Vai trò nữ phái trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Ngày đăng: 18/04/2018
Đạo Cao Đài là tôn giáo do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức người Việt Nam sáng lập và tổ chức lễ khai đạo tại chùa Gò Kén, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh vào giữa tháng 11/1926 (Rằm tháng 10 năm Bính Dần) với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Quá trình hình thành và phát triển, đạo Cao Đài đã khẳng định là một tôn giáo với đầy đủ thành tố về giáo lý, giáo luật, cơ sở thờ tự và lực lượng tín đồ. Đạo Cao Đài đã sớm chủ trương nam nữ bình quyền trong tổ chức Giáo hội và cả đời sống tôn giáo hàng ngày; mặc dù được ra đời tại một quốc gia nửa thuộc địa, nửa phong kiến nhưng lại chủ trương nam nữ bình đẳng, đây là yếu tố đi trước thời cuộc và xã hội. Nhìn từ góc độ xã hội thì đây là một bước tiến, sự xuất hiện của đạo Cao Đài đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận dân cư Nam Bộ nên đã thu hút được số lượng lớn tín đồ. Đạo Cao Đài ra đời đã đáp ứng được những mong mỏi, nguyện vọng của con người muốn hướng đến một tương lai tươi sáng hơn hiện tại mà họ đang sống, đã sớm có một quan niệm đúng đắn, đó là coi trọng vai trò của nữ phái, chủ trương “nam nữ bình quyền”.

Nét đặc trưng của đạo Cao Đài là xem trọng sự bình đẳng nam, nữ trong đời sống tôn giáo và cả trong đời sống xã hội; trước kia, người phụ nữ chưa được sánh ngang hàng cùng nam giới trong việc tu tập, người phụ nữ không được tham gia thọ giới, tu hành; do bởi, vào nửa đầu thế kỷ XX, trong lúc xã hội phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, còn chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo. Với quan niệm cứng nhắc về người phụ nữ như: “khuê môn bất xuất” hay “chồng chúa vợ tôi”, giáo lý Cao Đài đã có bước giải phóng phụ nữ trước thời đại, nâng người phụ nữ lên một tầm vóc mới; vào những thập niên cuối thế kỷ XX có thể xem là kỷ nguyên nâng cao giá trị của phụ nữ vì chưa bao giờ phụ nữ dành được nhiều vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ đã được bình đẳng như nam giới.

Thế giới quan Cao Đài cho rằng: vũ trụ bao gồm cả không gian và thời gian. Không gian là vô cực trong đó có nguyên Lý thiên nhiên và nguyên Khí tự nhiên, gọi là Âm và Dương, dần dần ngư­ng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp thành một khối Đại Linh quang với đầy đủ sự tốt đẹp gọi là Thái Cực, đây chính là Ngôi Chúa Tể của càn khôn vũ trụ.

Vũ trụ quan Cao Đài nêu lên các nguyên lý nhất nguyên, nhất thể và hoàn nguyên cho thấy sự vận hành của Đạo từ hư vô sinh ra vạn vật hữu hình rồi vạn vật hữu hình tiến hoá trở về hư vô hiệp cùng khối Đại Linh quang toàn trí, toàn năng.

Nhân sinh quan Cao Đài cho con người là Tiểu vũ trụ có cùng bản thể với Đại vũ trụ được sinh thành bởi cùng một nguyên nhân đầu tiên của toàn vũ trụ. Đó là Thái cực, Thái cực là Đại Linh quang, theo nghĩa tâm linh là khối Đại Nguyên thần của vũ trụ sinh ra vạn vật và con người. Mỗi người được Thượng Đế ban cho một điểm Tiểu Linh quang có cùng bản tính, bản chất với Đại Linh quang. Trong quá trình tiến hoá của vũ trụ thì vạn vật tiến hoá dần dần đến hàng nhân loại mới có đủ tam hồn là sinh hồn, giác hồn và linh hồn để tu luyện giải thoát. Như vậy, con người có phần hồn và phần xác, Thượng Đế ban cho mỗi người một Điểm Linh quang (gọi là Linh hồn) mượn lấy xác phàm để xuống thế gian rèn luyện, thử thách. Đạo Cao Đài quan niệm thế gian là một trường học và là nơi để lập công bồi đức, để không ngừng tiến hoá. Cuộc sống của con người là quá trình hoàn thành những nấc thang tiến hoá cao nhất của vạn vật nhằm đi đến sự hoà hợp với vũ trụ. Khi con người chết đi thì linh hồn vẫn tồn tại và tiếp tục luân hồi để sống vào kiếp khác, con người tiến hoá do linh hồn tiến hoá.

Đạo Cao Đài cho rằng, vai trò của người phụ nữ là duy trì nòi giống cho loài người, là chiếc cầu nối cho các Chơn linh ở Cõi Trên đầu thai xuống phàm trần; với người phụ nữ trên phương diện thực tế, sứ mạng cao cả của họ không phải là trở thành một nhà lãnh tụ ở ngoài đời, hoặc thành đạt trên nhiều lĩnh vực, có học hàm, học vị; nhưng người phụ nữ là chiếc cầu nối cho những Chơn linh, Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng trần. Do vậy, người tín đồ Cao Đài không được yểm thế hay phủ nhận cuộc sống giữa xã hội, ngược lại, phải sống hòa nhập với đời, làm tròn các bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội, trước khi và trong khi bước sang giai đoạn cầu tu giải thoát.

Giáo lý đạo Cao Đài nâng cao giá trị và khẳng định vai trò quan trọng của nữ giới đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của đạo Cao Đài; Góp phần làm rõ thêm về một tôn giáo mới, mang nhiều bản sắc của văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng thấy được đặc điểm của tôn giáo này dưới góc độ văn hóa vùng; qua đó thấy rõ vị trí của nữ giới trong cơ cấu tổ chức tôn giáo, hệ thống hành chính đạo từ Trung ương đến địa phương, hệ thống thánh sở và tổ chức đời sống tôn giáo của người phụ nữ đạo Cao Đài trong bối cảnh văn hóa Việt, qua đó thấy được những đóng góp của văn hóa Cao Đài trong văn hóa Việt Nam.

Ngay trong cửa Đạo, nữ phái cũng đạt được các ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật như nam phái; nhất là trong sinh hoạt xã hội, cũng như trong Hành chính đạo, nữ phái trong đạo Cao Đài ngang hàng với nam phái, cũng có quyền ứng cử phái viên, nghị viên tham dự ba Hội Lập Quyền Vạn Linh đó là Hội Nhơn sanh, Hội Thánh và Thượng hội. Nữ phái cũng có quyền tự do tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan Hành chính đạo, cùng đóng góp ý kiến và kiểm soát các sinh hoạt của Đạo từ địa phương đến trung ương, thông qua Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh nêu trên, đây là một nét đặc trưng của đạo Cao Đài, có quyền thể hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ trong tôn giáo của mình.

Đạo Cao Đài chấp nhận nữ phái trong hệ thống tổ chức tôn giáo của mình; nữ phái giữ vai trò, phẩm vị gần như ngang bằng với nam phái từ hàng phẩm vị thấp nhất ở cơ sở đến hàng phẩm vị cao nhất tại Hội thánh Trung ương; nữ phái được đồng phẩm, đồng quyền nam phái; số lượng chức sắc nam phái thì giới hạn, còn số lượng chức sắc nữ phái thì không giới hạn; nữ phái được tham dự các buổi hạnh đường chung với nam phái, được bồi dưỡng, đào tạo để trở thành chức sắc, người hướng đạo, thuyết đạo như nam phái; tại Tòa thánh Trung ương và các Thánh thất cơ sở đều có cổng, cửa, khu vực dành cho nam phái và nữ phái riêng biệt,…

Đạo Cao Đài đã mở ra một con đường tiến hóa rộng thênh thang cho mọi thành phần nữ phái, tầm quan trọng không ở cương vị nào mà tầm quan trọng là hoàn thành trọn vẹn vai trò nữ phái của mình ở mọi cương vị. Cho nên giá trị nữ phái do chính nữ phái tạo nên, cương vị do chính tài năng đức độ của nữ phái mà hình thành; giá trị người phụ nữ lấy đạo đức làm căn bản xây dựng hạnh phúc gia đình và phụng sự xã hội; đạo đức của người phụ nữ là nền tảng ổn định gia đình, duy trì văn hóa dân tộc, là nền tảng cơ bản ổn định xã hội, ngăn ngừa các mầm mống bất ổn xã hội. Người phụ nữ theo đạo Cao Đài cần có trách nhiệm cao hơn vai trò của người phụ nữ ngoài xã hội; trong gia đình phải thực hiện tròn đạo Tam Tùng, Tứ Đức; phải giữ được vai trò nữ phái trong đời sống tôn giáo về tổ chức, về hành chính đạo, về lễ nghi cúng tế, về thờ tự; phải giữ được vai trò nữ giới trong đời sống gia đình, trong đời sống cá nhân, trong mối quan hệ gia tộc; phải giữ được vai trò nữ giới trong đời sống xã hội về hoạt động kinh tế, sinh hoạt cộng đồng và thực hiện pháp môn tu hành được Đức Thượng Đế truyền dạy cho tín đồ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo Tam công để rèn luyện thân tâm - tánh mạng, ứng dụng Tam công ở phần: Công phu, Công quả, Công trình.

Người tín đồ Cao Đài phải thực hành công phu bằng cách học tập kinh sách, nghiên cứu Giáo lý và Triết lý của Tam giáo, tham dự các thuyết đạo của chức sắc để thông hiểu Giáo lý, Luật pháp, Kinh kệ của Đạo, hiểu rõ nhiệm vụ của một tín đồ, cùng các nghi thức trong tế lễ, tang hôn và cúng Đức Chí Tôn vào tứ thời: Tý, Mão, Ngọ, Dậu.

Công quả là tất cả những việc làm để giúp người, giúp đời, phụng sự cho Đạo, phụng sự cho nhơn sanh, dù phạm vi nhỏ hay lớn, đều gọi là công quả. Công quả muốn được chính danh, đúng ý nghĩa thì phải là công quả xuất phát từ lòng từ thiện, tự giác, thiết tha với nó, xem nó là mục đích của đời mình và phải rèn luyện hai điều: điều thứ nhất, phải tự rèn luyện khả năng hiểu biết đạo lý của mình để dẫn dắt những người chưa hiểu biết đạo hay chưa biết đạo vào con đường đạo đức như mình; điều thứ hai, phải giữ gìn sức khỏe cho tốt, cho khỏe mạnh để giúp đạo, giúp đời; nếu sức khỏe không tốt, ốm đau thường xuyên thì bản thân không giúp được ai mà phải nhận lấy sự giúp đỡ của người khác, do đó mình sẽ mất công quả và mang nợ người khác.

Công trình là sự rèn luyện những đức tính tốt, sự cố gắng bỏ những thói hư tật xấu, kiên trì tu học để hoàn thiện bản thân, giữ gìn giới luật như: Ngũ giới cấm, Tứ đại Điều quy, Luật đạo, ăn chay kỳ hay ăn chay trường.

Môi trường giáo dục trong đạo Cao Đài mở ra cho con người những cơ hội để học hỏi và tiếp thu kiến thức trong cuộc sống. Thánh thất chính là “trường học” gần gũi, thân quen và gắn bó nhất với những người tín đồ.

Môi trường giáo dục đạo Cao Đài không như những môi trường giáo dục khác, nếu như một đứa trẻ khi ở nhà được giáo dục trong môi trường gia đình, khi đến lớp được giáo dục trong môi trường nhà trường, ra ngoài xã hội, được tiếp nhận, thực hành các hành vi ứng xử, cách đối nhân xử thế trong xã hội thì trong môi trường giáo dục Cao Đài, người vào học, vào tu lại được chú trọng và khuyến khích, tự hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu những hướng dẫn trong tu học mà người đó tự nhận thức, từ đó có sự sáng tỏ và thông hiểu; những yếu tố cộng đồng, tập thể được đề cao, tính cá nhân, vị kỷ bị tiễu trừ, con người như được trở về với bản tính sơ khai, thánh thiện. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là kết quả của việc giáo dục hướng đến con người.

Tóm lại, vai trò nữ phái trong đạo Cao Đài đã được thể hiện rất rõ nét về sự bình đẳng giữa nam phái và nữ phái, vị trí của người phụ nữ trong đạo Cao Đài được khẳng định nhiều hơn trong xã hội và trong cả đời sống tôn giáo. Thực tế cho thấy nữ phái trong đạo Cao Đài có nhiều vị đã thành công đắc quả Chơn Tiên, Tiên Nương, Thánh Nữ, Thần Nữ,… tiêu biểu như chị lớn Lâm Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hương,… là chức sắc tiêu biểu nữ phái được Thầy phong thời kỳ Khai đạo, sau này các Hội thánh Cao Đài lần lượt chọn chức sắc nữ phái tiêu biểu kế thừa, nhiều vị lên tới phẩm Đầu sư; trong hệ thống hành chánh đạo, từ Hội thánh Trung ương đến Họ đạo cơ sở, nữ phái đều có các phẩm vị ngang hàng nam phái; do vậy, nữ phái trong đạo Cao Đài cần tiếp tục kiện toàn hàng ngũ, tạo nếp đạo đức trong gia đình, mẫu mực hướng đạo, ra sức rèn luyện bản thân, hòa nhập trong cuộc sống của nhơn sanh, chăm lo phụng sự đạo pháp, thường xuyên trau dồi giáo lý, giáo luật, tích cực tham gia công tác giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo xã hội./.

      TS. Nguyễn Ngọc Huấn

     Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Tài liệu tham khảo

1. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, Nxb Tôn giáo, 2005.

2. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 2, Nxb Tôn giáo, 2008.

3. Viện nghiên cứu Tôn giáo, Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, 1995.

4. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh (Đức Nguyên), Cao Đài Từ Điển, quyển 1, 2, 1994.

5. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

6. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Cao Đài Vấn Đáp, Nxb Tôn giáo, 2012.

7. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Văn hóa Tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế, Nxb Tôn giáo, 2009.

8. Các Hội thánh và Tổ chức trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Khái lược Văn hóa Cao Đài, Sách kỷ niệm Đại lễ 90 năm Khai đạo Cao Đài (1926-2016), Nxb Tôn giáo, 2015.