TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:Nhiều người đi chùa nhưng không hiểu giá trị cốt lõi của Phật giáo
Ngày đăng: 20/02/2019
Ngày naynhiều người sau khi đi chùa về nhà vẫn “rau hai luống, gà lợn hai chuồng”, phần chăm chút sạch dành để mình ăn, phần dùng tăng trọng, hóa chất bẩn thì bán cho người dùng. Người ta quên giá trị đạo đức, quên nhân quả, quên giá trị cốt lõi của Phật giáo, TS Bùi Hữu Dược chia sẻ.

Tâm lành, tính thiện chính là có Phật

- Đầu năm mới cũng là dịp của các lễ hội mùa xuân, đặc biệt là việc đi chùa, lễ Phật đã trở thành một nét văn hóa của người dân. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Đi chùa hướng Phật là nét văn hóa, mang giá trị xã hội tích cực. Tuy nhiên, nhiều người đi chùa nhưng chưa hiểu được tinh thần, giá trị cốt lõi của Phật giáo. Đó là giá trị đạo đức, giá trị nhân quả. Ví dụ đi chùa về nhưng vẫn “rau hai luống, gà lợn hai chuồng”, phần sạch mình ăn, phần bẩn mình bán. Mà không hiểu, người khác nếu như mình thì họ cũng sẽ bán những sản phẩm bẩn khác cho mình. Vậy thì sao mọi người không làm sạch để cùng được hưởng cái sạch cho mình, cho con cháu của mình? Vậy nên nói rằng, đi chùa mà không hiểu giá trị nhân quả là chỗ đó. Chứ chưa nói tới việc hiểu các triết lý sâu xa của Phật giáo.

-Làm như vậy, thì việc đi chùa sẽ thành vô nghĩa?

Vẫn có nghĩa, nhưng ý nghĩa ít hơn chỉ còn là đi du xuân, giao lưu, vãn cảnh…

-Xưa ông bà đã nói “Phật tại tâm”. Có phải nếu có tâm, hiểu được giá trị Phật giáo thì không cần lên chùa cũng vẫn như đã đến chùa, thưa ông?

Từ xưa cha ông ta đã có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Thờ cha, kính mẹ là thể hiện tâm hiếu hạnh của người con, cái đức lớn nhất của việc làm người là hiếu với cha mẹ, kính người trên, yêu người dưới.

Theo vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền Trúc Lâm, có công đưa Phật giáo trở thành “Phật giáo dân tộc Việt”, dễ học, dễ tu, dễ đi vào lòng dân thì tu Phật quan trọng nhất là tu tâm, hướng Phật. Khi tâm lành, tính thiện, nói lời hay, làm việc tốt là đã có Phật trong tâm.

Và cao nhất của tu Phật theo vua Trần Nhân Tông là tu những giá trị đạo đức trên tinh thần nhân quả, ở hiền gặp lành, làm ác chịu họa. Cho nên vua Trần Nhân Tông mới nói với quan, dân là tu Phật không gì khác là tu tâm tu đức, gốc của xã hội là đạo đức, đạo đức phải được thực hiện trong tất cả mọi người, mọi nơi, gương của đạo đức là từ trên cao nhất, từ tầng lớp vua, quan. Ngài đã nói:

“đạo đức ngự cung điện,

nhân quả sống trong dân,

binh đao không cần tới,

an lạc khắp xa gần”.

Chùa là nơi thờ Phật, là trường học bỏ xấu theo tốt, đi chùa được là tốt, đến chùa là đến môi trường học Phật., môi trường tốt. Có điều, đến chùa phải thực sự chú tâm học điều hay, làm việc thiện, sửa tâm tính trong lành, chứ không phải đến chùa để làm phép.

Càng cầu nhiều càng thể hiện lòng tham nhiều

- Vậy việc đi chùa cầu Phật, xin Phật có đi ngược lại tinh thần nhân quả không, thưa ông?

Đức Phật xưa đã dạy, cầu không bao giờ được, “cầu mà được thì người ta đã cầu đá dưới đáy giếng nổi lên trên mặt nước, cầu mà được thì người ta đã cầu trấu trên mặt nước chìm xuống đáy“. Đức Phật khuyên con người là không nên cầu, càng cầu nhiều thì càng thể hiện lòng tham nhiều trước Phật. Càng thể hiện tính vô minh.

- Vậy đi chùa cầu như thế nào là đúng, thưa ông?

Cầu chỉ thể hiện sự mong muốn và quyết tâm. Ví dụ cầu cho quốc thái dân an thì trong đó có mình rồi. Cầu cho ông bà cha mẹ khỏe mạnh, cha mẹ và cả nhà vui thì mình vui. Chứ cầu cho những người xung quanh nghèo, kém chỉ mỗi mình là giàu có thì không được. Họ kém hết thì họ cũng kéo mình xuống theo. Xung quanh bẩn thì làm sao mình sạch được.

Thời Trần, ngài Tuệ Trung thượng sĩ (anh trai Trần Quốc Tuấn, thầy của Trần Nhân Tông) có nói câu rất hay: “Người sống trong xã hội mà không biết xây dựng xã hội tốt đẹp chỉ lo vơ vào cho mình, mong mình mình tốt còn xã hội đói rách mặc người thì mình tốt mà xã hội xấu, như vậy có khác gì con giòi, con bọ sống trong đẫy rác”. Xã hội ngày nay không hiếm người do vô minh nên không hiểu tương quan chung của xã hội, không hiểu đơn giản “không khí ô nhiễm, cả xã hội như rác bẩn thì mình đâu có được trong lành, sạch sẽ. Mọi người bệnh tật thì mình đâu có được khoẻ mạnh, yên ổn”

- Và không phải cứ lễ vật nhiều là sẽ cầu được nhiều, thưa ông?

Ngày xưa, việc dâng cúng Phật hay Thần linh thể hiện lòng thành, lúc đó chỉ ít tiền trân trọng đặt trên đĩa dâng để nhà chùa mua nến, hương hoa dâng Phật, hoặc có gói bánh, nải chuối từ sản phẩm mình làm được dâng Phật. Nay trong đời sống theo cơ chế thị trường, sự thành tâm cũng bị tư tưởng “tốt lễ dễ cầu” chi phối đã tạo nên nhiều việc phản cảm, thiếu văn hoá thậm chí là bất kính như mang tiền đặt lên tay, lên vai Phật, đặt khắp nơi không chỉ làm phương hại đến Phật mà còn vi phạm văn hoá sử dụng tiền.

Giáo dục con người biết tin vào nhân quả

- Tôi quan sát thấy nhiều người vẫn làm việc đó. Vậy việc làm đó làm phương hại đến Phật như thế nào, thưa ông?

Phương hại đó ở nhiều góc độ, đơn cử: Thứ nhất, cho rằng Phật có tiền, cần lễ mới giúp mình. Thứ hai, là không hiểu về văn hóa Phật giáo. Văn hóa Phật giáo là tu tâm lành, tính thiện, không có lễ thì Phật cũng đã biết. Người xấu có mang cả núi tiền đến thì nhân quả cũng phạt nếu làm việc bất thiện. Làm thiện thì dù không mang đồng nào thì nhân quả cũng phù trợ cho yên lành, thành tựu. Thứ ba, là giá trị văn hóa đạo đức xã hội, đồng tiền bao giờ cũng in cảnh đẹp quốc gia, vẽ hình lãnh tụ, biểu tượng cho văn hóa, xã hội mà mang đi rải khắp nơi là thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa. Một dân tộc mà thiếu văn hóa trong ứng xử với giá trị cốt lõi của dân tộc và lãnh tụ của mình thì dân tộc đó rất đáng suy ngẫm.

- Theo như ông phân tích về nhân quả thì phải chăng việc cầu cúng sao giải hạn cũng không có ý nghĩa?

Dâng sao giải hạn không phải là tư tưởng của Phật giáo. Bởi lẽ, nếu mà cúng sao giải được hạn thì có nghĩa là giải được nhân quả. Giả dụ người xấu cứ tranh đoạt, làm việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho, thế thì xã hội này loạn, còn đâu pháp luật, luật đời, luật trời. Cái đó là phi nhân tính, phi đạo đức đặc biệt là phi nhân quả.

Dâng sao giải hạn giả sử có tác dụng thì cũng là việc đánh lừa con người trong thời khắc nhất định. Anh giống như người đi vay, không trả lúc này thì phải trả lúc khác. Mà nhân quả không phải chỉ là tư tưởng của nhà Phật, nó là “quy luật sắt” của vũ trụ. Ở hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão. Chỉ có điều không gặp lúc này thì gặp lúc khác, không gặp đời này thì gặp đời khác. Đừng nghĩ sẽ tránh được.

- Như vậy, nếu tin vào nhân quả, người ta sẽ biết hành thiện, thưa ông?

Chuyện kể, trong buổi trò chuyện với một nhà sư, Anhxtanh nói: Mọi thứ trên thế gian này là tương đối. Nhà sư nói đúng là như thế, nhưng có một thứ tuyệt đối đúng là tính nhân quả. Chỉ có điều chưa biết lúc nào nó đến, là cái tương đối, còn nhất định phải đến là tuyệt đối. Anhxtanh thừa nhận đúng thế.

Nếu giáo dục cho con người ta tin vào nhân quả người ta sẽ làm việc thiện, tốt.

-Theo ông, việc này có khó không?

Việc đó vô cùng dễ nhưng cũng rất khó. Trần Nhân Tông đã nói rồi: “Đạo đức ngự cung điện…”, nếu mọi người cùng đồng lòng đồng sức, người trên cao thấu hiểu, gương mẫu để mọi người cùng làm thì rất dễ. Nhưng trước hết, lãnh đạo phải đi đầu gương mẫu, dân đi sau. Theo tôi, xã hội nào thì lãnh đạo cũng là mũi tên. Nếu mũi tên đi lệch mà lại muốn xã hội đi trúng đích thì sao mà trúng được. Dễ mà khó là như vậy.

Điều này phải bắt đầu từ giáo dục, nhưng là giáo dục xã hội (nó rộng hơn giáo dục phổ thông gấp nhiều lần). Đó là giáo dục ở mọi mặt. Từ chủ trương chính sách, từ ứng xử của người trên đến người dưới. Giáo dục phải bắt đầu từ con người làm gương: Thân, khẩu và ý theo đúng tinh thần đạo đức.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)

“Không cần hiểu quá sâu, quá xa mà chỉ cần hiểu đơn giản: Làm người sống có đức thì được hưởng phúc. Nếu sống lợi mình lợi người thì được lợi tất cả. Còn chỉ lợi mình thì mất hết. Đi chùa trở về thành tâm với mình, với người, biết giáo dục con cháu, biết thương yêu kính trọng mọi người thì việc làm đó chính là hiểu về giá trị Phật giáo.

Thời vua Lý Công Uẩn, khi mới dời đô ra Thăng Long, ông không cho dân xây tông miếu mà sắc cho dân xây chùa. Bởi vua cho rằng: nước còn nghèo, dân còn khổ, bắt dân xây thành, xây tông miếu là hại dân, hại nước, chưa cần. Ông nói:“Lo cho dân thì dân lập đền thờ. Hại dân dân đái ngập mồ thối xương”. Và thời Lý Công Uẩn Phật giáo phát triển rực rỡ, đền chùa được xây dựng, các tín ngưỡng dân gian được chú trọng đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo để mọi người cùng nhau hướng tới những giá trị nhân quả biết việc thiện để làm tránh việc ác. Những lễ hội mùa xuân bắt nguồn từ thời Lý rất nhiều. Tiếp nối tinh thần đó, nhà Trần còn phát triển tinh thần Phật giáo ở mức cao hơn nữa. Một tư tưởng rất quan trọng trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông là hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo. Hòa quang đồng trần nghĩa là trong thế gian này mỗi người khi hiểu biết về đạo đức Phật giáo là một ngọn đèn. Người biết nhiều là ngọn đèn lớn sáng, người biết nhiều là ngọn đèn nhỏ. Ai cũng biết, ai cũng làm hòa cùng với nhau thì trở thành ánh sáng của từ bi, của trí tuệ, của đạo đức và giá trị làm người để cuộc đời đẹp hơn. Nhưng tiếc thay, tư tưởng Phật giáo thời đó đơn giản như thế mà giờ nhiều người quên đi và không hiểu.”