Bạch Hạc, Phú Thọ vùng đất của di tích, danh thắng
Ngày đăng: 16/04/2021
Làng Bạch Hạc xưa kia thuộc vùng đất Phong Châu, là nơi trấn giữ phía Đông kinh đô nước Văn Lang thời Hùng Vương. Thời Pháp thuộc, xã Bạch Hạc thuộc huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Qua nhiều lần phân chia địa giới hành chính. Bạch Hạc nay là một phường của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo các sử sách ghi chép lại, Bạch Hạc là vùng đất nằm giữa ngã ba Hạc, bên trong, bên đục, mênh mông sông nước. Đây được gọi là vùng đất địa linh nhân kiệt, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa truyền thống của thời đại Hùng Vương cùng dòng chảy văn hóa của người Việt.

Bạch Hạc là vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thuỷ, tụ khí. Hiện nay, trên địa bàn có 6 cụm di tích lịch sử văn hoá có giá trị (1 khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, 5 di tích xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh); vùng Ngã ba Hạc còn có đặc sản nổi tiếng cá Anh Vũ vô cùng quý hiếm dùng để tiến vua.

 

Bên cạnh đó, phường Bạch Hạc còn lưu giữ nhiều sự tích, phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với thời kỳ đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha như: Lễ hội giã bánh dầy tại Đền, chùa Mộ Chu Hạ (10/1 âm lịch), Lễ hội đền Thượng Thọ (22/2 và 10/10 âm lịch); Lễ hội bơi chải truyền thống và Lễ hội Đền Tam Giang (10/3 và 25/9 âm lịch); Lễ hội rước kiệu cầu Đinh của Đền, chùa Lang Đài (7/1 âm lịch) phong tục lấy nước thiêng tại ngã ba sông, Lễ hội cướp Còn và nấu cơm thi.

 

 

Đến Bạch Hạc, là đến với đền Tam Giang - chùa Đại Bi. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, cụm di tích Đền Tam Giang - chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia vào tháng 6 năm 2010.

Đền Tam Giang nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa đền Tam Giang và chùa Đại Bi, thuộc phường Bạch Hạc- thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, đền Tam Giang được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VII, năm Vĩnh Huy 650, đến năm Gia Long 1818 đền được xây dựng lại, tu sửa vào năm Duy Tân thứ 6 – 1912.

 

Quần thể công trình đền Tam Giang được xây dựng theo lối kiến trúc “Tiền thần, hậu Phật”. Cổng đền là kiến trúc độc đáo kiểu nghi môn, tứ trụ truyền thống. Phía trong là đền chính được thiết kế theo hình chữ đinh, gồm  2 tòa tiền tế và hậu tế. Tòa tiền tế gồm 1 gian, 2 chái, dài 12,3m, rộng 9,05, là nơi đặt bàn thờ thần chủ bản đề và tổ chức các nghi lễ cúng tế của nhân dân, du khách. Tòa hậu cung 2 gian, 3 chái, dài 7,46m, rộng 8,9m, là nơi đặt các ban, khám thờ Mẫu, được trang trí hình “long, ly, quy, phụng”, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đền còn giữ được các pho tượng và đồ vật quý như: tượng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cao 3,35m đúc bằng đồng trong tư thế oai phong, uy nghi, nhìn thẳng ra sông Lô.; bia đá “hậu thần bia ký”- niên đại Gia Long năm thứ 17, 18; chuông đồng Thông Thánh quán chung ký- niên hiệu Minh Mệnh thứ 11- 1830; lư hương gốm da lươn, thuộc loại đồ gốm men da lươn cuối thế kỷ 18; ngai thờ được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lỗng lẫy… là những cổ vật mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

 

Đền Tam Giang thờ các nhân vật lịch sử huyền thoạt thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Vũ Văn Trung Dực Uy Hiển Vương (húy là Thổ Lệnh); Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu. Để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, nhân dân phường Bạch Hạc tổ chức cúng tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn.  Đền Tam  Giang, lễ hội Bạch Hạc như một bảo tàng sống mang giá trị vật chất cũng như tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư với những đặc trưng văn hóa riêng có.

 

Nơi đây không chỉ là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của một vùng rộng lớn mà còn là nơi diễn ra một trong những lễ hội tiêu biểu vào bậc nhất vùng Đất Tổ.

 

Lễ hội bơi Chải truyền thống của Bạch Hạc là một hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Tương truyền, đời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em vua Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền. Sau hơn 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách, hàng phục chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật bằng ngoại giao hòa bình.

Tại Đền Tam Giang, năm 1285, ngài đã cùng Hứa Tông Đạo (một môn khách của nhà Tống) tổ chức hội thề “Diệt giặc Thát báo đền nợ nước, ơn vua,” lãnh đạo quân dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Ngày nay, lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng của phường Bạch Hạc, hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan. Lễ hội bơi Chải được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 (âm lịch) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm tại các cụm di tích Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi và thắng cảnh ngã ba sông Bạch Hạc.

 

Có thể thấy, Bạch Hạc là vùng đất của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từ xưa đã sầm uất nên được gọi là Kẻ Hạc, trên bến dưới thuyền tấp nập. Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, các khu di tích trên địa bàn phường Bạch Hạc được bảo tồn, tôn tạo ngày càng khang trang. Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang cùng với Chùa Đại Bi và 5 khu di tích văn hóa cấp tỉnh, cũng như các lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần nâng cao giá trị của khu di tích danh thắng Bạch Hạc.

PV tổng hợp