Phú Thọ: Đền Hùng, điểm đến tâm linh, lễ hội mẫu mực của người Việt
Ngày đăng: 04/05/2018
Sau 5 ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 từ ngày 21 đến 25/4/2018 (tức mùng 06/3 đến 10/3 âm lịch) do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức với sự tham gia của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Quảng Nam và Thái Nguyên đã thành công tốt đẹp đảm bảo chu đáo, an toàn và tiết kiệm để lại ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào, du khách thập phương.
Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, Đền Hùng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một địa phương, một tỉnh; không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà nó còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, là bản sắc văn hóa, điểm tựa tinh thần cho mỗi người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương với tình cảm thành kính; khơi dậy lòng tự hào về truyền thống dân tộc, tinh thần tự tôn dân tộc, là nguồn động lực to lớn cổ vũ tinh thần học tập, lao động sáng tạo, đóng góp công sức trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. “Trước anh linh của hồn thiêng sông núi, dòng lịch sử khởi nguồn khởi tổ ngời sáng diệu kỳ từ thời vua Hùng dựng nước, trải qua 18 chi Hùng khai cơ lập quốc mở mang bờ cõi, gìn giữ biên cương, mỗi chúng ta có dịp ngắm lại chính mình và tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc...
Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Con người có bởi từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình...
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, Đền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần hào hùng đó đã làm nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam đánh đuổi thù trong giặc ngoài, giành lại độc lập. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới, trở thành tiếng chim gọi bầy, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu sắc. Đã có nhiều kiều bào ta ở nước ngoài tìm về Đền Hùng dâng hương, xin chân nhang và đất Tổ đem theo để thờ với mong muốn được thờ đất nước, thờ tổ tiên và khi chết có một phần đất và nước thờ tổ tiên đắp điếm cho phân mộ của mình ở xứ người. Đền Hùng trong lòng mỗi con người mang dòng máu tiên rồng đã thực sự trở thành nguồn sáng để cháu con ngưỡng vọng.
Du khách nước ngoài và việt kiều dâng hương tại Đền Trung
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 đã thực sự đem lại cái nhìn mới, toàn diện hơn với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, linh thiêng theo nghi thức truyền thống; phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui tươi, lành mạnh xứng đáng là lễ hội mẫu mực của cả nước.
Trong 5 ngày diễn ra lễ hội, ước tính đã có trên 7,7 triệu lượt người về thăm quan, hành lễ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian lễ hội. Nhìn chung cảm nhận của du khách về lễ hội năm nay là “Không khí trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Các hoạt động của lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng hơn so với những năm trước đây. Không còn tình trạng chặt chém, chào mời xem bói, rút thẻ, xem tướng số, chèo kéo khách, ăn xin, khất thực, ăn mặc phản cảm … thay vào đó là không gian của những nghi thức, những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như lễ rước kiệu các xã vùng ven, hội trại văn hóa, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy và các môn thể thao quần chúng vô vùng hấp dẫn.
Đặc biệt, điểm nhấn trong lễ hội năm nay là chương trình Lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”; hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng; Hội sách Đất Tổ và triển lãm trưng bày ảnh, nghệ thuật và các hoạt động trình diễn Hát Xoan… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc.
Biểu diễn hát xoan Phú Thọ tại Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2018
Có thể khẳng định, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ tại Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018. Công tác tổ chức của tỉnh ngày càng chu đáo, chặt chẽ, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện cam kết 5 không “ Không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng chặt chém giá cả trong kinh doanh dịch vụ; không xuất hiện ăn xin; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm”. Lễ hội cũng đã quảng bá sâu đậm 02 giá trị văn hóa phi vật thể là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đến với bạn bè quốc tế.
Hình ảnh lễ rước kiệu một nghi thức trang trọng của ngày lễ giổ Hùng Vương.
Để có được thành công đó, rút kinh nghiệm từ nhưng năm trước tỉnh Phú Thọ đã sớm ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức giỗ Tổ tạo điều kiện cho các cấp, ngành có thời gian chuẩn bị, lên phương án và chủ động triển khai các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đối với từng nội dung công việc.
Lực lượng chức năng và sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ tại Đền Hùng
Trên 1.500 chiến sỹ lực lượng vũ trang và 3.000 sinh viên tình nguyện cùng với hàng nghìn cán bộ của các cơ quan, đơn vị đã được Ban tổ chức huy động để phục vụ lễ hội. Trong thời gian diễn ra lễ hội, việc tổ chức họp giao ban hàng ngày của Ban tổ chức được duy trì thường xuyên đã giúp công tác chỉ đạo, xử lý được kịp thời các nội dung, tình huống phát sinh, phản ánh của nhân dân, cơ quan báo chí, thông tin qua đường dây nóng về các hoạt động lễ hội.
Với tình cảm và trách nhiệm của người con trưởng được giao trọng trách trông coi Lăng Miếu Tổ Tiên, tỉnh Phú Thọ không ngừng phát huy thành công trong công tác tổ chức lễ hội từ những năm trước để Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng khẳng định được vị trí trong tâm tưởng của người dân Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Việt Nam.
Đạo Đức