Vấn đề tâm linh trong Phật giáo
Ngày đăng: 09/09/2020
Mấy nét khái quát về Phật giáo
Theo sử sách Phật giáo thế giới ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, trong một xã hội bị phân chia đẳng cấp rất khắc nghiệt. Phật giáo ra đời xác định thế giới quan của những người nghèo khổ. Phật giáo ra đời cũng bắt nguồn từ những suy tư, khát vọng, cảm hứng của người dân. Đặc điểm riêng độc đáo của Phật giáo là không đề cập đến thần sáng tạo ra thế giới và con người. Hệ thống triết học rất phát triển của Phật giáo gồm cả nhân sinh quan và thế giới quan đề cao vai trò của con người, thiên về triết lý sống, một phương pháp rèn luyện nhân cách hướng thiện. Ở Việt Nam, Phật giáo được truyền vào rất sớm vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên. Phật giáo đến với Việt Nam bằng con đường, giáo lý của Phật giáo đề cao bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn... rất gần gũi với tín ngưỡng văn hóa truyền thống của cư dân Việt Nam nên dễ được cư dân Việt Nam chấp nhận. Trải qua quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo cũng có những bước thăng trầm, suy thịnh. Đã có thời kỳ Phật giáo được coi như quốc đạo như thời Lý- Trần, khi đó các nhà sư vừa là nhà tu hành, nhà chính trị, quản lý xã hội. Các vua triều Lý- Trần rất sùng kinh đạo Phật. Qua 20 thế kỷ, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, tư tưởng, văn hóa, đạo đức Phật giáo đã bén rễ sâu, trở thành một bộ phận quan trọng trong tư tưởng, văn hóa, đạo đức, hành vi, ứng xử của người Việt Nam. Phật giáo Việt Nam có truyền thống đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đại đa số chức sắc, tín đồ Phật giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách và tham gia các phong trào quần chúng ở địa phương gắn bó với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội". Phật giáo đã chú ý nâng cao hiểu biết cho tăng ni và tín đồ bằng các lớp học, các buổi thuyết giảng, in các loại sách, tham gia từ thiện xã hội, giáo dục, các công việc của Nhà nước và chính quyền địa phương với tư cách là đại biểu được tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố hoạt động tích cực, tôn trọng sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và quản lý của chính quyền địa phương góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc.
Tuy nhiên, tín đồ Phật giáo Việt Nam cũng còn những mặt hạn chế về trình độ văn hóa nói chung và việc tu học giáo lý của tăng ni, thông hiểu kinh pháp chưa nhiều, so với nhu cầu còn yếu. Một vài nơi, trong các chức sắc và các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố thiếu sự gắn bó giáo lý giữa các sơn môn, pháp phái, thiếu sự thống nhất trong hoạt động của giáo hội. Một vài nơi, những phần tử cực đoan đã có những hoạt động lợi dụng Phật giáo để chống đối cách mạng nước ta, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động Phật giáo chống đối chính quyền gây mất trật tự xã hội. Ở một vài chùa đã diễn ra không ít các tệ nạn mê tín, tính kinh doanh cũng diễn ra ở nơi này nơi khác. Nhiều chùa tăng phần trai đoàn, cầu siêu, cúng sao giải hạn cầu an, cúng cô hồn, thậm chí cả sắc quẻ, bói toán... để kinh doanh kiếm lời, hiện tượng mê tín dị đoan diễn ra ở nhiều nơi làm giảm lòng tin của nhân dân. Việc tổ chức lễ hội diễn ra ở nhiều nơi không có kế hoạch, không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép, những hiện tượng tiêu cực, mất an ninh trật tự diễn ra ở một số nơi. Những vấn đề nêu trên đã làm sai lệch đi ý nghĩa tâm linh trong Phật giáo, làm giảm đi ý nghĩa, truyền thống, đạo đức của Phật giáo.
Về tâm linh trong Phật giáo
Theo khái niệm và định nghĩa tâm linh là những gì thuộc về tâm hồn, thế giới bên trong của con người có phần thiêng liêng, huyền bí, không dễ cắt nghĩa được. Những giá trị đó ẩn sâu trong đời sống con người, rất gần gũi với tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của dân cư. Trong Phật giáo, vấn đề tâm linh là rất quan trọng. Phật giáo luôn giáo dục tín đồ phải sống và hoạt động đúng đạo đức của Đức Phật là đề cao vai trò của con người, thiên về triết lý sống, một phương pháp rèn luyện nhân cách hướng thiện. Đức Phật dạy: trong đời sống con người có tâm linh nhưng phải hiểu đúng và làm đúng tâm linh, sống phải có hướng thiện, không làm điều ác có hại đến người khác và có hại đến xã hội, điều cơ bản là phải sống thật thà, đúng với đạo lý, truyền thống của dân tộc.
Trong Phật giáo, hoạt động và đời sống của Phật tử thường tổ chức các ngày đại lễ, lễ hội như: lễ hội đầu xuân, lễ hội chùa, lễ hội Phật đản, lễ hội ngày rằm, ngày mùng một, tổ chức các buổi cúng giàng, cầu chúc, những cá nhân và gia đình có sự kiện thường đến chùa dâng lễ để cầu chúc những điều tốt lành. mọi người đến chùa dân hương dâng lễ cầu chúc cho tâm hồn thanh thoát, có sức khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng do nhận thức còn hạn chế, hiểu ý nghĩa của tâm linh chưa đầy đủ đúng đắn, mặt khác còn có những người lợi dụng để kiếm chác thu lời làm cho vấn đề tâm linh được hiểu méo mó đi, làm lệch chuẩn tâm linh, dẫn tới những hành vi, việc làm thiếu văn hóa, thiếu đạo đức, những biểu hiện sai lệch đó cụ thể như:
- Tổ chức dâng lễ vật quá lớn gây lãng phí, tốn kém nhất là các buổi lễ dâng sao giải hạn...tiền bừa bãi trên bàn thờ xung quanh nơi hầu lễ, xung quanh tượng Phật, bát nhang, sân chùa, nơi đốt vàng mã. Tục đốt vàng mã nhiều nơi diễn ra quá lớn, giấy tiền, các đồ vật làm bằng hàng mã như: quần áo, mũ, giày dép, xe, người, thuyền, theo thầy phán, cần thứ gì thì làm vàng mã thứ đó để đốt, cúng xong đốt vàng mã làm ô nhiễm môi trường, có những lễ dâng sao giải hạn, hầu đồng, phải thuê thầy cúng tốn kém hàng chục triệu, vài chục triệu đồng.
- Tệ xin ấn, xin thẻ, viết sớ gây thêm mê tín, có người xin được quẻ xấu lo lắng cả quanh năm, xin được quẻ tốt thì chờ mãi không thấy. Những hiện tượng xem bói, xem tướng, đoán số diễn ra công khai và không được nhắc nhở.
- Về văn hóa lễ hội chưa được quan tâm chỉ đạo, đường vào chùa hàng quán bày bán la liệt, không được bố trí sắp xếp khoa học đẹp đẽ, lợi dụng lễ hội tăng giá bán kiếm lời, những người nghèo khổ, tàn tật ăn xin ngồi trước đường vào cổng chùa làm cho hình ảnh ngôi chùa mất đi vẻ đẹp, linh thiêng và trang trọng. Đáng chú ý là một số lễ hội còn diễn ra các hành vi thiếu văn hóa như: trộm cắp, móc túi, tranh cãi đánh nhau, chen lấn xô đẩy vào chùa làm cho lễ hội thiếu phần linh thiêng. Trong lễ hội, một số nơi thường tổ chức các trò chơi dân gian như: đô vật, chọi gà, bơi trải, ném đĩa... một số nơi công tác quản lý yếu nên còn diễn ra hiện tượng cá cược, thách đố, đặt cọc, đặt tiền..., gây ra những hành vi thiếu văn hóa.
- Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, tổ chức lễ hội của chùa thiếu ban chỉ đạo, chưa có quy chế, thiếu sự phối hợp chỉ đạo của chính quyền đoàn thể ở địa phương nên diễn ra rất lộn xộn. Công tác quản lý về đất đai, xây dựng các công trình còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng làm lấn, làm trái, xây dựng không phép diễn ra, công tác quản lý tài chính chưa chặt chẽ, nhiều nơi để nhiều hòm công đức, việc kiểm đếm chưa được công khai, nhiều nơi Phật tử và nhân dân còn băn khoăn việc quản lý thiếu chặt chẽ tiền công đức đóng góp cho chùa.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Định, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình, trụ trì chùa Tứ Xuyên, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, Thượng tọa cho biết: nhiều năm qua, nhà chùa đã cố gắng tập trung làm tốt việc tuyên truyền cho Phật tử và nhân dân hiểu rõ tâm linh khác với mê tín, tâm linh có căn cứ khoa học cần phải nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của đạo Phật. Hoạt động của Phật giáo cần phải đúng với chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, lòng tin của Phật tử và nhân dân đối với Phật giáo được củng cố. Trong các lễ hội tại chùa, chúng tôi luôn thành lập ban tổ chức, phối hợp với chính quyền các đoàn thể, có sự đóng góp ủng hộ tích cực của Phật tử và nhân dân, mọi việc đều được công khai dân chủ, thông báo cụ thể trong nhân dân và các Phật tử. Các hòm công đức đóng góp của Phật tử và nhân dân đều được công khai. Đặc biệt, chùa không tổ chức cho mọi người đến lễ chùa đốt hương và đốt vàng mã, hằng năm do không đốt vàng mã chùa tiết kiệm được khoảng 30- 40 triệu, số tiền để giúp đỡ cho người nghèo. Trong lễ chùa không tổ chức những việc như: lên đồng, dâng sao giải hạn, xin quẻ, xin thẻ, lấy lá số, bói toán. Mọi người đến lễ chùa tích cực công đức xây dựng chùa, những năm qua chúng tôi đã xây dựng, tu bổ các công trình của chùa kể cả xây dựng mới nhiều hạng mục công trình có giá trị hàng tỷ đồng. Chúng tôi tổ chức nhiều khóa tu, các lớp thuyết giảng, mời các thầy có trình độ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam về giảng và truyền đạt cho Phật tử. Hằng năm, chùa mở các khóa truyền đạt cho thanh niên có tới vài trăm em trong năm, nội dung phương pháp học tập được Giáo hội Phật giáo thông qua đã giúp cho Phật tử và mọi người hiểu thêm về Phật giáo phải ý nghĩa của tâm linh trong Phật giáo.
Từ những vấn đề nêu trên, để hiểu đúng và làm đúng về tâm linh, khắc phục những hạn chế làm cho tâm linh sai lệch đi, làm lệch chuẩn tâm linh, chúng ta cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân nhất là các Phật tử hiểu rõ và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Phật giáo, tăng cường đoàn kết trong nhân dân và các Phật tử, thực hiện đúng pháp luật, hiểu rõ vấn đề tâm linh trong Phật giáo và trong đời sống xã hội. Tâm linh không phải là mê tín, cuồng tín, tâm linh là nhắc nhở mọi người phải sống có tâm, có đức thật thà, đúng đạo lý, tâm hồn thanh thoát, bao dung độ lượng, tránh làm điều ác, làm hại đến người khác và xã hội. Trên cơ sở đó, tích cực đấu tranh phê phán những vấn đề mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán, xin quẻ, lấy lá số..., tình trạng cả tin vào tướng số, định mệnh, tình trạng lãng phí thời gian, tiền của, công sức vào các nghi thức cúng lễ và những hiện tượng tiêu cực trong các lễ hội.
2. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các chùa. Dù là lễ hội chung của Giáo hội Phật giáo cả nước hoặc lễ hội riêng của các chùa của địa phương đều phải có chương trình kế hoạch thống nhất của Giáo hội Phật giáo, nhà chùa và địa phương, mọi công việc của lễ hội phải được phân công cụ thể để tổ chức thực hiện. Hạn chế những tập tục như đốt vàng mã, nhảy đồng, dâng sao giải hạn... gây lãng phí tốn kém. Chấm dứt việc xin thẻ, bói toán, lợi dụng lễ hội để xảy ra những hành vi thiếu văn hóa, gây mất an ninh trật tự trong lễ hội.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác Phật giáo, tạo điều kiện để Phật giáo hoạt động bình thường theo pháp luật, mọi chức sắc Phật giáo, Phật tử thực hiện tốt quyền lợi nghĩa vụ của công dân tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới ở cơ sở và khu dân cư. Cần quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về đất đai xây dựng các công trình tôn giáo, bảo hộ nơi thờ tự của Phật giáo, tránh những hiện tượng làm lấn, làm trái trong xây dựng công trình Phật giáo. Quản lý chặt chẽ việc thu chi tài chính sự đóng góp công đức của nhân dân và Phật tử, bảo đảm công khai dân chủ trong Giáo hội Phật giáo ở cơ sở, xây dựng quy chế quản lý việc công đức của nhân dân và Phật tử. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm xảy ra.
4. Xây dựng củng cố các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở, địa bàn vững mạnh, bảo đảm cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, tích cực vận động Phật tử cùng cộng đồng thực hiện tốt cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", tích cực tham gia phòng trào thi đua yêu nước ở địa phương, chống những biểu hiện mê tín dị đoan và tiêu cực trong xã hội.
Nguyễn Hồng Chương