Islam giáo ở Châu Âu trong những năm gần đây qua các con số
Ngày đăng: 07/05/2018
Để phần nào hiểu được mức độ gia tăng tín đồ Islam giáo ở các nước Châu Âu trong những năm gần đây, chúng ta có thể tham khảo các số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center - PRC) của Hoa Kỳ. Trung tâm này vừa đưa ra báo cáo mới nhất về tình hình Islam giáo ở Châu Âu hiện nay và đưa ra dự báo về sự gia tăng tín đồ Islam giáo ở châu lục này. Báo cáo của PRC đưa ra các số liệu thống kê của 28 nước thuộc Liên minh Châu Âu và của 2 nước khác không thuộc Liên minh này là Thụy Sĩ và Na Uy. Đây là số liệu thống kê năm 2016. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm này, ở Châu Âu hiện nay có khoảng 25,77 triệu người Islam giáo, chiếm 4,9% dân số của châu lục.

Trước đó, vào năm 2010, số dân Islam giáo ở Châu Âu là 19,5 triệu người, chiếm 3,8% dân số châu lục. Ngược dòng thời gian, vào thời điểm năm 1992, toàn Châu Âu mới chỉ có 7 triệu người Islam giáo, tuyệt đại đa số sống ở ba nước: Pháp - 2,5 triệu, Đức - gần 1,9 triệu và Anh - hơn 1,4 triệu. Ngoài ra, còn một số người Islam giáo sồng tại các nước Châu Âu khác như: ở Hà Lan - khoảng 500 nghìn, ở Italia - hơn 300 nghìn, ở Tây Ban Nha và Bỉ -  mỗi nước gần 250 nghìn.

Hiện nay, quốc gia Châu Âu có đông người Islam giáo nhất là Síp, chiếm 25,4% dân số. Tỷ lệ người Islam giáo ở các quốc gia tiếp theo là: Bulgaria - 11,1%, Pháp - 8,8%, Thụy Điển - 8,1%, Áo - 6,9%, Anh - 6,3%. Ba nước vùng Bantic thuộc Liên minh Châu Âu có tỷ lệ người Islam giáo ít hơn là: Lithuania - 0,1%, Latvia và Estonia - mỗi nước 0,2%.

Trong giai đoạn 2010 - 2016 số dân Islam giáo ở Châu Âu tăng tự nhiên nhanh một cách đáng kể do tỷ lệ sinh cao hơn so với tỷ lệ chết. Kết quả là, trong giai đoạn này số dân Islam giáo ở châu lục đã tăng thêm 2,92 triệu người. Theo thông tin từ các nhà nghiên cứu, trung bình mỗi gia đình Islam giáo Châu Âu sinh nhiều hơn một con so với gia đình không theo Islam giáo. Nhưng số tăng cơ học vẫn cao hơn số tăng tự nhiên, chiếm tới khoảng 60%. Trong giai đoạn này có tới 3,48 triệu người Islam giáo đã nhập cư vào Châu Âu. Do vậy, số người Islam giáo ở châu lục đã tăng thêm 6,4 triệu người. Bắt đầu từ năm 2014 dòng người tị nạn từ các nước Islam giáo Trung Đông vào Châu Âu tăng nhanh và đạt kỷ lục vào năm 2015 khi có tới 1,3 triệu người nộp đơn xin tị nạn ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu cùng Thụy Sĩ và Na Uy.

Các nhà nghiên cứu của PRC đưa ra 3 kịch bản về sự thay đổi thành phần tôn giáo ở Châu Âu phụ thuộc vào mức độ di dân trong tương lai. Họ đưa ra dự báo về tỷ lệ người Islam giáo ở châu lục này cho tới năm 2050.

Kịch bản thứ nhất: Nếu mức độ di dân từ các nước Islam giáo vào Châu Âu bằng không thì tỷ lệ người Islam giáo trong thành phần dân số châu lục sẽ là 7,4%, tức vào khoảng 30 triệu người so với 4,9%, tức 25,8 triệu người ở thời điểm hiện nay.

Kịch bản thứ hai: Nếu mức độ di dân từ các nước Islam giáo vào Châu Âu diễn ra bình thường, có nghĩa là người Islam giáo đến Châu Âu vì lý do kinh tế hay vì các lý do khác nhưng không phải là tìm cách xin tị nạn thì tỷ lệ người Islam giáo trong thành phần dân số châu lục sẽ là 11,2%, tức vào khoảng 58,8 triệu người.

Kịch bản thứ ba: Nếu mức độ người tị nạn từ các nước Islam giáo vào Châu Âu tăng cao như giai đoạn những năm 2014 - 2016 cộng với số di dân vì lý do kinh tế thì tới năm 2050 sẽ có tới 14%, tức vào khoảng 75 triệu người ở các nước Châu Âu tin theo Islam giáo.

Đồng thời các nhà nghiên cứu của PRC cũng nhận thấy rằng, phần lớn những người tị nạn Islam giáo đều muốn đến nước Đức. Trong giai đoạn những năm 2010 - 2016 có khoảng 670 nghìn người tị nạn tới nước này, trong số đó có tới 86% là người Islam giáo. Nếu tình hình di cư diễn ra theo kịch bản thứ ba, tức là ở mức độ cao thì tới năm 2050 sẽ có tới 19,7% dân số nước Đức là người Islam giáo.

Nước thứ hai ở Châu Âu có số lượng di dân thường xuyên tới vì lý do kinh tế hay vì các lý do khác là nước Anh. Trong giai đoạn những năm 2010 - 2016 có 1,6 triệu người nhập cư vào Anh, trong số đó có 43% là người Islam giáo. Nếu mức độ di dân trong tương lai vẫn diễn ra như hiện nay thì tới năm 2050 sẽ có 16,7% dân số nước Anh là người Islam giáo.

Một điều tất nhiên là, các Giáo hội Kitô giáo ở Châu Âu, trong đó có Giáo hội Anh giáo, luôn tỏ thái độ phản ứng đối với sự gia tăng số lượng người Islam giáo tại các quốc gia của châu lục. Họ đang cố gắng ủng hộ các cuộc đối thoại liên tôn. Theo lời của Justin Welby, Tổng giám mục giáo phận Canterbury, Giáo hội Anh giáo thường xuyên lên tiếng bảo vệ người Islam giáo mỗi khi họ bị phân biệt đối xử. Tháng 11 năm 2017 tại Anh đã diễn ra tháng hành động chống chủ nghĩa khủng bố Islam giáo.

Để đạt được sự hòa hợp giữa các cộng đồng người trong một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo như ở nước Anh, một số giáo sĩ trong Giáo hội Anh giáo đang áp dụng những biện pháp khác thường. Chẳng hạn, ngày 3 tháng 12 năm 2017 tại nhà thờ Các Thánh (All Saints Church) ở Kingston - upon - Thames đã thực hiện một buổi lễ với tên gọi: “Milad, Advent and Christmas Celebration”. Milad (hay còn gọi là Mawlid) là ngày lễ của Islam giáo kỷ niệm ngày sinh của nhà Tiên tri Muhammad được tổ chức vào ngày 12 tháng 3 theo lịch Islam giáo. Tại buổi lễ đã cất lên những lời cầu nguyện của Islam giáo và một chiếc bánh sinh nhật đã được cắt. Công chúng Anh tỏ ra ít nhiều bối rối. Các ý kiến bình luận phê phán đã được blogger với nickname Tổng giám mục Cranmer tổng hợp lại. Vị Tổng giám mục này tuyên bố rằng, nhà thờ Các Thánh “vui mừng trong [Chúa Giêsu và Tiên tri Muhammad], tôn vinh cả hai, long trọng cả hai, ca ngợi cả hai”. Ông nói tiếp rằng, mỗi khi một nhà thờ chấp nhận Muhammad là “Tiên tri”, điều đó có nghĩa là họ đã chối bỏ sự đóng đinh, chối bỏ sự phục sinh của Đấng Kitô…vì Muhammad đã phủ nhận tất cả các nguyên lý căn bản này của đức tin Kitô giáo. Theo Tổng giám mục Cranmer, việc các nhà thờ tôn vinh Tiên tri Muhammad, về thực chất, điều này có nghĩa là họ coi Tiên tri Muhammad vĩ đại hơn Đấng Kitô.

Sau khi nhà thờ Các Thánh bị buộc tội “vinh danh” Tiên tri Muhammad, người phát ngôn của giáo phận Southwark đã nói rằng, việc tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật của người sáng lập Islam giáo không vi phạm giáo luật. Sự kiện này cho phép các Kitô hữu, người Islam giáo và những người khác gặp nhau để thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại và làm cho mối quan hệ giữa họ ngày một tốt hơn.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra ở Vương quốc Anh. Trước đó, vào đầu năm 2017, trong một buổi lễ tại nhà thờ Saint Mary thuộc Giáo hội Episcopal Scotland (Giáo hội theo thể chế giám mục Scotland) ở Glasgow người ta đã cho đọc một đoạn Kinh Qur’an của Islam giáo, trong đó phủ nhận nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và tuyên bố rằng, không phải thờ phụng Ngài. Vị cha bề trên của nhà thờ này quả quyết rằng, việc làm này nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các Kitô hữu và các tín đồ Islam giáo. Một số nhà lãnh đạo bảo thủ của Giáo hội Kitô giáo, trong đó có Michael Nazira - Ali, nguyên Giám mục của giáo phận Rochester, đã chỉ trích việc đọc Kinh Qur’an trong nhà thờ Kitô giáo.

Từ những điều được trình bày ở trên cho thấy, trong những năm gần đây tín đồ Islam giáo ở Châu Âu đang gia tăng một cách đáng kể. Tuy nhiên, các con số về tín đồ Islam giáo mà các nhà nghiên cứu đưa ra hoàn toàn chỉ mang tính tương đối, bởi vì ở nhiều nước luật pháp không cho phép thu thập số liệu thống kê chính thức về tín đồ tôn giáo. Ngoài ra, số liệu người Islam giáo nhập cư trái phép cũng không được thu thập đầy đủ.

TS. Nguyễn Văn Dũng