Giá trị di sản kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ
Ngày đăng: 29/10/2021Công giáo có mặt tại Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 16 [1] thời Trịnh Nguyễn phân tranh và được tiếp tục trong suốt các thế kỷ 17, 18 ở cả Đàng trong và Đàng ngoài. Tuy nhiên, tới thời nhà Nguyễn, đạo Thiên chúa bị nghiêm cấm gắt gao. Chỉ đến năm 1884, Việt Nam chính thức bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp theo Hòa ước Giáp Thân thì đạo Thiên chúa mới phát triển mạnh, các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, tu viện… được xây dựng ở nhiều nơi, trong đó có các giáo phận ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ như Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Hải Phòng…[2, 3]
Kiến trúc các nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu (xây dựng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có sự giao thoa rõ rệt giữa kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc Việt Nam cổ truyền. Do vậy, chúng có những giá trị nổi bật về mặt nghệ thuật, phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây thời kỳ này. Các nhà thờ thường được xây dựng ở trung tâm quần thể dân cư, có khuôn viên rộng rãi, tầm nhìn đẹp nên tạo thành điểm nhấn kiến trúc và góp phần làm đẹp cảnh quan khu vực.
Tuy nhiên, việc bảo tồn các nhà thờ Công giáo đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm vẫn còn nhiều bất cập, nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc hạ giải để xây mới Nhà thờ Bùi Chu (xây dựng năm 1885) vào cuối năm 2019 vừa qua cho thấy việc nhận thức lại các giá trị để bảo tồn di sản kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu đã trở nên bức thiết và cần nhận được sự quan tâm thích đáng.
Một số nhà thờ tiêu biểu
1. Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình)
Quần thể Nhà thờ Phát Diệm do linh mục Trần Lục chủ trì xây dựng, khởi công năm 1875, hoàn thành năm 1898. Quần thể gồm Phương đình, nhà thờ lớn và 4 nhà thờ nhỏ, trong đó có Nhà thờ Đức Mẹ xây dựng hoàn toàn bằng đá.
Phương Đình thực chất là một tháp chuông cao 25m được xây dựng bằng đá phiến nhưng mang dáng dấp của một Tam quan trong kiến trúc Việt cổ truyền. Mái ngói, phần đua ra được đỡ bằng hệ con sơn gỗ, các góc mái uốn cong tạo thành đầu đao mang hình thức mái thuần Việt. Trên các đỉnh tháp nhỏ có 4 pho tượng thánh nhưng từ tư thế đến đường nét đều mang dáng dấp các pho tượng trong đền chùa cổ Việt Nam.
Nhà thờ lớn có mặt bằng hình chữ nhật dài 74m gồm 10 gian được chia thành ba phần: Sảnh đón tiếp, không gian dành cho giáo dân hành lễ và Cung thánh là nơi cử hành các thánh lễ. Mái hai lớp theo dạng mái chồng diêm dựa trên các bộ vì chồng rường – giá chiêng đỡ mái với 9 hàng cột gỗ lim rất gần với cấu trúc đình chùa Việt. Nội thất nhà thờ mang đậm chất kiến trúc Việt cổ truyền với khu vực Cung thánh sơn son thiếp vàng, bàn thờ được làm bằng một phiến đá nguyên khối được chạm trổ các motif hoa lá truyền thống tượng trưng cho bốn mùa.
Nhà thờ Đức Mẹ được xây dựng hoàn toàn bằng đá có kích thước 15,3×8,5×6m nên thường được gọi là Nhà thờ đá. Mặt chính của nhà thờ gồm một tòa Đức Mẹ ở giữa với trọng tâm là bức phù điêu hình trái tim bị đâm xuyên qua cùng các họa tiết theo kiểu truyền thống được chạm trổ tinh vi, hai tháp ở hai bên có đường nét giống với Tháp Bút ở Hồ Gươm Hà Nội. Nội thất được cấu trúc bằng đá cẩm thạch có bố cục nhẹ nhàng, thanh thoát với những bức chạm hình hoa sen, Mai – Trúc – Cúc – Tùng… hội tụ tinh hoa nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam.
Quần thể Nhà thờ Phát Diệm có thể coi là nhà thờ độc đáo bậc nhất ở Việt Nam khi đưa các hình ảnh của kiến trúc đình chùa truyền thống thuần Việt vào một công trình Thiên chúa giáo có nguồn gốc phương Tây, là biểu tượng của sự gặp gỡ giữa Công giáo và tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam, sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp.
Mặt bằng nhà thờ Phát Diệm [4]
2. Nhà thờ Hiếu Thuận (Ninh Bình)
Nhà thờ Xứ Hiếu Thuận được xây dựng năm 1889 tại xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình theo phong cách thuần Việt. Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật, dài 34,3m rộng 10,6m, gồm 9 gian, 5 nhịp, mở đầu là một không gian đón tiếp nhỏ, tiếp theo là không gian cho các giáo dân hành lễ và kết thúc bởi Cung thánh, phía sau Cung thánh có một phòng nhỏ là nơi chuẩn bị cho việc cử hành các thánh lễ. Mặt chính nhà thờ được bố cục thành năm khối cao 3 tầng tương ứng với 5 gian trong nội thất, khối trung tâm được làm nổi bật bởi độ cao và các hình thức trang trí như cây thánh giá trên đỉnh mái, bảng mạ vàng chữ Hán ghi tên nhà thờ. Hình thức mặt đứng mang dáng dấp Tam quan ở các đình chùa Việt với cách chia ba lối vào, phía trên các tầng tạo hình mái lợp ngói, các góc mái uốn cong theo kiểu đầu đao.
Toàn bộ cấu trúc chính của nhà thờ được cấu tạo bằng gỗ, các hàng cột bằng gỗ lim cao vút đỡ bộ vì kèo kiểu chồng rường – giá chiêng, mái ngói hai lớp kiểu chồng diêm với hàng cửa kính giữa hai lớp mái làm cho không gian bên trong nhà thờ tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Các tường bên được tạo lập bởi các cửa lùa bằng gỗ khi cần có thể mở một phần hoặc toàn bộ như trong các đình chùa cổ.
Nội thất nhà thờ nổi bật với khu vực Cung thánh hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ, sơn son thiếp vàng lấy cảm hứng từ kiến trúc Baroque với hàng cột mang dáng dấp các thức cổ điển, chính giữa là một Fronton bán nguyệt. Toàn bộ mảng tường khu vực Cung thánh được lấp đầy bởi các họa tiết trang trí hình hoa lá thiếp vàng nổi bật trên nền son đỏ, bao lấy các bức tranh và tượng mang hình Đức Mẹ bế chúa Giê-su hài đồng.
Nhà thờ Hiếu Thuận
3. Nhà thờ Hảo Nho (Ninh Bình)
Nhà thờ xứ Hảo Nho được xây dựng năm 1893 tại xã Yên Lâm, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, nơi từng ghi dấu sự truyền đạo của linh mục Alexandre de Rhodes ở Bắc Kỳ.
Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật dài 24,2m rộng 9,3m, bao gồm không gian đón tiếp, không gian dành cho các giáo dân và kết thúc bởi Cung thánh là nơi cử hành các thánh lễ.
Mặt chính nhà thờ xây gạch theo kiểu Tam quan thuần Việt, tương ứng với ba nhịp bên trong nội thất, phía trên ba cửa vào có các hàng chữ Hán. Khối trung tâm được làm nổi bật bởi độ cao vượt trội cùng tượng Thiên chúa và các thánh tông đồ. Các mái lợp ngói uốn cong ở các góc theo kiểu đầu đao nhưng trên đỉnh mái được kết thúc bởi cây thánh giá ở khối trung tâm hay tượng thánh ở hai khối bên, một sự kết hợp thú vị giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây.
Không gian bên trong nhà thờ được tạo dựng bởi cấu trúc gỗ đỡ mái ngói với sáu hàng cột, mỗi hàng gồm 4 cột gỗ lim. Các bộ vì kèo của nhà thờ có cấu trúc nhiều lớp được chạm khắc tỉ mỉ, đặc biệt 2 bộ vì che khu vực Cung thánh, chạm khắc sơn son thiếp vàng nối với mảng tường, bàn thờ cũng chạm trổ sơn son thiếp vàng, được ánh sáng từ cửa mái chiếu vào tạo nên một khung cảnh rực rỡ nơi Cung thánh. Cấu trúc 3 nhịp tạo cho không gian nội thất nhà thờ cảm giác thoáng đãng hơn so với kiểu không gian 5 nhịp ở đa phần các nhà thờ khác.
Nhà thờ Hảo Nho
4. Nhà thờ Hai Giáp (Nam Định)
Nhà thờ xứ Hai Giáp được xây dựng năm 1906 trên địa phận xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, thuộc giáo phận Bùi Chu (tỉnh Nam Định). Đây là hình thái nhà thờ hỗn hợp Nam và Tây (kết hợp giữa phong cách kiến trúc Việt truyền thống và phong cách nhà thờ phương Tây) thời kỳ đầu điển hình.
Không gian nhà thờ được tạo lập bởi 8 hàng cột gỗ đỡ bộ vì kèo kết hợp với 4 bức tường xây gạch bao quanh. Mặc dù hệ kết cấu chính của nhà thờ là hệ kết cấu gỗ thuần Việt nhưng các bức tường bao quanh tạo cho nhà thờ dáng vẻ một nhà thờ theo phong cách Neo-Gothic.
Mặt chính nhà thờ được cấu trúc kiểu 5 nhịp cao dần từ ngoài vào trung tâm lấy cảm hứng từ các nhà thờ Gothic Ý phù hợp với 5 gian bên trong nội thất. Các mảng tường được trang trí cầu kỳ bởi các họa tiết, các cửa đi, các mảng rỗng đặc xen kẽ. Khối trung tâm nổi bật bởi độ cao cùng các họa tiết trang trí và kết thúc bởi hai cây thánh giá nối tiếp nhau theo phương đứng.
Nội thất nhà thờ nổi bật bởi các hàng cột đỡ các bộ vì kèo gỗ được chạm khắc cầu kỳ nhưng hoàn toàn không được sơn phủ để lộ chất gỗ thô mộc. Riêng khu vực Cung thánh được sơn son thiếp vàng với nhiều họa tiết cầu kỳ bao quanh các bức tranh Thánh vẽ màu, nổi bật là bức tranh Đức mẹ bế chúa Giê Su hài đồng ở trung tâm.
Nhà thờ Hai Giáp
5. Nhà thờ Văn Lý (Nam Định)
Nhà thờ xứ Văn Lý được xây dựng năm 1907 trên khu vực của ngôi Thánh đường do các giáo sĩ dòng Tên xây dựng từ năm 1765 thuộc địa phận xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định theo phong cách hỗn hợp giữa nhà thờ Nam và nhà thờ Tây.
Mặt chính nhà thờ được nhấn mạnh bởi tháp chuông 3 tầng nhô ra phía trước, hai phía được xây thấp và nhỏ dần tạo ra 5 nhịp ứng với cấu trúc 5 gian trong nhà thờ. Tháp chuông ở khu vực trung tâm tạo điểm nhấn bởi độ cao và các họa tiết trang trí phương Tây kết hợp với một số họa tiết Việt cổ truyền. Một Fronton bán cung kiểu Phục Hưng hậu kỳ phía trên cửa tầng hai tháp chuông và các hình thức trang trí cầu kỳ lấp đầy mặt đứng cho thấy nhà thờ Văn Lý chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà thờ Baroque.
Hệ kèo kiểu vỏ cua được sơn son thiếp vàng là một nét đặc sắc trong không gian nội thất của nhà thờ. Toàn bộ hệ cột – kèo nối với khu vực Cung thánh sơn son thiếp vàng bao quanh các bức tranh thánh, tạo ra một không gian đầy màu sắc.
Những đặc trưng cơ bản của di sản kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở đồng bằng Bắc Bộ
Khác với nhà thờ ở các thành phố lớn được xây dựng theo phong cách nhà thờ Châu Âu, gọi nôm na là nhà thờ Tây, các nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu lấy cảm hứng từ kiến trúc Việt cổ truyền, do vậy còn được gọi là nhà thờ Nam. Tuy nhiên, các nhà thờ Nam cũng được chia thành hai loại:
- Phong cách thuần Nam thường thấy ở các nhà thờ xây dựng cuối thế kỷ 19 với hệ cấu gỗ theo kiểu truyền thống Việt Nam. Mặt chính được tạo dựng theo kiểu tam quan, mái lợp ngói với các đầu đao uốn cong lên trên cùng các họa tiết trang trí thuần Việt. Tháp chuông không gắn với mặt tiền mà thường được tách rời khỏi công trình;
- Phong cách hỗn hợp thường gặp ở các nhà thờ xây dựng đầu thế kỷ 20. Hệ kết cấu chủ đạo vẫn là kết cấu gỗ truyền thống, được kết hợp tường xây gạch bao quanh. Mặt chính mang phong cách nhà thờ Châu Âu với điểm nhấn là tháp chuông cao vút cùng các họa tiết trang trí kiểu phương Tây.
Nhà thờ Công giáo không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của giáo dân địa phương, nơi nuôi dưỡng các giá trị về mặt đạo đức và nhân văn của người dân, có nhiều nét về mặt chức năng giống với ngôi đình làng của người Việt. Do vậy, ảnh hưởng của kiến trúc cổ truyền tới kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu là rất rõ nét.
Nhà thờ Văn Lý trước và sau khi cải tạo
Kết luận
- Các nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đều được xây dựng cách đây hơn 100 năm, góp phần phản ánh quá trình phát triển Thiên chúa giáo nói riêng và những biến động lịch sử thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở khu vực này;
- Căn cứ vào những dấu vết mang tính nguyên bản, các nhà thờ Công giáo cũng giúp chúng ta nhận biết bề dày lịch sử của bản thân nhà thờ cũng như sự biến đổi khu vực xung quanh nhà thờ trong quá trình biến đổi làng xã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ;
- Nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ được dựng nên bởi công sức của người dân địa phương, sử dụng tinh hoa nghệ thuật kiến trúc dân gian và được chăm chút bởi những người thợ tài hoa. Phần lớn các nhà thờ đều đạt tỷ lệ hài hòa và tương quan thích hợp giữa các thành phần kiến trúc nội và ngoại thất, khai thác các yếu tố kiến trúc truyền thống, kết hợp nhuần nhuyễn các thành phần kiến trúc Á – Âu, tạo ra ấn tượng đẹp về nhà thờ Thiên chúa giáo mang tính độc đáo của khu vực;
- Hầu hết nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở vùng đồng bằng Bắc bộ đều chưa được xếp hạng di tích, do vậy vấn đề bảo tồn bộ phận di sản này hầu như chưa được đặt ra, nhiều nhà thờ bị sửa chữa làm mất đi tính nguyên bản, có nhà thờ còn bị phá dỡ để xây dựng lại. Đây là vấn đề cần được lưu tâm trong thời kỳ tới của các cấp chính quyền và toàn thể cộng đồng giáo hữu và nhân dân địa phương.
TS Trần Quốc Bảo (Nguồn: moitruongvadothi.vn)
*Tài liệu tham khảo:
1. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, NXB Giáo dục Hà Nội, 1998.
2. Nguyễn Tất Thắng (2019), Kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Việt Nam – Những giá trị cần phát huy, Tạp chí Xây dựng số 08/2019.
3. Viện Kiến trúc quốc gia (2019), Dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá giá trị kiến trúc loại hình nhà thờ công giáo Bắc, Trung và Nam Bộ”.
4. Y.Yamada (2011), Timer-framed Churches in Northen Vietnam. Tokyo Metropolitan University