40 năm thành lập GHPG Việt Nam: thành tựu to lớn, trách nhiệm không nhỏ
Ngày đăng: 07/10/2021Trong suốt hơn hai ngàn năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, có những bước thăng trầm cùng vận mệnh của đất nước.
Chính vì thế, Phật giáo rất gần gũi với người dân Việt Nam, gắn bó chặt chẽ với dân tộc theo cách ví của Phật giáo là như nước với sữa không thể tách rời và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phật giáo Việt Nam với Dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”(1). Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập cách đây 40 năm so với lịch sử Phật giáo Việt Nam thì thời gian chưa nhiều nhưng đã chứng minh được vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội; đồng thời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam với truyền thống lịch sử hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Ngày 12/3/2021, Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam ra Thông tư số 48/TT-HĐTS Hướng dẫn tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập.
GHPGVN (07/11/1981-07/11/2021). Trong 40 năm qua, GHPGVN đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phát triển tổ chức Giáo hội từ Trung ương đến cơ sở, chăm lo cho tín đồ, Phật tử, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chức sắc, tín đồ, Phật tử luôn tự hào về truyền thống lịch sử và càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp Giáo hội, của Tăng Ni, Phật tử trong sự nghiệp đoàn kết, hòa hợp, không ngừng xây dựng GHPGVN trưởng thành và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Thành tựu thì rất nhiều và không tránh khỏi hạn chế nên trong bài viết này xin có đôi điều chủ yếu về kết quả làm cho tín đồ hiểu đúng, thấm nhuần giáo lý để đến với đạo Phật với niềm tin thực sự.
Sau 40 năm thành lập và thực hiện đường hướng hành đạo, GHPGVN đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt theo phương châm “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, “tốt đời đẹp đạo” ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của Giáo hội được dư luận ghi nhận và đánh giá cao, nhất là trong xu hướng hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển trong cơ chế thị trường. Trước hết, GHPGVN đã kiên trì thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức mình, định hướng rõ ràng trong hoạt động hoằng dương chính pháp được tín đồ tin tưởng; làm cho Phật tử hiểu được rằng, Phật pháp đã cho nhân loại con đường sống tốt đẹp - một con đường giải thoát đau khổ và thương yêu vô hạn với mọi người. Đây là một trong những Phật sự quan trọng. Có những người do vô minh không hiểu luật nhân quả đã được nhà Phật chỉ rõ “nhân nào quả nấy”, qua “học đạo tu thân” nhiều Phật tử giác ngộ tìm về con đường chính đạo. Giải quyết tận gốc nguyên nhân ấy, Phật giáo dạy con người xóa bỏ vô minh bằng việc tu học nâng cao nhận thức, thực hành tâm từ bi để nhận ra mình trong xã hội, tự điều chỉnh vì xã hội để con người với con người sống trong tình thương yêu, thiện chí với nhau như tinh thần của đạo Phật: “Tâm tịnh quốc độ tịnh”, “Tâm bình thế giới bình”, “Tâm an chúng sinh an”, góp phần đưa con người hòa hợp với cộng đồng, môi trường thiên nhiên tốt hơn.
Với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, Giáo hội đã truyền tải thông điệp của Đức Phật dạy con người muốn làm nên sự nghiệp phải có trí tuệ, có giác ngộ bởi chỉ có những gì do trí tuệ và từ lao động chân chính làm ra mới đáng trân trọng, những gì do thủ đoạn tranh đoạt để có được sớm muộn cũng tiêu tan vì nghiệp báo. Vì lẽ ấy, Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển với nỗ lực lao động của mỗi con người trong sự tự giác và khả năng của mình để góp phần xây dựng, phát triển xã hội vì sự an lạc của nhân loại. Phật giáo đã chỉ ra rằng, mọi sai biệt trên thế giới này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi, tất cả hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người, không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất kỳ một thông lệ, một quy định nào. Ngày nay, tiến bộ của khoa học công nghệ giúp cho thế giới ngày càng văn minh, vật chất ngày càng nhiều nhưng lại xô đẩy con người vào vực thẳm của tham vọng, hận thù và con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới do chính con người gây ra. Thực tế đã, đang xảy ra trong xã hội hiện tại với những cuộc chiến tranh liên miên, hủy hoại môi trường, giết hại chúng sinh và do tham sân si, nhiều người chức trọng quyền cao từ đỉnh vinh quang, hào quang rực rỡ đã phải vào vòng lao lý và có nhiều người ra đi vĩnh viễn? Đó là do không tuân theo lời Phật dạy.
Phật giáo hướng con người đến, hiểu được giá trị của Chân - Thiện - Mỹ và mở lối, soi đường cho con người bằng tuệ quang và tuệ giác, giúp con người tìm được tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông, xóa bỏ mọi ngăn cách, đùm bọc, chở che lẫn nhau. Đó là phương thuốc hiệu nghiệm để xóa đi những hận thù, những nỗi khổ đau,... trong cuộc sống; làm tan đi những băng giá do oán ghét gây ra; làm vơi đi những nỗi đau, mất mát bởi chiến tranh cũng do tham, sân, si; thổi bùng lên và tạo ra sức lan tỏa diệu kỳ ngọn lửa của tình yêu thương trong mỗi con người. Trong môi trường Phật giáo, những yếu tố cộng đồng, tập thể được đề cao; tính cá nhân, vị kỷ bị tiêu trừ; tín đồ luôn tự ý thức về mình, về hành vi và trách nhiệm của mình trong xã hội. Môi trường đó cũng làm cho con người được học tập, tu hành và tinh tấn để đạt đến giải thoát và giác ngộ. Sự tốt đẹp và sự hướng thiện của mỗi con người góp phần vào sự tốt đẹp chung của xã hội.
Có thể khẳng định rằng, trong tiến trình lịch sử của mình, đạo Phật nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có những đóng góp to lớn đối vời hòa bình, văn minh nhân loại và sự phát triển của đất nước. Giáo hội đã làm cho tín đồ hiểu rằng, là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, giáo lý đạo Phật tràn ngập tư tưởng hòa hợp, hòa bình. Tính từ bi, trí tuệ và bình đẳng của đạo Phật có mối liên hệ chặt chẽ với sự hòa hợp, hòa bình và thân thiện góp phần quan trọng vào sự đoàn kết và hợp tác, xây dựng một xã hội hòa hợp với một nền hòa bình bền vững ngay trên đất nước Việt Nam thân yêu.
Tín đồ, Phật tử rất vui mừng trước sự phát triển của GHPGVN, hầu hết tăng ni đều chuyên tâm tu tập, sống cuộc đời tu hành thanh bạch. Tín đồ, Phật tử chăm lo tu tập, hiểu được lời Phật dạy, sống và làm theo những lời khuyên dạy thông qua các buổi nghe thuyết pháp, từng bước từ bỏ tham sân si trong thân tâm, góp phần làm cho Phật Pháp linh diệu. Qua tiếp xúc cho thấy sự giác ngộ ngày càng được nâng lên, tín đồ đến chùa không phải chỉ biết niệm Phật cầu xin mà đã tìm hiểu giáo lý của đạo Phật để chuyên tâm phụng đạo, giữ gìn Phật Pháp; không phải để cầu an thân cho chính mình mà để làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê… Đồng thời hiểu rằng, chùa to, giảng đường đẹp,... cũng chỉ là phương tiện, còn linh hồn chính là tu tập và hành trì. Rất mừng, hầu hết những ngôi chùa của Việt Nam vẫn giữ được truyền thống và ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
Với tinh thần nhập thế tích cực, GHPGVN còn có rất nhiều lĩnh vực hoạt động bằng những việc làm thiết thực như: Vận động tăng ni, tín đồ, Phật tử thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội: Ngày vì người nghèo, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo vệ môi trường, ủng hộ người dân bị thiên tai lũ lụt,... Các hoạt động từ thiện: Nuôi dưỡng, giúp đỡ người nghèo, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, tặng nhà tình nghĩa; nhiều Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí... được tổ chức ở nhiều ngôi cùa trên cả nước. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay cả nước đã có hơn 700.000 người bị nhiễm bệnh và gần 20.000 người lặng lẽ ra đi, GHPGVN đã cử hàng trăm tăng ni, Phật tử tình nguyện tham gia vào tâm dịch để góp sức chống dịch. Hàng nghìn tăng ni, tín đồ ngày đêm không ngại vất vả, bất chấp hiểm nguy lo từng bữa cơm cho những người đang điều trị, cách ly, phong tỏa và những y bác sĩ đang ngày đêm chữa bệnh cứu sống hầu hết người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần; các chiến sĩ bộ đội, công an đang lăn lộn trên tuyến dầu chống dịch bảo vệ cuộc sống an lành của nhân dân.
Những thành tựu của GHPGVN trong 40 năm qua là rất to lớn, không thể nói hết được. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của GHPGVN cũng không tránh khỏi những điều làm cho dư luận băn khoăn cho dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”; trong đó có vai trò lãnh đạo của Giáo hội, trách nhiệm của sư trụ trì và ý thức tu tập của tín đồ, Phật tử. Không ít tín đồ mặc dù bước chân qua cổng chùa, cúi đầu trước Đức Phật nhưng vẫn không hiểu được lẽ nhân duyên, nhân quả ở đời nên lễ bái quá nhiều, cung tiến xây chùa phô trương nhưng ngoài đời thì tâm không nghĩ lẽ hay, tay không làm việc thiện. Phải chăng giáo lý đạo Phật chưa ngấm vào tâm họ? Có những người mất niềm tin vì những nguyên nhân khác nhau đã đến cửa Phật mong tìm được những “tia sáng” ở chốn linh thiêng, của nhà tu hành đưa đường, chỉ lối nhưng không may lại đến chùa “có vấn đề” nên cảm thấy thất vọng!?. Tất nhiên chỉ là số rất nhỏ nhưng cũng không thể bỏ qua.
Một tỉ lệ rất nhỏ người xuất gia tu hành nhưng vẫn bị vật chất níu kéo. Có những người ham tiền đến mức quên mình là ai, sự tham lam của một số rất ít người mang lại hậu quả xấu cho Phật giáo. Khi chứng kiến một số rất ít chùa rao giá khoản tiền “trục vong”, “dâng sao giải hạn”… rồi cá biệt có vị còn thưởng thức những món ăn đời thường, làm tín đồ mất niềm tin?. Một số ít người có nhiều tiền của “đổ” vào để xây dựng chùa hoành tráng nhưng không biết nguồn gốc khoản tiền đó có sạch không?. Nếu là “tiền bẩn”, nhà chùa phải lấy giáo lý, lời dạy của Đức Phật giảng giải cho thí chủ tránh phạm phải lỗi lầm, thoát khỏi bờ mê? Dư luận phản ứng về tình trạng cầu cúng lễ bái phức tạp tràn lan, tốn kém nhiều tiền của mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Giáo hội nhiều lần nói rõ không đồng tình với những việc làm sai trái, không phù hợp với giáo lý nhà Phật ở một số chùa và của Phật tử. Vì vậy, nếu không đi vào con đường chính đạo bằng việc thuyết giảng đạo lý nhân sinh của nhà Phật mà chỉ lo cầu cúng thì một lúc nào đó nó sẽ trở thành “Pháp nạn”. Đạo Phật còn đâu được trân trọng và được coi là Đạo “Trí tuệ” nữa? Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu?
Do đó, Giáo hội cần tiếp tục kiên trì giáo dục cho Phật tử biết rằng, đạo Phật là cách thức, phương tiện giúp con người sống có hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại. Điều quan trọng là các Phật tử và mọi người khác nên tu dưỡng để hướng cuộc đời mình theo cách sống có ý nghĩa, tốt đẹp, an vui, hài hòa với mọi người. Trong đó cần lưu tâm một quy luật về “nghiệp”, đơn giản hơn là quy luật nhân quả. Nếu gieo trái ngọt sẽ có trái ngọt, gieo hạt cay đắng sẽ nhận quả đắng. Đối với luật nhân quả, không bao giờ quá muộn, con người vẫn có thể và nên nỗ lực làm điều gì đó để loại trừ bớt khổ đau trong kiếp sống hiện tại bằng cách sống tốt hơn, hòa hợp hơn, biết yêu thương chia sẻ với mọi người hơn, đừng vì lí do nào mà hủy hoại niềm tin của mình. Sống không có đức tin thì cuộc sống đi vào tăm tối, vô minh. Hãy tìm cho mình đức tin để chuyển hóa cuộc sống hiện tại.
Đạo Phật cũng cần làm cho mọi người hiểu được, đau khổ này không phải do ai đem lại mà do chính mình đã gây ra có thể từ tháng trước, năm trước hay vô số đời trước. Có một số người luôn đổ lỗi cho Phật, Trời, Chúa,… đã mang lại bất hạnh cho họ nhưng sự thực, cách nhìn của triết lý Phật giáo là không bao giờ đổ lỗi cho bất kì ai. Người đáng đổ lỗi nhất chính là bản thân mình, là sự lười biếng, buông trôi hay vô minh của mình nên phải cố gắng cải thiện cuộc sống hiện tại, kịp thời chuyển bớt những kết quả xấu mình đã tạo, biết cải thiện chính mình thì hạnh phúc sẽ đến. Phải xem lại cách đang sống, ăn thịt chúng sinh, giết hại chúng sinh, phá hoại môi trường, làm cho môi trường ô nhiễm cả vật chất và tinh thần, những từ trường của sân giận, ganh ghét,… dẫn đến những dịch bệnh khó có thể chữa được. Hãy cải thiện lối sống của chính mình: Sống cởi mở, yêu thương, hòa hợp với cộng đồng như Giáo lý Đức Phật đã chỉ rõ sống không hận thù, sân giận.
Phải làm cho tín đồ hiểu rằng, Đức Phật chỉ là người dẫn đạo, còn mọi thứ đều do chính mình làm và tạo ra. Ngài chỉ nói rằng: Ta là người hướng đạo, các con phải đi trên đôi chân của mình. Mỗi người phải tự thực hành giáo pháp để cải thiện cuộc sống. Cho nên, điều căn bản nằm ở hành động, lời nói, suy nghĩ luôn là an lành, chứ không nên trông đợi ở bất kì ai, cho dù là Chúa, Trời, Phật, Thánh Thần. Hãy nhớ lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Các con hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con” và: “Các con hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường”(2).
GHPG Việt Nam tiếp tục đi theo đường hướng trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam với những tư tưởng cơ bản, cốt lõi của đạo Phật như tinh thần bi, trí, dũng, vô ngã, vị tha, nhập thế tích cực. Đặc biệt là thực hành theo triết lý Phật giáo về một xã hội an lạc, hòa bình và hạnh phúc cho toàn thể chúng sinh, gắn sự trường tồn của Phật giáo với sự trường tồn của dân tộc. Những điều chia sẻ ít ỏi trên với tâm nguyện mong muốn Giáo hội luôn có định hướng và vai trò của các tăng ni là rất quan trọng trong giáo hóa chúng sinh.
Với sự hộ trì của Tam Bảo, sự tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, mong rằng GHPGVN tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn trong 40 năm qua; đồng thời chấn chỉnh những hoạt động gây ảnh hưởng xấu ở một số ít nơi và tăng ni, Phật tử cùng đồng tâm “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, góp phần đưa Giáo hội ngày càng vững tiến trên con đường hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh./.
Đặng Tài Tính
*Chú thích:
(1). Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, Nghiên Cứu Phật học số 1 năm 1991, tr.29.
(2). Thích Trí Huệ, chùa Pháp Tạng (Lê Sỹ Minh Hùng: Phật giáo đối với nhân sinh vũ trụ) và trong các bài giảng pháp của Thượng tọa Thích Nhật Từ,…