Việc xây dựng khu du lịch tâm linh và công tác quản lý nhà nước (P1)
Ngày đăng: 03/07/2019
Thời gian gần đây, trong xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, và cả ở diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều cuộc bàn luận về các khu du lịch tâm linh, đặc biệt là các khu du lịch tâm linh mới được xây dựng liên quan đến Phật giáo. Quan sát các cuộc trao đổi, chúng tôi nhận thấy nội dung chủ yếu tập trung vào những câu hỏi: Có cần xây dựng các khu du lịch tâm linh không? Việc xây dựng nên theo mô hình nào để phù hợp với tôn giáo và đạt được mục tiêu thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân? Và, cần cơ chế quản lý nhà nước như thế nào đối với những khu du lịch tâm linh này? Dưới đây, chúng tôi xin được cùng thảo luận về những vấn đề vừa nêu.

Có cần xây dựng các khu du lịch tâm linh không?

Khu du lịch tâm linh được hiểu là một quần thể có chức năng hỗn hợp, đáp ứng cùng lúc cả hai mục tiêu: Vừa là nơi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh; vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch. Vì vậy, khu du lịch tâm linh phải đạt hai tiêu chí: Vừa có cơ sở vật chất, con người phục vụ tâm linh; vừa có hiện vật, công trình, cảnh quan, con người phục vụ tham quan, du lịch.

Với những đặc điểm ấy, có thể nói, trên thực tế các khu du lịch tâm linh đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu, dù không với tên gọi “khu du lịch tâm linh”, và mục đích ban đầu đặt ra có thể chỉ làm nơi thực hành tôn giáo, chứ chưa phải để tham quan, du lịch. Các khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) và Hương Sơn (Hà Nội) là những ví dụ điển hình.

Việc hình thành, xây dựng các khu du lịch tâm linh là nhu cầu khách quan, đáp ứng những đòi hỏi hợp lý, cần thiết của mọi người nói chung và của tín đồ các tôn giáo nói riêng trong việc tham quan, du lịch và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Các khu du lịch tâm linh còn góp phần vào việc xây dựng và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Việc xây dựng các khu du lịch tâm linh nên theo mô hình nào để phù hợp với tôn giáo và đạt được mục tiêu thực hành tâm linh của tín đồ?

Các tôn giáo khác nhau có những quan niệm, giáo lý, giáo luật khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các khu du lịch tâm linh gắn với một tôn giáo nào đó, nên và cần phải tuân theo tinh thần, quan niệm chủ đạo của tôn giáo ấy. Thực hiện trái nguyên tắc này thì khu du lịch tâm linh được xây dựng có thể sẽ trở thành lệch lạc.

Như đã nói ở trên, trong thời gian qua, một vài khu du lịch tâm linh mới xây dựng có liên quan đến Phật giáo đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn luận. Sau đây, chúng ta cùng xem xét về sự phù hợp giữa mô hình của các khu du lịch tâm linh này với tinh thần cốt lõi của đạo Phật, qua đó hình dung tới hướng tác động và hiệu quả của việc thực hành tâm linh của Phật tử nói riêng, của những đối tượng khác (có mục tiêu tâm linh) nói chung, khi tới thực hành tôn giáo, tín ngưỡng tại các địa điểm này.

Như chúng ta đã biết, một trong những quan niệm căn bản, nền tảng và là mục đích lớn nhất của đạo Phật là giúp con người tránh được tham, sân, si. Bản thân Đức Phật khi còn tại thế, Ngài rời bỏ quyền lực, cung vàng điện ngọc, giàu sang phú quý để tu hành và giáo hóa chúng sinh. Ngài giác ngộ trong rừng, dưới gốc cây Bồ Đề. Rồi Ngài truyền đạo cho các đệ tử, giáo hóa chúng sinh cũng chủ yếu ở trong rừng, giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Như vậy, theo gương Đức Phật, chúng ta nên chọn địa điểm đặt các khu du lịch tâm linh ở những vùng rừng núi hoang sơ, xanh mát, phong cảnh hữu tình. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, cần tận dụng những cấu trúc địa hình, địa chất vốn có để làm nơi thực hành tôn giáo (ví dụ các hang động, vách núi), hạn chế tới mức nhỏ nhất việc hủy hoại cảnh quan thiên nhiên bằng các hoạt động san lấp, xây dựng. Hai danh thắng Yên Tử, Hương Sơn, vốn xưa đã tuân thủ, đáp ứng đúng mô hình này.

Hơn nữa, nếu các khu du lịch tâm linh Phật giáo đầu tư xây dựng những công trình to lớn, tráng lệ nhằm hướng tới việc đạt kỷ lục, thì vô tình đã khích lệ sự tham, sân, si của mọi người. Điều này trái ngược với quan niệm, mục đích của Đức Phật khi trao truyền Phật pháp.

Phật giáo đề cao luật nhân quả. Người nào gieo nhân là những việc làm sai trái, thậm chí lợi dụng hình ảnh Đức Phật, lợi dụng đạo Phật để mưu cầu tiền bạc, công danh, thì quả mang lại sẽ rất bi thảm. 

Ở khía cạnh hiệu quả của việc thực hành tôn giáo, tâm linh, theo luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, ở những khu du lịch tâm linh Phật giáo có nhiều việc làm đúng đạo, nhiều con người có đạo, thì hiệu quả thực hành tôn giáo, tâm linh thường sẽ tốt đẹp; và ngược lại, hiệu quả thu được sẽ rất tiêu cực.

Ảnh minh họa

Cần cơ chế quản lý nhà nước như thế nào đối với những khu du lịch tâm linh?

Từ những luận điểm và phân tích đã nêu, chúng tôi xin đề xuất một số quan điểm đối với công tác quản lý nhà nước về các khu du lịch tâm linh như sau:

Thứ nhất, không hạn chế việc hình thành, nhưng cần có định hướng và quy hoạch phát triển các khu du lịch tâm linh liên quan đến các tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, liên quan đến Phật giáo nói riêng.

Thứ hai, cần có sự bình đẳng giữa dịch vụ du lịch tâm linh với các dịch vụ khác ở mọi khía cạnh, do đó, với các dự án du lịch tâm linh, nên thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để triển khai dự án, đồng thời thu thuế sử dụng đất hàng năm; khi triển khai và vận hành dự án cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật liên quan (Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán, Luật Phí và Lệ phí,…); cho phép chủ đầu tư bán vé tham quan cũng như cung cấp các dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, cần tham vấn các tổ chức tôn giáo, các nhà khoa học cũng như những người hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo, để đảm bảo các dự án du lịch tâm linh liên quan đến tôn giáo nào phải tuân thủ đúng những quan niệm căn bản, giáo lý, giáo luật của tôn giáo ấy.

Thứ tư, để tạo sự bình đẳng giữa các tôn giáo cũng như các chủ thể kinh doanh, Nhà nước không nên tài trợ cho các dự án khu du lịch tâm linh dưới mọi hình thức, mọi mức độ.

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại một sự kiện lịch sử, chắc hẳn cũng sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học có giá trị: Vua Lê Thánh Tông (trị vì giai đoạn 1460 – 1497, niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức), để tập trung tiền của, công sức vào các công việc có ích khác, Nhà Vua đã cấm không cho xây dựng mới các ngôi chùa; vậy mà Ngài có thời gian trị vì tới 38 năm, trở thành một trong những vị vua tại vị lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, và giai đoạn Ngài trị vì cũng là một trong những thời kỳ đất nước ta phát triển rực rỡ nhất về mọi mặt./.

(Còn nữa)

 

Nguyễn Linh – Mạnh Hải