương đồng, nên hội nhập rất thuận lợi với hệ thống tín ngưỡng đa nguyên của Việt Nam.

Nguồn gốc của Thành Hoàng cũng rất đa dạng. Thứ nhất thần tự nhiên (thiên thần hay nhiên thần) được thờ ở rất nhiều đình làng. Các vị thần này đều được khoác áo nhân thần với các tiểu sử thế tục. Được thờ chủ yếu là Sơn Tinh (thần núi), Thủy Tinh (thần sông, thần biển). Thành Hoàng làng thứ hai là các nhân thần. Các nhân vật lịch sử, như: Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo… Chiếm số đông trong các nhân thần là những người ít nổi tiếng hơn như: Quan lại, nho sĩ và đặc biệt là các tướng của Hai Bà Trưng, nhất là các nữ tướng. Thành Hoàng làng thứ ba gắn liền với tín ngưỡng bản địa, như tục thờ cây, thờ đá thời nguyên thủy...

Ngoài các vị thần, ở đình làng còn thờ những người có công khai phá đất mới, lập làng, như: Hai hoàng tử thời Lý là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Cư Trinh … Ở miền Bắc thường gặp ở các vùng ven biển dân làng thờ những người có công khai hoang lấn biển. Những người gọi là “tiên hiền” là những người đến trước, “hậu hiền” là những người đến sau tiếp tục công cuộc “khai canh, khai khẩn”. Thành Hoàng có thể là người xuất thân hèn kém, có người chết vào giờ thiêng cũng được thờ làm thần. Trong lễ hội, người ta thường cử hành “hèm” để nhắc lại thần tích của các vị Thành Hoàng làng này.

Những người có công đóng góp cho làng sau khi chết được dân làng thờ làm “hậu thần”, hàng năm cúng giỗ ở đình. Có người khi còn sống đóng góp cho làng trên cơ sở có khoán ước với làng, được ghi thành văn bản, đôi khi được khắc vào bia đá. Họ được “bầu hậu” khi chết đi được thờ làm “hậu thần” và được làng hương khói hàng năm. Ngoài ra, ở một số làng nghề thủ công người ta còn thờ tổ nghề gọi là “tiên sư”. Trong miền Nam các “tiên sư” được thờ ở nhà hậu của đình làng, chỉ có một số ít “tiên sư” được thờ ở chánh điện.

Tóm lại, các thần được thờ ở làng Việt Nam biểu hiện một hệ thống tín ngưỡng đa nguyên. Đó là một hệ thống pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẹ, các thần sức mạnh tự nhiên…) với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng và có phần ảnh hưởng không nhiều của của đạo Phật và đạo Nho.

Chức năng hành chính, đình làng thực sự là trụ sở hành chính - nơi mọi công việc về hành chính của làng đều được tiến hành ở đó. Từ việc xét xử các vụ tranh chấp, pham tội, phạt vạ, khao vọng, từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh, tiếp khách, trạm nghỉ của quan trên… Chủ thể tiến hành các hoạt động hành chính ở đình làng là các vị có chức danh như: Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý, Trưởng tuần và các viên quan của Hội đồng hương kì, kì mục. Cơ sở để giải quyết các công việc của làng được dựa vào lệ làng hoặc hương ước. Với đặc điểm của tính tự trị và tính cộng đồng của làng xã, hoạt động hành chính và quản lí của làng xã được tiến hành rất có hiệu quả. Đình làng với tư cách là trụ sở hành chính đã trở thành biểu tượng của tính tự trị và sự cố kết cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Chức năng văn hóa, tín ngưỡng, đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng xã truyền thống. “Cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh đã đi vào tâm hồn của người dân quê. Đỉnh cao của các hoạt động văn hóa ở đình làng là lễ hội. Làng vào hội cũng được gọi là vào đám, là hoạt động có quy mô và gây ấn tượng nhất trong năm đối với dân làng. Ở các làng quê Việt Nam còn có hội chùa, hội đền nhưng phần lớn là hội làng được diễn ra ở đình làng gắn với đời sống của dân làng. Lễ hội bao gồm hai phần chính là: Phần lễ và phần hội: Lễ là các hoạt động có tính nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng. Hội là hoạt động mang tính giải trí, gắn liền với thế tục, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Nhưng trong một số trò chơi hội làng cũng có ý nghĩa tâm linh, gắn với mục đích cầu mưa, cầu mùa. Lễ hội ở làng thường diễn ra “xuân thu, nhị kì” vào các dịp nông nhàn. Lễ hội phần lớn vào tháng Giêng, có nơi vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Lễ hội thu thường vào tháng bẩy, tháng tám. Đó là hai lễ hội lớn, còn trong năm người ta cúng lễ Thành Hoàng làng vào các dịp tuần tiết. Lễ cúng Thành Hoàng làng trong khi mở hội có quy trình như sau: Lễ trộc dục: Lễ tắm tượng hay thần vị; Lễ tế Gia quan tức là lễ mặc áo, đội mũ cho tượng (nếu chỉ có thần vị thì đặt áo, mũ lên ngai); Rước thần: Khi mở hội, người ta rước thần từ đền ra đình, khi kết thúc hội thì lại rước thần về đền, nhiều làng thờ Thành Hoàng làng ngay trong đình, ngày hội, người ta rước thần đi vòng quanh làng và quay về đình; Đại tế: Là lễ tế quan trọng nhất, có một người đứng chủ trì lễ (chủ tế), còn gọi là mạnh bái, ngoài ra còn có hai hoặc bốn người bồi tế, hai người đồng xướng, hai người nội tán, mười đến mười hai người chấp sự. Sau buổi đại tế, người ta coi thần luôn có mặt ở đình nên các chức sắc và bô lão phải thay nhau túc trực. Mở hội gọi là nhập tịch, hết hội gọi là ngày xuất tịch hay còn gọi là ngày dã đám.

Sau phần tế lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí. Sân đình trở thành sân khấu diễn xướng, ca hát. Ở những hội làng Bắc Bộ, sân đình thường có chiếu chèo, vùng Bắc Ninh, Bắc Giang sân đình gắn với hội hát quan họ. Mỗi địa phương có trò chơi khác nhau, thỏa mãn con người với nhiều nhu cầu như: Nhu cầu tâm linh (các trò chơi gắn với cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư...), nhu cầu cộng cảm, nhu cầu thể hiện sức mạnh, sự tài trí. Các trò chơi gắn liền với nghi lễ cầu mưa, cầu mùa, như: Cướp cầu, kéo co, đua thuyền… Cho đến nay, cúng đình và lễ hội vẫn là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của làng xã. Trong sinh hoạt tín ngưỡng đó, người dân vẫn tin vào sự phù hộ của các vị thần trong mùa màng và đời sống. Hội làng ở đồng bằng Bắc Bộ sau một thời gian bị đứt đoạn nay đã có sự phục hồi nhanh chóng, chứng tỏ dân làng vẫn có nhu cầu về tâm linh. Điều đó cũng chứng tỏ sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng.

Vai trò của đình làng trong đời sống cộng đồng

Cố kết cộng đồng: Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng gắn với đình làng có khả năng liên kết những người cùng cộng đồng làng xã. Cộng đồng sinh sống trong làng xã họ có chung một niềm tin, cùng bị ràng buộc bởi quy định của tín ngưỡng thờ cúng vị thần bảo hộ làng, ít nhiều cùng thực hiện một số nghi thức tín ngưỡng và những điểm tương đồng khác. Sự liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng bởi cùng tín ngưỡng khá chặt chẽ và lâu bền. Chức năng này là kết quả hiện thực hoá vai trò “liên kết tinh thần” giữa những người có cùng một niềm tin và cùng nơi cư trú. Trong dân gian vẫn còn có câu “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, điều đó thể hiện cái riêng biệt giữa các làng nhưng cũng thể hiện cái riêng cần sự cố kết của mọi người trong cộng đồng làng.

Con người là một sinh vật xã hội, sự liên kết luôn là một đòi hỏi của một xã hội (kể cả ở tầm cỡ tổng quát nhất như một quốc gia, làng, một chòm xóm, một gia đình) để có được một sức mạnh cần thiết cho đời sống của cộng đồng. Chức năng liên kết của tín ngưỡng dân gian được quyết định bởi sự thống nhất giữa những người có cùng một loại đối tượng tin (Thành Hoàng). Nói cách khác, những người có cùng đức tin vào lực lượng siêu nhiên bao giờ cũng liên kết với nhau nhờ niềm tin chung vào lực lượng siêu nhiên đó. Điều này hiện nay thấy rất rõ là ở các người xa quê luôn có các hội đồng hương các cấp, trong đó có cấp làng xã.

Vai trò an ủi tinh thần: với những quan niệm về niềm tin vào đấng siêu nhiên hoặc con người đã được thần thánh hoá đó, tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ thần thánh (Thành Hoàng) cũng mang lại cho người tin một niềm an ủi, động viên, một sự nâng đỡ tinh thần nhất định. Trong những lúc khó khăn, bất lực của con người trước một tình huống nào đó, con người luôn khát khao, ước mơ một sự cứu rỗi, một sự trợ giúp từ một sức mạnh siêu phàm mà họ vẫn xem là có khả năng ủng hộ, giúp đỡ mình. Mỗi khi làng xã có những thiên tai, dịch bệnh, rủi ro… ở số đông, người ta nghĩ ngay đến việc thờ cúng Thành Hoàng chưa chu đáo hay làm việc gì có lỗi với Thành Hoàng cần phải xem xét lại, điều chỉnh. Trong dân gian thường có câu “toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt chứ mình em đâu” để chỉ sự an ủi và đề cập làng có việc gì đó lỗi với Thành Hoàng thông qua ngôi đình làng.

Thúc đẩy sự hướng thiện: tín ngưỡng Thành hoàng (thờ thần thánh) cùng với hương ước, lệ làng đã tạo nên hệ thống những chuẩn mực giá trị đạo đức, những chuẩn mực ấy không chỉ duy trì trong quá trình thực hiện các nghi thức tín ngưỡng mà còn điều chỉnh cả hành vi của con người làng xã trong đời sống thường nhật khi ứng xử với con người trong gia đình, cộng đồng cũng như ngoài xã hội. Qua những điều cấm kỵ, tục hèm, răn dạy đã điều chỉnh hành vi của mỗi người trong cộng đồng sao cho cho hài hoà, tiến bộ.

Nâng cao trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng: các tín ngưỡng bao giờ cũng có một hệ chuẩn quan niệm bất thành văn đòi hỏi người có niềm tin vào cái đó phải thực hiện. Đó là những chuẩn mực sống, ứng xử của nền đạo đức địa phương tương ứng gắn với hương ước, quy ước, lệ làng. Trong không ít trường hợp, tín ngưỡng không chỉ sản sinh ra các quan niệm đạo đức, mà còn có khả năng điều hành việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó. Nếu các chuẩn mực đạo đức đòi hỏi mỗi công dân tự nguyện thực hiện và dư luận xã hội đóng vai trò khuyến khích hoặc trừng phạt đối với những vi phạm, thì tín ngưỡng lại thực hiện sự trừng phạt đó mang tính thần bí. Do vậy, tín ngưỡng Thành Hoàng có vai trò không nhỏ trong việc điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, đòi hỏi ở họ phải thực hiện nghĩa vụ để cuộc sống của cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa: tín ngưỡng Thành Hoàng gn với thờ người có công với làng, tiêu biểu cho giá trị đạo đức“uống nước nhớ nguồn”. Đó là những giá trị phi vật chất để cùng các giá trị vật chất tạo ra sự kế thừa lịch sử mà chỉ trong xã hội phát triển đến mức độ nhất định mới có được. Tín ngưỡng Thành Hoàng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành của văn hóa, một mặt tạo ra sự phong phú cho văn hóa, mặt khác, góp phần lưu giữ, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Giá trị của đình làng

Trong số liệu di tích phong phú, đồ sộ của cả nước, ngôi đình làng chiếm một tỷ lệ khá lớn. Giá trị về vật thể và phi vật thể của đình lành là rất lớn đã và đang được Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Gắn liền với đình còn các công trình phụ cận không thể thiếu, làm tôn vinh những giá trị của đình làng như: Sân đình, ao hồ, giếng nước, cây cổ thụ... Đồng hành với những bước đổi thay, phát triển của làng xã, đình làng còn gìn giữ, bảo lưu di sản văn hóa quý giá, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc.

Đình Đình Bảng (Bắc Ninh)

Về vật thể, đình làng có các hiện vật như: Công trình xây dựng (các tòa đại bái, hậu cung, tả vu hữu vu, nghi môn - tam quan…), hoành phi, câu đối, nhang án, lư hương, bát bảo, chuông, khánh, các di sản có tính tư liệu (sắc phong, bia đá, thần tích, thần phả)…  Dễ nhận biết nhất là quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, trang trí là những giá trị đặc sắc nổi bật của các ngôi đình làng. Trong các công trình cổ truyền, đình làng là công trình có quy mô kiến trúc lớn nhất ở cấp làng xã. Tùy theo điều kiện về kinh tế của cộng đồng là đình làng được xây dựng với các quy mô khác nhau. Có ngôi đình diện tích chỉ vài chục m2  nhưng cũng có ngôi đình cả ngàn m2 , xây dựng trong thời gian vài năm đến hàng chục năm. Với công nghệ hiện nay người ta xây một ngôi đình lớn cũng mất vài năm, thử hỏi cách đây hàng trăm năm khi mà chưa có cơ giới hóa thì việc xây dựng khó khăn như thế nào. Thực tế di sản của tiền nhân để lại cho chúng ta có các ngôi đình còn đến ngày này là hết sức đồ sộ, bề thế. Tiêu biểu có những đình làng quy mô lớn như: đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến, đình Cổ Loa… trong dân gian có những ngôi đình to đẹp được ca ngợi như: “Thứ Nhất là đình Đông Khang/Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”[1].


Bức cửa võng đình Diềm, xã Hòa Long (TP. Bắc Ninh)

Qua lịch sử thăng trầm, đến nay vẫn còn một số ngôi đình cổ kính, thâm nghiêm vừa bề thế, có kiến trúc độc đáo với các lớp ngói đao cong uốn lượn duyên dáng vừa được chạm trổ phong phú rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư, nghê vờn cầu… rất tinh xảo. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc đình làng là sự tập trung và phát huy cao độ các kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong, chạm lộng, chạm thủng... từ đó tạo hiệu quả thẩm mỹ về không gian, hình khối của các mảng chạm hết sức phong phú, sinh động. Mỗi tác phẩm chạm khắc ở đình làng đều được tạo tác bởi đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ dân gian thấm đẫm tinh thần, bản sắc văn hóa làng xã Việt Nam, vừa thể hiện sự tự do sáng tạo, khát vọng đổi mới với những thô mộc bay bổng đầy ngẫu hứng mà vẫn chuẩn mực, mô thức, tinh tế nuột nà trong cách phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Trong đó, bức cửa võng trứ danh ở đình Diềm là tác phẩm chạm gỗ nổi tiếng hoành tráng, cầu kỳ và tinh xảo bậc nhất minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tài hoa của nghệ nhân xưa. Hình ảnh con người, rồng mây, cây cỏ, muông thú với đủ hình thái, biểu cảm sinh động, chồng xếp dày đặc như bức tranh cuộc sống, thể hiện công khai khát vọng sống tự do, bình quyền, mong muốn thoát khỏi ràng buộc của giáo lý và pháp luật phong kiến đương thời... Như vậy, mỗi đình làng chẳng khác nào một “bảo tàng lịch sử”, nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh đời sống xã hội, tình yêu, ước mơ, mong muốn của người dân. Đình làng vì thế vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc.

Đầu dư ở đình Chu Quyến

Về giá trị phi vật thể, ngày nay, thiết chế đình làng vẫn là một di sản vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn về giá trị đời sống tinh thần, tín ngưỡng, luật lệ, hương ước, tục hèm lễ hội, diễn xướng nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian... gắn với sinh hoạt cộng đồng dân làng. Không gian văn hóa, hồn cốt của đình làng vẫn được Nhà nước, cộng đồng Nhân dân nối tiếp bảo tồn, phát huy giá trị si sản. Tiêu biểu là rất nhiều lễ hội dân gian với nghi lễ tín ngưỡng, trò chơi dân gian… gắn với đình làng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể.

Cùng với giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh tiêu biểu trong thế kỷ 20, nhiều ngôi đình trên cả nước còn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, điển hình như: Đình Đình Bảng, đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hồng Thái, Tân Trào (Tuyên Quang)…

Tựu chung, đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời hậu Lê, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền. Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Ngôi đình là trung tâm văn hóa, chính trị của làng, nổi bật là gắn với lễ hội truyền thống, điều này chúng ta thấy rõ nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ./.

Đình Cổ Loa (Hà Nội)

Cổng Đình So (Hà Nội)

Điêu khắc trên Đình làng Thổ Hà (Bắc Giang)

 

ThS. Nguyễn Đăng Bản

Tài liệu tham khảo

  1.  

Thái Anh (1992), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh.

  1.  

Trần Lâm Biền (2014), Đình Làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ), Nhà xuất bản Thế giới

  1.  

Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh (tái bản có sửa chữa), Nxb Hà Nội.

  1.  

Nguyễn Hồng Dương (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ với văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

  1.  

Lê Thanh Đức (2001), Đình làng miền Bắc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

  1.  

Lê Thanh Hải (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

  1.  

Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành hoàng làng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội

  1.  

Vũ Ngọc Khánh (2001), Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội

  1.  

Vũ Thanh Sơn (2011), Bách thần đất Việt, NXB Quân đội Nhân dân.

  1.  

Viện bảo tồn di tích (2017), Kiến trúc Đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (tập 1), NXB Văn hóa Dân tộc,

  1.  

Nguyễn Đình Toàn (2002) Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, NXB Xây dựng

 

 

[1] Là 3 ngôi đình ở Bắc Ninh, riêng đình Đông Khang đã không còn do tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp