Lễ bỏ mả của người Raglai ở Ninh Thuận
Ngày đăng: 09/06/2021
Ninh Thuận là miền đất phong phú về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là văn hóa Chăm và Raglai. Trong 54 dân tộc Việt Nam, Raglai là tộc người chiếm tỷ lệ thấp, nhưng lại có nền văn hóa đặc sắc, gắn với điều kiện môi sinh của cư dân nông nghiệp nương rẫy Nam Trung Bộ.

Trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai, Lễ bỏ mả được coi là nghi lễ quan trọng nhất, đó là nghi thức chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết, để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng.

Lễ Bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết, đồng thời thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ, biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt.

Theo quan niệm của người Raglai, chưa làm Lễ bỏ mả là chưa cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm Lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên.

Lễ bỏ mả được thực hiện từ năm thứ ba đến năm thứ năm, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh gia đình có thể tổ chức sớm hơn.

Lễ thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch. Thời gian tổ chức từ 3 - 5 ngày. Quy mô lễ hội diễn ra rộng lớn, thu hút cả làng và nhiều làng khác đến tham gia.

Để chuẩn bị tổ chức Lễ bỏ mả và dựng mới nhà mồ có ka-go, gia đình phải nhờ tới nhiều người cùng tham gia lo liệu. Những lễ vật và vật dụng được dùng trong Lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng, gồm 3 mâm cúng: Mâm 1: Gà, cơm, rượu, 1 đôi đũa; Mâm 2: Đầu heo có gan, gà luộc, cơm, rượu, chuối…; Mâm 3: Gà, cơm, rượu, thịt… Kago là thuyền được đẽo từ thân gỗ nguyên khối, được chạm khắc đẹp. Kago là vật tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết.

Nghi thức đặt Kago, vật tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết

Theo phong tục, trong Lễ bỏ mả phải có 3 thày cúng, tượng trưng cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy ở giữa gọi là vị Yanuh jalat có vai trò chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống...cho người quá cố

Thầy cúng trong Lễ bỏ mả phải có 3 người, biểu thị cho 3 phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy cúng chính luôn đứng ở chính giữa hai người khác, gọi là vị Yanuh jalat (người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho ma). Cây “gậy thần” (gai toah) được làm từ ngày có người chết, đến bây giờ ông Yanuh jalat mới đem ra sử dụng.

Ngoài phần nghi lễ, Lễ bỏ mả thể hiện đặc sắc nét văn hóa của đồng bào Raglai thông qua nhiều loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, trình diễn... với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”.

Nghi thức cúng tại nhà mồ của người Raglai

Năm 2018, Lễ Bỏ mả của người Raglai tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài công tác bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, đây còn là lợi thế rất lớn để tỉnh Ninh Thuận phát triển du lịch tâm linh tại địa phương./.

 

Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch

 

Thúy Hằng t/h