Hoạt động tôn giáo trên không gian mạng - nhìn từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và một số kiến nghị, đề xuất
Ngày đăng: 06/09/2021
Lễ Vu Lan trực tuyến tại chùa Phúc Khánh (Ảnh minh họa)
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội của Việt Nam, từ kinh tế, văn hóa, xã hội… đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Một trong số những tác động của dịch bệnh Covid-19 là tác động đến việc thực hành đức tin tôn giáo của những người có đạo cũng như việc tổ chức hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam.

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã có những sự điều chỉnh phù hợp để cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong đó có việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự và nhiều tổ chức tôn giáo đã đề xuất nguyện vọng sử dụng các cơ sở thờ tự trở thành nơi cách ly y tế, bệnh viện dã chiến… Song song với các hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, để tạo điều kiện cho các tín đồ có thể bày tỏ được đức tin tôn giáo của mình, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo "không gian tôn giáo" trên mạng Internet để đông đảo tín đồ tôn giáo có thể "sinh hoạt tôn giáo online" thay vì đến các cơ sở thờ tự.

          Có thể khẳng định rằng, việc khai thác, sử dụng mạng Internet trong hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã thực hiện từ lâu, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì hoạt động này lại được chú trọng hơn và mở ra những nội dung mới mà trước đây chỉ thực hiện trực tiếp tại các cơ sở thờ tự tôn giáo. Từ thực tiễn đó, đã và đang đặt ra những vấn đề mới cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong bài viết này, từ góc độ cá nhân, tác giả xin đưa ra một số vấn đề để cùng trao đổi và bàn luận.

          1. Một số vấn đề phát sinh trong hoạt động tôn giáo trên không gian mạng nhìn từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19

          Một là, sự gia tăng các hoạt động tôn giáo trên không gian mạng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không chỉ là một phép thử về tính hiệu quả của loại hình hoạt động tôn giáo mới cho các tổ chức tôn giáo mà còn làm thay đổi cấu trúc hoạt động tôn giáo truyền thống trước đây.

          Có thể thấy rằng, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam và có những diễn biến phức tạp, các tổ chức tôn giáo đã có những sự điều chỉnh trong hoạt động để phù hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Một trong số đó là tạm dừng sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các cơ sở thờ tự, tiến hành việc sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng. Đây không chỉ là một biện pháp tạm thời của các tổ chức tôn giáo mà còn là một phép thử về tính hiệu quả của hoạt động này. Bởi so với việc sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự thì không gian mạng có những ưu điểm như: không hạn chế về không gian địa lý, phạm vi lãnh thổ; không hạn chế về số lượng người tham gia, dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau… do đó, có thể thu hút nhiều tín đồ tham gia hơn (thậm chí là cả những người không phải là tín đồ, miễn là có thiết bị kết nối mạng internet). Trên cơ sở đó, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các sinh hoạt của người dân được trở lại bình thường, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo có thể tiến hành song song hoạt động tôn giáo trên thực tế và hoạt động tôn giáo trên không gian mạng.

          Bên cạnh đó, hoạt động tôn giáo trên không mạng Internet tạo nên một "không gian ảo" riêng, nơi mà các hoạt động cầu nguyện, bày tỏ đức tin tôn giáo… thậm chí là cả các hoạt động quyên góp, thiện nguyện đều diễn ra trên không gian mạng. Điều đó làm thay đổi cấu trúc của hoạt động tôn giáo truyền thống là diễn ra tại những địa bàn cụ thể; trong phạm vi cụ thể của từng tôn giáo, tổ chức tôn giáo. Hoạt động tôn giáo trên "không gian mạng" có sự ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với hoạt động tôn giáo truyền thống nhờ có sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Do đó, hoạt động này sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo.  

          Hai là, hoạt động tôn giáo diễn ra trên không gian mạng có lượng thông tin truyền tải lớn, cách thức thực hiện đa dạng, phong phú dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề mới làm gia tăng yếu tố khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

          Hoạt động tôn giáo diễn ra trên không gian mạng hiện nay không chỉ được thực hiện bởi các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận mà còn có cả hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, "đạo lạ" chưa được Nhà nước công nhận thậm chí không loại trừ trường hợp các cá nhân, tổ chức khác lấy danh nghĩa tôn giáo vì một mục đích nào đó để thực hiện. Các mặt hoạt động này có thể diễn ra ở trong nước thậm chí là ở nước ngoài với nhiều nội dung truyền tải khác nhau. Trong đó có hoạt động tôn giáo thuần túy của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận nhưng cũng đã xuất hiện hoạt động truyền bá các hiện tượng tôn giáo mới thậm chí là lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá "đạo lạ" và truyền bá những nội dung xấu đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Những mặt hoạt động tiêu cực trên không gian mạng liên quan đến "đạo lạ" cùng với hiệu ứng tương tác của mạng xã hội của những người tham gia sẽ là yếu tố mới phát sinh gây ra khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

          Hoạt động tôn giáo trên không gian mạng có thể thực hiện với nhiều hình thức truyền tải khác nhau như qua việc xây dựng các Website; xây dựng các trang Facbook Fanpage; thành lập các Kênh Youtube; tiến hành LiveStream trên các ứng dụng mạng xã hội; thành lập các hội, nhóm liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo trên không gian mạng… Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, do người dân có đức tin tôn giáo không thể đến các cơ sở thờ tự như bình thường, ở Việt Nam đã xuất hiện những ứng dụng cho điện thoại thông minh liên quan đến tôn giáo. Có thể kể đến như trên cửa hàng CH Play, xuất hiện ứng dụng mang tên "Viếng Chùa Online" đạt hơn 50.000 lượt tải về, tuy nhiên ứng dụng này đang gây ra những tranh cãi vô cùng gay gắt trên mạng xã hội. Để "đi viếng chùa online", người dùng phải nạp vào tài khoản 20.000 đồng để được "phù hộ" trong 1 ngày, nạp 50.000 đồng để được bình an trong 1 tháng…[1] Việc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến hoạt động tôn giáo trên không gian mạng như trên sẽ là những yếu tố tác động đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

          Ba là, hoạt động tôn giáo trên không gian mạng tiềm ẩn nguy cơ cao bị các đối tượng xấu lợi dụng gây ra sự chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và phát sinh những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

          Chúng ta biết rằng các hoạt động tôn giáo truyền thống khi thực hiện đều phải tiến hành các thủ tục đăng ký với các cơ quan chức năng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động tôn giáo trên không gian mạng không cần tuân thủ các quy định của pháp luật mà các mặt hoạt động tôn giáo trên không gian mạng với thuộc tính "ảo" của mình sẽ dễ dàng vượt qua nhiều quy định và hạn chế của pháp luật. Đây chính là yếu tố để cho những đối tượng xấu có thể lợi dụng. Thực tế trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đã có tình trạng các đối tượng xấu sử dụng các trang mạng xã hội, các Website mang màu sắc tôn giáo để thu hút sự theo dõi của người dân từ đó tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật như: phát tán tin giả về Covid-19; tin giả liên quan đến hoạt động của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo trong thời gian diễn ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tôn giáo thậm chí là tìm cách để chia rẽ khối đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc; lừa đảo gây quỹ từ thiện nhân đạo…

          Ngoài ra, hoạt động tôn giáo trên không gian mạng còn có đặc tính lan tỏa nhanh, chi phí thực hiện thấp dẫn đến việc những hiện tượng tôn giáo mới, "đạo lạ", các tổ chức, hội nhóm mang màu sắc tâm linh lựa chọn để truyền bá các tư tưởng xấu, chống phá. Có thể kể đến như cái gọi là "Thanh Hải vô thượng sư" (còn có các tên gọi khác như "đạo tràng Tây Hồ", "hội thiền định quốc tế Thanh Hải vô thượng sư", "hội quốc tế Thanh Hải vô thượng sư"…) đã công khai rao giảng tuyên truyền sự thù hận, tỏ rõ ý đồ chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... [2]

 

          2. Một số kiến nghị, đề xuất

          Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật hiện hành và hoàn thiện các quy định của pháp luật để quản lý hoạt động tôn giáo trên không gian mạng.

          Hoạt động của các cá nhân, tổ chức tôn giáo trên không gian mạng cũng như hoạt động của các cá nhân, tổ chức khác hiện nay tại Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử… Các văn bản quy phạm pháp luật này đều có những quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Ví dụ: Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác… Với những quy định của pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm đều bị xử lý mà không phân biệt chủ thể đó là cá nhân, tổ chức tôn giáo hay không.

          Đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng, các cơ quan chức năng trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động tôn giáo trên không gian mạng. Qua đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tôn giáo, tổ chức tôn giáo thực hiện các mặt hoạt động trên không gian mạng được bảo đảm về sự an toàn, tạo ra một môi trường sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng thuần túy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam mang đến cho xã hội.

          Hai là, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận trong việc xây dựng, lan tỏa các kênh tôn giáo chính thống. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ cần vào các trang công cụ tìm kiếm, người dùng có thể tìm được hàng trăm, hàng triệu kết quả khác nhau có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Trong hàng trăm, hàng triệu kết quả đó liệu đâu là kênh tôn giáo chính thức của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận? Đây sẽ là một câu hỏi khó cho những người dân mới bước đầu tìm hiểu về tôn giáo. Do đó, việc các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trong việc xây dựng các kênh tôn giáo chính thống trên không gian mạng sẽ là một việc làm ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện đối với các tổ chức tôn giáo đồng thời đảm bảo cho những người dân quan tâm tiếp cận được những kênh thông tin, kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo chính xác, góp phần loại bỏ những trang tin giả mạo. Ngoài ra, thông qua các kênh thông tin của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam góp phần truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đến quần chúng tín đồ và những người quan tâm.

          Ba là, nâng cao ý thức tự giác, cảnh giác của người dân khi tham gia vào hoạt động tôn giáo trên không gian mạng. Hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng văn minh khi tham gia hoạt động tôn giáo trên không gian mạng. 

          Không gian mạng là nơi tập trung lượng thông tin khổng lồ trong đó có những thông tin không chính xác, thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc hại.... Vì vậy, khi người sử dụng tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng nói chung, hoạt động liên quan đến tôn giáo nói riêng cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định, tự nâng cao tinh thần cảnh giác để sàng lọc và tiếp cận những nguồn thông tin chính xác. Bên cạnh đó, hãy là những người sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động tôn giáo trên không gian mạng nói riêng để tránh những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia vào không giam mạng hướng đến việc xây dựng một cộng đồng văn minh trên không gian mạng trong đó có những nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

          Bốn là, tiếp tục phát triển các giải pháp kỹ thuật để tăng khả năng sàng lọc, loại bỏ các thông tin tiêu cực, sai sự thật nói chung và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng trên mạng xã hội. Đây là giải pháp về kỹ thuật chuyên sâu đối với các cơ quan chuyên trách nhằm phát triển các công cụ lọc giúp phát hiện tin giả, tin sai sự thật… từ đó chủ động ngăn chặn sự lan truyền, cảnh báo tin giả ngay từ khi xuất hiện trên mạng xã hội trong đó có các thông tin liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

          3. Kết luận

          Từ thực tiễn các tôn giáo, tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo trên không gian mạng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cho thấy đây là một trong những xu hướng sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với xu thế khách quan của sự phát triển khoa học công nghệ 4.0. Hoạt động này sẽ tiếp tục phát sinh những vấn đề mới đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo bởi tính chất đa dạng, phức tạp của môi trường không gian mạng. Bài viết đưa ra một số quan điểm của cá nhân tác giả, xin được gửi đến quý độc giả quan tâm để cùng trao đổi,bàn luận./.

 

Lại Kim Khánh

 

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Ứng dụng "Viếng Chùa Online" gây nhiều nghi vấn vì tính năng nạp tiền, cộng đồng mạng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt: https://kenh14.vn/ung-dung-vieng-chua-online-gay-nhieu-nghi-van-vi-tinh-nang-nap-tien-cong-dong-mang-phan-no-chi-trich-gay-gat-20210102162600063.chn (Truy cập Tháng 9/2021).

          2. Lợi dụng hoạt động tâm linh để vi phạm pháp luật: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/loi-dung-hoat-dong-tam-linh-de-vi-pham-phap-luat-640609/ (Truy cập Tháng 9/2021).