Tư tưởng chủ đạo của những người đứng đầu tổ chức “Anh em Islam giáo” và tổ chức “Thánh chiến”
Ngày đăng: 15/03/2019
Ở bài viết trước chúng tôi đã điểm qua đôi nét về các tổ chức chính trị - tôn giáo thuộc Islam giáo ở các nước Trung Đông. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích những tư tưởng chủ đạo của Saiyd Kutb thuộc tổ chức “Anh em Islam giáo” (The Muslim Brotherhood) và Mohammed Abd - As - Saliam thuộc tổ chức “Thánh chiến” (Jihad). Đây là hai trong số các tổ chức chính trị - tôn giáo cức đoan trong Islam giáo.

1. Tư tưởng chủ đạo của Saiyd Kutb thuộc tổ chức “Anh em Islam giáo

Tổ chức “Anh em Islam giáo” (phiên âm tiếng Arập là al-ʾIkḫwān al-Muslimūn, tên tiếng Anh là The Muslim Brotherhood) là phong trào Islam giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arập và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông. Tổ chức “Anh em Islam giáo” do Hassan Al - Banna thành lập năm 1928 tại Ai Cập. Tư tưởng của tổ chức này đã nhận được nhiều sự ủng hộ trong khắp thế giới Arập và ảnh hưởng đến nhiều nhóm Islam giáo khác nhau bằng mô hình sinh hoạt chính trị kết hợp với hoạt động từ thiện.

 Tổ chức “Anh em Islam giáo” được biết đến là tổ chức có liên quan đến bạo lực chính trị. Thành viên của tổ chức này bị tình nghi là đã ám sát những đối thủ chính trị ở các quốc gia Islam giáo trong thế giới Arập. Nhà tư tưởng lớn thuộc tổ chức “Anh em Islam giáo” là Saiyd Kutb. Ông này đã bị kết án tử hình năm 1966, nhưng các tác phẩm của ông thường xuyên được tái bản và là cơ sở lý luận cho hầu hết các tổ chức chính trị - tôn giáo thuộc Islam giáo cực đoan ở các nước Trung Đông.

Saiyd Kutb đã đưa ra một giáo thuyết mà cho tới nay nó vẫn được coi là giáo thuyết “kinh điển” của phong trào chấn hưng Islam giáo. Phạm trù trung tâm trong giáo thuyết của Saiyd Kutb là “Jahiliya”. Theo nghĩa đen, khái niệm “Jahiliya” trong tiếng Arập là “sự ngu dốt”. Trong lịch sử Islam giáo, khái niệm này được dùng để chỉ giai đoạn trước khi Islam giáo ra đời trên bán đảo Arập. Đó là thời kỳ loài người chưa biết đến “Lời của Đấng Tối cao” - Kinh Koran (Kinh Qur'an). Theo Saiyd Kutb, dần dần loài người lại bước vào một “Jahiliya” mới, một thời đại dã man mới. Trong tác phẩm cuối cùng của mình Saiyd Kutb viết: “Cả thế giới - Islam giáo hay không Islam giáo, tôn giáo hay vô thần, Phương Đông hay Phương Tây, đều trở về với Jahiliya. Thời đại dã man mà thế giới ngày nay đang ngập chìm trong đó ghê tởm hơn nhiều thời đại dã man trước Islam giáo”[1].

Định nghĩa ngắn gọn về phạm trù này được đưa ra trong tác phẩm “Tại sao lại giết S. Kutb và những người anh em có đức hạnh của ông” do tổ chức “Anh em Islam giáo” xuất bản bí mật để kỷ niệm Saiyd Kutb. Trong tác phẩm này viết: “Jahiliya là tất cả những gì không phải là Islam giáo”[2], “dã man” là chủ nghĩa tư bản Phương Tây và chủ nghĩa xã hội Phương Đông cũng như những quan điểm chính trị - xã hội của những người theo chủ nghĩa hiện đại trong Islam giáo. Trong cuốn “Công bằng xã hội trong Islam giáo” Saiyd Kutb viết: “Tôi không chịu nổi những người bàn cãi về ‘chủ nghĩa xã hội Islam giáo’, về ‘chế độ dân chủ Islam giáo’, v.v. và đem trộn lẫn cái trật tự do Thượng Đế sáng tạo ra với cái trật tự do con người tạo nên. Islam giáo đưa ra những sự giải quyết độc lập về những vấn đề của nhân loại. Nó là phương pháp tích phân cùng sự thống nhất nhịp nhàng và nếu đưa bất kỳ một nhân tố bên ngoài nào vào thì sẽ làm hỏng nó, giống như ta đưa cái phụ tùng không cần thiết vào một cỗ máy phức tạp có thể sẽ làm cho nó bị hỏng”[3].

“Quyền lực Islam giáo chân chính” được Saiyd Kutb gọi là “Hakimiya”. Ông coi đây là phương thuốc chữa bách bệnh của thế giới Islam giáo. Thuật ngữ “Hakimiya” được lấy từ Shahadah[4], một biểu tượng đức tin của Islam giáo. Khi Shahadah khẳng định chỉ có một Thượng Đế duy nhất là Allah thì nó cũng đồng thời khẳng định rằng, Hakimiya trong đời sống con người chỉ thuộc về một mình Ngài. Saiyd Kutb diễn giải quan niệm này như sau: “Không ai có quyền lực đối với con người ngoài Thượng Đế, không ai giết chết con người và làm hồi sinh con người ngoài Thượng Đế, không ai làm tổn hại cho con người hay mang lại lợi ích cho con người ngoài Thượng Đế, không ai mang thức ăn đến cho con người trên trời và dưới đất ngoài Thượng Đế” và “Thượng Đế chỉ có một thì chỉ tôn thờ một mình Ngài … không được tôn thờ ai khác ngoài Ngài, không ai có Hakimiya ngoài Ngài và ngoài Thượng Đế ra con người không được chọn ai khác trong giới của mình làm ông chủ của mình”[5].

Từ cách diễn giải trên đây Saiyd Kutb đi tới kết luận: “Con người không được phép tự mình quy định hình thức cầm quyền, đưa ra bộ luật và các điều luật”[6]. “Islam giáo có sẵn quan niệm nguyên bản và hoàn thiện mà những nguyên lý đúng đắn của nó nằm trong Kinh Koran, Sách Hadith, trong đời sống của nhà Tiên tri và trong những lời căn dặn thiết thực của Ngài”[7]. Song cần bao nhiêu nguyên lý đúng đắn đó, lý giải và áp dụng chúng trong cuộc sống như thế nào, quyền lực đó trong xã hội thuộc về các nhà hoạt động tôn giáo.

Đối với vấn đề về bạo lực, quan điểm của Saiyd Kutb rất rõ ràng. Ông ta cho rằng, phải dùng bạo lực để thiết lập Hakimiya. Phải đưa loài người “trở lại với Thượng Đế”[8], còn “đối với những người đã rời bỏ Thượng Đế thì cho phép dùng sức mạnh”[9]. Đây là một quan điểm cấp tiến cực đoan. Để thấy rõ hơn hệ tư tưởng của tổ chức “Anh em Islam giáo” xin trích dẫn một đoạn trong di chúc của Saiyd Kutb: “Islam giáo cần phải phục hưng. Sự phục hưng bắt đầu được thực hiện bằng những nỗ lực của một thiểu số người cách ly mình khỏi xã hội dã man và chống lại xã hội đó, không thừa nhận tổ quốc, gia đình, quan hệ, luật pháp và phong tục tập quán. Họ chỉ thừa nhận một điều hiển nhiên - đó là sự phá hủy, tiêu diệt toàn bộ, không để lại cái lớn cũng như cái nhỏ. Để cho cộng đồng tín đồ tiếp cận trực tiếp tới trái tim, thiểu số người đó cần phải quét sạch những trở ngại jahiliya cách biệt nó với mọi người … Trước khi tiến hành tranh luận hay thuyết phục một cái gì đó cần phải lật đổ chế độ, bởi vì nó là chế độ jahiliya và lật đổ tất cả các chế độ, bởi vì chúng là những chế độ jahiliya, thậm chí cả những chế độ mà trong các văn kiện và hiến pháp của mình ghi nhận sự trung thành với Islam giáo, thậm chí cả những chế độ, mặc dù có đức tin vào Thượng Đế, nhưng cho phép cái gọi là sự lãnh đạo chính trị và xã hội”[10].

Thực chất quan điểm của Saiyd Kutb là nhằm biện giải cho sự cần thiết quay trở lại với các quan hệ xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Từ những điều khoản trong Luật Shariah, Saiyd Kutb nói về những phương thức hợp pháp sở hữu tài sản, về săn bắn và đánh cá, về “khai thác những thứ dưới lòng đất” (như dầu lửa, than đá, quặng sắt), về chế biến nguyên liệu, về buôn bán, về lao động được ban thưởng, về tập kích vũ trang, về sự ban thưởng đất đai để làm điền trang, thái ấp, v.v.. Nghĩa là phải quay về với thời kỳ Trung cổ để có được “Islam giáo chân chính”.

2. Tư tưởng chủ đạo của Mohammed Abd - As - Saliam thuộc tổ chức “Thánh chiến”

Tổ chức “Thánh chiến” là một tổ chức chính trị - tôn giáo cực đoan (phiên âm tiếng Arập là jihād, tên tiếng Anh là Jihad) ra đời ở Ai Cập vào nửa sau thế kỷ XX cùng với các tổ chức như “Thanh niên Mohammed”, “Hội huynh đệ Thánh chiến”. Jihad là một thuật ngữ của Islam giáo có nghĩa là “đấu tranh” thường được dịch là “thánh chiến”. Đây là một bổn phận tôn giáo quan trọng của tín đồ Islam giáo. Thánh chiến (jihad) có hai ý nghĩa thường được chấp nhận. Ý nghĩa thứ nhất là cuộc đấu tranh nội tâm tinh thần và ý nghĩa thứ hai là cuộc đấu tranh vật chất. Jihad xuất hiện 41 lần trong Kinh Koran. Một người tham gia vào cuộc thánh chiến (jihad) được gọi là một mujahid.

Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX, các nhà tư tưởng phục hưng của các tổ chức chính trị - tôn giáo phi chính phủ ở các nước Islam giáo quan tâm nhiều tới việc thiết lập “chính phủ Islam giáo”. “chính quyền Islam giáo”. Vấn đề này được đề cập tới trong tác phẩm “Nghĩa vụ chưa hoàn thành của một tín đồ Islam giáo” do Mohammed Abd - As - Saliam viết năm 1981. Đây là một nhân vật đã từng tham gia vào việc ám sát Tổng thống Ai Cập A. Sadat và đã bị kết án tử hình. Tác phẩm “Nghĩa vụ chưa hoàn thành của một tín đồ Islam giáo” của Mohammed Abd - As - Saliam được coi là bản tuyên ngôn của tổ chức Thánh chiến.

Trong tác phẩm “Nghĩa vụ chưa hoàn thành của một tín đồ Islam giáo” Mohammed Abd - As - Saliam đặt ra nhiệm vụ phải lật đổ tất cả các chính phủ ở các nước Arập bởi vì những người cầm đầu các chính phủ này là những kẻ đầu tiên phản bội đức tin Islam giáo. Phương pháp duy nhất để thiết lập “quyền lực Islam giáo chân chính” là đấu tranh vũ trang. Giáo thuyết bạo lực này được trích dẫn từ Kinh Koran và Sách Hadith. Chẳng hạn, Mohammed Abd - As - Saliam đã trích dẫn câu của Tiên tri Mohammed: “Ta đến đây với các người cùng thanh kiếm”. Những người lãnh đạo tổ chức Thánh chiến không đưa ra được một chương trình kinh tế - xã hội tích cực. Họ cho rằng, khi nào “quyền lực Islam giáo chân chính” được thiết lập thì lúc đó mọi vấn đề xã hội sẽ tự động được giải quyết.

Hoạt động của tổ chức Thánh chiến bị những người theo đường lối cải cách kinh tế - xã hội cực lực phê phán. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề tôn giáo của Angiêri đã tuyên bố rằng, việc các tổ chức phục hưng Islam giáo kêu gọi “trở lại với Luật Shasiah và lối sống của những tín đồ Islam giáo sơ khai … về thực chất là phủ định quy luật phát triển đúng đắn của các dân tộc và các xã hội, tách rời khỏi hiện thực”[11].

 “Giới tăng lữ” hay các nhà hoạt động tôn giáo gần gũi với bộ máy chính quyền nhà nước ở các nước Islam giáo thường giữ lập trường chờ thời. Họ không vội vàng giải thích cương lĩnh của các tổ chức Islam giáo cực đoan phi chính phủ là không phù hợp với các quy định của Islam giáo. Trong trường hợp nếu các tổ chức Islam giáo cực đoan phi chính phủ rút khỏi vũ đài chính trị thì “giới tăng lữ” này sẽ hoạt động trong khuôn khổ của “tổ hợp tôn giáo quốc doanh”. Trong trường hợp ngược lại, nếu các tổ chức Islam giáo cực đoan phi chính phủ thắng thế thì trước mắt “giới tăng lữ” này lại mở ra một viễn cảnh mới. Lúc đó họ lại bênh vực cho các tổ chức này và cho rằng, Islam giáo là một tôn giáo mang tính “ôn hòa”, “điều độ” và “trung dung vàng”.

Từ một số điều trình bày khái lược trên đây, có thể thấy rằng, Islam giáo không phải chỉ là một tôn giáo thuần khiết. Nó gắn kết rất chặt chẽ với các vấn đề chính trị - xã hội. Chính vì lẽ đó, thế giới Islam giáo là một thế giới vô cùng đa dạng và phức tạp. Nó gắn kết với nhau trên nền tảng của Kinh Koran. Song dựa trên những cách lý giải khác nhau về những điều đã được ghi trong cuốn kinh này, Islam giáo phân liệt thành hàng chục giáo phái, hàng trăm tổ chức, đảng phái chính trị - tôn giáo. Đây là một vấn đề lớn và rất phức tạp đang cần được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên về Islam giáo./. 

TS. Nguyễn Văn Dũng

 

 


[1]  Saiyd Kutb. Những dấu mốc trên đường đi. Bản tiếng Arập tr. 67. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.215

[2]  Trích theo: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.215 (tiếng Nga)

[3]  Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. Bản tiếng Arập tr. 97-98. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.216

[4]  Shahadah là lời tuyên xưng đức tin của tín đồ Islam giáo: “Không có vị thần nào khác ngoài Đức Allah và Mohammed là nhà tiên tri của Đức Allah”. Đây là cột trụ đầu tiên trong Năm Cột trụ của Islam giáo.

[5] Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. Bản tiếng Arập tr.20, 38. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.216

[6]  Saiyd Kutb. Sđd. Bản tiếng Arập tr.100. Trích theo bản tiếng Nga: Sđd, tr.216

[7]  Saiyd Kutb. Sđd. Bản tiếng Arập tr.20. Trích theo bản tiếng Nga: Sđd, tr.216

[8]  Saiyd Kutb. Dưới sự bảo vệ của Kinh Koran. Phần 1. Bản tiếng Arập tr.8. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.216

[9]  Saiyd Kutb. Công bằng xã hội trong Islam giáo. Bản tiếng Arập tr.24. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.216

[10]  Saiyd Kutb. Những dấu mốc trên đường đi. Bản tiếng Arập tr. 67-68. Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.215

[11]  Ash - Shaab, Angiê, 12-04-1982 . Trích theo bản tiếng Nga: Triết học và tôn giáo ở Phương Đông thế kỷ XX. M., 1985, tr.217