Ông Nguyễn Đức Cảnh, tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, vì độc lập – tự do của Tổ quốc
Ngày đăng: 11/01/2018
Ông Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 02/02/1908 tại thôn Diêm Điền xã Thụy Hà (nay là Thị trấn Diêm Điền) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Ông là một trong 7 đảng viên của chi bộ đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta. Ông được phân công giữ trọng trách Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, được giao trách nhiệm triệu tập Đại hội đại biểu công nhân Bắc Kỳ ngày 28/7/1929 thành lập ra Công hội đỏ (tiền thân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay), là người đứng đầu ban chấp hành Công hội đỏ và là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động. Ngày 9/4/1931 ông Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Nghệ An đang trên đường công tác. Ngày 31/7/1932 ông bị Pháp kết án tử hình tại Hải Phòng khi vừa tròn 24 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc, về tinh thần học tập rèn luyện không mệt mỏi để nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn. Ông đã nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất trong sáng cao cả của người cộng sản trọn đời vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Hoạt động của ông luôn gắn liền với việc tuyên truyền, giáo dục, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giai cấp công nhân Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình giàu lòng yêu nước, với tinh thần nhiệt huyết cách mạng lại sớm được giác ngộ, nên khi được sang học tại trường Thành Chung Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện tiếp xúc và hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời vào những năm 1924 – 1925. Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên học sinh tốt như: Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều…. Hàng ngày Nguyễn Đức Cảnh cùng bạn bè tích cực tìm hiểu sách báo, tìm hiểu giai cấp công nhân, tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, tìm hiểu quen với một số công nhân nhà máy dệt giúp đỡ họ đấu tranh với chủ nhà máy, với cai ký. Cuối năm 1925 cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Đức Cảnh cùng một số học sinh đã tham gia bãi khóa, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh và các hoạt động văn hóa, văn nghệ lấy tiền giúp người nghèo. Sau những hoạt động này Nguyễn Đức Cảnh và một số học sinh bị đuổi học, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm, sắp chữ ở nhà máy in Mạc Đình Tư (sau là nhà in Lê Văn Tư). Tự nuôi sống mình và cũng từ đấy đánh dấu mốc quan trọng sự gắn bó với giai cấp công nhân với sự nghiệp tuyên truyền, vận động giáo dục giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng của mình.

Những năm 1925 – 1926 nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước được lên đường đi Quảng Châu – Trung Quốc để dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức. Những thanh niên này được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy sau đó được phái về nước hoạt động. Tháng 6 năm 1927, Tỉnh bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội Hà Nội được thành lập ông Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tham gia và đến tháng 9-1927 lên đường sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện, sau lớp huấn luyện ông Nguyễn Đức Cảnh về nước được phân công làm việc tại cơ quan in đặt tại cơ sở cách mạng ở phố Chợ Đuổi (nay là phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội). Thời gian này công tác tuyên truyền vận động cách mạng có vai trò quan trọng và cấp bách., đặc biệt là truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm giác ngộ quần chúng, đoàn kết tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Công việc hàng ngày của ông là soạn thảo các tài liệu tuyên truyền lý luận cách mạng đã được học ở Quảng Châu và các chỉ thị, nghị quyết của Tổng bộ, in và phát hành tài liệu đi các cơ sở.

Sau một thời gian làm việc ở cơ sở in, tháng 2 năm 1928 ông Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội cử làm Bí thư tỉnh bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội Hải Phòng. Sau đó ông được đề bạt làm Ủy viên ban chấp hành Kỳ bộ và được cử làm Bí thư khu bộ Hải Phòng (gồm Hải Phòng, Kiến An và Vùng mỏ). Tại đây ông đã đem hết sức mình vào việc tuyên truyền giáo dục đào tạo cán bộ cách mạng xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng đặc biệt là giai cấp công nhân vùng mỏ Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả nơi có đội ngũ đông đảo và tập trung công nhân trong cả nước. Việc đầu tiên ông Nguyễn Đức Cảnh tiến hành là mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng địa điểm tại phố Đồng Môn (nay là phố Mê Linh, Hải Phòng). Nội dung huấn luyện là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, phương pháp tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng, lịch sử tiến hóa nhân loại, tư bản chủ nghĩa đế quốc chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, tư cách người cách mạng, đặc biệt là cuốn sách “Chủ nghĩa cộng sản sơ giải” của Bukharin được sử dụng là tài liệu chính trong các lớp tập huấn.

Sau khi được tập huấn và huấn luyện học viên được phân công vào các xóm thợ, xưởng máy, vùng ngoại thành và vùng núi để tuyên truyền và xây dựng cơ sở  hình thành được cơ sở của tổ chức thanh niên. Ông Nguyễn Đức Cảnh đã xây dựng một cơ sở  của “Công hội đỏ” và chỉ đạo phong trào công nhân nổi dậy đòi tăng lương, giảm giờ làm, chỉ đạo trực tiếp 2000 công nhân nhà máy xi măng đình công, chủ nhà máy phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng và chỉ đạo phong trào công nhân, ông còn đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục chính trị cho mọi người nắm vững về lập trường cách mạng vô sản, triệt để lý tưởng cách mạng, phân tích và chỉ ra tính chất mơ hồ của chủ nghĩa “tam dân”, chủ trương  của Việt Nam quốc dân Đảng. Ngày 28/9/1928 Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai mạc, ông Ngô Gia Tự và ông Nguyễn Đức Cảnh đã đề xuất nhiều ý kiến quan trọng và được hội nghị ra nghị quyết trong công tác phát triển cách mạng phải lấy công nông làm gốc, phải tăng cường công tác vận động quần chúng trong công nông, phải điều cán bộ đi vô sản hóa vào làm công nhân ở các xí nghiệp hầm mỏ, những cơ sở kinh tế quan trọng, tích cực giáo dục quần chúng xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Ông Nguyễn Đức Cảnh cũng trực tiếp vào làm công nhân tại xưởng cơ khí Ca Rông, làm phu khuân vác tại cảng Hải Phòng, vừa làm vừa hoạt động nghiên cứu viết tài liệu như tài liệu “tổ chức Công hội đỏ như thế nào” viết báo cáo, truyền đơn, viết bài cho các báo.

Cơ sở cách mạng phát triển ngày càng rộng lớn, phong trào đấu tranh cách mạng được nâng cao, với tư cách là ủy viên ban chấp hành kỳ bộ Bắc kỳ và  bí thư tỉnh bộ Hải Phòng, năm 1928 ông Nguyễn Đức Cảnh đã cử nhiều cán bộ hội viên thanh niên đi “vô sản hóa” ở khu mỏ, ở các nhà máy, cơ sở quan trọng nên giai cấp công nhân đã nhanh chóng tiếp thu được chủ nghĩa Mác – Lê nin, giác ngộ được vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhiều chi bộ thanh niên lần lượt ra đời. Ông Nguyễn Văn Cừ (sau này là tổng bí thư của Đảng thời kỳ 1938 – 1940) cuối tháng 7 năm 1929 cũng được ông Nguyễn Đức Cảnh cử đi vô sản hóa ở mỏ than Vàng Danh.

Do được học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, ông Nguyễn Đức Cảnh và một số thanh niên trong tổ chức đã nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân, làm đội tiên phong của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng. Cuối năm 1928, ông Nguyễn Đức Cảnh cử ông Hoàng Quốc Việt (người được ông Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ kết nạp vào tổ chức) vào Sài Gòn gặp ông Ngô Gia Tự để thống nhất các tổ chức Đảng trong Nam và ngoài Bắc tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Đầu tháng 3 năm 1929 tại số nhà 5D phố Hàm Long Hà Nội một chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập gồm 7 ông: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du,… Ngày 17 tháng 6 năm 1929 tại ngôi nhà 312 phố Khâm Thiên Hà Nội chi bộ Hàm Long đứng ra thành lập Đông Dương cộng sản Đảng ra tuyên ngôn xuất bản báo “Búa Liềm” cơ quan tuyên truyền của Đảng, ông Ngô Gia Tự được bầu làm bí thư, ông Nguyễn Đức Cảnh được bầu là ủy viên ban chấp hành lâm thời. Trong tuyên ngôn thành lập Đảng đã nêu rõ: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa, diệt trừ chế độ phong kiến, giải phóng công nông, thực hiện bình đẳng tự do, bác ái tức là xã hội cộng sản. Sau ngày thành lập Đông Dương cộng sản Đảng, ông Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định làm bí thư đảng bộ Đông Dương cộng sản đảng Hải Phòng. Cùng với việc chỉ đạo đấu tranh cách mạng, ông Nguyễn Đức Cảnh còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền cho việc thành lập Đảng, trực tiếp phụ trách và đảm nhiệm hầu hết các bài viết trên các báo của Đảng đã góp phần quan trọng trong phong trào công nhân lúc bấy giờ. Trước những đòi hỏi của phong trào công nhân, ông Nguyễn Đức Cảnh được trung ương lâm thời giao phụ trách công tác công vận. Ngày 28-7-1929 ông Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ, Đại hội đã định ra nhiệm vụ công tác mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, bầu ban chấp hành và ông Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời, quyết định xuất bản báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan tuyên truyền của công hội. Ông  đã viết nhiều bài báo quan trọng có tác động mạnh mẽ và ý nghĩa thiết thực đối với phong trào công nhân.

Thực hiện chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội  nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập một đảng một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-2-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc. Tại hội nghị ông Nguyễn Đức Cảnh đã phát biểu một số nội dung mà ông tham gia soạn thảo nêu trong tuyên ngôn của Đông dương Cộng sản Đảng. Tháng 5 năm 1930 ông được trung ương cử giữ chức Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 4 năm 1930 ông Trần Phú được quốc tế cộng sản cử về nước hoạt động, ông Nguyễn Đức Cảnh là người tổ chức đón và bảo vệ ông Trần Phú và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhất là phong trào công nhân, những vấn đề về lý luận và thực tiễn giúp ông Trần Phú khởi thảo luận cương chính trị của Đảng năm 1930.

Tháng 10 năm 1930, ông Nguyễn Đức Cảnh được trung ương điều động vào tham gia xứ ủy Trung Kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Với cương vị thường vụ xứ ủy phụ trách công tác tuyên huấn , ông đã tích cực, say sưa làm việc bất chấp khó khăn, thách thức. Ông đã trực tiếp phụ trách và viết bài ở các báo “Người lao khổ”, “Tiến lên”, “Công nông binh”, “Tin đấu tranh Trung Kỳ”. Ông đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân để làm nòng cốt cho phong trào. Ông vừa chỉ đạo phong trào công nhân, củng cố và phát triển Công hội đỏ vừa chỉ đạo các vùng Xô Viết ở nông thôn. Ông Nguyễn Đức Cảnh đi tới đâu thì ở đó có phong trào công nhân, tổ chức quần chúng được củng cố. Phong trào đấu tranh cách mạng được duy trì, đẩy mạnh.

Ngày 9-4-1931 sau khi họp nghe ông Nguyễn Phong Sắc bí thư xứ ủy Trung kỳ truyền đạt nghị quyết của Trung ương, trên đường về cơ sở ông bị địch bắt tại phường Hưng Thủy, Thành phố Vinh. Bị địch tra tấn dã man ông chết đi sống lại nhiều lần nhưng không khai một lời. Bạo lực của thực dân Pháp không khuất phục được tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí. Ngày 31-7-1932 thực dân Pháp đã tuyên án tử hình ông.

Những ngày cuối cùng trong xà lim án chém, ông đã dồn hết tâm lực, trí tuệ để làm tất cả những gì có thể làm cho sự nghiệp cách mạng. Ông đã viết một số bài về “gia đình và chủ nghĩa cộng sản”, cuốn sách “nói chuyện với nước tàu”  nói về cuộc đấu tranh của công nhân Trung Quốc trong  công xã Quảng Châu. Với những hiểu biết sâu sắc về công nhân Việt Nam và những kinh nghiệm trong công tác công vận, đồng chí đã viết tập “Công nhân vận động” – Đây là tài liệu mang tính tổng kết làm phong phú cả lý luận và thực tiễn công tác công vận của Đảng ta, là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam về tổng kết phong trào công nhân.

Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính đi đến giác ngộ lý tưởng cộng sản và trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, của cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt chú trọng đến giai cấp công nhân, tuyên truyền, vận động, giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, lãnh đạo và tổ chức công nhân đấu tranh giành thắng lợi. Ông đã viết nhiều tài liệu về giai cấp công nhân, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân ở nhiều nơi với nhiều hình thức phong phú. Ông quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ giai cấp công nhân, nhiều cán bộ được ông đào tạo, bồi dưỡng đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng ta như ông Nguyễn Văn Cừ, ông Hoàng Quốc Việt. Ông là người có công lao lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng và khu mỏ Hồng Quảng, ông là người sáng lập ra tổ chức Công hội đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tổ chức chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam. Với tác phong giản dị, làm việc sâu sắc dân chủ, ông  luôn được quần chúng và giai cấp công nhân tin yêu.

Cuộc đời hoạt động của ông đã để lại trong lòng những người cộng sản giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về sự hy sinh trọn đời cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Những bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác  tuyên truyền, giáo dục và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giai cấp công nhân Việt Nam do ông nghiên cứu khởi xướng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ nối tiếp thực hiện và giành được những thắng lợi to lớn.

Hồng Chương