Văn hoá, văn minh lễ chùa, lễ hội, cúng giải hạn
Ngày đăng: 08/03/2018Tết nguyên đán ở Việt Nam, là khi bước vào mùa xuân của năm mới với mùa của lễ hội theo phong tục tập quán của người Việt – nhà nhà, người người chuẩn bị bày mẫm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, quay quần đón giao thừa, sau đó với truyền thống lên chùa lễ Phật, tham gia lễ hội, … để cầu mong cho gia đình và người thân của mình bước sang năm mới được mạnh khoẻ, măy mắn trong cuộc sống và cũng là là dịp để họ gửi gắm niềm tin, thực hiện các nghi thức theo tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Tập quán đến chùa lễ Phật đầu năm có ở nhiều nước trên thế giới, chủ yêu ở các nước châu Á như; Trung Quốc, Singapore, Myanmar và Việt Nam … bởi đây là truyền thống văn hoá tín ngưỡng có từ lâu đời trong cộng đồng Phật giáo người Việt trong và ngoài nước. Là nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật nếu đến chùa lễ Phật với những mong ước như nói ở trên. Nhưng nhiều năm gần đây, việc phản cảm trong lễ chùa, tham gia lễ hội và cúng giảỉ hạn tại đền, chùa đã được các phương tiện truyền thông báo chí đăng tải chia sẻ của các giáo sư, nhà nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng dân gian; đại diện chính quyền và nhà báo, chức sắc tôn giáo về vấn đề này nhằm giúp người dân hiểu đúng và biết cách ứng xử khi tham gia các lễ hội tại đình, chùa, đền, góp phần đưa nét đẹp giá trị văn hoá tín ngưỡng tôn giáo vào thực chất cuộc sống. Đa số những ý kiến chia sẻ đều phản ánh việc cúng bái cốt ở cái tâm, cái thiện, ấy vậy mà không ít người cúng đốt thật nhiều vàng mã, phải đến thật nhiều chùa, hay tranh cướp, biển thủ tiền công đức, đưa tiền lấy ấn xảy ra tại một số lễ hội.
Nguồn gốc của Phật giáo không có việc cúng đốt vàng mã hay cúng giải hạn, nhưng tại sao việc này lại vẫn diễn ra tại chùa ở Việt Nam và đi vào nếp sống của tín đồ Phật giáo hàng mấy chục năm nay bởi từ xa xưa Việt Nam với cái nôi là nền văn minh nông nghiệp lúa nước để cầu mong mùa màng tươi tốt, tránh dịch bệnh và thiên tai, tránh những xui xẻo không may mắn con người đã biết lập đàn cúng cầu với tâm lý xin thần linh, trời đất, thiên nhiên ban cho; trong các cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước trước cái nghèo, cái khổ, nhiều ngôi chùa đã cưu mạng người dân, luôn làm những việc thiện cho muôn dân: “cứu độ chúng sinh” và triết lý “từ bi, hỉ xả của nhà Phật”. Lễ hội gắn với những tập tục của người dân sống tại vùng miền đó, với những mong muốn thể hiện điểm tương đồng, điểm chung với Phật giáo và dần các nghi thức đó được thực hiện trong Phật giáo, trong chùa Việt Nam. Việc dâng cúng cốt ở cái tâm, cái thiện. Cái tâm, cái thiện ấy được mỗi nhà chuẩn bị bởi những lễ vật, mâm cỗ đơn giản hay thịnh soạn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, vẫn biết đồ cúng ông bà tổ tiên đã mất rồi thì làm sao tổ tiên dùng được những thứ ấy. Mà thông qua các sản phẩm cúng lễ dù là bằng đồ mã hay đồ thật thì đó cũng là cách con cháu tưởng nhớ, trân trọng ông bà, tổ tiên đã từng dùng những đồ dùng đó lúc còn sống, và khi không còn nữa vẫn được thế hệ con cháu biết ơn, đem bày cúng vào dịp Tết, ngày lễ, ngày giỗ, không lẽ lại đốt đi đồ thật. Điều đó thể hiện tấm lòng hiếu thảo, kính trọng của con cháu với ông bà, tổ tiên. Cái tâm, cái thiện trong con người còn được thể hiện qua những bài khấn, với mong ước ông bà, tổ tiên, các bậc thánh thần phù hộ và che trở để gia đình và người thân được đón nhận tất cả những điều tốt đẹp nhất trong đời sống, cho dù là xin những gì đi nữa thì đó cũng chỉ thể hiện ước mong của con người giúp họ giải toả những lo toan giữa những bộn bề của cuộc sống, nếu lễ Phật để xin được thành đạt xem ra còn văn minh hơn việc đưa tiền lấy ấn ở lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định cũng với ước mong được công danh tiến chức, bởi ta thấy rõ sự thương mại hoá trà trộn, trục lợi ẩn mình dưới vỏ bọc của lễ hội. Nhà Trần xưa kia tìm những người có tài, có đức để phát ấn là để phò vua giúp nước, chứ không có chuyện người có tâm-có tài-có đức ngày nay lại tìm đến đền, chùa, cầu cúng thậm chí là tranh cướp lộc, dùng tiền để thăng quan tiến chức, để làm những việc trái với luân thường đạo lý thì Phật nào, thánh thần nào chứng giám phù trợ cho những người như thế?
Người dân đến đền, chùa để hành hương, để mong Phật và thánh thần phù trợ, không thể tự xông vào cướp lộc hay cướp ấn tuỳ tiện thế và câu hỏi đặt ra cho những ai quan tâm, siêng năng cầu cúng tại đền, chùa về trách nhiệm, vai trò của trụ trì chùa và của Ban tổ chức lễ hội.
Một hiện tượng biến tướng trong các lễ hội, trong chùa đó là hiện tượng có rất nhiều hòm công đức, người đến đền, chùa lễ Phật đóng góp công quả, có thể nói có người bằng cái tâm đóng góp bằng sức lực, người đóng góp nhiều, đóng góp ít, có những người đóng góp bằng vật chất trước tiên là để lo đèn nhang vào các ngày lễ trọng trong Phật giáo, sau đó là mua sắm vật dụng tu sửa làm mới đền, chùa để ngôi đền, ngôi chùa được rộng rãi, khang trang hơn đem lại nhiều tiện ích hơn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng người dân. Việc quản lý tiền công đức là của trụ trì chùa và nhiều thành viên trong Ban tổ chức của cơ sở đó.Từ bao đời nay đền, chùa là chốn linh thiêng, Phật giáo là một tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, và Phật giáo sử dụng tiền công đức cho nhiều hoạt động từ thiện đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, Tiếc thay vẫn có những trụ trì ẩn nấp dưới mái đền, ngôi chùa vì trục lợi cá nhân mà phải tranh dành, tranh chấp quyền trụ trì và họ sẽ còn giành giật những gì nữa từ những đóng góp của người dân.
Để duy trì các lễ hội diễn ra tại đền, chùa theo phong tục tập quán của từng vùng miền khác nhau ở Việt Nam nhằm giúp thế hệ con cháu ghi nhớ và học tập công sức của cha ông trong cuộc xây dựng đất nước. Trong lễ hội có những hạn chế như nói ở trên, tuy nhiên lễ hội sẽ có ý nghĩa hơn, được trân trọng hơn nếu người dân đến đền, chùa không cúng đốt quá nhiều vàng mã. Chính quyền và Ban tổ chức lễ hội phối hợp để các lễ hội không mất đi nét đẹp văn hoá- văn minh, những giá trị nhân văn tốt đẹp trong đời sống tinh thần người Việt. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật và phương tiện thông tin đại chúng, người dân sẽ được tiếp cận nhiều với những chia sẻ có ích, qua đó tăng cường sự hiểu biết và có ý thức ứng xử văn minh hơn mỗi khi tham gia lễ hội tại các đền, chùa dịp đầu xuân năm mới.
Việt Nam có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Có tới hơn 90% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo, có hơn 8000 lễ hội diễn ra ở các vùng miền khác nhau trên khắp cả nước. Hàng năm thu hút hàng triệu khách thăm quan hành hương nơi của Phật, tham gia vào các lễ hội, trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả lãnh đạo chính phủ các nước, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới tới thăm và có những chính sách hợp tác để cùng phát triển trong lĩnh vực này. Người dân tham gia lễ hội tại các đền, chùa một cách tự do cũng thể hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước bảo đảm, và tham gia lễ hội thực hiện đúng với cái tâm, cái thiện là thể hiện tấm lòng của mình với cội nguồn, với ông bà tổ tiên, đó là cách giúp đất nước giàu đẹp và văn minh hơn, tình người với người cũng trở nên bền chặt hơn. Lễ hội tại đền, chùa sẽ có giá trị nhân văn thiết thực hơn trong đời sống xã hội hiện nay.
Đinh Thị Kiều Nga