Những tấm gương sáng gắn kết đạo và đời trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày đăng: 17/11/2020

Tôi có duyên được gắn bó trực tiếp với với  Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quãng  thời gian trên hai mươi năm, trong thời gian tôi công tác tại Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo của Chính phủ. Khi tôi về Vụ Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập trên 15 năm, hoạt động qua 04 kỳ Đại hội.

 

Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc diễn ra từ 4-7/11/1981 tại Thủ đô Hà Nội với đại biểu của  09 tổ chức, hệ phái Phật giáo sinh hoạt ở 26 tỉnh thành phố lúc bấy giờ đã tuyên bố thành lập tổ chức chung với tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Phiên họp Hội đồng Trị sự lần thứ nhất vào ngày 8/11/1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, nội dung số 1 trong Nghị quyết đã ghi:Đệ trình Hội đồng bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bản hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thành phần nhân sự ban lãnh đạo Trung ương Giáo hội, xin xét duyệt và công nhận để Giáo hội được phép hoạt động”.[Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất GHPGVN] .

Sau khi thành lập, GHPGVN không ngừng phát triển và lớn mạnh, tạo đà cho GHPGVN giai đoạn tiếp theo với nhiều hoạt động thiết thực qua các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, vận động Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia công cuộc xây dựng đất nước. Sau nhiệm kỳ 04 của GHPGVN hoạt động Phật sự của GHPGVN có rất nhiều những chuyển biến tích cực qua thực hiện các hoạt động nhập thế của tôn giáo gương mẫu qua đường hướng hành đạo gắn hoạt động tôn giáo theo mục tiêu “lợi đạo, ích đời”. Phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” đã trở thành tấm gương nhập thế về tôn giáo góp phần xây dựng xã hội. Tổ chức GHPGVN gắn bó với các cơ quan nhà nước để lại những bài học kinh nghiệm trong vận động đồng bào có đạo phát huy giá trị tích cực của tôn giáo đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước.

Nhớ lại những sự kiện, sau năm 1975, đất nước thống nhất, Bắc- Nam chung một mối là cơ duyên cho đất nước phát triển trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, song bối cảnh quốc tế đã tác động làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xây dựng đất nước và hoạt động của các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Lợi dụng khó khăn của đất nước Việt Nam sau chiến tranh 1975, lợi dụng suy yếu của các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vào cuối những năm 1990, một số nước có vấn đề với nước ta, từ bên ngoài tác động vào đời sống trong nước của Việt Nam bằng nhiều con đường. Năm 1998, sử dụng Đạo luật Tự do tôn giáo Quốc tế (IRFA) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55). Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo[Báo cáo BTG của CP 1999] . Từ việc làm này, bên ngoài Hoa Kỳ hạn chế Việt Nam về ngoại giao với một số nước mà Hoa Kỳ chi phối, hạn chế quan hệ kinh tế của Việt Nam ra nước ngoài, làm giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nước, một số nhóm cực đoan lợi dụng tôn giáo có những hoạt động vu cáo, xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, làm cho tình hình phức tạp thêm, điển hình như nhóm “liên tôn chống cộng” trước 1975 tái trở lại hoạt động; nhóm “Phật giáo Thống nhất” (GHPGVNTN) đứng ngoài tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước, liên kết với nhóm ở nước ngoài,…

Trước tình hình phức tạp Phật giáo trong và ngoài nước lúc bấy giờ, tinh thần Phật giáo yêu nước đã được thể hiện qua vai trò của các bậc Cao tăng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các Tăng, Ni, Phật tử đã thể hiện bản lĩnh và tinh thần yêu nước rất rõ ràng. Trong công tác tôi còn giữ nhiều kỷ niệm về những bậc tu hành hết lòng vì đạo pháp và dân tộc lúc bấy giờ, trong khuôn khổ bài viết xin ghi lại cũng là lời bày tỏ sự tri ân đến các bậc tiền bối cao tăng điển hình như:

-Hòa thượng Thích Trí Tịnh  (1917 – 2014) cây thạch trụ giữ vững rường mối của GHPGVN trong thời điểm khó khăn của Phật giáo. Trong vai trò Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1984 đến 2014). Về thân thế, từ năm 1966, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN), được suy cử cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Năm 1973 tại Đại hội GHPGVNTN Trung ương kỳ 4, được tấn phong Hòa Thượng và được suy cử đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Năm 1984, Hòa thượng được suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [Kỷ yếu GHPGVN 2015]. Trước nhóm lợi dụng danh nghĩa GHPGVNTN đứng ngoài GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dùng từ “mạo xưng GHPGVNTN”. Hòa thượng nói “bao nhiêu bậc Cao tăng lãnh đạo của GHPGVNTT đã tham gia GHPGVN sao các vị chỉ là cá nhân đứng ngoài GHPGVN có thể tùy tiện nói là đại diện GHPGVN TN được, đó là những người mạo xưng GHPGVNTN”[Hội nghị thường trực GHPGVN 2002]. Thái độ rõ ràng và kiên quyết của Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã củng cố niềm tin cho Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước đặc biệt là các vị từ GHPGVNTN, đồng thời là cơ sở cho căn cứ đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về tự do đối với Phật giáo ở Việt Nam. Đóng góp của Hòa thượng Thích Trí Tịnh có ý nghĩa rất lớn vào đấu tranh thực hiện đại đoàn kết và chống lợi dụng tôn giáo lúc bấy giờ, bởi Hòa thượng vốn là nhà lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN tham gia GHPGVN. Trong suốt thời gian tại vị, Hòa thượng là người có đức độ và trí tuệ mà tất cả Tăng, Ni, Phật tử đều kính trọng. Mỗi công việc liên quan tới lợi ích dân tộc Hòa thượng đều quan tâm chỉ đạo GHPGVN thực hiện, Hòa thượng vẫn nói: “Đạo sinh ra là vì đời, bổn phận của đạo là nhập thế để đời  được thái bình, nhân dân được an lạc”[ Hội nghị thường trực GHPGVN 2002]

Kiên định của Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã trở thành kiên định của GHPGVN trên con đường hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh, GHPGVN dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng không ngừng lớn mạnh, không chỉ phát triển trong nước mà còn phát triển ra cả nước ngoài. Đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Năm 2006, Hoa Kỳ đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” [Báo cáo của BTGCP năm 2006] và đến năm 2015 GHPGVN đã có 63/63 tỉnh thành phố có tổ chức Phật giáo, 22 quốc gia có  22 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Thành tựu đó có công đức rất lớn của Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Với những công đức mà Đại lão Hòa thượng đã đóng góp cho "Đạo Pháp và Dân tộc", Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được Nhà nước Việt Nam và nhiều tổ chức  tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc Lập hạng Nhất; và nhiều phần thưởng cao quý khác...

-Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927 – 2011) là cầu nối đoàn kết Phật giáo và là người kiến tạo nhiều công trình Phật sự quan trọng trong GHPGVN. Hòa thượng Thích Thanh Tứ lúc trẻ tham gia kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp, năm 1955 xuất gia tu Phật, năm1974-1980 là Ủy viên Ban Trị sự kiêm Chánh văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, trụ sở tại chùa Quán sứ Hà Nội. Năm 1979-1980 tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ngày 4-7/11/1981, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập  GHPGVN, Hòa thượng được suy cử làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1997, Phó Chủ tịch, Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 2001, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm  Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội,...

Hòa thượng Thích Thanh Tứ có rất nhiều đóng góp cho GHPGVN và đất nước theo phương châm hoạt động của GHPGVN “ Đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Sau những năm 1998, trong bối cảnh đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam cùng với các bậc Cao tăng trong Phật giáo lúc bấy giờ, ở miền Bắc Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Tứ là những trụ cột nói tiếng nói của Phật giáo chứng minh tự do tôn giáo ở Việt Nam. Vào những năm 2002 đến 2006 nhằm đấu tranh với nhóm “mạo xưng Phật giáo Thống nhất”, trong cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Hòa thượng đã nhắc nhở các nhà sư và thiện tri thức viết những bài về đoàn kết tôn giáo, đoàn kết Phật giáo để chung tay xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước. Trực tiếp Hòa thượng viết thư và cử người vào Bình Định mời Hòa thượng Thích Huyền Quang (1919-2008) người có vai trò đứng đầu “Phật giáo Thống nhất” lúc đó ở tu viện Nguyên Thiều, Bình Định ra thăm Phật giáo miền Bắc và đề nghị để Hòa thượng được gặp Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Sau chuyến thăm miền Bắc trở về Hòa thượng Thích Huyền Quang thể hiện cảm tình rất sâu sắc với Phật giáo miền Bắc mà đặc biệt là Hòa thượng Thích Thanh Tứ, vì thế Hòa Thượng Thích Huyền Quang nói rõ, từ nay (năm 2003) chỉ dịch kinh sách và dạy đệ tử và Hòa thượng đã giữ đúng điều đó cho tới lúc viên tịch ( năm 2008). Thay đổi thái độ tích cực của Hòa thượng Thích Huyền Quang đã tạo ra chuyển biến tốt trong đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo ở Việt Nam, nhóm lợi dụng danh nghĩa “Phật giáo Thống nhất” thu hẹp địa bàn và hạn chế dần hoạt động. Năm 2004 Hòa thượng Thích Thanh Tứ chủ động đề nghị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam để Hòa thượng Thích Giác Quang ở Thừa Thiên Huế đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một nhà sư người Việt có uy tín quốc tế rất lớn, hiện sống và hoạt động Phật giáo ở nước ngoài về thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chuyến về nước thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào đầu năm 2005 để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, làm đẹp thêm hình ảnh đoàn kết của Phật giáo và thể hiện ngày càng rõ nét tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Để khẳng định tự do tôn giáo thông qua phát triển các cơ sở thờ tự, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã ủng hộ xây dựng chùa Bái Đính qua việc đại diện cho GHPGVN có văn bản gửi Chính phủ, đồng thuận xây dựng ngôi chùa lớn. Đây chính là tiền đề để Việt Nam có cơ sở Phật giáo lớn, tổ chức Đại lễ Vesak trong ba kỳ: năm 2008,  2014, 2019 thành công rực rỡ để lại ấn tượng tốt cho Phật giáo thế giới, giúp cho hình ảnh Việt Nam ngày càng đẹp trên trường quốc tế.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ là người rất quan tâm tới đào tạo tăng tài trong Phật giáo. Học viện Phật giáo có công đức rất lớn của Hòa thượng trong việc đi tìm đất, xây dựng, Sau 24 năm cơ sở của học viện đặt tại Chùa Quán Sứ với hai phòng học. Từ năm 2006 đến nay, Học viện đã  có một cơ sở mới với diện tích trên 10 ha tại Sóc Sơn, Hà Nội, có đủ cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho tăng, ni sinh tu học nội trú 100%, miễn phí 100% kinh phí ăn ở và 90% kinh phí đào tạo của tăng, ni sinh trong suốt thời gian tu học. Mở rộng cơ sở đào tạo của Học Viện Phật giáo Hà Nội, làm tiền đề cho các Phật học viện từ Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ lần lượt được mở rộng, xây dựng ngày một khang trang.

Những việc làm và chỉ đạo của Hòa thượng Thích Thanh Tứ cùng với Tăng, Ni, Phật tử đã góp phần tích cực vào nâng cao vị thế, vai trò của GHPGVN trong thực hiện công cuộc “Dựng đạo vững để tạo đời đẹp”. Nhờ những việc làm thiết thực đó, đã góp phần tích cực vào tiến bộ trong thực hiện chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, và năm 2006 Hoa Kỳ rút Việt Nam khỏi danh sách “ các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”. Những năm 2008, 2014, 2019, thế giới Phật giáo đã về Việt Nam dự Đại lễ Vesak ngày một đông hơn. Công đức lớn với Phật giáo và đất nước, Hòa thượng đã được nhân dân bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng  Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức, cơ quan tặng các danh hiệu cao quý khác.

Những tấm gương của các bậc cao tăng thời nay, trung trinh một lòng vì đạo pháp và dân tộc đã góp phần không nhỏ vào đoàn kết tôn giáo và thực hiện Đại đoàn kết dân tộc cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước theo con đường dân giàu nước mạnh vì hạnh phúc ấm no của nhân dân./.