Niềm tin tôn giáo của cha mẹ có tác động làm giảm xu hướng tự sát ở giới trẻ
Ngày đăng: 15/08/2018
Theo kết quả của một nghiên cứu 30 năm được tiến hành bởi Đại học Columbia Mỹ và Viện Tâm thần New York, thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ giới, ít có khả năng nghĩ đến tự sát nếu họ được nuôi dưỡng trong một gia đình tôn giáo.

Đây là một nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện trong suốt 30 năm, trong đó các nhà nghiên cứu khảo sát một số gia đình trong ba thế hệ, với kết quả cho thấy ảnh hưởng của tôn giáo đến các bậc cha mẹ càng nhiều thì con cái của họ ít có khả năng tự tử hơn.

Trong tổng số 214 thanh thiếu niên thuộc 112 gia đình, tất cả đều là người da trắng, được nghiên cứu trong suốt thời gian điều tra. Các gia đình được khảo sát, hầu hết trong số đó là theo đạo Thiên chúa, có tỷ lệ tự tử thấp hơn những gia đình có cha mẹ không phải là tín đồ tôn giáo.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng đời sống tín ngưỡng của cha mẹ là khía cạnh có ảnh hưởng nhất đến khả năng tự sát của con cái so với các yếu tố khác như tình trạng hôn nhân, đặc điểm giới tính của cha mẹ,… 

Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng tích cực của yếu tố tôn giáo của cha mẹ đến việc giảm tỷ lệ tự tử, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng điều này không có nghĩa là việc lớn lên trong một gia đình tôn giáo đồng nghĩa sẽ ngăn chặn được sự tự sát.  

Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu này là tự sát là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số các bé gái tuổi từ 15 đến 19 ở Hoa Kỳ.

Melinda Moore, giáo sư tâm lý học tại Đại học Eastern Kentucky và là chủ tịch của bộ phận lâm sàng của Hiệp hội Nghiên cứu về Tự sát tại Mỹ cho biết một cộng đồng tâm linh có thể giúp hóa giải sự bi quan bằng sự hiểu biết và trải nghiệm sâu về ý nghĩa cuộc sống của họ.  

 Myrna Weissman, Giáo sư dịch tễ học và tâm thần học tại Đại học Columbia và là nhà nghiên cứu cao cấp của dự án nghiên cứu này cho biết những người có đời sống tâm linh mạnh mẽ có khuynh hướng “có sức mạnh nội tâm”. Bà nói rằng sức mạnh nội tâm đó không hẳn là về niềm tin tôn giáo hoặc việc thường xuyên đi nhà thờ, mà đúng hơn là niềm tin từ bên trong thôi thúc bạn hành động. Sức mạnh nội tâm này tạo động lực tác động lên con cái theo cách tương đối khác so với suy nghĩ về tôn giáo của chúng./.

An Nam (tổng hợp theo worldreligionnews)