Xu hướng thế tục hóa trên thế giới hiện nay qua các con số
Ngày đăng: 02/03/2018Ở đây chúng tôi không bàn đến thuyết thế tục hóa hay còn gọi là chủ nghĩa thế tục (secularism), cũng không đi sâu vào khái niệm thế tục hóa (secularisation) bởi lẽ, ngay từ thế kỷ XIX các nhà tư tưởng lớn như Auguste Comte, Herbert Spencer, Émile Durkhem, Max Weber, Karl Marx và Sigmund Freud, v.v. đã đề cập đến vấn đề này. Các nhà tư tưởng lớn này đều cho rằng, cùng với sự phát triển của xã hội công nghiệp, tôn giáo sẽ mất dần vai trò quan trọng của nó trong đời sống xã hội loài người và đến một lúc nào đó nó sẽ không còn ý nghĩa như nó đã từng có trong lịch sử.
Nguồn gốc tri thức của thuyết thế tục hóa đã có từ các nhà triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại như Marcus Aurelius, Epicurus và từ các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng như Denis Dỉderot, Voltaire, Baruch Spinoza, James Madison, Thomas Jefferson, v.v.. Nhưng người đầu tiên đưa ra thuật ngữ secularism là George Jacob Holyoake, nhà văn người Anh, vào năm 1851. Ông kêu gọi thiết lập một trật tự xã hội tách rời khỏi tôn giáo, nhưng không gạt bỏ hay chỉ trích các đức tin tôn giáo.
Đến những năm 60 - 70 thế kỷ XX nhiều nhà xã hội học tôn giáo hàng đầu ở Phương Tây như Peter Berger, David Martin, Bryan Wilson, v.v. đã thúc đẩy lập luận của quan điểm duy lý thời kỳ Khai sáng đi xa hơn nữa. Theo cách nhìn này, tư tưởng duy lý đã khiến cho những tín điều Kitô giáo mất đi vẻ hợp lý trong xã hội hiện đại. Sự mất đức tin có tác dụng phá vỡ tôn giáo, xói mòn thói quen đi lễ ở nhà thờ và thực hiện những lễ nghi tôn giáo, làm suy yếu ý nghĩa xã hội của tôn giáo, làm giảm sút sự tham gia tích cực vào các tổ chức tôn giáo trong xã hội.
“Xu hướng thế tục hóa” cũng là chủ đề được chúng tôi quan tâm trong thời gian gần đây. Tìm hiểu thấu đáo vấn đề này sẽ góp phần giải đáp cho câu hỏi: Trong thời đại hiện nay liệu tôn giáo có còn tiếp tục phát triển hay đã đi vào thời kỳ sụt giảm? Dẫn lại những số liệu khảo sát cụ thể mà các nhà xã hội học trên thế giới đã tiến hành, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng thế tục hóa hiện nay trên phạm vi toàn cầu.
Đối với Châu Âu, theo thống kê của hãng tin Fides (Agenzia Fides) được công bố ngày 20 tháng 10 năm 2017 nhân Ngày thế giới truyền giáo, năm 2015, trong tổng số dân 716 triệu người có 285 triệu người theo Công giáo, giảm 0,21% so với thời gian trước đó. Trong khi đó, theo trang tin www.ng.ru/ng_religii/2017-08-16/12_426_world. html, ¼ số người Đan Mạch và người Slovenia khẳng định rằng họ không tin vào Thiên Chúa. Trong số những người không tin vào Thiên Chúa ở Đan Mạch có những người vẫn là thành viên của Giáo hội ở nước này. Ở các nước như Bỉ và Đức có khoảng 30% dân số không theo tôn giáo, trong khi đó số người không theo tôn giáo ở nước Anh đang tăng rất nhanh, chiếm tới 50% dân số, số còn lại chỉ có khoảng 2% dân số thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ở nước Pháp, số người không theo tôn giáo tuy thấp hơn ở nước Anh, nhưng cũng chiếm tới 40% dân số nước này.
Một điều thú vị là, vào đầu thế kỷ XXI ở Châu Âu đã xuất hiện những nước có số người không theo tôn giáo chiếm đa số, đó là Na Uy và Hà Lan. Điều đáng nói ở đây là, những nước này thuộc tốp đầu các nước trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội. Ngoại trừ các nước như: Ba Lan, Malta, Anbani, Rumani và Hy Lạp, có thể nói rằng, Châu Âu đã trở thành châu lục có tốc độ thế tục hóa cao.
Không chỉ ở Châu Âu, thuyết thế tục đang len lỏi trên khắp hành tinh của chúng ta. Tuy vậy, vào những năm 90 thế kỷ XX các nhà xã hội học tôn giáo có uy tín trên thế giới lại phủ nhận khái niệm thế tục hóa. Những người này cho rằng, thế tục hóa chỉ là hiện tượng của Châu Âu và để chứng minh cho lập luận của mình họ nêu ra trường hợp nước Mỹ. Nhưng cùng với thời gian, chính các nhà lãnh đạo tôn giáo ở nước Mỹ đã phải than phiền rằng, người dân Mỹ đang ngày càng xa rời đức tin tôn giáo.
Theo con số thống kê của trang tin www.ng.ru/ng_religii/2017-08-16/12_426_world. html, hiện nay có khoảng 25% người Mỹ nói rằng, họ không thuộc về bất kỳ một tôn giáo nào. Hơn thế nữa, càng ngày họ càng xa rời đức tin tôn giáo cả trong suy nghĩ và trong cuộc sống thường ngày. Nước Mỹ hiện nay tuy vẫn là một quốc gia tôn giáo, nhưng nó không còn là một nguyên khối như trước đây. Trong khi mỗi năm ở nước Mỹ có 4 nghìn nhà thờ được xây dựng mới, thì lại có tới 7 nghìn nhà thờ ngừng hoạt động. Nếu như 60 năm trước nước Mỹ có tới 450 nghìn nhà thờ, thì hiện nay con số đó chỉ là 300 nghìn. Thanh niên Mỹ ngày nay đang ngày càng xa rời đức tin tôn giáo. Vì vậy, cùng với tỷ lệ chết theo quy luật tự nhiên, dân số Mỹ đang nghiêng dần về phía chủ nghĩa thế tục.
Nhưng việc dân số Mỹ nghiêng dần về phía chủ nghĩa thế tục không chỉ do nguyên nhân nhiều thanh niên Mỹ ngày nay đang xa rời đức tin tôn giáo, mà ngay cả nhóm cư dân được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số vào những năm 60 thế kỷ XX hay còn được gọi là nhóm 60+ cũng đang rời khỏi nhà thờ. Cũng ở Bắc Mỹ, hiện nay có tới ¼ dân số Canada không theo tôn giáo.
Chủ nghĩa thế tục cũng đang lan tới châu Mỹ Latinh. Người không theo tôn giáo chiếm 8% dân số Braxin, 16% dân số Chilê, 18% dân số Cộng hòa Dominica. Những con số trên tuy chưa phải là lớn, nhưng điều quan trọng ở đây là, từ một châu Mỹ Latinh giàu truyền thống tôn giáo nay đang chuyển sang ít tính tôn giáo hơn so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử của châu lục này. Từ một nước đứng đầu về tỉ lệ người theo tôn giáo ở Mỹ Latinh như Urugoay, đến nay trên 30% dân số nước này không còn theo tôn giáo. Còn ở Jamaica, người không theo tôn giáo cũng chiếm tới 20% dân số. Theo số liệu thống kê của hãng tin Fides, chỉ tính riêng Công giáo ở Châu Mỹ, năm 2015, số tín đồ của tôn giáo này đã giảm 0,08% so với thời kỳ trước đó, mặc dù tín đồ Công giáo vẫn chiếm tới 63,6% (trong tổng số 982,2 triệu dân có 625 triệu tín đồ) .
Chúng ta cũng có thể tìm được những quốc gia Châu Á mà ở đó quá trình thế tục hóa đang lan tỏa. Con số thống kê của trang tin www.ng.ru/ng_religii/2017-08-16/12_426_world. html cho thấy, chỉ có 20% người Nhật tự nhận mình có tôn giáo, trong khi đó vào giữa thế kỷ XX con số này cao gấp ba lần. Trong cuộc sống thường ngày, chỉ còn 40% người Nhật dành không gian tại nơi sinh sống cho ban thờ các vị thần linh. Con số này ở Nhật Bản vào giữa thế kỷ trước là 75%. Đối với Hàn Quốc, những người tự nhận mình không theo tôn giáo chiếm 40% dân số. Trong khi đó, ở Australia, theo số liệu thống kê năm 2016, số người không theo tôn giáo chiếm 29,6% dân số. Còn ở New Zealand số người không theo tôn giáo còn cao hơn ở Australia, chiếm tới 40% dân số. Ở đây chúng tôi không đề cập tới những quốc gia mà ở đó hệ tư tưởng chính thống tạm thời đang thay thế tôn giáo.
Riêng ở Châu Phi, quá trình thế tục hóa chỉ diễn ra ở các thành phố lớn của các nước trong khu vực. Một vài số liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 10% dân số ở Gabon không theo tôn giáo, còn ở Botswana con số này là 20%.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu vấn đề thế tục hóa có xảy ra ở các nước Islam giáo? Phải nói ngay rằng, số liệu khảo sát xã hội học ở khu vực này khá ít và độ tin cậy của chúng không cao. Như chúng ta đã biết, hiện nay trong số các nước Islam giáo vẫn còn 13 nước đang áp dụng hình phạt tử hình đối với những người bỏ đạo, mặc dù chính quyền ở các nước này đang cố gắng tìm cách thay đổi hình phạt này. Nhưng cho dù hình phạt tử hình có được hủy bỏ đi chăng nữa thì tội bỏ đạo vẫn bị xử như là một tội phạm hình sự nghiêm trọng, bị nhiều người nghiêm khắc lên án, trong đó có cả các thành viên gia đình của người bỏ đạo. Được biết, ở Ai Cập có trường hợp một sinh viên bị xử về tội chối đạo và người đứng ra làm chứng để buộc tội sinh viên này lại chính là bố đẻ của anh ta.
Mặc dù vậy, ở các nước Islam giáo ngày càng xuất hiện nhiều người bỏ đạo. Những người theo phái Islam giáo chính thống đang rất lo ngại về việc cách đây không lâu đã xuất hiện nhiều nhóm người không theo tôn giáo từ các nước Ai Cập, Arập Xê - út, hay Jordan trên các mạng xã hội. Các phóng viên đã hỏi bà Rabab Kamal, một phụ nữ tham gia việc truyền bá chủ nghĩa thế tục ở Ai Cập về hiện tượng này. Người phụ nữ này đã trả lời rằng, số người không theo tôn giáo ở các nước Islam giáo trên thực tế còn nhiều hơn cả trên facebook. Ali Pazvi, người đã viết cuốn sách về những người không theo tôn giáo ở các nước Islam giáo khẳng định rằng, ông ta đã nhận được hàng nghìn bức thư từ những kiều dân của các nước này với lời đề nghị ủng hộ quan điểm vô thần của họ.
Qua số liệu khảo sát trực tuyến toàn cầu về những người vô thần do một trong số những người vô thần ở Mỹ tiến hành, người ta nhận thấy rằng, đa số những người tham gia cuộc khảo sát là những người từ các nước nói tiếng Anh. Nhưng những nước trong tốp 10 có đông số người tham gia cuộc khảo sát lại không phải là các nước nổi tiếng có nhiều người không theo tôn giáo như Na Uy hay Hà Lan mà lại là các nước như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuốn sách với nhan đề “Islam giáo và những căn bản thống trị” xuất bản năm 1925 bằng tiếng Arập, Abd ar-Raziq, một trong số những nhà tư tưởng thế tục trong thế giới Islam giáo, đã ủng hộ luận điểm cho rằng, người Islam giáo được phép tự do lựa chọn chính thể, bởi vì nhà tiên tri Mohammed không chọn lựa một chính thể nhất định nào và cả Kinh Koran và Sunna cũng không đòi hỏi gì về việc này.
Những người không theo tôn giáo ở các nước Islam giáo hiện nay đang làm những điều mà những người không theo tôn giáo ở Châu Âu đã làm vào thế kỷ XVIII – XIX. Khi đó những người Châu Âu không theo tôn giáo đã xuất bản sách một cách bí mật, còn hiện nay những người Arập không theo tôn giáo tham gia vào mạng xã hội trên Internet. Họ đi tìm những người có cùng chí hướng, làm quen với những tư tưởng mà các giáo sĩ của đạo Islam và các bậc cha mẹ có đạo của họ không đề cập đến. Những người vô thần xuất thân từ Islam giáo đã sử dụng mạng xã hội để truyền bá văn hóa thế tục.
Riêng đối với trường hợp nước Nga, bức tranh tôn giáo ở nước này rất khác thường, điều này thường dẫn đến những cuộc tranh luận. Với cùng những số liệu có thể chứng minh rằng, Nga là nước rất tôn giáo, nhưng cũng có thể chứng minh rằng, về thực chất, Nga là nước không tôn giáo. Bức tranh nổi bật nhất về tôn giáo Nga đã được Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center - PRC) mô tả trong một công trình nghiên cứu mới đây. Theo kết luận của PRC, tôn giáo ở Nga không phải là độc nhất vô nhị mà nó là điển hình đối với các nước hậu chủ nghĩa xã hội, nơi Chính Thống giáo chiếm ưu thế. Đối với những nước này tôn giáo có những nét đặc trưng là: thứ nhất, tôn giáo mang tính tuyên ngôn cao; thứ hai, sự tham gia vào hoạt động của các tổ chức tôn giáo thấp; thứ ba, giữa tôn giáo và dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với luận đề: “Nga - có nghĩa là Chính Thống giáo”.
Trong bối cảnh đó, chế độ chính trị thực hiện chính sách giáo quyền - đem các biện pháp hành chính và tuyên truyền áp dụng vào tôn giáo, và cùng với thời gian chính sách giáo quyền này ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Còn giới tinh hoa chính trị cùng với giới tinh hoa của các nhóm tôn giáo lớn từng bước tập hợp vào cùng một danh sách duy nhất. Theo số liệu của một số cuộc thăm dò dư luận xã hội, có khoảng 90% dân số nước Nga nhận mình là người có tôn giáo. Tuy nhiên, theo một số số liệu khác, trong những năm gần đây mức độ này đang có xu hướng giảm dần. Chính quyền Nga đang từng bước kích thích chính sách giáo quyền này.
Thế giới mà chúng ta đang sống là như vậy. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thế giới ngày nay ít tính tôn giáo hơn so với những gì mà chúng ta thường suy nghĩ. Điều cơ bản là, nhận thức về mức độ thế tục của thế giới không theo kịp quá trình thế tục hóa.
Phần đông các nhà xã hội học tôn giáo Phương Tây có quan điểm cho rằng, thế tục hóa là hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại và dự đoán tôn giáo sẽ tàn lụi dần cùng với quá trình hiện đại hóa. Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhà xã hội học tôn giáo A. E. Crawley đã viết rằng, quan điểm đang thắng thế ở mọi nơi là tôn giáo hoàn toàn chỉ là vết tích từ thời kỳ nguyên thủy và sự tàn lụi của tôn giáo chỉ là vấn đề thời gian. Đến năm 1968, nhà xã hội học tôn giáo Peter Berger, một trong số những người tích cực chủ trương thuyết thế tục hóa cũng đã dự đoán rằng, đến thế kỷ XXI, các tín đồ tôn giáo có thể chỉ còn được tìm thấy trong các giáo phái nhỏ lẻ, họ quy tụ lại với nhau để kháng cự lại một nền văn hóa thế tục mang tính toàn cầu.
Tuy nhiên, vào những năm 90 thế kỷ XX, thuyết thế tục hóa, đặc biệt là tiên đoán của nó về sự khai tử dần dần của tôn giáo, bắt đầu bị chỉ trích mạnh mẽ. Nhất là vào cuối những năm 90 thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI thuyết thế tục hóa đã trải qua một sự thách thức nghiêm trọng nhất. Chính những người ủng hộ nhiệt thành nhất thuyết thế tục hóa lại công khai rút lại quan điểm trước đó của mình. Năm 1999 trong tác phẩm “The Desecularization of the World” Peter Berger đã viết rằng, ý tưởng cho là, chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa là sai lầm. Thế giới ngày nay, với một vài ngoại lệ, vẫn mang tính tôn giáo dữ dội như trong quá khứ, và tại một số nơi còn mộ đạo hơn bao giờ hết. Từ đó ông đưa ra nhận xét: toàn bộ tài liệu công bố của các sử gia và các nhà khoa học xã hội được gọi một cách lỏng lẻo là “thuyết thế tục hóa” về cơ bản là sai lầm. Tác phẩm này sau đó được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 2001.
Trong khi đó, những người chống lại thuyết thế tục hóa lại lập luận rằng, những người ủng hộ thuyết thế tục hóa đã dựa trên những dữ liệu không có cơ sở. Họ dẫn ra những số liệu khác để chứng minh rằng, thế giới hiện nay ngày càng mang tính tôn giáo nhiều hơn. Thí dụ, ở Mỹ tỷ lệ tín đồ các tôn giáo đã tăng gấp 3 lần so với cách đây 150 năm. Cụ thể, vào thời Cách mạng Mỹ, chỉ có 17% dân số Mỹ thừa nhận mình là tín đồ của một trong số các giáo phái đang thịnh hành ở nước này. Đến năm 1850, con số này là 34% và đến những năm 90 thế kỷ XX, con số này đã lên tới khoảng 68%.
Còn ở Iceland, một quốc gia được coi là thế tục hóa nhất, bởi vì tỷ lệ người đi lễ nhà thờ hằng tuần chỉ còn 2%, nhưng theo số liệu của cuộc điều tra về những giá trị trên thế giới được tiến hành vào năm 1990, có tới 88% dân số Iceland tin con người có linh hồn, 81% tin có kiếp sau, 82% vẫn cầu nguyện ngoài các lễ nghi tôn giáo, chỉ có 2,4% xác nhận mình là người vô thần.
Đặc biệt, tại các nước hậu chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, số người đi lễ nhà thờ hằng tháng cũng gia tăng khá ấn tượng. Thí dụ, năm 1981, ở Hungary mới có 16% dân số đi lễ nhà thờ hằng tháng, thế nhưng 10 năm sau, năm 1991, con số này đã là 25%. Còn ở nước Nga, năm 1991, có 53% người dân Nga trả lời là không theo tôn giáo, nhưng chỉ 5 năm sau, con số này đã giảm xuống còn 37%, v.v.. Do vậy, những số liệu đưa ra cả từ hai phía - phía ủng hộ thuyết thế tục hóa và phía chống lại thuyết thế tục hóa đều chỉ là những số liệu mang tính chất tương đối phục vụ cho luận điểm riêng của mỗi bên.
Trong thời đại công nghệ truyền thông hiện nay, cả người có tôn giáo và người không theo tôn giáo đều đang tận dụng mạng xã hội trên Internet cho các mục đích riêng của mình. Người có tôn giáo tận dụng mạng xã hội để truyền bá đức tin tôn giáo, phát triển tín đồ, mở rộng ảnh hưởng của tôn giáo mình. Trong khi đó, những người không theo tôn giáo lại tận dụng mạng xã hội để tìm kiếm đồng minh, làm quen với những tư tưởng mới, truyền bá văn hóa thế tục. Cuộc luận chiến giữa những người ủng hộ thuyết thế tục hóa và những người chống lại thuyết thế tục hóa xem ra vẫn chưa đến hồi kết.
TS. Nguyễn Văn Dũng