Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Sáng kiến Đức tin vì Trái đất: một số tham khảo nhằm phát huy nguồn lực tôn giáo để giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam
Ngày đăng: 06/09/2021
Trước vấn đề môi trường ngày càng trở trầm trọng Liên Hợp Quốc đã thành lập một cơ quan độc lập về môi trường, đó là Chương trình Môi trường Liên Liên Hợp Quốc (United Nation Enviromental Program – UNEP), được thành lập năm 1972. Đây là cơ quan môi trường toàn cầu hàng đầu đặt ra chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện nhất quán khía cạnh phát triển bền vững của môi trường trong hệ thống Liên Hợp Quốc và đóng vai trò là cơ quan ủng hộ có thẩm quyền cho môi trường toàn cầu.

Là một phần quan trọng của chương trình, Sáng kiến Đức tin vì Trái đất (Faith for Earth Initiative) được khởi động vào tháng 11/2017 đã nhìn nhận giá trị và nguồn lực to lớn của các tổ chức dựa trên đức tin trong giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời đặt mục liên kết một cách chiến lược với các tổ chức dựa trên đức tin và quan hệ đối tác với nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 ở tất cả các cấp.  

Bài viết này giới thiệu một số điểm đáng lưu ý, có giá trị tham khảo đến thực tiễn ở Việt Nam của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất. 

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tiếp cận đa chiều đối với vấn đề môi trường

Để đạt được hiệu quả trong giải quyết vấn đề môi trường, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đề ra bảy lĩnh vực chủ đề rộng lớn, bao gồm: biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, quản lý hệ sinh thái, quản trị nhà nước về vấn đề môi trường, hóa chất và chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đánh giá hiện trạng môi trường.   

Đây là cách tiếp cận có thể nói là toàn diện, đồng bộ về vấn đề môi trường, trong đó không thể không nhắc đến quản trị nhà nước về môi trường, vì toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có cơ quan chuyên ngành về các vấn đề môi trường, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng – tổ chức duy nhất có đủ cơ sở pháp lý để có thể phát động và triển khai đồng bộ, toàn diện, triệt để các giải pháp cho vấn đề môi trường. Ngoài ra, vị trí thế tục của cơ quan, tổ chức nhà nước có thể đóng vai trò trung lập để thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các tổ chức dựa trên các hệ thống đức tin khác nhau. 

Một điều đáng chú ý khác là việc khai thác hợp lý, hiệu quả để tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên cũng được xem làm một trong 7 chủ đề lĩnh vực chính của vấn đề môi trường. Thực sự đây cũng là chủ đề lĩnh vực có giá trị thực tiễn cao đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

Sáng kiến Đức tin vì Trái đất khẳng định tiềm năng to lớn của đức tin đối với vấn đề môi trường

Sáng kiến Đức tin vì Trái đất trong Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã nhìn nhận các giá trị tâm linh của hơn 80% người dân sống trên trái đất thuộc khoảng 4.300 cộng đồng tôn giáo hoặc tâm linh khác nhau đã và đang thúc đẩy các hành vi đao đức cá nhân. Đức tin con người truyền cảm hứng cho sự thay đổi hành vi của họ để có lối sống có trách nhiệm hơn. Kết nối với nguồn tinh thần tâm linh của mọi người và niềm tin của họ sẽ làm tăng tốc độ tương tác của mọi người và động lực đóng góp của tổ chức. Ở nhiều quốc gia, các tín ngưỡng tâm linh và các tôn giáo là động lực chính cho các giá trị văn hóa, hòa nhập xã hội, tham gia chính trị và thịnh vượng kinh tế.  

Vì vậy, các tổ chức dựa trên đức tin đã được công nhận là những thực thể đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Với các tác nhân đức tin, sự phản ứng nhanh chóng của các tổ chức này trước các vấn đề nhân đạo và thiết yếu của cuộc sống là rất quan trọng, đặc biệt là ở cấp địa phương. Các tổ chức dựa trên đức tin cũng là các tổ chức bền vững, có cơ sở vật chất phân bố rộng khắp và khả năng gây quỹ to lớn.

Do đó Sáng kiến Đức tin vì Trái đất đặt ra sứ mệnh “Khuyến khích, trao quyền và tham gia với các tổ chức dựa trên đức tin với tư cách là đối tác, ở tất cả các cấp, nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Đồng thời Sáng kiến Đức tin vì Trái đất cũng chỉ là một thách thức lớn trong quan hệ đối tác vì môi trường giữa một bên là tổ chức dựa trên quan điểm thế tục và một bên là các tổ chức dựa trên đức tin thuộc các hệ thống tín ngưỡng khác nhau. Do đó Sáng kiến Đức tin vì Trái đất lưu ý, thay vì thúc đẩy các quan điểm thế tục, cần tôn trọng các tín ngưỡng khác nhau, xây dựng lòng tin trên cơ sở các mục tiêu chung, đồng thời các nguyên tắc cơ bản về hợp tác phải được thiết lập và công bố rõ ràng cho tất cả các đối tác một cách minh bạch, các nội dung hành động cụ thể cần phù hợp với hệ thống đức tin của cá nhân và tổ chức hoặc cộng đồng.  

Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất chỉ rõ giáo lý tôn giáo của các tôn giáo đều chứa đựng các điều răn dạy thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ môi trường sống

Sáng kiến Đức tin vì Trái đất trong Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khẳng định rằng giáo lý căn bản của tất cả các tôn giáo đều đề cập đến cách ứng xử với môi trường sống. Để minh chứng cho khẳng định này, Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất đã chỉ rõ kinh điển của hầu hết tất cả các các tôn giáo đều chứa đựng các điều răn dạy phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên và khuyến khích các hành vi, lối sống thể hiện sự tôn trọng và nghĩa vụ đối với môi trường tự nhiên. Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất cũng chỉ rõ rằng trong quá kế thừa và phát huy các giá trị căn bản đối với môi trường của các điều răn dạy căn bản này, các lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức đều đã đưa ra các thông điệp, tuyên bố và thậm chí là kế hoạch hành động về môi trường trong bối cảnh khủng hoảng môi trường ngày càng trầm trọng hiện nay. Nhiều tôn giáo, như Cơ đốc giáo, Hồi giáo và đạo Baha’i còn coi trái đất là thiêng liêng vì hành tinh chúng ta đang sống là sự sáng tạo của Thượng đế.

Dưới đây là nội dung liên quan các điều răn trong kinh điển của các tôn giáo thế giới đang có mặt ở Việt Nam, cũng như tuyên bố và thông điệp gần đây của các tôn giáo tương ứng về môi trường, được Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất đề cập.

Cơ đốc giáo (bao gồm Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo): Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất cho rằng có gần 100 câu trong Kinh thánh nói về việc bảo vệ môi trường, khích lệ Cơ đốc nhân có trách nhiệm với môi trường và khuyến khích thay đổi hành vi vì lợi ích của tương lai, chẳng hạn như "Đừng xúc phạm đất mà bạn đang ở,…” (Chương 35 câu 33) và “Khi họ đã có đủ thức ăn, Ngài nói với các môn đệ, ‘Hãy thu nhặt những gì còn lại để không lãng phí thứ gì’”. (John 6: 12).  

Các trích dẫn khác được đưa ra là “Chúng ta phải đối xử với thiên nhiên với cùng sự kính trọng và ngạc nhiên mà chúng ta dành cho con người. Và chúng ta không cần cái nhìn sâu sắc này để tin vào Chúa hoặc để chứng minh sự tồn tại của Ngài. Chúng ta cần nó để thở; chúng ta cần nó để chúng ta đơn giản là chính chúng ta" (Thượng phụ Đại kết Bartholomew, 2010) và “Thách thức cấp bách để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bao gồm mối quan tâm mang cả gia đình nhân loại lại với nhau để tìm kiếm một sự phát triển toàn diện và bền vững, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi. Đấng tạo hóa không bỏ rơi chúng ta; ngài không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương của mình hoặc ăn năn về việc đã tạo ra chúng ta. Nhân loại vẫn có khả năng hợp tác với nhau trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta” (Giáo hoàng Francis, 2015).

Hồi giáo: Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất cho biết có hàng trăm câu kinh Qur’an ủng hộ việc bảo vệ môi trường, khẳng định rõ trái đất là sự sáng tạo của Thánh Allar và con người được giao phó để bảo tồn môi trường sống này. Hơn nữa, Hồi giáo cấm tiêu thụ quá nhiều tài nguyên mà hành tinh cung cấp cho nhân loại (Qur’an 7:31, 6: 141, 17: 26-27, 40:34). Trên thực tế, Qur’an đề cập đến tiêu dùng lãng phí (Isrāf) là tội lỗi lớn nhất thứ ba mươi hai. Năm 2015, Hội nghị chuyên đề về biến đổi khí hậu Hồi giáo đã thông qua Tuyên bố Hồi giáo về Biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các trích dẫn Kinh Qur’an bao gồm: “Chỉ toàn tâm toàn ý với Đức tin, và do đó tuân theo bản chất do Allah thiết kế, bản chất mà theo đó Ngài đã tạo dựng nên loài người. Không có gì thay đổi sự sáng tạo của Allah. " (Qur’an 30:30) “Đừng kiêu ngạo trên mặt đất. Bạn sẽ không bao giờ chia cắt trái đất và cũng không bao giờ sánh ngang tầm vóc của núi ”(Qur’an 17: 37). “Allah là người đã tạo ra cho bạn trái đất một nơi định cư và bầu trời là một trần nhà,…” (Qur’an, 40:64)

Đạo Phật: Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất khẳng định rằng chỉ riêng ý niệm về nghiệp, là một phần quan trọng trong các bài học của Phật, truyền tải các giá trị của sự bảo tồn và trách nhiệm đối với tương lai; các hành động có ý thức,  trách nhiệm sẻ được bảo đảm một tương lai tốt hơn, một ý tưởng gần với sự phát triển bền vững.

Các trích dẫn kinh điển được đưa ra là:

Như ong đến với hoa,

Không hại sắc và hương,

Che chở hoa, lấy nhụy.

Bậc Thánh đi vào làng.

(Kinh Pháp cú IV, Phẩm Hoa câu 49)

...Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần.”

(Kinh Pháp Cú IX, Phẩm Ác, câu 122)

Đạo Baha’i: Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất cho biết các tác phẩm của đạo Baha’i chứa vô số những tuyên bố về tầm quan trọng của sự hài hòa giữa cuộc sống con người và thế giới tự nhiên. Các tác phẩm của Bahá’u’lláh thấm nhuần sự tôn trọng sâu sắc đối với thiên nhiên và sự liên kết với nhau của vạn vật, đặc biệt coi thiên nhiên là sự phản ánh của thần thánh và là hình ảnh minh họa cho tính duy nhất của nhân loại.

Trích dẫn cụ thể: “Thiên nhiên là Ý muốn của Thượng đế và là sự thể hiện của nó trong và thông qua thế giới ngẫu nhiên.” (Các kinh bản của Bahá’u’lláh); “Chúng ta hãy nhìn… vẻ đẹp trong sự đa dạng, vẻ đẹp của sự hài hòa, và học một bài học từ việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp… Chính sự đa dạng và phong phú đã tạo nên sức hấp dẫn của nó; mỗi bông hoa, mỗi cây, mỗi quả, bên cạnh vẻ đẹp của chính nó…” (‘Abdu’l-Bahá, trong cuốn Paris Talks) và “Chúng ta không thể tách trái tim con người khỏi môi trường bên ngoài chúng ta và nói rằng một khi một trong những điều này được cải cách, mọi thứ sẽ được cải thiện. Con người là hữu cơ với thế giới. Cuộc sống nội tâm của anh ta tạo khuôn mẫu cho môi trường và bản thân cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nó…” (Tuyên bố của Shoghi Effendi).

Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất đưa ra chiến lược tổng hợp để phát huy nguồn lực của các tổ chức dựa trên đức tin để giải quyết các vấn đề môi trường

Trong khuôn khổ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Sáng kiến Đức tin vì Trái đất đã đưa ra một chiến lược tổng hợp để gắn kết và phát huy nguồn lực của với các tổ chức dựa trên đức tin cho vấn đề môi trường, tập trung vào ba mục tiêu bao trùm và liên kết với nhau là trao quyền cho lãnh đạo, huy động sự đầu tư dựa trên đức tin và cung cấp bằng chứng khoa học – đức tin liên quan đến môi trường.  

Truyền cảm hứng và trao quyền cho các nhà lãnh đạo và tổ chức dựa trên niềm tin để có tác động bền vững

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hành các công việc của cộng đồng đức tin hoặc trong việc cung cấp các dịch vụ kinh tế - xã hội và văn hóa cho những người khó khăn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần có tác động to lớn đến các cộng đồng địa phương vì những tuyên bố, thông điệp thường có liên quan trực tiếp đến các kinh điển thiêng liêng, và do đó chạm đến niềm tin của những người tin theo họ.

Vì vậy, mục tiêu của Sáng kiến Đức tin vì Trái đất là thu hút các nhà lãnh đạo đức tin và các tổ chức của họ để giải quyết các vấn đề môi trường cùng được ưu tiên, chú trọng. Với các liên quan đến giáo lý tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần cộng đồng địa phương được huy động và trao quyền về các vấn đề môi trường thông qua việc kết nối và vận động các cộng đồng gần với nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc những nơi có nhiều vấn đề về môi trường, cũng như trong việc cung cấp các thông tin thực tiễn, cập nhật liên về các vấn đề môi trường và khích lệ đầu tư, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề môi trường bền vững ở cấp cộng đồng địa phương.     

Làm xanh hóa tài sản và đầu tư dựa trên niềm tin

Trên thế giới, các tổ chức tôn giáo nắm giữ tài sản tài chính khổng lồ để xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng cũng như phân phối tiền mặt để hỗ trợ những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất. Các tổ chức tôn giáo được cho là nhóm các nhà đầu tư lớn thứ tư trên thế giới. Các tài sản tài chính này chủ yếu do các nhà hảo tâm đóng góp; tuy nhiên, các tổ chức dựa trên tín ngưỡng sở hữu các tập đoàn đầu tư, cổ phần, quỹ hưu trí, các doanh nghiệp tư nhân cũng như đất đai và bất động sản.   

Vì vậy, Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất đặt mục đích có nhiều hơn các khoản đầu tư và tài sản của các tổ chức dựa trên đức tin tích hợp các cân nhắc về môi trường và đầu tư vào các khoản đầu tư xanh hơn và bền vững hơn với môi trường.

Ở cấp quốc gia, mục tiêu được nhắm đến là tài sản của các cơ sở của tổ chức dựa trên đức tin (cơ sở thờ tự, có sở đào tạo, cơ sở y tế,…) và các khoản đầu tư và nguồn nhân lực hỗ trợ các hành động cụ thể sử dụng các nguyên tắc kinh tế xanh, bao gồm nhưng không giới hạn việc sử dụng các tấm pin mặt trời, bảo tồn nước, quản lý chất thải thực phẩm, tái trồng rừng, v.v.  đưa vào các tiêu chí đầu tư các nguyên tắc bền vững môi trường, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các hệ thống năng lượng và nước, cũng như các công nghệ bền vững khác. Ngoài ra khuyến khích hợp lý hóa các hoạt động của các tổ chức dựa trên đức tin để trở nên có trách nhiệm hơn với môi trường.  

Cung cấp kiến ​​thức và bằng chứng khoa học cho những thông điệp tâm linh mạnh mẽ hơn

Hầu như tất cả các tín ngưỡng đều liên kết các khám phá khoa học với các kinh điển tôn giáo chứng minh rằng Thượng đế đã tạo ra mọi vật ở trạng thái cân bằng. Ví dụ, đối với người Hồi giáo, việc phát hiện ra các mặt trời và hành tinh khác xoay quanh chúng đã được đề cập trong Kinh Qur'an cách đây 1500 năm. Tương tự, Zabur của David nói, "Vương quốc của bạn là vương quốc của tất cả các thế giới". Các nhà lãnh đạo dựa trên đức tin đã sử dụng những phát hiện khoa học như vậy trong giáo lý của họ để tiếp cận trái tim và tâm trí của những tín đồ của họ.

Trong khi biến đổi khí hậu đã chứng kiến ​​nhiều các cuộc tranh luận toàn cầu và các nhà khoa học đã cung cấp nhiều kiến ​​thức và bằng chứng, các thách thức môi trường khác như mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, và cát và bụi bão nghiêm trọng chưa được tiếp cận với sự chú ý của các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như không có sự kết nối của các nhà khoa học. Tuy nhiên, các tổ chức dựa trên niềm tin không dễ dàng tiếp cận với kiến thức toàn cầu và bằng chứng khoa học mà Môi trường Liên hợp quốc có thể cung cấp. Mặc dù các tổ chức này có thể dựa vào kiến thức bản địa và thực hành văn hóa truyền thống, nhưng kiến thức khác được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học là cần thiết để củng cố mối quan hệ giữa quản lý môi trường và nghĩa vụ chăm sóc, cũng như với hành vi đạo đức và quyền công dân bền vững.

Do đó mục đích của Sáng kiến Đức tin Vì Trái đất là cung cấp cho các tổ chức dựa trên đức tin các thông tin khoa học liên quan về các lĩnh vực mà họ thấy có thắc mắc phát sinh hoặc do dự khi hành động.

Thực tế thì Sáng kiến Đức tin vì Trái đất trong khuôn khổ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc còn đề cập và đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa, nhất là ở khía cạnh làm xanh hóa các đầu từ tài chính của các tổ chức dựa trên đức tin. Tuy nhiên, việc đề cập và đưa ra giải pháp này phù hợp hợp với thực tiễn đời sống đức tin trên thế giới hơn là ở Việt Nam, bởi thực tế là ở Việt Nam mới chỉ có các tổ chức tôn giáo – tổ chức được thành lập dựa trên đức tin tôn giáo và vì các mục đích tôn giáo, trong khi nhiều nước trên thế giới, ngoài các tổ chức tôn giáo còn có nhiều tổ chức được thành lập dựa trên đức tin tôn giáo hoạt động độc lập với các tổ chức tôn giáo về mặt pháp lý để phụng sự xã hội trên các lĩnh vực từ thiện nhân đạo, ý tế, giáo dục, môi trường,… Mặt khác nguồn lực của các tổ chức dựa trên đức tin tôn giáo ở nước ngoài là rất lớn so với Việt Nam vì tỷ lệ người theo tôn giáo ở Việt nam là khá nhỏ (khoảng 27% hiện nay) so với tỷ lệ dân số theo tôn giáo là 84% trên thế giáo vào năm 2015 (theo số liệu của PEW)./.

Dù vậy, Sáng kiến Đức tin vì Trái đất nói riêng và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nói chung có nhiều giá trị tham khảo thực tiễn đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam và việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững nói chung./.

 

Bùi Quang Nhượng

Tài liệu tham khảo:

Faith for Earth Initiative | UNEP - UN Environment Programme (www.unep.org)

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2017/04/05/christians-remain-worlds-largest-religious-group-but-they-are-declining-in-europe