Thế tục hoá tôn giáo ở Đông Nam Á
Ngày đăng: 18/05/2020Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ lịch sử khu vực và thế giới, là "ngã tư đường", cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với khu vực Tây Á và Địa Trung Hải, nên không phải ngẫu nhiên mà mối liên hệ của khu vực này với thế giới đã được xác lập ngay từ thời cổ đại. Song song với những nấc thang của lịch sử, cư dân nơi đây còn trải qua quá trình tiếp biến, tiếp thu và chọn lọc các nền văn minh từ bên ngoài, từ đó xây dựng một nền văn hoá riêng và đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của nhân loại những giá trị tinh thần độc đáo.
Trên nền tảng lịch sử - văn hóa đó, bức tranh về tôn giáo tại khu vực này cũng rất đa dạng, nhiều vẻ, bởi trong quá trình phát triển, ở đây đã hội tụ đầy đủ các hệ ý thức tư tưởng từ cả phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Arập) và phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp); trong đó, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Công giáo là bốn tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc nhất tại khu vực, có tôn giáo còn được coi là quốc đạo và thực sự giữ vai trò là ý thức hệ tư tưởng, điều hành đất nước. Song, mặc dù có khả năng chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực, nhưng sự chi phối của các tôn giáo này ở Đông Nam Á vẫn mềm mại và ít căng thẳng hơn. Điều đó lại một lần nữa lý giải sức cải biến, sự linh hoạt tác động ngược trở lại, để hoà nhập văn minh bên ngoài của nền văn hoá bản địa Đông Nam Á.
Ở các nước Đông Nam Á, tôn giáo được ngoại nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc, Arập, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp qua trường kỳ lịch sử, từ trước C.N đến cuối thế kỷ XIX thì hoàn thành sứ mệnh. Khi đã trải qua các giai đoạn truyền giáo, mỗi loại hình tôn giáo ở từng địa phương cụ thể lại thế tục hóa, bản địa hóa để tạo ra diện mạo mới cho phù hợp với đời sống văn hóa ở quê hương mới. Đó là một quy luật phù hợp với thực tiễn, cho dù bất cứ một tín đồ hay một thế lực hiện đại nào muốn cải giáo hoặc xoá bỏ, đều vấp phải trở ngại khó vượt qua. Xác lập lịch sử truyền giáo của Ấn Độ giáo, Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo vào các nước Đông Nam Á, là một dẫn liệu cụ thể vai trò của thế tục hóa tôn giáo trong đời sống văn hóa.
Ấn Độ giáo truyền vào các nước Đông Nam Á, khi đã hoàn chỉnh là một tôn giáo mới; là nó đã tiếp thu gần như trọn vẹn và nâng cao hệ thống kinh sách của đạo Brahma. Khi một bộ phận cư dân ở các nước Đông Nam Á đã lấy Ấn Độ giáo làm quốc giáo thì coi như quá trình truyền giáo đã hoàn thành.
Kế cận và có nơi diễn ra đồng thời là quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo và khu vực. Diện mạo chung của Phật giáo Đông Nam Á từ thế kỷ I đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, là một tông phái Tiểu thừa Theravada ở tất cả các nước lục địa và hải đảo. Tông phái Tiểu thừa ở miền bắc Việt Nam từ sau thế kỷ XI trở đi, có sự thay đổi cơ bản với sự ra đời của Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông. Đặc biệt, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử biểu hiện xu hướng nhập thế quyết liệt hơn Tiểu thừa nguyên gốc. Sau gần 200 năm suy thoái, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục phát triển đến hết thế kỷ XVIII như các nước Đông Nam Á khác.
Ở Campuchia, Phật giáo Tiểu thừa truyền vào từ thế kỷ VI. Đến thế kỷ thứ XIII lại chuyển hóa theo Therevada. Ở Indonesia một tông phái Tiểu thừa đã dung hợp với phái Mật tông từ thế kỷ thứ XI.
Hồi giáo đến với Đông Nam Á hải đảo từ thế kỷ thứ XII, nhưng chỉ có vị trí trong đời sống văn hóa xã hội từ thế kỷ XIII; sớm tạo được miền đất mới ở Malay - Indonesia. Cuối thế kỷ XIV, Hồi giáo đã lan truyền ở miền bắc Philippin tại đảo Mindanao và Sulu. Đến miền trung Việt Nam, Hồi giáo cũng được truyền vào người Chăm, nhưng quá trình phát triển tỏ ra yếu hơn, vì gặp phải Ấn Độ giáo đã trở thành quốc giáo.
Đầu thế kỷ XIV, Công giáo được truyền vào Philippin với sức mạnh tiềm ẩn, bởi các linh mục Tây Ban Nha đang đứng trước một vận hội mới; cuộc cải cách tôn giáo ở chính quốc. Hơn nữa đúng lúc đó giáo phận Goa đã mở rộng truyền giáo ở Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á, nên các nước hải đảo Đông Nam Á nằm giữa đường biển của ba điểm truyền giáo, là nơi đón nhận trước. Hơn hai mươi năm sau, Công giáo từ Philippin, Macao mới truyền đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Khi các nước phương Tây mở rộng thuộc địa, thì khá nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Anh… tiếp tục sự nghiệp truyền đạo.
Trải 400 năm sau thì Công giáo Đông Nam Á kết thúc quá trình truyền giáo.
Có mặt ở các nước Đông Nam Á từ thời tiền sử, các tộc người bản địa đều đã tạo lập cho mình một nền văn minh nông nghiệp và ngư nghiệp khá đa dạng và phong phú. Một bộ phận lớn cư dân ở các nước lục địa đã trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, họ vẫn bảo vệ và duy trì được những nét cơ bản trong văn hóa truyền thống. Ở các nước hải đảo nhiều tiểu vương quốc cũng là phiên trấn cống nạp của Trung Quốc nhưng cũng không tự đánh mất mình. Vả lại, trước thế kỷ XVIII các tộc người ở Đông Nam Á còn tự lập theo các tiểu vương quốc ở địa bàn cư trú hoặc theo từng ngữ hệ; nên rất nhiều tín ngưỡng dân gian và đa thần đã ổn định trong đời sống văn hóa. Tục thờ cúng tổ tiên khiến cho các tộc người Đông Nam Á có sức mạnh tinh thần đả trở thành vũ khí sắc bén trong các cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm để giành độc lập dân tộc.
Ấn Độ giáo và Phật giáo hoà nhập với đời sống Đông Nam Á trong bối cảnh đó, dễ dàng được mở rộng đối tượng tin theo và sớm khẳng định được vị trí quốc giáo trong toàn khu vực. Chính vì thế hai loại hình tôn giáo của Ấn Độ đã đi vào đời sống văn hóa Đông Nam Á rất thuận lợi, tạo đà phát triển nhanh, rộng mà không có xung đột.
Tuy nhiên, tình hình phát triển của Ấn Độ giáo và Phật giáo trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á cũng có những khác biệt cụ thể, ở từng vương quốc. Các tiểu vương quốc ở phía tây và tây nam Đông Nam Á lục địa, cùng với một số nước hải đảo, hấp thụ Ấn Độ giáo từ trước C.N đến khoảng thế kỷ XIV thì suy yếu. Vị trí quốc giáo của Ấn Độ giáo bị lịch sử dân tộc tiêu vong nhưng tàn tích của chế độ thần vua, những kỳ tích huy hoàng của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, những áng văn chương thơ mộng với các vị thần trời - đất, nước - lửa, vẫn còn mãi mãi trong tâm trí mọi người. Đó là tài sản vô giá trong vốn cổ văn hóa Đông Nam Á.
Từ khi Đông Nam Á tiếp xúc với văn hóa phương Tây đến nay, một số đền đài Ấn Độ giáo vẫn tồn tại với một số ít tu sĩ, thần dân được mọi tầng lớp xã hội đùm bọc bảo toàn.
Phật giáo trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á, giữ vai trò chủ yếu trên lĩnh vực tư tưởng chính trị thời xưa. Ở phía bắc và đông bắc khu vực, Đông Nam Á trực diện tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa. Tư tưởng Nho giáo với kinh điển, lễ nghĩa được trước tác bằng chữ Hán từ trước C.N, nhiều thời đã là áp chế bằng vũ lực và giáo dục với mục đích Hán hóa; nhưng rồi đâu lại vào đấy, Phật giáo Đông Nam Á chỉ mượn hình thức văn tự Hán, để tiếp tục phổ biến kinh sách của Phật giáo chứ không trộn lẫn. Một bộ phận nhà nước phong kiến, lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo, như Đại Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, cũng chẳng ai đả đảo Phật giáo mà chỉ phê phán hiện tượng cực đoan của con người, nằm trong đội ngũ tăng sư mà thôi. Khuyết điểm này như việc vua cấp quá nhiều ruộng đất cho nhà chùa, biến tăng sư thành tiểu chủ ở thế kỷ XII - XIV tại Việt Nam chẳng hạn. Mặt khác nội dung “bình đẳng, bác ái”, “vô ngã, vị tha” của Phật giáo đã lập tức trở thành tư tưởng bình dân ở Đông Nam Á , khiến cho xã hội phát triển thanh bình nhưng chậm tiến về khoa học kỹ thuật. Sự quy tàng của Phật giáo là đào tạo con người Đông Nam Á có đức tính kiên trì nhẫn nại, quan hệ thân tình và vun đắp trí tuệ minh mẫn.
Hồi giáo và Công giáo trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á có những bước ngoặt, ở cả hai vị trí truyền giáo và thụ giáo. Tuy có xung đột với Ấn Độ giáo ở một số điểm ban đầu, nhưng phần lớn các cộng đồng cư dân Đông Nam Á hải đảo cũng đã cải giáo tin theo. Hồi giáo giữ địa vị quốc đạo ở Malysia, Brunei cho đến nay. Song Hồi giáo đến các nước Đông Nam Á lục địa, lại không có môi trường truyền giáo sâu rộng, không chiếm đoạt được vị trí thống soái ở các triều đại phong kiến đã Ấn Độ hóa. Từ thế kỷ X trở đi, hầu như các tiểu quốc của Đông Nam Á đều đang gắng vươn lên tự khẳng định mình bằng truyền thống văn hóa bản địa và bằng sự chắt lọc tinh hoa của hai nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa.
Sau phát kiến địa lý của Magellan, các giáo sĩ Công giáo nhiều khi đồng nhất là các nhà thám hiểm phương Tây đã mang đến cho Đông Nam Á một tôn giáo mới.
Quá trình Công giáo hội nhập lịch sử văn hóa Philippin, diễn ra suôn sẻ gần như không có xung đột lớn vì nhà nước và giáo hội là một ở tư tưởng chính trị; khi đó Philippin là thuộc địa của Tây Ban Nha. Cuộc đụng độ của người Hồi giáo ở Philippin với chính quyền cai trị Bồ Đào Nha vào thế kỷ thứ XVI là mâu thuẫn dân tộc nhiều hơn là tôn giáo.
Đường biển Việt Nam đã nâng bước chân các tu sĩ Công giáo vào đúng lúc nội bộ nhà nước phong kiến tập quyền, đang bị phân lập cả thế và lực đều suy yếu. Khi được chúa Trịnh Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Đàng Trong ưu ái, thì cáclinh mục, cha đạo cũng bị các nhà Nho, các sư sãi đấu tố, xua đuổi. Vua Lê Trang Tông thì ú ớ về chính trị, chúa Nguyễn lại cầu cứu cha đạo mối lái cho Pháp xâm lược; nên Công giáo Việt Nam phải trải nhiều bước điêu linh ở thời Nguyễn.
Khi đã hoàn thành sứ mệnh truyền giáo, Công giáo trong lịch sử văn hóa Việt Nam đã tự giác hoà hợp dân tộc, đặt mình trong mối quan hệ xã hội, có lúc không hẳn chặt chẽ theo giáo luật.
Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á là một đề tài nghiên cứu rộng lớn, không dễ gì có thể giải quyết toàn diện, thấu đáo ngay. Ở đây, chúng tôi đặt ra và lý giải mối quan hệ biện chứng giữa hiện tượng truyền giáo và bản chất thế tục hóa trong môi trường văn hóa của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á ở một số lĩnh vực tiêu biểu. Biểu hiện cụ thể của mỗi loại tôn giáo xét trên bốn lĩnh vực: ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, lễ hội của Đông Nam Á ,nhằm góp phần làm sáng tỏ những biến đổi của văn hóa bản địa, có sự điều chỉnh của nhà nước phong kiến và tầng lớp trí thức.
Tư tưởng tôn giáo của Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo có tác dụng tích cực đến việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; động viên được số đông quần chúng lao động tham gia vào các họat động xã hội. Cần nhận thức rõ những hiện tượng cực đoan, quá khích còn tồn tại của tôn giáo Đông Nam Á , đồng thời thực tiễn đã minh chứng quá trình thấ tục hóa tôn giáo vẫn thể hiện thường xuyên trong đời sống văn hóa, là luận chứng khoa học trong công cuộc đổi mới, xây dựng kinh tế và xây dựng nền văn hóa mới “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ở các nước trong cả khu vực, là một nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài.
Theo vanhien.vn