Thực trạng hoạt động và chính sách đối với tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay
Ngày đăng: 12/06/2022
1. Thực trạng hoạt động và việc bảo tồn các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như nhiều tín ngưỡng, tôn giáo thực sự phục hồi và phát triển sôi động từ sau 1990, đặc biệt có sự bùng phát từ sau năm 2012 khi “Nghi lễ chầu văn của người Việt tỉnh Nam Định” được chứng nhận là di sản văn hóa quốc gia (2012) và được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa với tên gọi khi "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" (2016). Từ đó nhiều hoạt động, thực hành được cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu trở lên công khai, nhiều người trong cơ quan chính quyền và những người thực hành hiểu chưa đúng, mặc nhận tín ngưỡng thờ Mẫu được Nhà nước và thế giới “công nhận” thì đương nhiên được hoạt động tự do. Có nhiều tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức hoạt động, quảng bá khác nhau về tín ngưỡng thờ Mẫu nên cộng đồng trong nước và thế giới đã biết nhiều hơn về loại hình tín ngưỡng này qua các chương trình giới thiệu trên sân khấu, lễ hội, liên hoan thực hành, giao lưu quốc tế, biểu diễn trên đường phố...

Các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu đã được ghi nhận qua chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ. Tiêu biểu là giá trị về lịch sử (điển tích của các nhân vật được thờ), nhận thức (nhân sinh quan, thế giới quan), giáo dục, nghệ thuật (trang phục, âm nhạc, vũ đạo)… là rất đáng ghi nhận, đã và đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng ngày một được phục hồi và phát triển mạnh mẽ bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể là chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo được thông thoáng, đời sống kinh tế của người dân ngày một tốt hơn, di sản thờ Mẫu Tam phủ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa... Theo thống kê sơ bộ hiện nay ở nước ta có khoảng gần 10 ngàn cơ sở thờ Mẫu bao gồm: Phủ, đền, các cụm, quần thể công trình tín ngưỡng, tôn giáo có thờ Mẫu. Ngoài ra còn có số lượng khá lớn điện, đền thờ tư gia có thờ Mẫu gắn với người chuyên hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu (thanh đồng, cung văn, pháp sư-thầy cúng). Chỉ tính riêng ở thành phố Hà Nội hiện nay đã có 215 đền, phủ và 920 cung, điện thờ Mẫu (thường gắn với chùa) và hơn 1000 điện thờ tư gia[1]. Dự báo số cơ sở thờ Mẫu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, các hoạt động thờ Mẫu diễn ra theo nhiều xu hướng khác nhau, có cả tích cực và hạn chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản, hoạt động thờ Mẫu vẫn còn không ít băn khoăn, lo ngại trước sự biến tướng, lệch lạc trong cách thức thực hành nghi lễ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giữ gìn bản sắc tín ngưỡng thờ Mẫu. Hoạt động có sự biến tướng, “hiện đại” trong thực hành là một xu hướng khá nổi bật hiện nay. Điển hình là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang được diễn ra ở nhiều nơi không phải cơ sở thờ tự, sân khâu hóa trong thực hành, thương mại hóa, trục lợi trong hoạt động… điều đó khiến cho nghi thức thờ tự bị biến dạng, tác động xấu tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ở nhiều nơi, để hợp thức hóa việc tổ chức hầu đồng, người ta đưa những vị thánh không có trong tín ngưỡng thờ Mẫu vào phối thờ, làm thay đổi tính chất của di tích. Việc thực hành không đúng nghi thức, trang phục, âm nhạc lai căng, hiện đại hóa… làm mất đi vẻ đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền.

Để ngăn chặn những biến dạng di sản, đầu năm 2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chỉ cho phép “tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ hoặc di tích thờ Mẫu, không tổ chức nghi lễ ở khu vực công cộng với tính chất của một loại hình dịch vụ du lịch hay hoạt động âm nhạc đường phố”. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm hướng dẫn nêu trên vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, nhất ở thành phố Hà Nội. Tình trạng sân khấu hóa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tùy tiện trong thời gian gần đây cũng gây nên sự lo ngại trong cộng đồng, đặc biệt là về nguy cơ làm biến đổi, sai lệch, mai một bản sắc di sản nếu cơ quan quản lý về tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa không có hướng dẫn và chế tài xử lý hiệu quả.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế kể trên trong hoạt động thờ Mẫu còn nhiều, có cả khách quan và chủ quan. Trước hết do đặc tính tín ngưỡng thờ Mẫu không có tổ chức thống nhất, là tín ngưỡng dân gian truyền miệng, ở trình độ phát triển khác nhau, chưa có quy định, khuôn mẫu cố định, luật lệ, lễ nghi chưa có sự thống nhất. Ranh giới giữa văn hóa và mê tín trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất mong manh, tiềm ẩn nguy cơ biến tướng, tính thương mại, trục lợi trong hoạt động khó xử lý… từ đó gây tổn hại cho di sản. Người thực hành tín ngưỡng thường được truyền nghề, học hỏi từ những người thầy (đồng thầy) khác nhau của mỗi đền phủ; do nhận thức mỗi người tham gia thực hành khác nhau, địa phương văn hóa vùng miền khác nhau; luật pháp còn chưa quy định cụ thể và cơ quan quản lý chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao…

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua đã ít nhiều có những kết quả nhất định, các cơ quan chức năng đã có một số hướng dẫn và các quy định cụ thể trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên việc hướng dẫn chưa thật cụ thể đã làm những người thực hành hoạt động chưa đúng quy định pháp luật diễn ra phổ biến. Trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động tín ngưỡng nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, trong đó quy định rõ nội dung hoạt động, trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu, người thực hành nghi lễ… Cơ quan chuyên môn giúp việc về quản lý ở trung ương và địa phương cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở hơn nữa. Các địa phương cần thống kê, tiến hành khảo sát, lập danh sách các điểm thờ Mẫu, phân định nơi nào đủ điều kiện tổ chức nghi lễ, nơi nào không. Thành lập hội đồng gồm các nhà nghiên cứu và những người thực hành di sản mẫu mực nhằm thẩm định, đánh giá, giám sát thực hành trong các nghi lễ, hoạt động.  Các tổ chức thờ Mẫu (với hình thức câu lạc bộ, hội) cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghi lễ, giá trị di sản cho các thành viên của mình. Về lâu dài cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu nên thành lập tổ chức dưới hình thức hội, hiệp hội có pháp nhân để tập hợp các đồng đền, thanh đồng, cung văn nhằm thống nhất một số nghi lễ, các nội quy trong hoạt động và có đầu mối liên hệ với chính quyền. Cộng đồng thờ Mẫu cần xây dựng, phổ biến rộng rãi quy chế thực hành nghi lễ với các điều khoản liên quan tới luật lệ, lễ nghi trong thực hành, hoạt động. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa và cộng đồng những người hoạt động, thực hành tín ngưỡng, mỗi người dân, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ dần đi vào quỹ đạo đúng, góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyên thống ở trong và ngoài nước.

Thực hành trên sân khấu Festival thờ Mẫu Thượng ngàn tại Yên Bái 2017

2. Luật pháp quy định về hoạt động tín ngưỡng

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định các hoạt động tín ngưỡng khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Luật quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng như đăng ký hoạt động tín ngưỡng; thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; đăng ký tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Và việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử. Căn cứ vào kết quả bầu, cử, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Bên cạnh nội dung mới nêu trên, hoạt động tín ngưỡng còn có một số quy định mới được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay như việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải thực hiện đăng ký chậm nhất là 30 ngày trước ngày bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật, các hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đăng ký đã được chấp thuận thì phải đăng ký bổ sung trước 20 ngày; các lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi thay vì phải xin phép thì nay chỉ phải đăng ký.

Tháng 12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn. Ngay sau đó Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động để bảo vệ di sản này, một số địa phương đã ban hành các chương trình đề án bảo tồn di sản thờ Mẫu, tiêu biểu là tỉnh Nam Định. Trong thời gian qua, phía Nhà nước đã đẩy mạnh việc xây dựng chính sách pháp luật điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan). Đến nay, bên cạnh các văn bản quy định chung như các văn kiện của Đảng, Hiến pháp… Nhà nước ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp về hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, gồm:

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/2017/NĐ- CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo;

- Luật Di sản Văn hóa (2001, 2009); Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010  của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Di sản văn hóa;

Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 quy định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

- Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa và quảng cáo.

- Một số văn bản pháp luật khác như: Luật xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

Hiện nay Ban Tôn giáo Chính phủ đang tham mưu cho Bộ Nội vụ trình Chính phủ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo…

Đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, đến nay chưa có văn bản pháp luật quy định riêng mà vẫn áp dụng các quy định pháp luật chung về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy vậy, thờ Mẫu cũng đã có những quy định cụ thể và chế tài xử lý đối với hoạt động hầu đồng như: Thông tư số 04/2009/TT - BVHTTDL ngày 16/12/2009 Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, theo đó tại điểm b khoản 1 Điều 3 quy định: “những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác”. Ngoài ra có Bộ Luật Hình sự, Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thờ Mẫu là nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng nhân dân, cần được điều chỉnh bằng pháp luật để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời hạn chế việc lợi dụng thờ Mẫu để thực hiện các hoạt động mê tín, trục lợi ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự cộng đồng, kinh tế, sức khỏe của người dân.       

3. Về phân định trách nhiệm trong quản lý hoạt động tín ngưỡng

Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng có các quy định về trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tại Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã phân định chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng ở trung ương giao cho Bộ Nội vụ, cụ thể Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan giúp việc trực tiếp, ở địa phương là UBND các cấp (tham mưu trực tiếp tương ứng là Ban Tôn giáo, Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) – cấp tỉnh, Phòng Nội vụ - cấp huyện, Ban văn hóa - cấp xã). Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý cơ sở tín ngưỡng là di tích và lễ hội (công tác bảo tồn giá trị di sản, di tích).

4. Thực trạng công tác quản lý nhà nước

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại lâu dài nhiều thế kỷ trong xã hội phong kiến cho đến hiện nay, nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của một bộ phận nông dân ở nông thôn mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị. Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, nhất là từ thời Lê, đề cao tư tưởng Nho giáo nên thờ Mẫu bị xếp vào thứ tín ngưỡng phi chính thống. Tuy nhiên đến thời nhà Nguyễn, sau triều vua Đồng Khánh đến Bảo Đại, thờ Mẫu dần được được tôn trọng, phục hưng. Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, đã hình thành 2 tổ chức, đó là: “Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo Trung Việt” (thành lập năm 1955, trụ sở tại Huế) và “Hội Thánh Mẫu” (trụ sở tại Đà Lạt) theo Nghị định 1981/NĐ/PC ngày 30/9/1953 của Thủ Hiến Trung Việt. Năm 1973, hai tổ chức trên hợp nhất thành “Việt Nam Thánh Mẫu hội”. Từ sau năm 1975, Hội này tự giải thể và chỉ hoạt động xung quanh điện Huệ Nam (điện Hòn Chén, Thừa Thiên - Huế).

Đặc biệt là vào những năm 60-80 của thế kỷ XX thờ Mẫu gắn với hầu đồng thường bị cấm vì bị coi là mê tín, dị đoan. Nhiều di sản vật thể của thờ Mẫu như đền, phủ đã bị lãng quên, mai một khi mà ở nước ta nhiều người cho rằng cần xóa bỏ tất cả những gì là văn hóa thuộc chế độ cũ - chế độ phong kiến vì nó là lạc hậu, đi ngược lại và ảnh hưởng không tốt đến nền văn hóa đương đại. Hiện nay luật pháp chưa quy định về việc thành lập tổ chức tín ngưỡng mà chỉ quy định có tính khái quát về hoạt động tín ngưỡng. Công tác quản lý các hoạt động thờ Mẫu hiện nay theo quy định của pháp luật chủ yếu giao cho chính quyền cơ sở. Trong những năm qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thờ Mẫu. Với mục đích hướng dẫn các hoạt động thực hiện tốt các quy định pháp luật, bao tồn phát huy các giá trị văn hóa tích cực, ngăn chặn đẩy lùi các mặt hạn chế, các hoạt động mê tín, trục lợi, biến tướng trong nghi lễ thờ Mẫu.

5. Một số khuyến nghị công tác trong thời gian tới

Các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, nhận diện để đánh giá đúng các hoạt động của việc thờ Mẫu. Ghi nhận, khẳng định, phát huy các giá tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng cần ngăn chặn, làm rõ yếu tố tiêu cực, biến tướng di sản, mê tín dị đoan trong nghi thức thờ Mẫu.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bằng việc bổ sung các nội dung điều chỉnh cụ thể về một số hoạt động thờ Mẫu, trong đó có việc xây dựng quy định chế tài, biện pháp xử lý nghiêm minh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan cho cán bộ công chức và người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Cần làm cho mọi người dân và người thực hành thờ Mẫu hiểu được giá trị tích cực của thờ Mẫu và mặt trái của nó, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt.

Các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, thành kiểm tra, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong hoạt động thờ Mẫu. Kiện toàn Ban Quản lý, người đại diện các cơ sở thờ Mẫu, nâng cao vai trò trách nhiệm của các thủ nhang, đồng đền, thanh đồng. Tăng cường trách nhiệm của các các cấp, các ngành trong việc quản lý đối với các hoạt động thờ Mẫu.

Tạo điều kiện để cộng động thờ Mẫu phát huy vai trò chủ thể của di sản, bầu chọn người có uy tín đại diện cho cộng đồng làm đầu mối liên lạc với chính quyền. Hướng dẫn cộng đồng thờ Mẫu đề xuất mô hình tổ chức phù hợp để tập hợp các người thực hành thờ Mẫu có tổ chức chung, sau đó thống nhất xây dựng quy chế, nội quy hoạt động để phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa trong thờ Mẫu.

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hiến lâu đời, trong đó có sự đóng góp của tín ngưỡng, tôn giáo. Thờ Mẫu với sức sống lâu bền, những nét văn hóa độc đáo đã được ghi danh là một di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy lan tỏa. Vấn đề này cần có sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức và cá nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với mục tiêu chung đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, phù hợp với lợi ích của dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung“Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thủ nhang Phủ Dầy Nguyễn Thị Huệ thực hành hầu đồng ở phủ Tiên Hương với sự tham dự của các đại sứ quán, nhà ngoại giao một số nước ở Việt Nam năm 2015

Thanh Long

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tôn giáo Chính phủ: Một số văn bản pháp tuật liên quan đến hoạt động Tín ngưỡng tôn giáo, Nxb Tôn giáo

2.  Ngô Đức Thịnh (2004) Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam , Nxb Trẻ.

3. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2010.

4.  Nguyễn Ngọc Mai, Nghi lễ lên đồng- lịch sử và giá trị, Nxb Tôn giáo 2017

5. Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Bảo tàng Nam Hà, 1996, tr.44.

6. Kinh thánh mẫu Sòng Sơn, Hội tiên mẫu Việt Nam, 1952, tr.79.

7. Trần Quốc Vượng: “Việc phục hồi, phát huy, làm giàu lễ hội Phủ Dầy”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 7/2004

8. Trần Lâm Biền: “Mẫu, Thần điện”, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN, 2000.

9. Nguyễn Hồng Dương: Đạo Mẫu và các hình thức Saman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb. KHXH, HN, 2004.

 

[1] Báo cáo của Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội năm 2021