Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cá ông đối với người dân ven biển tỉnh Cà Mau
Ngày đăng: 05/12/2019
Tóm tắt: Nội dung của bài viết chủ yếu tập trung làm rõ những giá trị của tín ngưỡng thờ Cá Ông đối với đời sống tinh thần của ngư dân vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Trên cơ sở đó, đề ra một số giải pháp nhằm phát huy, bảo tồn những giá trị tốt đẹp trong đời sống tín ngưỡng thờ Cá Ông đối với ngư dân ven biển hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Tín ngưỡng thờ Cá Ông là hình thức tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển Việt Nam, đặc biệt từ vùng duyên hải miền Trung trở vào, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong quá trình Nam tiến của người Việt. Là tín ngưỡng linh vật thể hiện sự sùng bái của con người trước biển cả trong quá trình mưu sinh, đánh bắt trên biển. Trong nhận thức tâm linh của mọi người, đặc biệt là những ngư dân đi biển, đặt sự tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa "hiền" vừa "thiêng" là loài cá Voi to lớn và họ gọi một cách kính trọng là Cá Ông, dù biết rằng sự cứu giúp đó mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực. Mặc dù vậy, người dân đều dành nhiều danh từ để gọi cá Voi với sự cung kính: Ông Nam hải, Ông Lớn hay Ông Cậu để chỉ những cá Voi to lớn, Ông Khơi để chỉ cá Voi sống ngoài biển khơi, Ông Lộng để chỉ cá Voi sống gần bờ. Ngoài ra, dân gian còn có những cách gọi khác nhau, như: Ông Thông, Ông Chuông, Ông Máng… để thể hiện ý nghĩa tôn kính trong đời sống tâm linh.

Đối với Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có vị trí địa lý là 3 mặt giáp biển, bờ biển dài trên 254 ki-lô-mét và vùng biển rộng trên 71.000 ki-lô-mét vuông, đời sống của người dân chủ yếu kinh tế đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, nên tín ngưỡng thờ Cá Ông là một trong những nhu cầu tâm linh không thể thiếu của người dân, trong đó có ngư dân ven biển. Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh có tín ngưỡng thờ Cá Ông, như: Lăng Ông Nam hải, thị trấn Sông Đốc; Miếu thờ Cá Ông ở Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; Miếu thờ Cá Ông huyện Ngọc Hiển; Đền Lăng Ông Nam hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân… Thời gian qua, tín ngưỡng thờ Cá Ông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người dân bản địa nói chung và những ngư dân đi biển nói riêng. Tín ngưỡng thờ Cá Ông đã tác động đến tinh thần của ngư dân, thông qua việc họ được củng cố thêm tinh thần, vững tâm hơn trong mỗi lúc ra khơi, đánh bắt trúng mùa. Tuy nhiên, tín ngưỡng này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng ngư dân ven biển, nhiều người quá lệ thuộc vào việc thờ cúng Cá Ông, mỗi lần ra khơi phải xin quẻ để xem Ông có cho phép hay không hoặc trong việc tổ chức lễ hội của tín ngưỡng thờ Cá Ông vẫn còn xảy ra tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, đối với nhà quản lý cần đề ra những giải pháp thích hợp nhằm phát huy giá trị tích cực, đẩy lùi những rủi ro, tiêu cực trong thực hành tín ngưỡng của người dân; làm thế nào để quyền tự do tín ngưỡng của người dân được tôn trọng, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

2. Giá trị của tín ngưỡng thờ Cá Ông đối với đời sống của người dân tỉnh Cà Mau

Tín ngưỡng thờ Cá Ông là loại hình tín ngưỡng đặc trưng của người dân sống ven biển, trong đó có những ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển. Ở  mỗi loại hình tín ngưỡng dân gian nào đều có những giá trị tích cực tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của con người. Một mặt, nó là điểm tựa tinh thần của con người trong những lúc gặp khó khăn, nguy hiểm. Mặt khác, đây còn là nơi bảo tồn và phát triển những loại hình tín ngưỡng dân gian của con người trong xã hội hiện nay.

Một là, tín ngưỡng thờ Cá Ông đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cho ngư dân: Nói đến tâm linh là nói đến ý niệm sâu xa bên trong được bao trùm bởi một cái gì đó huyền bí mà bản thân mọi người có thể cảm nhận được. Tín ngưỡng thờ Cá Ông vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày, thật sự đáp ứng được nhu cầu tâm linh đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân vùng biển tỉnh Cà Mau. Trong quá trình ra khơi đánh bắt thủy hải sản, ngư dân luôn gặp phải nguy hiểm, sóng to, gió lớn, bão tố vây quanh luôn rình rập, có thể nhấn chìm tàu thuyền của họ lúc nào, ảnh hưởng đến tín mạng của ngư dân. Với hoàn cảnh đó, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình, nhiều người luôn cảm thấy bất lực trước sức mạnh của tự nhiên và họ cần phải nhờ đến một sức mạnh siêu nhiên - Cá Ông để che chở, phù hộ. Mặt khác, thông qua lễ hội Nghinh Ông thể hiện mong ước có được cuộc sống bình an, một năm đánh bắt bội thu cũng như cầu cho tài lộc, sự nghiệp. Niềm tin và việc thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng không chỉ giúp người dân cảm thấy yên lòng hơn khi gia đình có người thân đi biển đánh bắt thủy hải sản. Vì họ tin rằng, nếu có cúng Ông thì Ông sẽ phù hộ cho biển lặng, sóng yên để được ra khơi. Không chỉ người ở nhà lo cho những người đi biển, mà cả người đi biển cũng cảm thấy an tâm ra khơi sau khi đã thực hiện nghi lễ cúng Ông. Giúp cho người dân vùng biển có tinh thần lạc quan, vững tin, phấn khởi tạo cho mọi người có niềm tin vững chắc vào cuộc sống tương lai, ra sức bảo tồn và phát huy những gí trị tốt đẹp của loại hình văn hóa phi vật thể ở vùng biển của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, lễ hội Nghinh Ông của tín ngưỡng thờ Cá Ông không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của con người. Phần lễ là phần linh thiêng, là lúc mọi người bày tỏ lòng thành kính của mình, thì phần hội là phần vui chơi giải trí với nhiều hoạt động đa dạng được diễn ra sau phần lễ. Lễ hội của tín ngưỡng thờ Cá Ông ở Cà Mau diễn ra luôn thu hút đông đảo người dân vùng biển và du khách hành hương tham gia cúng bái, góp công sức, tài chính và điều đó phản ánh giá trị văn hóa tâm linh gắn với hoạt động ngư nghiệp. Người dân nơi đây cũng như du khách đến viếng lăng Ông sẽ được tận hưởng những giây phút thư giãn với các bài vọng cổ ngọt ngào, những trích đoạn cải lương sâu lắng mà ngày thường ít được nghe đến. Cũng vào dịp này, nhiều gia đình trong vùng còn tổ chức tiệc mừng, mời bà con, họ hàng đến cùng ăn uống, ca hát vui vẻ để mừng ngày cúng Ông và bù đắp lại những ngày tháng ra khơi vất vả.

Hai là, tín ngưỡng thờ Cá Ông góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch: Tín ngưỡng Cá Ông gắn liền với lễ hội Nghinh Ông là một bộ phận di sản văn hóa đặc trưng và quan trọng trong các loại hình văn hóa tín ngưỡng của người dân tỉnh Cà Mau. Tín ngưỡng thờ Cá Ông đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là nền kinh tế đánh bắt thủy hải sản, thông qua hoạt động tín ngưỡng thờ Cá Ông con người cảm thấy an tâm mỗi khi ra khơi đánh bắt và thu hoạch nhiều cá tôm. Bên cạnh đó, lễ hội Nghinh Ông đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói - phát triển du lịch lễ hội. Lễ hội Nghinh Ông là loại hình văn hóa đặc sắc có giá trị vô cùng quan trọng trong việc phát triển du lịch. Du khách đến đây, không chỉ tham quan mà còn để thưởng thức những món ăn đặc biệt của địa phương, mua những món quà, những loại thực phẩm đặc trưng của địa phương để làm quà biếu. Nhờ đó, đã tạo cơ sở quan trọng để phát triển du lịch gắn với lễ hội nhằm tạo nên bước đột phá trong kế hoạch phát triển nền kinh tế du lịch của tỉnh Cà Mau trong giai đoạn tiếp theo.

Ba là, tín ngưỡng thờ Cá Ông góp phần giáo dục đạo đức, lối sống con người: Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, người già truyền cho người trẻ về giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Cá Ông, để lớp người đi sau bảo tồn và phát huy các giá trị đó. Kiến trúc cơ sở thờ tự, các hương án, câu đối, văn tế, nghi thức thờ cúng,…ngoài các giá trị văn hóa quý báu và tính giáo dục cao thì ẩn chứa trong đó nhiều truyền thuyết về việc khai phá, hình thành vùng đất mới của ông cha ta, những lớp người đi trước đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu từ mảnh đất hoang vu rừng thiêng, đến mảnh đất màu mỡ như hôm nay. Mặt khác, còn nhắc nhở một thế hệ ngư dân đang bám biển mưu sinh phải biết kính trọng, biết ơn những người đã che chở giúp đỡ cho mình trong những chuyến ra khơi, cho dù đó là một sinh vật. Sự thanh cao, tinh kiết đó đã trở thành đạo lý, lẽ sống, một nét truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Cá Ông còn khơi dậy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, từ đó đã tạo điều kiện cho sự đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân đi biển, giữa những người trong cộng đồng dân cư vùng biển. Lòng biết ơn đó thể hiện qua tang lễ của Cá Ông, khi cá ông lụy (chết) thì dân làng tổ chức đám tang để chôn cất Cá Ông như một người thân trong gia đình, dòng họ, xem Cá Ông như vị cao niên được tôn trọng trong một làng, một vùng.

Bên cạnh, tín ngưỡng thờ Cá Ông hiện nay rất phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ động vật nguy cấp..., hiện nay nhiều quốc gia vẫn tìm cách săn bắt cá Voi, vì đây là động vật mang lại giá trị kinh tế cao. Các ngư dân trong cả nước nói chung và ở tỉnh Cà Mau nói riêng đang tìm cách bảo vệ một cách tuyệt đối loài động vật này, bảo vệ ân nhân của mình một cách rất văn hóa, đó là thông qua hình thức thờ cúng Cá Ông. Tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã viết: “Trong thời điểm hiện nay, tín ngưỡng thờ Cá Ông còn có ý nghĩa tích cực cho việc bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, mang tính nhân văn rõ nét”.

Bốn là, tín ngưỡng thờ Cá Ông góp phần cố kết cộng đồng dân cư: Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở tỉnh Cà Mau nói chung và lễ hội Nghinh Ông nói riêng là hình thức tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân đánh bắt thủy sản, là lễ hội để con người có không gian, thời gian tập trung lại để biểu dương sức mạnh cộng đồng ngư dân và là chất cố kết, kết dính con người trong cộng đồng đó lại với nhau. Khi đến tham gia lễ hội không chỉ là các ngư dân vùng biển mà còn có những du khách ở nơi khác đến với mục đích tham quan du lịch để tìm hiểu về loại hình tín ngưỡng văn hóa tâm linh này. Lễ hội không đơn thuần chỉ thể hiện tín ngưỡng mà còn thể hiện ở những hoạt động vui chơi giải trí dân gian được diễn ra. Trong quá trình diễn ra lễ hội Nghinh Ông nhiều gia đình đã mang lễ vật, tiền của đến để dâng lên thần linh, cùng tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất, dọn dẹp, trang trí cơ sở thờ tự, cùng tham gia các trò chơi dân gian, nghe những bài vọng cổ mùi mẫn hoặc cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon. Thông qua hoạt động lễ hội sức mạnh của cộng đồng được gắn kết, củng cố, mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người được tăng cường. Mọi người hướng về lễ hội Nghinh Ông với tất cả niềm tin, miền vui, tạo thành một cộng đồng quần thể hướng về cội nguồn với niềm hy vọng sâu sắc.

Tín ngưỡng thờ Cá Ông được thể hiện thông qua lễ hội Nghinh Ông đã thu hút tâm trí và sức lực của các thành viên trong cộng đồng; tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa con người với con người ngày càng bền chặt hơn. Hoạt động của lễ hội Nghinh Ông không chỉ thu hút người dân vùng biển mà còn có sự tham gia của nhiều đối tượng khác, trở thành ngày hội đặc trưng riêng biệt của người dân vùng biển. Mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng chung tay, góp công lo cho việc chung của xóm làng, của cộng đồng tạo nên ngày hội tưng bừng, rộn rã.

Năm là, tín ngưỡng thờ Cá Ông đối với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng văn hóa dân gian: Tín ngưỡng thờ Cá Ông và lễ hội Nghinh Ông không chỉ là tấm gương phản chiếu các loại hình tín ngưỡng dân gian của dân tộc, mà còn là môi trường để bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thật vậy, thông qua lễ hội Nghinh Ông đã phản chiếu đặc trưng văn hóa của ngư dân vùng biển nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng. Trong chu kỳ thời gian một năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, âu lo cho cuộc sống để rồi cuộc sống của ngư dân vùng biển lại dậy lên những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động hội chợ…, mọi người đều tụ họp đông đủ để đứng ra tổ chức lễ hội. Đồng thời, tín ngưỡng tín ngưỡng thờ Cá Ông tồn tại đến ngày hôm nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau là do nó đã bảo tồn và phát huy được những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng dân gian trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay. Trong hoạt động của tín ngưỡng thờ Cá Ông mà thông qua lễ hội Nghinh Ông, hàng loạt hoạt động vui chơi giải trí diễn ra như các trò chơi dân gian, các hội thao và đặc biệt là chương trình biểu diễn văn nghệ đờn ca tài tử của Đoàn Cải lương Hương Tràm liên tục phục vụ cho bà con, góp phần làm phát huy thêm giá trị văn hóa của con người Nam bộ nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng.

Chúng ta dễ nhận thấy rằng, ở các ấp, khóm, làng, xã ở Việt Nam đều có một loại hình lễ hội tín ngưỡng dân gian, đó là nơi hình thành, bảo tồn, sản sinh văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là trong hoàn cảnh bị đồng hóa. Nhưng trong những nơi đó, gắn liền với những lễ hội và chính lễ hội ấy là tâm điểm của cái nôi văn hóa tín ngưỡng, không có ấp, khóm, làng, xã nào mà không có văn hóa Việt Nam. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong điều kiện xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay, khi mà công việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa tín ngưỡng truyền thống dân tộc trở nên quan trọng, thì ấp, khóm, làng, xã và lễ hội lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, phát huy bản sắc tín ngưỡng văn hóa dân tộc mà thực tế đó là tín ngưỡng thờ Cá Ông được biểu hiện thông qua lễ hội Nghinh Ông là một điển hình.

3. Một số giải pháp phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Cá Ông ở tỉnh Cà Mau

Nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Cá Ông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đồng thời làm phong phú các loại hình tín ngưỡng dân gian của dân tộc, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Giải pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tín ngưỡng: Cần quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, nhất là cán bộ làm công tác văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo về vai trò, giá trị tốt đẹp mà tín ngưỡng thờ Cá Ông mang lại. Chính quyền các cấp, nhất là những nơi có tín ngưỡng thờ Cá Ông cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa nhằm giúp cho quần chúng nhân dân nhận thức được mặt tích cực và mặt tiêu cực của hoạt động tín ngưỡng thờ Cá Ông. Bởi vì, tín ngưỡng, tôn giáo là sản phẩm của con người tạo ra. Tín ngưỡng, tôn giáo biểu hiện “tốt hay xấu” là do người sử dụng mà ra. Thực tế cho thấy, trong lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc, khi tín ngưỡng bị lợi dụng vào mục đích xấu, từ đó con người gắn cho nó là cái xấu, là mê tín dị đoan và kiên quyết loại bỏ nó. Vì vậy, cần nâng cao, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của các cấp về tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức lễ hội bằng nhiều hình thức khác nhau như: lớp tập huấn, hội nghị phổ biến; tuyên truyền trên tạp chí, báo đài,… Đây là biện pháp có hiệu quả nhất để tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức và làm đúng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, cần phát triển ý thức cộng đồng của người dân tại nơi có tín ngưỡng thờ Cá Ông, bởi vì từ ý thức cộng đồng sẽ làm phát triển ý thức quốc gia, dân tộc thông qua loại hình tín ngưỡng thờ Cá Ông truyền thống của người dân ven biển nước ta. Có được như vậy, mới phát huy được giá trị truyền thống và trân trọng các giá trị loại hình tín ngưỡng của ngư dân đi biển nói riêng và của người dân nói chung.

Giải pháp phát huy giá trị tích cực của tín ngưỡng thờ Cá Ông: Chính quyền địa phương cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho hoạt động văn hóa - xã hội đang diễn ra tại các lăng, miếu thờ Cá Ông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn những giá trị lịch sử tốt đẹp, những tranh, tượng thờ, những hiện vật hiện có… theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001. Khai thác những giá trị truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Cá Ông một cách văn hóa, có hiệu quả, góp phần làm phong phú thêm giá trị của loại hình tín ngưỡng ngư dân ven biển.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tín ngưỡng thờ Cá Ông có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng, sửa chữa các cơ sở thờ tự một cách tùy tiện, làm thay đổi kiến trúc lịch sử của cơ sở thờ tự. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp trên có quy hoạch, sắp xếp, chỉnh trang để tạo ra một môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh tại cơ sở thờ tự Cá Ông, nhất là trong những dịp lễ hội, tết cổ truyền dân tộc. Bởi lẽ, một công trình văn hóa tín ngưỡng chỉ có ý nghĩa thật sự khi nó đảm bảo các yếu tố: “Vật thiêng - người thiêng - không gian thiêng”.

Cần tăng cường quảng bá hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó có các hoạt động lễ hội Nghinh Ông của tín ngưỡng thờ Cá Ông. Du lịch được xem là một ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự kết hợp khéo léo, nhịp nhàng giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian với phát triển du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Giải pháp hạn chế mặt tiêu cực của tín ngưỡng thờ Cá Ông: Cần đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động đồng bóng, bói toán, xin xăm, xem quẻ... còn gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông, do đó để loại bỏ, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan nói trên, cần vận dụng xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng làng, bản, ấp, văn hóa; xây dựng khu phố, khu tập thể văn hóa; xây dựng các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang... văn hóa.

Mặt khác, phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người miễn là không làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết dân tộc, tính mạng con người, đạo đức xã hội và không trái với quy định của pháp luật. Kiên quyết bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan cũng như góp phần tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Giải pháp liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng: Cần có quy định cụ thể và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng còn chồng chéo giữa các cơ quan chuyên môn. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có hiệu lực thi hành, nhưng giữa hai lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo được hai cơ quan khác quản lý nhau là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bộ Nội vụ. Chính từ vấn đề này đã tạo nên sự bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực hiện tốt chính sách bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các loại hình tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ Cá Ông nói riêng mang lại. Đồng thời, có biện pháp xử lý những phần tử xấu lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi cho cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín cơ sở tín ngưỡng đó và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong công tác đào tạo, ngoài việc giúp cán bộ quản lý nắm được những nội dung cơ bản về quan điểm chỉ đạo của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cần đào tạo, trao đổi những kiến thức cơ bản, hữu ích, làm tăng thêm sự hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý, ngăn chặn, loại bỏ dần biểu hiện và xu hướng tiêu cực, sai trái, tệ nạn mê tín dị đoan trong hoạt động tín ngưỡng; ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để áp dụng trong việc xử lý những vụ việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Giải pháp về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng: Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành nhưng còn bộc lộ nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, cụ thể Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không quy định trình tự, thủ tục thành lập mới cơ sở tín ngưỡng, đất đai cơ sở tín ngưỡng, cho nên một số vấn đề liên quan đến tín ngưỡng ở địa phương còn có khó khăn nhất định.

Giải pháp đối với Ban Quản trị, quản lý cơ sở thờ tự Cá Ông: Ban Quản trị, quản lý các miếu, Ban Tế sự lăng thờ Cá Ông thường xuyên kiểm tra hiện trạng các cơ sở hiện tại đang sử dụng để có kế hoạch bảo tồn, quản lý, gìn giữ những hiện vật, vật phẩm, góp phần trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Kết luận

 

Với điều kiện tự nhiên là tỉnh có 3 mặt giáp biển, có bờ biển dài, đời sống kinh tế của người dân là nông - lâm - ngư nghiệp, trong đó ngư nghiệp giữ vai trò chủ đạo, chi phối đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Cho nên tín ngưỡng thờ Cá Ông là một trong những loại hình tín ngưỡng có vai trò chính và chi phối đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển. Tín ngưỡng thờ Cá Ông đã để lại những giá trị rất đặc sắc. Thông qua sinh hoạt tín ngưỡng này, người dân vùng sông nước giảm đi nỗi lo sợ, căng thẳng khi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất trắc, rủi ro từ biển cả và thể hiện sự tôn kính của mình đối với tự nhiên đối với biển cả. Đồng thời cũng thông qua những sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình đối với Cá Ông, cầu cho biển lặng, sống êm; ngư dân và gia đình làng xóm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, an khang, hạnh phúc. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông trong tỉnh Cà Mau còn tồn tại và phát triển. Với những giá trị văn hóa độc đáo để lại qua các nghi thức, lễ hội, di tích thờ tự…mà tín ngưỡng này đem lại đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thanh Hiền (2017), Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Luận văn tốt nghiệp hệ Cử nhân chuyên ngành Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn từ Văn hóa biển, Nxb Tổng hợp Hồ Chí Minh.

3. Trần Thanh Liêm (2017), “Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Cà Mau: 20 năm nhìn lại”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, (7).

4. Nguyễn Đức Lữ (2005), Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

5. Ngô Đức Thịnh (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Huỳnh Thăng (2016), Tục thờ Cá Ông của ngư dân miền biển Cà Mau, Báo Cà Mau điện tử.

 

Thanh Trạng