Vấn đề đưa tôn giáo vào hệ thống giáo dục quốc dân dưới tác động của sự biến đổi tôn giáo ở nước Nga
Ngày đăng: 20/08/2018
Kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, trong đời sống tinh thần của nước Nga, những người có tín ngưỡng tôn giáo và những người không có tín ngưỡng tôn giáo vẫn khó tìm được tiếng nói chung. Đứng trước ảnh hưởng của tôn giáo, mà chủ yếu là việc Giáo hội Chính Thống giáo Nga ngày càng lấn sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội Nga, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh vấn đề đưa bộ môn tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học phổ thông.

Cuộc tranh luận này lúc bùng lên, lúc âm ỉ và kéo dài suốt hơn hai chục năm qua trong xã hội Nga. Đặc biệt trong hai nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Vladimir Putin (từ tháng 5 năm 2000 cho đến tháng 5 năm 2008). Cuộc tranh luận này nổ ra gay gắt nhất khi vào ngày 23 tháng 7 năm 2007, mười nhà bác học Nga, trong đó có hai viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga từng đoạt giải Nobel đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Nga lúc đó là Vladimir Putin bày tỏ sự lo ngại trước sự giáo quyền hoá (Clericalisation) nước này[1], mà cụ thể là vai trò ngày một gia tăng của Giáo hội Chính Thống giáo Nga trong xã hội Nga. Bức thư cho rằng, Giáo hội Chính Thống giáo Nga đang chủ trương giảng dạy trong nhà trường môn học “Cơ sở văn hóa Chính Thống giáo”, về thực chất là bước đi thiếu bình đẳng trong quan hệ đối với các “tôn giáo truyền thống” khác ở nước Nga. Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc đưa môn thần học, về thực chất là tập hợp các tín điều tôn giáo, vào giảng dạy trong các trường học ở Nga như một môn học là một điều “không thể hiểu nổi”.

Theo ý kiến các nhà khoa học, Giáo hội Chính Thống giáo Nga nên đứng ngoài hệ thống giáo dục quốc dân. Viện sĩ V. Gilzburg, người đã từng được giải thưởng Nobel đã nhấn mạnh rằng, nỗ lực áp đặt các tín điều của Giáo hội Chính Thống giáo Nga đang làm phương hại đến lợi ích khoa học của đất nước. Trước đó, Viatreslav Glazưtrev, người đứng đầu một trong các ban thuộc Viện Xã hội của Liên bang Nga cũng đã đề nghị dư luận xã hội quan tâm tới “sự giáo quyền hóa đang lan tỏa” ở nước Nga. Tuy nhiên, theo giới truyền thông Nga, quá trình giáo quyền hóa ở nước Nga vẫn đang tiếp diễn. Chính quyền Nga đang từng bước kích thích chính sách giáo quyền và cùng với thời gian chính sách này ngày càng nhận được sự ủng hộ của chính giới Nga.

Báo Độc Lập (Nezavisimaia Gazeta) ngày 24 tháng 7 năm 2009 cho rằng, các tín điều của Chính Thống giáo Nga đang trở thành ý thức hệ quốc gia, trước hết là trong các lực lượng vũ trang Nga. Trong khi chờ đợi điều luật chính thức hóa sự có mặt của các linh mục tuyên úy Chính Thống giáo trong quân đội Nga, Giáo hội đã phái một số linh mục vào phục vụ trong quân đội ở các vùng nhạy cảm như Bắc Kavkaz từ cuối năm 2009. Việc đưa các linh mục tuyên úy Chính Thống giáo vào phục vụ trong quân đội gặp phải nhiều ý kiến phản đối cả ở trong và ngoài quân đội. Bất chấp điều đó, theo giới truyền thông Nga, hiện đã có hàng trăm linh mục được đưa vào phục vụ trong quân đội và trong tương lai con số này sẽ tăng lên đến hàng chục nghìn người.

Ngày 21 tháng 7 năm 2009, tại Barvikha, dinh thự của Tổng thống Liên bang Nga, trước những người đứng đầu bốn tổ chức “tôn giáo truyền thống” là Chính thống giáo, Islam giáo, Do Thái giáo và Phật giáo, Tổng thống Dmitry Medvedev đã thông báo quyết định đưa bộ môn tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học ở Liên bang Nga. Quyết định này của Tổng thống Dmitry Medvedev đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm qua về vấn đề đưa bộ môn tôn giáo vào giảng dạy ở các trường học tại Liên bang Nga.

Trước mắt, việc này được thực hiện thí điểm ở các lớp 4 của 12 nghìn trường thuộc 18 vùng của Liên bang Nga vào học kì II của năm học 2009 - 2010, tức là vào mùa xuân năm 2010. Đây là một quyết định gây bất ngờ đối với nhiều quan khách có mặt tại cuộc tiếp kiến của Tổng thống. Nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo ngay trước cuộc gặp mặt nói trên còn phê phán gay gắt sự độc quyền của Giáo hội Chính Thống giáo Nga trong việc giáo dục tôn giáo ở các trường học.

Có thể nói rằng, chính sách của Nhà nước Nga trong lĩnh vực tôn giáo vào cuối thập kỷ đầu thế kỷ XXI tỏ ra khá sôi động là do những hoạt động tích cực của Tổng thống Dmitry Medvedev. Ngày 24 tháng 8 năm 2009, ông đã có cuộc gặp gỡ với các lạt ma của Phật giáo tại tự viện Ivollginsk ở Buriatia. Ngày 28 tháng 8 năm 2009 ông gặp gỡ các mufti của Islam giáo vùng Bắc Kavkaz tại Sochi. Trong khi đó các cộng đồng tôn giáo Nga cho tới nay vẫn đang và sẽ cố gắng lĩnh hội những quyết định của Tổng thống đưa ra vào cuối tháng 7 năm 2009. Đó là việc đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học và đưa giới tăng lữ vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang.

Thực chất chính sách tôn giáo của Nhà nước Nga hiện nay là ủng hộ các tôn giáo được gọi là “tôn giáo truyền thống” ở nước này. Tại cuộc gặp gỡ với các lạt ma của Phật giáo ở Buriatia, Tổng thống Dmitry Medvedev đã tuyên bố rằng, mặc dù khủng hoảng kinh tế, nhưng Nhà nước Nga vẫn có tài lực cần thiết cho các tôn giáo, do vậy các tổ chức tôn giáo không cần nhờ tới sự giúp đỡ từ nước ngoài. Trong cuộc gặp gỡ với các mufti Islam giáo vùng Bắc Kavkaz, ông cũng nói tới vấn đề này. Tổng thống Nga cho rằng, cần phải phát triển giáo dục Islam giáo ở khu vực này sao cho đủ sức để ngăn chặn sự xâm nhập của các trào lưu Islam giáo cực đoan vào nước Nga. Muốn vậy, cần phải xây mới các trường Islam giáo, kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ với các trung tâm đào tạo Islam giáo ở nước ngoài và xây dựng các kênh truyền hình Islam giáo ở trong nước. Qua đây chúng ta nhận thấy rằng, tuy vấn đề của Phật giáo Buriatia và của Islam giáo Bắc Kavkaz hoàn toàn khác nhau, nhưng chính sách đối với các tôn giáo này về thực chất chỉ là một. Nhà nước dựa vào uy tín và thái độ thiện chí đối với chính quyền của các tổ chức “tôn giáo truyền thống” để giúp đỡ vật chất cho họ.

Trả lời cho câu hỏi: Trong tình hình nền kinh tế Nga đang bị khủng hoảng liệu Nhà nước Nga có thể thực hiện được chính sách giúp đỡ vật chất cho các tôn giáo truyền thống được không? Tác giả Pavel Krug cho rằng, xét về khía cạnh kinh tế, việc làm này không sinh lợi nhuận. Đem một khoản tiền lớn đầu tư vào một việc chỉ có tính chất tượng trưng thuần tuý mà không hứa hẹn đem lại một khoản lợi nhuận thực tế nào. Mặc dù đại diện các tổ chức tôn giáo có quả quyết rằng, các biện pháp giúp đỡ của Chính phủ Nga sẽ được đáp trả bằng sự giáo dục đạo đức - tôn giáo ở các trường học trong tương lai. Nhưng trong tình hình kinh tế phức tạp hiện nay, việc Nhà nước Nga dành một khoản tài chính đáng kể cho các tổ chức tôn giáo mà không có bất kì một hệ thống quyết toán rõ ràng nào từ phía các tổ chức này thì rất có thể bị những người dân còn đang có cuộc sống khó khăn ở nước này đánh giá là một sự lãng phí. Tất nhiên, nếu không coi đây là sự đầu tư đặc biệt tinh xảo để đảm bảo ổn định xã hội. Pavel Krug gọi đây là sự đầu tư “thuốc phiện cho nhân dân”[2].

 Xét về phương diện khác, chính sách giúp đỡ vật chất cho các tôn giáo truyền thống của Nhà nước Nga hiện nay là hoàn toàn có thể biện minh được. Tuy không muốn bị rơi vào chủ nghĩa biệt lập trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng Nhà nước Nga vẫn phải cho thế giới hiểu rằng, nước này không cần sự ảnh hưởng tôn giáo của nước ngoài, đó có thể là các trào lưu “Islam giáo cấp tiến” hay những khuynh hướng tự do của Kitô giáo Phương Tây. Người Nga có thể tự đào tạo các nhà thần học của mình, dù đó là các nhà thần học Chính Thống giáo, hay các nhà thần học Islam giáo. Điều này thực sự cấp thiết ở vùng Bắc Kavkaz, nơi các tổ chức bí mật cực đoan theo hệ tư tưởng của Islam giáo cấp tiến đã biến thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ trong vài chục năm gần đây. Sự cần thiết khắc phục hệ thống giáo dục Islam giáo ở nước Nga sẽ góp phần làm thay đổi nhu cầu của các sinh viên trẻ Islam giáo muốn ra nước ngoài học tập và khi trở về họ sẽ mang theo những tư tưởng của “Islam giáo cấp tiến” vào nước Nga. Điều này dư luận Nga đã đề cập nhiều ngay từ những năm 90 của thế kỉ XX và đến nay việc làm này của Chính phủ Nga dù sao cũng đã muộn. Nhưng tục ngữ Nga có câu: “ Muộn còn hơn không khi nào”.

Như vậy, chính sách của chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev đối với bốn tôn giáo truyền thống nói trên ở nước này đã rõ ràng. Nhưng vẫn còn những ý kiến phê phán chính sách này và cho rằng, Nhà nước giáo quyền ở Nga đang gia tăng và mô hình này không phải là mô hình đã từng tồn tại ở đế chế Nga trước năm 1917. Khi gặp gỡ những người đại diện của Phật giáo, Islam giáo trong thời gian vừa qua, và trước đó là gặp gỡ các cộng đồng Do Thái giáo, Tổng thống Nga không chỉ đơn giản là bày tỏ sự tôn trọng đối với họ, mà quan trọng hơn, đó là đưa họ vào quá trình thông qua các quyết định về chính sách tôn giáo ở cấp độ tổng thống của nước Nga.

Tuy nhiên, vai trò của Chính Thống giáo Nga vẫn không hề suy giảm mà ngược lại còn được tăng cường, thí dụ việc hợp pháp hoá Viện tăng lữ quân đội và hải quân Nga. Giáo hội Chính Thống giáo cũng luôn là đầu tàu trong các cuộc vận động hành lang cho lợi ích của họ và của các tôn giáo truyền thống khác. Mặc dù theo quan điểm của giáo lý Chính Thống giáo, các tôn giáo khác chỉ là tà giáo, là lầm lạc.

Xét theo các chính sách tôn giáo mà Nhà nước Nga hiện nay đang tiến hành thì nước Nga không hẳn là một nhà nước thế tục, cũng chưa phải là một nhà nước giáo quyền. Trong luật pháp về tự do tôn giáo của nước Nga hiện nay thậm chí không thể tìm thấy thuật ngữ “tôn giáo truyền thống”. Nhưng nhà nước Nga mà Tổng thống là người đại diện lại sử dụng khái niệm này. Dmitry Medvedev gọi Chính Thống giáo, Islam giáo, Do Thái giáo và Phật giáo là tôn giáo truyền thống (Tradixionnưie religii). Vậy liệu các tôn giáo khác có số lượng tín đồ không lớn ở Nga như Công giáo, Tin Lành giáo, thậm chí là Saman giáo, v.v. có phải là tôn giáo truyền thống hay không? Đó là chưa kể các tín ngưỡng cổ truyền và các tín đồ cựu giáo khác. Đây cũng là một vấn đề lớn đang đặt ra trong chính sách tôn giáo của Nhà nước Liên bang Nga hiện nay.

Việc đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học phổ thông của Nga theo quyết định của Tổng thống Dmitry Medvedev đã đặt ra hàng loạt các vấn đề cần giải quyết.

Khi quyết định của Tổng thống Nga về việc đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học phổ thông được công bố, những người đứng đầu các tôn giáo có cảm tưởng rằng, từ lâu họ đã nóng lòng chờ đợi giờ phút này và hình như chưa từng có những cuộc tranh luận, sự nghi ngờ và bất đồng ý kiến trong nhiều năm qua ở nước Nga. Tất cả những người có mặt tại dinh thự của Tổng thống ngày 21 tháng 7 năm 2009 đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của Dmitry Medvedev và sẵn sàng cho việc thực hiện thí điểm quyết định này.

Môn tôn giáo được thí điểm giảng dạy trong trường học bậc phổ thông ở Nga sẽ trở thành một môn học mang tính chất bắt buộc trong chương trình học tập của các học sinh bậc học này. Tuy nhiên, để thực hiện quyết định này của Tổng thống Nga vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là việc chuẩn bị nội dung các bài học về văn hoá - đạo đức - tôn giáo. Vấn đề này còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Việc chuẩn bị 40 nghìn giáo viên và phân chia thành các chuyên ngành cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Về nguyên tắc, mỗi trường phải có các giáo viên cho các môn học sau: Lịch sử Chính Thống giáo, Lịch sử Islam giáo, Lịch sử Do Thái giáo, Lịch sử Phật giáo và cuối cùng là môn Đạo đức học thế tục.

Vấn đề phân các môn học này theo 18 vùng cũng hoàn toàn chưa rõ ràng, bởi vì sự phân chia này phải đảm bảo tính tự nguyện lựa chọn môn học của học sinh mà Tổng thống Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Andrei Fursenko đã đề ra.

Cũng trong cuộc gặp gỡ tại dinh thự của Tổng thống ở Barvilkha, Dmitry Medvedev đã đề nghị học sinh sẽ học 2 tiết trong một tuần môn văn hoá - đạo đức - tôn giáo. Tuy nhiên, theo chương trình học hiện nay, ngay cả một tiết học cho môn này cũng khó thu xếp, mà nếu có thu xếp được thì cũng khó có giáo viên nào có thể hoàn thành giáo án trong một tiết học.

 Một vấn đề khác được đặt ra là tiền thù lao và lịch giảng dạy. Thông thường các giáo viên dạy môn chính có thể bắt buộc dạy thêm môn phụ nhưng phải kèm theo điều kiện. Ngoài tiền thù lao và lịch giảng dạy họ còn phải được đào tạo thêm để nâng cao trình độ nghiệp vụ về các môn học bổ sung. Để giải quyết vấn đề này Bộ Giáo dục và Khoa học Nga đã đề xuất đưa giáo viên các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn của các trường phổ thông đi học các lớp nâng cao trình độ nghiệp vụ do chức sắc các tôn giáo cùng các giáo sư triết học ở các trường đại học tại địa phương giảng dạy. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ có Chính Thống giáo Nga có thể đáp ứng yêu cầu này còn các tổ chức tôn giáo khác chưa có kinh nghiệm giảng dạy môn học này cho giáo viên.

Một vấn đề khác được đặt ra là: số lượng tiết học không được vượt quá khung tiêu chuẩn cho phép để tránh gây quá tải cho học sinh. Và điều này có nghĩa là, khi đưa bổ sung tiết học về tôn giáo vào trường học thì phải cắt giảm tiết học của một môn nào đó đang được giảng dạy trong trường. Việc cắt giảm tiết học của môn học nào cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

Cuộc tranh luận giữa sinh vật học và thần học đã diễn ra nhiều năm trong các lớp học bậc phổ thông và cuộc thử nghiệm đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường phổ thông lần này ở Nga lại một lần nữa trở lại cuộc tranh cãi không có điểm dừng về quyền ưu tiên của tri thức khoa học đối với giáo điều tôn giáo hay quyền ưu tiên của giáo điều tôn giáo đối với tri thức khoa học.

Một vấn đề nữa được đặt ra xoay quanh vụ việc này là tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa. Cho tới nay, chưa một tổ chức tôn giáo nào ở Nga đưa ra được một cuốn sách giáo khoa gồm 3 hợp phần “văn hoá - đạo đức - tôn giáo”. Ngay cả Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cũng chưa đưa ra được một cuốn sách giáo khoa hoàn chỉnh về môn học này. Việc xác định danh sách 18 vùng và các trường thực hiện giảng dạy thí điểm môn tôn giáo cho học sinh cũng chưa rõ ràng.

Quyết định của Tổng thống về việc đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường phổ thông đã ban hành, nhưng một số tổ chức tôn giáo vẫn chưa sẵn sàng, những điều kiện để thực hiện quyết định đó cũng chưa hội đủ. Chỉ có Chính Thống giáo Nga có lợi thế vì đã chuẩn bị tương đối chu đáo cho việc đưa Chính Thống giáo vào giảng dạy trong các trường phổ thông.

Từ những điều được trình bày ở trên xin nêu lên nhận xét sau đây:

Thông qua việc xác định bốn “tôn giáo truyền thống” là Chính Thống giáo, Islam giáo, Phật giáo và Do Thái giáo, Nhà nước Nga đã đề ra một chính sách tôn giáo phù hợp với sự biến đổi tôn giáo ở nước này thời kỳ “hậu Xô Viết”. Đây là chính sách nhất quán của Nhà nước Nga suốt từ năm 1991 đến nay. Đối với các tôn giáo khác, hoặc là ít được, hoặc là không được hưởng lợi từ chính sách tôn giáo này.

Thực chất của chính sách tôn giáo của Nhà nước Nga hiện nay là ủng hộ các tôn giáo truyền thống không chỉ về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ cả về mặt vật chất để phục vụ cho quan điểm “Độc lập, Dân tộc và Tự chủ”. Nhà nước Nga đã dành những nguồn lực tài chính cần thiết cho các tôn giáo truyền thống để các tổ chức tôn giáo này không phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài. Điều này khác hoàn toàn với chính sách tôn giáo của V.I. Lênin và những người cộng sản Nga dưới chính quyền Xô Viết trước đây khi xác định Nhà nước không chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho các đoàn thể giáo hội và các đoàn thể tôn giáo. Giáo hội và Nhà nước hoàn toàn tách khỏi nhau và nhà trường hoàn toàn tách khỏi Giáo hội.                                                                          

 TS. Nguyễn Văn Dũng

 


[1]  Xem thên: Nguyễn Văn Dũng. Vấn đề đưa tôn giáo vào giảng dạy trong các trường học ở nước Nga. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 11 năm 2007, tr.52 – 58.

[2] Pavel Krug. Từ thế tục đến chủ nghĩa gia trưởng. http://religion.ng.ru/events/2009-09-02/1.paternalist.html (tiếng Nga).