Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo ở Thái Bình
Ngày đăng: 28/09/2020

* Quá trình hình thành

 

1. Trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thái Bình đã ghi: “Từ khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam và được truyền bá vào các tỉnh trong cả nước đến nay đã gần 2000 năm. Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ sớm được đạo Phật truyền bá tới, chùa chiền sớm được xây dựng, là nơi xuất hiện và gặp gỡ nhiều nhà sư nổi tiếng”. Tại chùa Ngàn (tên chữ là Viên Quang Tự) ở phường Trần Lãm  thành phố Thái Bình còn lưu giữ được đôi câu đối cổ ghi lại sự tích từ thế kỷ thứ IV các nhà sư Ấn Độ đã qua đây:

“Lạc Đạo kiến gia lam sắc tương lưu truyền Viên Quang Tự”

“Bố tân duyên bồ Hải tứ phân kinh độ ấn Hồ tăng”

Nghĩa là:

Chùa Viên Quang ở trang Lạc Đạo còn lưu truyền sự tích

Bến Bồ bên cửa Bố Hải thuyền của các nhà sư Ấn Độ đã qua đây.

Sau khi các nhà sư Ấn Độ đã qua Thái Bình thì có nhiều chùa được xây dựng rất sớm, ngoài chùa Ngàn có chùa Tiên La nơi Thục Nương đã nương nhờ tụ tập quân sĩ chống lại nhà Hán trong thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43). Thế kỷ thứ VI sau khởi nghĩa thắng lợi vua Tiền Lý (năm 544 - 548) đã cho sửa chùa Hưng Quốc (ở huyện Thái Thụy), chùa Đồng Bát (Thụy Xuân huyện Thái Thụy), chùa Phúc Minh (Hiệp Hòa - Vũ Thư). Đến thời Trần ở Thái Bình các công chúa cho xây dựng hàng chục ngôi chùa to đẹp, nổi tiếng. Từ thế kỷ thứ XVI xã hội phong kiến Việt Nam suy thoái, thời kỳ Trịnh Mạc đến Trịnh Nguyễn sụp đổ thì hệ thống chùa trong tỉnh được củng cố lại. Ở Thái Bình việc xây dựng chùa mới và tu bổ chùa được quan tâm hơn, điển hình là chùa Keo Thái Bình được xây dựng từ năm 1611 (do Thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ tu tại chùa Hạ Trạch năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông đã đề xuất xây dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thiên Quang - chùa Keo ngày nay). Chùa Keo được tọa lạc trên 18 mẫu ruộng tại làng Keo thuộc huyện Vũ Thư, là một trong 10 công trình kiến trúc cổ của Việt Nam, là một trong 3 ngôi chùa lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua hơn 400 năm chùa Keo đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên được bản sắc kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ Việt Nam, chùa được công nhận là di tịch lịch sử cấp Quốc gia.

2. Từ ngày đạo Phật truyền vào Thái Bình, nhiều người Thái Bình đã theo đạo, nhiều người đã trở thành những nhà sư nổi tiếng được sử sách ghi chép, sớm nhất có Võ Ngại thượng nhân sống vào thế kỷ thứ VII, sau trở thành Thành hoàng các làng thuộc Tổng Khê Kiều. Đinh La Quý (năm 852 - 936) quê làng An Châu (Quỳnh Hoàng huyện Quỳnh Phụ) người đã hoàn thiện và phổ biến thuyết “Địa linh” do Định Không nêu ra, người có công trong việc giáo dục ý thức độc lập dân tộc cho nhân dân trong thời kỳ nhà Đường cai trị. Đỗ Pháp Thuận (năm 914 - 990) Thành hoàng làng Ngoại Lãng người đã cùng với pháp sư Ngô Chân Lưu giúp vua Lê Đại Hành (năm 980 - 1005) đánh Tống, bình Chiêm xây dựng và giữ vững quốc gia độc lập. Đỗ Đô quê làng Ngoại Lãng, người đứng đầu giáo pháp Hoàng Giang được vua Lý Thánh Tông (năm 1054 - 1072), Lý Nhân Tông (năm 1072 - 1128) suy tôn là bậc thượng phu. Ngoài Đỗ Đô, Thái Bình còn là nơi gặp gỡ các Quốc sư Không Lộ (Dương Minh Nghiêm) nay được thờ ở chùa Keo. Minh Không (Nguyễn Chí Thành) được thờ ở đình Lại Trì (Vũ Tây - Kiến Xương), La Miên (Quỳnh Hồng huyện Quỳnh Phụ). Từ Đạo Hạnh thờ ở chùa Phượng Vũ (Minh Khai huyện Vũ Thư). Thời Trần, Phùng Tá Thang người làng Mỹ Xá (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân huyện Hưng Hà) được phong chức Tả Nhai đạo lục đứng đầu tổ chức Phật giáo thời ấy.

Nhìn chung từ thời dựng nước đến thời kỳ phong kiến thịnh đạt, rồi đến thời kỳ phong kiến suy thoái đến giai đoạn phong kiến cuối cùng, Phật giáo Thái Bình sớm được du nhập và phát triển trong từng giai đoạn, lúc thăng, lúc trầm, có lúc bị hạn chế phát triển, song có thể nói trong những thời kỳ đó ở Thái Bình các công trình kiến trúc Phật giáo (chùa) được tiếp tục xây dựng mới hoặc củng cố, tu bổ, nhiều người Thái Bình đã trở thành những nhà sư nổi tiếng trong Giáo hội Phật giáo cả nước.

3. Giai đoạn phong kiến cuối cùng đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến nay Phật giáo Thái Bình vẫn được duy trì và phát triển. Các công trình kiến trúc Phật giáo (chùa) được quan tâm xây mới, tu sửa nâng cấp cả về quy mô và số lượng. Giáo hội Phật giáo tỉnh được thành lập, củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Công tác Phật giáo ở Thái Bình bước vào giai đoạn mới có nhiều chuyển biến tích cực và kết quả tốt trên các mặt. Ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2016, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình đón nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bằng tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội Phật giáo trao tặng.

* Bước phát triển mới:

1. Trên địa bàn tỉnh đến nay có 770 ngôi chùa tại các xã, phường, thị trấn. Có 340 chùa có tăng ni trụ trì. Toàn tỉnh có khoảng gần 150.000 tín đồ đã quy y tam bảo. Có 109 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 17 chùa được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia, 92 chùa được cấp chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đặc biệt là chùa Keo được công nhận là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt  của Quốc gia, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ và trong toàn quốc. Đến nay toàn tỉnh có 45 vị tăng ni đã tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học, 9 vị tốt nghiệp hệ cao đẳng Phật học và hiện có 28 tăng ni đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có nhiều chùa được xây mới, tu sửa, nâng cấp, mở rộng. Trong xây dựng tu sửa các công tình Phật giáo ở Thái Bình đều đạt được yêu cầu về kiến trúc đẹp, hiện đại, thủ tục xây dựng đầy đủ, đúng pháp luật, công tác quản lý xây dựng được chỉ đạo chặt chẽ, được chính quyền các cấp và nhân dân đồng tình ủng hộ.

2. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được các tăng ni Phật tử trong tỉnh hưởng ứng tích cực với những nội dung thiết thực như đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, xây dựng các quy ước của cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Toàn tỉnh có 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong đó có nhiều gia đình Phật tử được khen thưởng, biểu dương.

3. Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” gương mẫu thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, gương mẫu tham gia xây dựng Giáo hội Phật giáo, gương mẫu trong lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, gương mẫu tham gia công tác xã hội, hoạt động từ thiện, học tập tu luyện xây dựng chùa cảnh sạch đẹp. Phong trào đã góp phần tích cực vào vận động tăng ni Phật tử thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước xây dựng cuộc sống “Tốt đời - Đẹp đạo”. Thực hiện đúng đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Phong trào dã được tăng ni, Phật tử tích cực hưởng ứng. Toàn tỉnh có khoảng trên 1200 lượt chùa được công nhận là chùa cảnh 4 gương mẫu. Trong đó có 106 chùa đạt chùa cảnh 4 gương mẫu 5 năm liền, hàng trăm tăng ni, Phật tử được UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng bằng khen. Việc tham gia lao động sản xuất xây dựng kinh tế nhà chùa đạt kết quả tốt, bình quân một chùa đạt từ 32 - 37 triệu đồng/ năm có 100% số chùa đã chủ động được nguồn lương thực phục vụ cho cuộc sống của nhà chùa.

4. Phật giáo Thái Bình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh Thái Bình có 100% các xã đạt 19/19 tiêu chí đã về đích nông thôn mới. Trong đó có sự đóng góp tích cực của tăng ni, Phật tử trong tỉnh, tạo sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức và tư tưởng trong giáo dục, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Tham gia xây dựng quy hoạch, giám sát xây dựng. Trong 5 năm qua Giáo hội Phật giáo tỉnh đã phát động đóng góp được hàng tỷ đồng, hàng chục ha đất cho xây dựng nông thôn mới. Đã chỉ đạo việc xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp chùa theo đúng quy hoạch của địa phương. Điển hình như tăng ni, Phật tử huyện Đông Hưng, ủng hộ 2.891.000.000đ và 191.400m2 đất xây dựng nông thôn mới. Các Phật tử tích cực tham gia các tổ chức tự quản, tổ hòa giải, thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Toàn tỉnh có 2016 tổ hòa giải với trên 15.000 thành viên, trong đó có nhiều Phật tử là thành viên đã góp phần hòa giải thành công 85% số vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình ở nông thôn, không có xã nào có sai phạm lớn.

5. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Phật giáo các cấp đã tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như: Ngày vì người nghèo, xóa nhà dột nát, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình chính sách, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật... Trong 5 năm qua bằng kinh phí của Giáo hội và đóng góp của tăng ni Phật tử đã giúp đỡ xây dựng được trên 20 nhà tình nghĩa và trên 2000 phần quà (50.000đ - 120.000đ/ xuất) ủng hộ các đối tượng chính sách những người có hoàn cảnh khó khăn.

6. Công tác giáo dục tăng ni Phật tử có bước phát triển mới, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, pháp lệnh tôn giáo, vấn đề kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp cho tăng ni, Phật tử nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tạo niềm tin vào chính sách, đẩy lùi các tập tục lạc hậu mê tín dị đoan, trái với chính pháp. Tổ chức các ngày đại lễ của Phật giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan với nhiều nội dung giáo dục tăng ni, Phật tử giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tổ chức cầu siêu báo đáp tri ân công đức các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền bối đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Duy trì có nền nếp các khóa tu ở các chùa trong tỉnh, trong các khóa tu luôn quan tâm đến giáo dục tư tưởng, giáo dục đạo đức làm người, giáo dục lòng từ bi bác ái của đạo Phật.

7. Tích cực tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thái Bình đã chủ động hướng dẫn, vận động tăng ni, Phật tử về kiến thức bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt Giáo hội, xây dựng và giữ gìn các chùa bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây gia tăng biến đổi khí hậu, giúp nhau giải quyết những rủi ro thiên tai gây ra, tổ chức các hoạt động từ thiện đối với người nghèo và đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ. Trong 5 năm qua, Giáo hội Phật giáo Thái Bình đã 2 lần tổ chức quyên góp giúp đỡ nhân dân miền Trung bị lũ lụt, gồm tiền quần áo, chăn màn, lương thực và trực tiếp trao cho nhân dân vùng lũ lụt.

Tháng 10/2016, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thái Bình đã tham gia ký kết với UBMTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường chương trình phối hợp và tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, triển khai thực hiện mô hình điểm tại huyện Đông Hưng.

Có thể nói Thái Bình là tỉnh mà đạo Phật du nhập vào khá sớm. Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm, các công trình kiến trúc Phật giáo bị tàn phá, nhưng người dân Thái Bình nói chung, các tăng ni, Phật tử nói riêng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động Phật giáo. Từ khi đất nước được giải phóng, hòa bình được lập lại, cả nước thống nhất đi lên CNXH, có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nói chung và cấp ủy chính quyền các cấp nói riêng, Phật giáo ở Thái Bình đã được quan tâm, hoạt động có bước phát triển mới cả về quy mô và tổ chức quản lý theo sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp và đúng với đạo lý của Phật giáo. Các công trình kiến trúc Phật giáo (chùa) được quan tâm tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, số lượng tăng ni, Phật tử ngày càng tăng, hoạt động có nền nếp hơn. Tăng cường giáo dục tư tưởng, lối sống của đạo Phật, góp phần tôn tạo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Hy vọng trong thời kỳ mới Phật giáo Thái Bình sẽ có bước phát triển mới góp phần vào sự phát triển Phật giáo của cả nước.

 

Nguyễn Hồng Chương