Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời kỳ đổi mới
Ngày đăng: 21/04/2022Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Quá trình Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo thực hiện, được thể hiện sinh động trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, nhận thức ngày càng rõ hơn về mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển(1), như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Nga... Cho dù kiều bào ta ở bất cứ đâu thì Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(2). Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta”(3), đã là con dân đất Việt thì họ đều có chung nguồn cội và mang trong mình dấu ấn sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tiếp nối truyền thống dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và những đóng góp tích cực của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; với quan điểm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ giữa đồng bào xa Tổ quốc với quê hương, đất nước, ngay trong Văn kiện Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, lần đầu tiên đề cập: “Đảng và Nhà nước ta thông cảm và đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, tiếp xúc với bà con trong nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Tổ quốc”(4). Tiếp đó, trong Văn kiện Đại hội VII (năm 1991), Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Hơn hai triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mối quan hệ gắn bó với thân nhân, với quê hương, đất nước”(5). Sự khẳng định này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, đặt nền móng cho việc đề ra chính sách có liên quan, góp phần gắn kết kiều bào với quê hương và Tổ quốc.
Quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được bổ sung, phù hợp với sự phát triển của tình hình. Năm 2008, Quốc hội ban hành Luật Quốc tịch Việt Nam, tại Khoản 3, Điều 3 của Luật quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011), Đảng chỉ rõ: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(6). Như vậy, mối quan hệ hữu cơ giữa cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước khẳng định ngày càng rõ hơn trong quá trình đổi mới đất nước.
Thứ hai, ban hành các chính sách phù hợp để cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển đất nước
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng dù ở bất cứ đâu và làm việc gì, “đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(7). Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của kiều bào đối với quá trình phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là vai trò cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhân dân phát triển thuận lợi. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước giúp “đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu hơn vào xã hội hiện tại”(8), tạo thuận lợi cho kiều bào giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thiết lập các cơ hội làm ăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Cùng với việc khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, việc quan tâm cung cấp thông tin về tình hình đất nước và “đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật”(9) được tích cực triển khai. Đồng thời với đó là quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhằm “giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc”(10), đóng góp thiết thực cho sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy cao độ nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993, của Bộ Chính trị, “Về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” xác định: Có chính sách khuyến khích để kiều bào đầu tư phát triển kinh doanh và dịch vụ ở trong nước. Đến Đại hội X (năm 2006), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Có chính sách khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước”(11). Trên thực tiễn, kiều bào có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên rất nhiều lĩnh vực; vì vậy, Đảng chủ trương: “Có cơ chế chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”(12). Cùng với đó, kiều bào còn được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, đó là trách nhiệm chính trị của Nhà nước trong việc bảo hộ đối với kiều bào về tính mạng, địa vị pháp lý, tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác.
Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, hệ thống chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã dần được bổ sung và hoàn chỉnh, đáp ứng kịp thời với yêu cầu của thực tiễn. Việc tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào được đi lại thăm người thân, được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi có đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật, cùng việc ban hành các cơ chế mới, hình thành “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp của kiều bào đã trở thành điểm nhấn về chính sách của Nhà nước. Những cam kết và chính sách đúng đắn nêu trên đã góp phần củng cố lòng tin, giúp kiều bào an tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Trong những năm qua, việc kiều bào tổ chức những hoạt động nhằm bày tỏ thái độ, cùng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, như tổ chức các cuộc mít-tinh, tuần hành hòa bình, tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm và tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo... đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của kiều bào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, số lượng kiều hối được gửi về Việt Nam khá lớn và tăng cao hằng năm. Trong 5 năm gần đây (2015 - 2020), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng lượng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam bên lề Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tháng 11-2020
Riêng năm 2020, số lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt 17,2 tỷ USD, giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2021, dù chịu tác động bất lợi của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Đây thực sự là nguồn lực rất quan trọng để phát triển đất nước, đóng vai trò là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Thứ ba, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mỗi cá nhân và trong từng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm dấu ấn dân tộc là sợi dây kết nối, vừa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách mỗi con người Việt Nam, vừa làm phong phú thêm không gian văn hóa của các nước sở tại. Trong đó, tiếng Việt luôn được đề cao và đóng vai trò là “bệ đỡ” cho các giá trị văn hóa tồn tại, phát triển trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài việc đồng bào đề cao ý thức trong giữ gìn những nét văn hóa truyền thống ở mỗi gia đình, cộng đồng thì việc tăng cường các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các sinh hoạt văn hóa trong nước là điều rất quan trọng. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, giúp đỡ kiều bào xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định rõ hơn trong Nghị quyết Đại hội XII (năm 2016) của Đảng: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”(13).
Hiện thực hóa các chủ trương đó, những năm vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam định cư ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như chương trình Xuân Quê hương, Quốc giỗ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, tham gia các hoạt động nhân ngày Quốc khánh đất nước được tổ chức hằng năm. Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề dành cho kiều bào đã được tổ chức, như Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (năm 2009), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai (năm 2012), Hội thảo khoa học “Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”,... đã quy tụ người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tham gia, góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn bó hơn giữa kiều bào với đất nước.
Thứ tư, quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung hoạt động và kiện toàn cơ quan đại diện nhà nước về người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Việc thành lập cơ quan đại diện của Nhà nước về người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quan tâm từ rất sớm khi Ban Việt kiều Trung ương đã được thành lập vào ngày 23-11-1959. Đây là cơ quan đại diện chính thức có chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến kiều bào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi phải đổi mới về cơ cấu, tổ chức và chức năng hoạt động của cơ quan đại diện. Vì vậy, tháng 7-1994, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập, thay thế Ban Việt kiều Trung ương. Đến ngày 6-11-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/CP đặt Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao, do một đồng chí Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban. Ngày 18-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2019/QĐ-TTg, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để thay thế Quyết định số 102/2008/QĐ-TTg trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, hoạt động của cơ quan đại diện nhà nước về người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho đông đảo kiều bào.
Đi đôi với ổn định về tổ chức, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các đoàn thể nhân dân cùng tham gia công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu: Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển ổn định, đoàn kết, “có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại”(14), có ảnh hưởng về chính trị, phát triển về tri thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Con em kiều bào tại Ekaterinburg, Nga trong tiết học tiếng Việt
Những quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tạo lòng tin vững chắc đối với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, góp phần to lớn vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có những hạn chế cần tiếp tục giải quyết như: “Có nơi, có lúc công tác người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời; chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài”(15). Việc tiếp cận các cơ hội đầu tư hay mua nhà trong nước còn gặp một số khó khăn nhất định; việc giữ gìn tiếng Việt và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong thế hệ trẻ còn khó khăn; nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào chưa được tiếp nhận và xử lý kịp thời, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đáng chú ý, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một bộ phận kiều bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới, nên nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ và chính xác. Thậm chí, có những cá nhân do còn thành kiến, mặc cảm đã thể hiện sự bất mãn, tiêu cực, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, tuyên truyền sai sự thật, kích động kiều bào, phá hoại mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại để kịp thời đưa tin về tình hình đất nước sau hơn 35 năm đổi mới; tăng cường đưa hình ảnh đất nước đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Riêng đối với bộ phận đồng bào còn có định kiến, kiên trì vận động, xây dựng và củng cố niềm tin để họ hướng về Tổ quốc, hành động phù hợp với lợi ích chung.
Hai là, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hòa nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách để người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích và phát huy hiệu quả các sáng kiến, đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị.
Ba là, “tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”(16). Tích cực đầu tư chương trình dạy tiếng Việt, thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục; đồng thời, nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm văn hóa của người Việt Nam tại các địa bàn có đông người Việt sinh sống; cử giáo viên đến giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài học tiếng Việt Nam, chú trọng đối với thế hệ trẻ. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài; chủ động “nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt”(17).
Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường quản lý nhà nước với công tác người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai sớm và có hiệu quả việc hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Làm tốt công tác “giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết”(18); chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.
----------------
(1) Xem: Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”
(2) Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 280
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 117
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 79
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 245
(7), (8) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021,của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”
(9) Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị: “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 123
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 166
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 165
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 171
(15) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 171
(17), (18) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”
TS. Nguyễn Văn Trường - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguồn: tapchicongsan.org.vn