Các địa phương cần cảnh giác cao nhất trong phòng chống dịch COVID-19
Ngày đăng: 18/09/2020
Chiều 19/8, tại Hà Nội, Giáo sư-Tiến sỹNguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương trong cả nước.

Tại cuộc họp, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà NẵngQuảng Nam và một số địa phương khác, nhưng Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng.

Do đó, các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, nhờ triển khai các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nên các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc đã giảm dần trong những ngày gần đây.

Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán “Thế giới bò tươi” - nơi có ca bệnh 867 là khoảng ngày 25-27/7. Từ địa điểm này, dịch lây lan ra cộng đồng.

Hiện đã ghi nhận 11 trường hợp mắc COVID-19, trong những ngày tới có thể có thêm ca mắc mới.

Ngay từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, mặc dù đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị khu vực Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã nỗ lực hết sức cùng với sự góp sức của các lực lượng chuyên gia tinh nhuệ của Bộ Y tế, tuy nhiên vẫn có hơn 20 trường hợp mắc COVID-19 tử vong.

Đa phần các bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền nặng. Có trường hợp ung thư máu, trường hợp chạy thận nhân tạo đã nhiều năm, có trường hợp bị bệnh tim mạch mạn tính...

Liên quan đến vấn đề vắcxin ngừa COVID-19, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long thông tin, chúng ta đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vắcxin. Nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vắcxin, từ nay đến lúc đó chúng ta phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm..., trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu... và cả vấn đề bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.

Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt,... nếu không báo cho cơ sở y tế thì yêu cầu xử lý nghiêm. Đối với các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

*Tại Hà Nội, ngay khi có phản ánh về việc người dân đổ về phủ Tây Hồ đi lễ vào ngày 19/8/2020 (tức 1/7 âm lịch), UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tạm đóng cửa tạm đóng cửa Phủ Tây Hồ để phòng dịch và khuyến cáo người dân cần phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà TP. Hà Nội đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan.

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân COVID-19 994 tại Hà Nội đã tới Bệnh viện E khám bệnh và có tiền sử tiếp xúc nhiều người, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, truy viết người tiếp xúc gần để tiến hành lấy mẫu, cách ly theo đúng quy định; đồng thời tuyên truyền cho người dân tại khu vực xung quanh nhà người thân của bệnh nhân ở và các khu vực liên quan để nắm bắt thông tin và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời không hoang mang.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 6 giờ ngày 20/8, Việt Nam có tổng cộng 994 ca mắc COVID-19, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 514 ca.


PV t/h