Học Phật để được thấy chính mình
Ngày đăng: 03/05/2018Đã đọc và nghe nhiều tấm gương ca ngợi về nghị lực của những người cao tuổi đi học, nhưng những điển hình đó dường như chỉ có ở ở nước ngoài, nơi kinh tế, cơ sở vật chất và phương tiện, điều kiện cho học tập đối với người đi học không phải quan tâm nhiều, mặt khác quan niệm về khoảng cách độ tuổi đối với việc học ở nước họ “rất thoáng”, ở đó học không chỉ là quyền của con người trên lý thuyết mà học là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người không lệ thuộc vào tuổi tác và bất kể yếu tố nào khác.
Song điều tôi biết đã thay đổi, khi vào cuối tháng 4 năm 2018, tôi được thực hiện một báo cáo chuyên đề cho hai lớp Cao học Phật giáo khóa II tại Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Trong số gần một trăm học viên, số đông là các nhà sư tuổi còn khá trẻ, thì điều làm tôi ngạc nhiên, trong lớp hôm đó có 12 cư sĩ tại gia. Trong số 12 cư sĩ tại gia theo học Cao học Phật giáo có hai học viên lớn tuổi nhất, học dự thính là học viên Võ Văn Minh, pháp danh Thiện Toàn, sinh năm 1928 (90 tuổi), hiện sống ở Ninh Thuận; học viên Huỳnh Thị Hùng, pháp danh Nguyên Băng, sinh năm 1934 (84 tuổi), hiện sống ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Mười học viên chính thức để được học Cao học Phật giáo mỗi người phải đảm bảo đủ điều kiện (học bổ sung các môn còn thiếu theo yêu cầu trước khi thi tuyển), thi đầu vào như mọi học viên khác. Số cư sĩ học chính thức gồm có: học viên Trương Thị Quý, pháp danh Hoa Đạo, sinh năm 1942 (76 tuổi), hiện sống tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh; học viên Lê Thị Ngọc Tước, sinh năm 1950 (68 tuổi), hiện sống ở phường 1, thành phố Vĩnh Long; Học viên Nguyễn Thị Thanh Thủy, pháp danh Nguyên Bích, sinh năm 1953 (65 tuổi), hiện sống ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh; học viên Võ Vinh Quý, sinh năm 1956 (62 tuổi), hiện sống ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh; học viên Phạm Thị Ngọc, pháp danh Huệ Đức, sinh năm 1956 (62 tuổi), hiện sống ở quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Năm học viên trẻ tuổi, người trẻ nhất là Võ Thị Mộng Dung sinh năm 1981; Trần Thị Hà sinh năm 1977; Huỳnh Tú Hương, sinh năm 1974; Trần Thị Yến Phượng, sinh năm 1969; Trần Thị Thu Hương, sinh năm 1966.
Các học viên cư sĩ học Cao học Phật giáo dù ở gần trường như thành phố Hồ Chí Minh hay ở xa như Ninh Thuận, Vinh Long đều rất chăm chỉ. Từ đầu khóa năm 2017 đến tháng 4 năm 2018 đã sang học kỳ thứ ba, mỗi học viên đều tham gia các buổi học và làm bài đầy đủ đúng theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Bác Võ Văn Minh năm nay đã 90 tuổi, học dự thính, từ quê ở tỉnh Ninh Thuận vào thành phố Hồ Chí Minh vượt quãng đường hơn 350 km, nhưng các kỳ học đã qua Bác không bỏ buổi học nào. Trong khi điều kiện kinh tế nhà bác Minh không phải khá giả, mỗi kỳ học, từ quê vào trường Bác phải đi xe đò, tới thành phố Bác phải ở nhờ nhà bà con, Bác không biết dùng máy tính và mặc dù đòi hỏi của chương trình đào tạo khá nghiêm ngặt và yêu cầu cao so với tuổi của Bác, nhưng Bác không nản, vẫn cố gắng để đảm bảo đúng yêu cầu của quy trình đào tạo Cao học Phật giáo.
Khi được hỏi về động lực nào để các cư sĩ lớn tuổi còn theo học Cao học Phật giáo, các bác đều có trả lời khá thống nhất đó là: ham muốn tiếp thu kiến thức Phật giáo, qua học để thử sức khỏe và khả năng rèn luyện, tiếp thu của mình trong môi trường tu học chính quy, học ở đây có chương trình và có yêu cầu nghiêm ngặt. Đối với kiến thức, các học viên đều cho rằng việc học Cao học Phật giáo rất thiết thực, học không chỉ mở rộng hiểu biết mà quan trọng là làm cho các bác vững vàng, năng động, hữu ích hơn trong cuộc sống xã hội và gia đình vì thế mà sau mỗi môn học có thêm năng lượng để sống và thôi thúc cần được nghe, được học môn học mới. Các học viên Cao học Phật giáo là cư sĩ ở trong lớp dù ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng tình đồng môn cùng học và tình đồng đạo cùng tu Phật đã tạo nên sự gắn kết khá đặc biệt. Như các bác đều nói chúng tôi học không vì bất cứ mưu cầu danh lợi thực dụng nào mà học vì sự thôi thúc của chính nội tâm “muốn tìm lại chính mình”. Trong lớp các học viên cư sĩ hiểu khá rõ về hoàn cảnh của nhau, thấy rõ sự cố gắng của mỗi người trong việc học, qua đó giúp đỡ và động viên nhau trong học tập, vượt qua khó khăn trong cuộc sống để chứng minh cho chân lý “không phải tìm Phật đâu xa, Phật ngay chính tại tâm mình”.
Phật tính vốn có sẵn trong tâm mỗi người, song sự hiển lộ ở mỗi người theo mức độ và khía cạnh khác nhau do tam độc: tham, sân, si và vô minh trong mỗi người không giống nhau. Nay nhờ có học kiến thức ở thầy, nhờ có tu tập nghiêm túc, ngay từ việc đối nhân xử thế với đồng môn trong lớp cho tới về nhà với người thân và áp dụng vào thực tiễn ngoài xã hội, mỗi ngày tam độc: tham, sân, si và vô minh giảm dần trong mình, giảm tới đâu Phật tính hiển lộ rõ tới đó.
Vì lẽ ấy,mặc dù càng học càng khó, đặc biệt đối với người lớn tuổi, nhưng nhờ cùng học, hiểu nhau nên các đồng môn thương kính nhau ngày càng nhiều hơn, giúp nhau để cùng hoàn thành khóa học thật tốt. Ra ngoài xã hội và về nhà đối nhân xử thế của người học Phật đã để lại sự tin yêu kính trọng của nhiều người, thật là “Phật ngay chính trong ta”. Nghiệm ra được chân lý đơn giản mà tối thắng đó các học viên cư sĩ Cao học Phật giáo đã cùng nhận định: với mỗi người Phật tính vốn đã có sẵn trong tâm, xã hội từ xa xưa khi chưa biết tới Phật giáo nhiều người đã biết đối xử với nhau theo đạo lý thương yêu kính trọng nhau. Khi có triết lý Phật giáo tình thương yêu kính trọng nhau trong đời sống xã hội được nâng lên cao hơn. Nhưng thực tế cho thấy Phật tính trong tâm của nhiều người dù trân quý nhưng khi chưa được hiển lộ thì giống như ngọc trong đá chưa được gọt đẽo mài giũa, giống minh châu trong tâm đang bị tham, sân, si và vô minh bao phủ. Để hiển lộ được Phật tính, con người phải học Phật để đoạn trừ vô minh, tu Phật để dứt bỏ tham, sân ,si, đó chính là quá trình gột rửa và xả bỏ. Khi không còn tham, sân, si và vô minh thì Phật tính hiển lộ ra đầy đủ và sáng rõ nhất. Thế mới hay, học Phật để xóa bỏ vô minh và tu tâm để xóa bỏ tham, sân, si là để để thấy chính mình có ích trong cuộc đời này, việc làm tốt lành đó không phụ thuộc vào tuổi và giới tính./.
TS. Bùi Hữu Dược