Công giáo Việt Nam tham gia phòng, chống dịch và chăm sóc bệnh nhân Covid-19
Ngày đăng: 16/11/2021
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11
Dẫn nhập Bài viết, tác giả sẽ trình bày một số số liệu về đóng góp của Công giáo trong phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ các bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Qua đó cho thấy, các hoạt động chăm sóc người bệnh bằng tình yêu thương, chia sẻ tận tâm, nhiệt thành, yêu thương của các tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ Công giáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm ngưng trệ, gián đoạn rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, kinh tế và xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đợi dịch lần thứ 4, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân, trong đócó đồng bào các tôn giáo. Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do đại dịch, thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân và chính quyền đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vận động, ủng hộ “Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19” do Chính phủ thành lập; tổ chức nhiều hoạt động bác ái để hỗ trợ người dân trong vùng dịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt Giáo hội Công giáo Việt Nam đã kêu gọi hàng ngàn linh mục, nam, nữ tu sĩ lên đường vào tâm dịch, phục vụ các bệnh viện tuyến đầu, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng. Các linh mục, nam, nữ tu sĩ đã dấn thân phục vụ, đưa ngọn lửa yêu thương, trái tim cảm thông, bàn tay chia sẻ đến với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

1. Một số đóng góp quỹ phòng, chống dịch và hoạt động bác ái của Công giáo Việt Nam

Ở nước ta ngay từ đầu năm 2020, sau khi có chỉ đạo, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, các vị Giám mục giáo phận hướng dẫn linh mục, tu sĩ, giáo dân tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo có sự tham dự của giáo dân; tổ chức thánh lễ để giáo dân tham dự trực tuyến (online) và qua các mạng xã hội; tổ chức thánh lễ riêng tư cho chức sắc Công giáo…Tất cả các giáo phận, giáo xứ, dòng tu đã chia sẻ với người khó khăn, đóng góp về nhân lực, vật lực, chung tay cùng các cấp chính quyền triển khai hoạt động phòng, chống dịch và góp phần trong công tác an sinh xã hội.

Cũng như các đợt dịch trước, đợt dịch lần thứ 4 này, Công giáo Việt Nam đã tham gia đóng góp nhân lực, vật lực phòng, chống dịch Covid. Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, các giáo phận Phan Thiết, Qui Nhơn, Nha Trang, Bà Rịa, Xuân Lộc, Phú Cường, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Mỹ Tho… đã có nhiều hoạt động từ thiện cung cấp thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, tiền mặt và các suất ăn hàng ngày cho các bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng (quỹ vaccine 5 tỷ đồng; hỗ trợ tiền mặt cho các khu điều trị covid-19 và khu cách ly số tiền 200 tỷ đồng; hỗ trợ thiết bị y tế số tiền khoảng 15 tỷ đồng; nhu yếu phẩm khoảng 50 tỷ đồng,…).

Hội đồng Giám mục Việt Nam hỗ trợ thiết bị y tế, vật chất cho bệnh viện tuyến đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh: 02 máy tạo oxy; 04 thiết bị đo nồng độ oxy Sp02; 1.800 khẩu trang N95, 100 bộ đồ phòng dịch và 7.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 phục vụ các nhóm tu sĩ phục vụ tuyến đầu, các cộng đoàn dòng tu có nhu cầu xét nghiệm, các Đại Chủng sinh và anh chị em phục vụ thiện nguyện trong chương trình cứu trợ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam;Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tiếp nhận thủ tục nhập khẩu 200.000 khẩu trang FFP2 trị giá 88,500 Euro để trao tặng một số bệnh viện và phục vụ tuyến đầu

Các gói hỗ trợ qua Caritas Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh: (1) An sinh xã hội, nhu yếu phẩm, các giáo xứ và rất nhiều cộng đoàn dòng tu âm thầm nấu ăn, cung cấp lương thực và hỗ trợ tài chánh cho những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, 5.133 thùng sữa, 35.600 phần thực phẩm, 14.062 thùng mì và cháo gói, 3.050 lít nước mắm và nước tương, 01 tấn đường, 01 tấn muối ăn, 3.000 lít dầu thực vật, 03 tấn cá khô, 700 kg tôm hơn 110 tấn thịt, hơn 290 tấn gạo và hơn 1.032 tấn rau, củ, quả…1.275 tấn gạo; Đóng góp 08 tỷ đồng thực hiện “Siêu thị 0 Đồng”; Tặng 10.000 bánh trung thu và 10.000 lồng đèn tặng các em nhiễm bệnh Covid-19 và các em mồ côi;  26.160 phần quà  hỗ trợ những gia đình khó khăn với 9.156.000.000đ.

Các hoạt động bác ái, từ thiện tại các giáo phận khác: : Giáo phận Hà Tĩnh quyên góp hơn 6,5 tỷ đồng; ủng hộ “Quỹ Vắc-xin” số tiền 70 triệu đồng; trao 989 suất quà trị giá 316 triệu đồng, cùng với 10.065 suất cơm tương ứng 213 triệu đồng; Giáo phận Vinh kêu gọi được 60 tấn nhu yếu phẩm và khoảng 3 tỷ đồng; Caritas Giáo phận Đà Lạt đã hỗ trợ hơn 400 tấn rau, củ, quả và hàng tỷ đồng; Giáo phận Cần Thơ hỗ trợ hơn 42 tấn gạo, hơn 4,5 tấn nhu yếu phẩm và hơn 10 tỷ đồng; Giáo phận Ban Mê Thuột hỗ trợ hơn 30 tấn rau, củ, quả và hàng tỷ đồng; Tổng Giám mục Giáo phận Huế hỗ trợ hơn 10 tấn rau, củ và đặc sản Huế; Caritas Giáo phận Hải Phòng hỗ trợ và triển khai hoạt động từ thiện bác ái  hơn 5 tỷ đồng…

Trong bài viết này không thể kể hết những hỗ trợ, thiện nguyện lớn lao của Công giáo ở 27 giáo phận qua 4 đợt dịch vừa qua, đó là những đóng góp quan trọng về sức người, sức của của Công giáo Việt Nam, đã góp phần quan trọng cùng các cấp chính quyền và nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh, đưa đời sống nhân dân dần trở lại bình thường.

2. Tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân và phục vụ tuyến đầu

Đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong phòng, chống đại dịch đặc biệt là phải kể đến lực lượng hàng nghìn tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu tại các bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam khác.

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng Giám mục Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Giám mục Đỗ Văn Ngân, Giám mục giáo phận Xuân Lộc; Giám mục Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường và các Giám mục giáo phận, hàng nghìn linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tình nguyện tham gia phục vụ các bệnh viện tuyến đầu, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân Covid nặng. Đến ngày 10/10/2021 đã có 1.558 Linh mục, tu sĩ và giáo dân các giáo phận phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu.

Tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 10/10/2021 đã có 526  Thiện Nguyện viên (trong đó có 21 Linh Mục và 505 Tu sĩ) phục vụ tại 08 Bệnh viện điều trị COVID-19 từ ngày 22 tháng 7 đến nay (10 tháng 10 năm 2021): Bệnh viên số 10; Bệnh viện số 12; Bệnh viện số 16; Bệnh viện Ung Bướu 2; Bệnh viện Quận 7; Bệnh viện Gia Định; Bệnh viện Trưng Vương; Bệnh viện Tân Bình. Tại giáo phận Xuân Lộc có 566 tình nguyện viên, trong đó có 21 linh mục, phó tế, 89 chủng sinh, 217 tu sĩ, 228 chức việc.

Thực tế số lượng các linh mục, tu sĩ Công giáo đăng ký tham gia đông hơn nhiều số người được chọn đi phục vụ tuyến đầu. tuy nhiên theo yêu cầu của các cơ quan y tế, những linh mục, tu sĩ tham gia tình nguyện viên phòng, chống dịch phải có sức khỏe tốt, độ tuổi dưới 40, được khám tầm soát, tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đặc biệt giới tình nguyện viên Công giáo thì phần lớn là những người có kinh nghiệm, kiến thức, một số qua trường lớp y khoa và được tập huấn kiến thức để đảm bảo sức khỏe tham gia phòng, chống dịch.

Các giáo phận thành lập Ban Điều phối cấp giáo phận để điều phối, lựa chọn tình nguyện viên phù hợp. Các nhóm tình nguyện viên khi phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu làm việc theo sự điều phối của Ban Giám đốc Bệnh viện và sự phân công của nhóm trưởng với nguyên tắc luôn đảm bảo tính an toàn, tránh lây nhiễm và lây nhiễm chéo, dành trọn thời gian tập trung chăm sóc bệnh nhân, không nề hà bất cứ công việc gì để giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất. Tình nguyện viên có kiến thức y khoa sẽ tham gia khám, phát thuốc cùng các bác sĩ, lấy mẫu xét nghiệm, tình nguyện viên có kiến thúc điều dưỡng tham gia chăm sóc người bệnh, một số khác chăm lo việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vệ sinh răng miệng, lau rửa người, thay quần áo; có tình nguyện viên tham gia công việc văn phòng, hành chính, nhập dữ liệu máy tính, phân phát đồ ăn, phục vụ, lau dọn vệ sinh; có tình nguyện viên phục vụ công việc lo hậu sự cho bệnh nhân không may qua đời,… mỗi tình nguyện viên được bố trí công việc phù hợp tại các bệnh viện tuyến đầu. Thông thường các tình nguyện viên được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4 thành viên chia theo ca trực, vì vậy, các tình nguyện viên thay nhau luôn có mặt tại bệnh viện 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ chăm sóc người bệnh,… để bệnh nhân được hồi phục sức khỏe một cách tốt nhất

Điều đặc biệt trân trọng, cảm phục tấm lòng các tình nguyện viên Công giáo đó là các linh mục, tu sĩ đã tình nguyện tham gia trong thời tình hình dịch phức tạp, môi trường bệnh viện có nguy cơ lây lan cao, chăm sóc bệnh nhân nặng, công việc rất vất vả. Sự tham gia tích cực, không ngại vất vả, gian khổ nguy hiểm đã tích cực, nhiệt tình tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ trong công tác chăm sóc bệnh nhân; gần gũi, động viên các bệnh nhân trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại bệnh viện. Sự nhiệt tình, chung tay trong các công việc điều trị bệnh nhân Covid-19 đã không chỉ hỗ trợ trong nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các y, bác sĩ, mang lại sức mạnh cho lực lượng y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng các tình nguyện viên luôn âm thầm, nhẫn nại chăm sóc các bệnh nhân, giúp họ sớm hồi phục, quay lại với cuộc sống hằng ngày. tình nguyện viên phục vụ ở khoa cấp cứu chia sẻ, công việc chủ yếu là phụ các điều dưỡng thay tã cho bệnh nhân, lau người, thay tấm trải giường... Sau đó, dọn vệ sinh phòng bệnh và sảnh khu cấp cứu. Khoa cấp cứu đa phần đều hôn mê, mọi việc sự đều thực hiện trên giường, vệ sinh tại chỗ, thay tã tại chỗ, thay ga, ăn trên giường. Các tình nguyện viên Công giáo đã xem các bệnh nhân đó cũng như cha mẹ, như người thân của mình, nên những việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm vẫn phục vụ với tình yêu thương.

Các tình nguyện viên chăm sóc người bệnh thường xuyên an ủi, động viên, khích lệ tinh thần, giúp các bệnh nhân giải tỏa tâm lý nặng nề, suy nghĩ bi quan khi mắc bệnh, giúp an ủi, động viên tinh thần để họ có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật. Đây chính là liều thuốc tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh giúp cho người bệnh sớm khỏe mạnh, quay lại cuộc sống bình thường. Dù phải làm việc cực nhọc trong bộ đồ bảo hộ vướng víu, mồ hôi nhễ nhại và khó thở nhưng các tình nguyện viên đều làm việc phục vụ trong tình yêu thương và tận tụy với bệnh nhân. Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh còn cử một số nữ tu, bác sĩ tâm lý vào bệnh viện dã chiến để chia sẻ, hỗ trợ sang chấn tâm lý cho các bệnh nhận mắc covid, giúp họ sớm phục hổi trở về cuộc sống bình thường.

Nhận xét về các tình nguyện viên Công giáo phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu, nhiều Lãnh đạo, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19, gửi lời cảm ơn, tri ân sự hỗ trợ kịp thời của các tình nguyện viên và cho biết, trong thời gian bệnh viện tuyến đầu mới thành lập, nguồn lực thiếu thốn, sự có mặt kịp thời của các tình nguyện viên tôn giáo đã giúp bệnh viện hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bệnh nhân, phần lớn là bệnh nhân nặng và rất nặng.

Lãnh đạo các bệnh viện tuyến đầu và lãnh đạo địa phương nơi có tình nguyện viên Công giáo tham gia tuyến đầu các bệnh viện đều trân trọng, cảm phục và đánh giá rất cao sự đóng góp, phục vụ, chăm sóc bệnh nhân của các tình nguyện viên Công giáo, những người không ngại khó khăn, không ngại bất cứ việc gì, luôn thực hiện đúng theo phân công, bố trí công việc của lãnh đạo các bệnh viện, sự hướng dẫn của các y bác sĩ

Các bệnh nhân mắc Covid-19 ở các bệnh viện tuyến đầu đều trải qua thời kỳ đầy khó khăn, gian khổ, nhưng vượt trên nỗi đau của bệnh tật đó chính là sự trợ giúp, chia sẻ, là tình yêu thương của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và các tình nguyện viên Công giáo. Những cử chỉ hỗ trợ đầy nhân văn của các tình nguyện viên Công giáo đã vun đắp thêm truyền thống nhân ái, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Các tình nguyện viên Công giáo đã vượt qua những khác biệt về vị trí xã hội, đồng hành cùng y, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu tại các bệnh viện trong hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Trong số hơn hàng nghìn tình nguyện viên tôn giáo đang phục vụ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có rất nhiều tình nguyện viên đã hoàn thành thời gian đăng ký ban đầu, nhưng sau đó tự nguyện đăng ký ở lại tiếp tục hỗ trợ lực lượng y, bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, giới Y tế Công giáo, Caritas Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp trợ giúp cho người bị nhiễm Covid-19 tại nhà như tư vấn sức khỏe, cung cấp thuốc thông dụng, bình ôxy, máy tạo ôxy, dụng cụ SpO2 tại nhà, đồng hành tâm linh; hàng chục bác sĩ Công giáo cung cấp số điện thoại cho các bệnh nhân gọi trao đổi tư vấn 24/24…

Qua các sự kiện, hoạt động này, càng thể hiện rõ những đóng góp rất trân trọng của các vị chức sắc, tu sĩ và cộng đồng Công giáo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vì sức khỏe của cả cộng đồng xã hội và Giáo hội

3. Một vài suy nghĩ về tình nguyện viên chăm sóc  bệnh nhân Covid-19

Người Công giáo luôn được mời gọi tham gia vào chữa lành, chăm sóc người bệnh theo tấm gương của Chúa Giêsu quan tâm và chữa lành bệnh cho mọi người. Trong các sách Phúc Âm, người ta thấy Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho rất nhiều người, bản thân Ngài cũng có quyền năng phép lạ trong việc chữa bệnh. Chúa Giêsu đi khắp vùng Galile và chữa bệnh cho nhiều người. Tin tức về các phép lạ của Ngài đồn ra khắp các làng mạc và thành thị ở xung quanh. Người ta đem đến cho Ngài người bị bại liệt, người bệnh phong, người mù, người câm, người bị quỷ ám, cảm sốt cùng nhiều người bệnh khác. Chúa Giêsu chữa lành cho tất cả. Chúa Giêsu đề cao việc cứu người hơn cả các luật lệ của người Do Thái lúc đó, đã chữa bệnh cho ngươi phụ nữ bị bệnh trong vòng 18 năm vào đúng dịp lễ Sa bát của người Do Thái. (Mt 15, 30-31; Lc 13, 10-17; Mt 20, 29-34). Giáo hội mời mọi người “hãy luôn quan tâm đến nhau bằng tình yêu thương; Noi gương Đức Giêsu, luôn dùng bàn tay của mình để hành động vì đức ái, luôn giúp đỡ và làm ơn cho tha nhân, nhất là những anh chị em kém may mắn hơn chúng ta, đó là cách mà chúng ta được gần gũi và chạm đến Chúa mỗi ngày.”

Lực lượng tình nguyện viên Công giáo đã tham gia phòng chống dịch đã thực sự đóng góp rất nhiều trong công tác chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân và bệnh viện tuyến đầu. Linh mục, tu sĩ Công giáo gác lại công việc mục vụ của các Linh mục tại các giáo xứ, dòng tu; các tu sĩ đang hoạt động tại cộng đoàn, dòng tu đã chia tay dòng tu, chia tay cộng đoàn, gác lại công việc của dòng để tham gia các hoạt động chăm sóc người bệnh, các tình nguyện viên Công giáo đã can đảm dấn thân, thể hiện tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tình nguyện viên Công giáo tham gia với niềm tin dựa trên tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, hướng tới tha nhân và những người nghèo khổ, bệnh tật, luôn đề cao luân lý yêu thương con người, hướng đến các giá trị nhân bản, nên luôn luôn yêu thương và phục vụ, do đó khi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, các hoạt động của tình nguyện viên tạo ra niềm tin xã hội, tạo ra những hiệu ứng tích cực với những người bệnh nhân Covid và lan tỏa giá trị nhân bản, tình yêu thương ra cộng đồng xã hội.

Khi xuất phát từ đức tin và từ giáo lý, những hoạt động của tình nguyện viên Công giáo tham gia trong lĩnh vực y tế, chăm sóc người bệnh Covid đều xuất phát từ tâm, từ đạo đức và lòng thương xót với những người bệnh tật, đau khổ, làm việc bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt tình mong muốn đem lại an ủi cho người bệnh..

Bệnh viện Chợ Rẫy cảm ơn Tổng Giáo phận Thành phồ Hồ Chí Minh tham gia chăm sóc nhân viên y tế

Một vài gợi ý đề xuất, kiến nghị:

Qua các hoạt động thiện nguyện, chăm sóc người bệnh của các tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ Công giáo, tác giả cũng một vài gợi ý đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: (1) Ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên chăng sau quá trình giãn cách nên mời gọi các tôn giáo, Công giáo cùng tham gia tiếp tục trợ giúp cho người bị ảnh hưởng của Covid cả về vật chất, tinh thần và đời sống tâm linh, tôn giáo; (2) Cơ chế đội ngũ “tình nguyện viên” tôn giáo thường xuyên tham gia các công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, tâm lý và giáo dục chuyên biệt để tiếp tục phát huy nguồn lực các tôn giáo trong công tác chăm sóc người bệnh./.

 

Đào Thị Đượm

 

*Tài liệu tham khảo:

1. Báo Công giáo và Dân tộc.

2. Báo cáo Caritas Việt Nam và Caritas các giáo phận tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tháng 10/2021.