Đỉnh điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Tòa Thượng phụ Moskva với Tòa Thượng phụ Constantinople
Ngày đăng: 27/12/2018
Trong phiên họp toàn thể của Hội đồng Thánh giáo (Synod) Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga tại Minsk, thủ đô Belorusia diễn ra ngày 15 tháng 10 năm 2018, các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính Thống giáo Nga, bao gồm Nga, Belorusia và Ukraina, đã ra tuyên bố chấm dứt “hiệp thông Thánh thể” với Tòa Thượng phụ Constantinople. Nguyên nhân của “biến cố lịch sử” này, theo lời người phát ngôn của Tòa Thượng phụ Moskva - Tổng Giám mục Hilarion, là vì Tòa Thượng phụ Constantinople đã có hành động lấn chiếm “lãnh thổ giáo luật” của Tòa Thượng phụ Moskva.

Được biết, Tòa Thượng phụ Đại kết của Chính Thống giáo được đặt tại Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây gọi là Constantinople. Nơi đây từng là thủ đô của Đế chế Byzantin trước khi bị Đế chế Islam giáo Ottoman chinh phục vào năm 1453.

Theo Tòa Thượng phụ Moskva: Nga, Belorusia và Ukraina là các quốc gia nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Giáo hội Chính Thống giáo Nga, tức là nằm dưới quyền cai quản của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga. Điều này trái ngược hẳn với quan điểm của Tòa Thượng phụ Constantinople. Theo Thượng phụ Bactholomew của Tòa Thượng phụ Constantinople: “Chính Thống giáo Ukraina đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng phụ Kiev được dời đến Moskva vào đầu thế kỷ XIV. Việc di dời này không hề có phép về giáo luật của Giáo hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng phụ Moskva”[1].

Với quan điểm này, ngày 7 tháng 9 năm 2018, Thượng phụ Bactholomew đã khởi động tiến trình ban cấp quy chế tự trị (Tomos) cho Chính Thống giáo Ukraina. Trong Thông cáo của Chánh thư ký Hội đồng Thánh giáo của Tòa Thượng phụ Constantinople viết: “Trong khuôn khổ của việc chuẩn bị ban cấp quy chế tự trị cho Giáo hội Chính Thống giáo ở Ukraina, Thượng phụ Đại kết Bactholomew đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Daniel của giáo phận Pamphilon, Hoa Kỳ và Giám mục Grace Ilarion của giáo phận Edmonton, Canada, làm Đặc sứ Toàn quyền của ngài tại Kiev. Cả hai vị đang coi sóc các tín hữu Chính Thống giáo Ukraina tại các quốc gia tương ứng của họ dưới quyền của Thượng phụ Đại kết”[2].

Tòa Thượng phụ Constantinople đã trao nhiệm vụ cho hai vị đặc sứ toàn quyền này hiệp nhất các giáo phái Chính Thống giáo đang tồn tại ở Ukraina thành một Giáo hội Chính Thống giáo độc lập, tách hoàn toàn khỏi Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga.

 Được biết, hiện nay tại Ukraina có tới 3 giáo hội Chính Thống giáo cùng tồn tại với số tín đồ chiếm tới 67% dân số của nước này. Trước hết là giáo hội Chính Thống giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga do Tổng Giám mục Onufry lãnh đạo. Theo Tòa Thượng phụ Moskva, giáo hội này có số tín đồ đông nhất, chiếm tới hơn 50% tổng số tín đồ Chính Thống giáo ở Ukraina, có mặt tại khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraina với 12.000 giáo xứ và hơn 200 tu viện. Tiếp đó là giáo hội Chính Thống giáo Ukraina do Thượng phụ Philaret Denisenko lãnh đạo với khoảng 40% tổng số tín đồ Chính Thống giáo ở Ukraina. Cuối cùng là giáo hội Chính Thống giáo Ukraina tự trị do Thượng phụ Mstyslav lãnh đạo với số tín đồ vào khoảng 10% tổng số tín đồ Chính Thống giáo ở nước này. Đây là giáo hội Chính Thống giáo với đa số các chức sắc và tín đồ trở về từ nước ngoài sau khi Liên bang Xô Viết tan rã và Ukraina trở thành một quốc gia độc lập.

Từ trước tới nay Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga luôn coi hai giáo hội Chính Thống giáo ở Ukraina do Thượng phụ Philaret Denisenko và Thượng phụ Mstyslav lãnh đạo đều là các giáo hội ly giáo và không được thế giới Chính Thống giáo công nhận. 

 Sau vài tuần lưu lại Kiev trong một nỗ lực hiệp nhất 3 giáo hội Chính Thống giáo đang có mặt tại Ukraina, Tổng Giám mục Daniel và Giám mục Ilarion đã tới Tòa Thượng phụ Constantinople. Tổng Giám mục Daniel nói: “Sau 27 năm, tôi nghĩ các giáo hội ở Ukraina đã sẵn sàng hiệp nhất”[3].

Trong thời gian hai vị Đặc sứ Toàn quyền của Thượng phụ Bactholomew có mặt tại Kiev, Tổng thống Ukraina P. Poroshenko đã có cuộc gặp gỡ với hai vị này để bày tỏ sự hài lòng của mình về quyết định của Thượng phụ Bactholomew đối với vấn đề hiệp nhất các giáo hội Chính Thống giáo ở Ukraina. Về quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh thể” với Tòa Thượng phụ Constantinople của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga tại Minsk, ngày 15 tháng 10 năm 2018, Tổng thống P. Poroshenko nói: “Giáo hội Nga đã đặt mình vào con đường tự cô lập và xung đột với toàn thể thế giới Chính Thống giáo”[4].

Được biết, trước đó, vào tháng 4 năm 2018, Tổng thống P. Poroshenko cũng đã có cuộc gặp với Thượng phụ Bactholomew tại Istanbul để tìm kiếm sự hỗ trợ cho việc thống nhất các giáo hội Chính Thống giáo ở Ukraina và tách các giáo hội này khỏi sự phụ thuộc vào Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga. Tổng thống P. Poroshenko đã so sánh việc Ukraina có được một Giáo hội Chính Thống giáo độc lập tách khỏi sự phụ thuộc vào Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga với nguyện vọng của giới cầm quyền nước này được gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo hội Chính Thống giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraina”[5].  

Theo Thông tấn xã Interfax, ngay sau khi Thông cáo của Chánh thư ký Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Constantinople được công bố, Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đã ra tuyên bố lên án quyết định của Thượng phụ Bactholomew về việc bổ nhiệm hai giám mục Chính Thống giáo ở Hoa Kỳ và Canada làm Đặc sứ Toàn quyền ở Ukraina.

Tối ngày 7 tháng 9 năm 2018 người đứng đầu Ủy ban Xã hội và Truyền thông của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva, linh mục V. Legoyda đã tuyên bố: “Việc Thượng phụ Constantinople bổ nhiệm các đại diện tại Ukraina mà không có sự đồng ý của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga cũng như của Tổng Giám mục Kiev và toàn Ukraina, không gì khác hơn một cuộc xâm lược chưa từng có vào lãnh thổ giáo luật của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga … Những hành động này không thể không có sự đáp trả”[6].

Trước đó, ngày 31 tháng 8 năm 2018, trong một nỗ lực nhằm ngăn cản việc ban cấp quy chế tự trị cho các giáo phái Chính Thống giáo ở Ukraina, Thượng phụ Kirill của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Thượng phụ Bactholomew và các thượng phụ Chính Thống giáo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực của Thượng phụ Kirill đã không mang lại kết quả như mong muốn.  

Vào đầu tháng 10 năm 2018 Thượng phụ Bactholomew cho biết ngài sẽ công nhận Thượng phụ Philaret Denisenko. Sự kiện này đã làm cho mâu thuẫn giữa Tòa Thượng phụ Moskva với Tòa Thượng phụ Constantinople căng thẳng tới đỉnh điểm. Theo Tổng Giám mục Hilarion, người phát ngôn của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga, việc các giám mục của Giáo hội Chính Thống giáo Nga quyết định tuyệt thông với Tòa Thượng phụ Constantinople là “điều chẳng đặng đừng”, nhưng đó là hệ quả từ “những hành động gần đây của Tòa Thượng phụ Constantinople”[7].

Quyết định ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva tại thủ đô Minsk của Belorusia dẫn tới việc từ nay các chức sắc của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga sẽ không cử hành phụng vụ chung với các vị đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople, bao gồm cả các thánh lễ tại các nhà thờ thuộc những tu viện Núi Athos, nơi các tu sĩ của cả hai giáo hội này thường chung sống với nhau trong cùng một cộng đoàn.

Trong tuyên bố của mình, Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga nhấn mạnh rằng, các giáo hội Chính Thống giáo tại Nga và Ukraina từ lâu đã “tạo thành một thể thống nhất trong nhiều thế kỷ”. Vì vậy, hành động của Thượng phụ Bactholomew là một sự “vi phạm giáo luật của Giáo hội và là một sự can thiệp của một giáo hội địa phương vào lãnh thổ của một giáo hội khác”[8].

Tuyên bố của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva bác bỏ sự khẳng định quyền bính của Thượng phụ Bactholomew trên các giáo hội Chính Thống giáo khác. Tuyên bố cũng cáo buộc rằng, Thượng phụ thành Constantinople thường xuyên can thiệp vào các cộng đồng Chính Thống giáo ở Đông Âu, gây tổn hại cho Tòa Thượng phụ Moskva và cư xử như một vị “Giáo hoàng của Chính Thống giáo”[9].

 Bản Tuyên bố viết: “Tòa Thượng phụ Moskva bị buộc phải bãi bỏ những lời cầu nguyện cho Thượng phụ thành Constantinople và lấy làm tiếc sẽ phải đình chỉ tất cả các cử hành phụng vụ với hàng giáo phẩm của Tòa Thượng phụ Constantinople”[10]. Cũng theo tuyên bố này, Giáo hội Chính Thống giáo Nga sẽ rút khỏi các ủy ban thần học và các cơ quan liên giáo hội Chính Thống giáo khác do Thượng phụ Bactholomew lãnh đạo.

Theo lời Tổng Giám mục Hilarion, người phát ngôn của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga,: “Giáo hội [Chính Thống giáo Nga] ý thức về tình trạng ly giáo và cũng đã phục hồi quan hệ với họ [Tòa Thượng phụ Constantinople], nhưng chính họ đã tự loại trừ ra khỏi phạm vi giáo luật của Giáo hội Chính Thống giáo”[11].

Liên quan tới việc Chính Thống giáo Ukraina đòi tự trị và việc Thượng phụ Bactholomew dự định công nhận Thượng phụ Philaret Denisenko của Chính Thống giáo Ukraina, Tổng thống V. Putin của Liên bang Nga đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia tại Moskva đế đánh giá việc Chính Thống giáo Ukraina tuyên bố tự trị. Theo lời người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông D. Peskov: “Chúng tôi thảo luận về tình trạng của Giáo hội Chính Thống giáo Nga ở Ukraina, còn những giáo hội khác thì chúng tôi không quan tâm”[12].

Ông D. Peskov giải thích thêm rằng: “Rõ ràng chính quyền dân sự ở Nga không thể can dự vào cuộc đối thoại giữa hai giáo hội, họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm như vậy. Nhưng vì Chính Thống giáo là một trong những tôn giáo được công nhận ở Liên bang Nga, cho nên mọi chuyện xảy ra trong giới Chính Thống giáo đều được Nhà nước đặc biệt quan tâm”[13]. Người phát ngôn của Tổng thống Nga cũng khẳng định rằng, Nhà nước Nga quyết tâm bảo vệ quyền lợi công dân của mình trong mọi hoàn cảnh và ở mọi quốc gia, ngay cả trường hợp phải tịch thu tài sản của Giáo hội Chính Thống giáo ở Ukraina.

Tiếp đó, ngày 23 tháng 10 năm 2018, trong một tuyên bố với Thông tấn xã Interfax, Tổng Giám mục I. Yakimchuk, thư ký phụ trách các quan hệ với các giáo hội Chính Thống giáo thuộc Ban đối ngoại giáo hội của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đã nói một cách rõ ràng rằng; “Giáo hội Nga, cũng như bất kỳ một giáo hội Chính Thống giáo địa phương nào khác, không có nghĩa vụ phải tuân thủ các quyết định của Tòa Thượng phụ Constantinople, bởi vì các giáo luật của các Công đồng Đại kết mà Thượng phụ Bactholomew nói tới không trao cho ngài bất kỳ quyền lực nào ở ngoài Tòa Thượng phụ của ngài”[14].

Tổng Giám mục I. Yakimchuk đã bình luận những lời nói của Thượng phụ Bactholomew khi vị Thượng phụ này cho rằng, các đặc quyền của ngài dựa vào các giáo luật của các Công đồng Đại kết nên mọi tín đồ của Chính Thống giáo đều buộc phải tôn trọng, điều này có nghĩa là Giáo hội Chính Thống giáo Nga “sớm hay muộn cũng phải tuân thủ các quyết định” của Tòa Thượng phụ Constantinople về Ukraina.

Tổng Giám mục I. Yakimchuk cũng lưu ý rằng, những giáo luật mà Thượng phụ Bactholomew nhắc tới dành cho Giám mục Constantinople chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau Giám mục Rôma trong danh sách các giáo hội tồn tại vào thời đó. Vị đại diện Giáo hội Chính Thống giáo Nga nhấn mạnh: “Hiện nay, đã từ lâu không còn tồn tại Đế chế Byzantine và Istanbul không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là các cơ sở giáo luật mang tính biểu tượng đứng đầu của Tòa Thượng phụ Constantinople trong thế giới Chính Thống giáo cũng đã biến mất”[15].

Được biết, ngày 11 tháng 10 năm 2018, Hội đồng Thánh giáo tại Istanbul đã hủy bỏ hiệu lực pháp lý của sắc lệnh năm 1686 của Tòa Thượng phụ Constantinople về việc chuyển giao Tòa Giám mục Kiev cho Tòa Thượng phụ Moskva. Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Constantinople cũng tuyên bố thành lập cơ quan đại diện của mình tại Kiev và phục quyền cho các chức sắc của Giáo hội Chính Thống giáo tự xưng ở Ukraina. Để đáp trả hành động này, Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga tuyên bố cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với Tòa Thượng phụ Constantinople.

Không thể phủ nhận một thực tế là, quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh thể” với Tòa Thượng phụ Constantinople của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đã làm cho thế giới Chính Thống giáo chia rẽ thành hai bộ phận. Về vấn đề này, Trưởng ban đối ngoại giáo hội của Tòa Thượng phụ Moskva, Tổng Giám mục Hilarion (Alfeyev) đã nói trên Kênh TV 1: “Hiện nay chúng ta đang đứng trước một thực tại mới của Giáo hội: Chúng ta không còn một trung tâm điều phối thống nhất trong Giáo hội Chính Thống giáo và chúng ta cần phải nhận thức rất rõ ràng về điều này. Tòa Thượng phụ Constantinople với tư cách là một trung tâm như thế đã tự giải thể. Thượng phụ Bactholomew thường được gọi là “lãnh tụ tinh thần của 300 triệu tín hữu Chính Thống giáo trên hành tinh”, nhưng giờ đây tối thiểu cũng phải có tới một nửa trong số 300 triệu người đó nói: ngài không còn là lãnh tụ tinh thần đối với Giáo hội Chính Thống giáo Nga và đối với cả các giáo hội Chính Thống giáo địa phương, những giáo hội, mà theo tôi nghĩ, không ủng hộ hành động ăn cướp của ngài”[16].

 Đến thời điểm này, Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đã nhận được sự ủng hộ của Giáo hội Chính Thống giáo Serbia. Thượng phụ Iriney của Tòa Thượng phụ Serbia đã nói với giới truyền thông Hy Lạp: “Giáo hội của chúng ta hôm nay đang chịu một sự thử thách lớn. Sự thử thách để hiểu thấu người đứng đầu của chúng ta là Thượng phụ Đại kết khi ngài thông qua một quyết định, mà quyết định đó có thể dẫn tới thảm họa cho Giáo hội. Ngài đã làm một điều mà ngài không có quyền: công nhận một giáo hội ly giáo, thậm chí còn cho giáo hội ấy quyền tự trị”[17].

Trước đó, quan điểm của Tòa Thượng phụ Moskva về vấn đề Chính Thống giáo ở Ukraina đã nhận được sự đồng tình của Thượng phụ Chính Thống giáo thành Alexandria và toàn Châu Phi. Trong chuyến tông du Moskva nhân lễ kỷ niệm 1030 năm (988 – 2018) Kitô giáo chính thức đến nước Nga Kiev (Kievskaia Rusi), trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Thông tấn RIA Novosti, Thượng phụ Chính Thống giáo thành Alexandria và toàn Châu Phi đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Thượng phụ Kirill và Tổng Giám mục Hilarion rằng, Ukraina nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga. Ngài cũng đánh giá cao sự phát triển huy hoàng của Giáo hội Chính Thống giáo Nga, một giáo hội địa phương có lịch sử lâu đời nhất và lớn nhất trong thế giới Chính Thống giáo.

Trước phản ứng quyết liệt của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga đối với quyết định ban quy chế tự trị (Tomos) cho Chính Thống giáo ở Ukraina của Tòa Thượng phụ Constantinople, Tổng Giám mục Asen Emosence của Arsennios ở nước Áo và đồng thời là Giám quản Chính Thống giáo ở Hunggari đã nói với tờ Deutsche Welle rằng, quy chế này đã bị hoãn lại. “Thượng phụ Đại kết Bactholomew sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào một thời điểm thuận lợi hơn trong tương lai”[18].

 Khi đề cập tới những căng thẳng giữa Tòa Thượng phụ Moskva với Tòa Thượng phụ Constantinople về việc ban quy chế tự trị cho Chính Thống giáo ở Ukraina, Tổng Giám mục Asen Emosence nói: “Chúng tôi không muốn tạo ra bất kỳ vấn nạn mới nào, nhưng với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng tôi sẽ tiến hành ban cấp quy chế này trong một diễn trình hòa bình”[19].

Trong khi đó, giáo hội Chính Thống giáo Ukraina do Thượng phụ Philaret Denisenko lãnh đạo và giáo hội Chính Thống giáo Ukraina do Thượng phụ Mstyslav lãnh đạo lại rất mong muốn được thế giới Chính Thống giáo thừa nhận và được Tòa Thượng phụ Constantinople ban quy chế tự trị ngay trong thời điểm trước khi cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraina sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 3 năm 2019. Nêu bật động lực chính trị của việc ban quy chế tự trị cho Chính Thống giáo Ukraina, Thượng phụ Philaret Denisenko nói: “Chúng tôi muốn điều này xảy ra trong năm nay. Tại sao trong năm nay? Bởi vì Moskva hy vọng trong năm sau, sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraina, một tổng thống thân Nga hơn có thể được bầu và sẽ không quan tâm đến việc hình thành một giáo hội tự trị thống nhất và do đó vấn đề của quy chế tự trị sẽ bị trì hoãn cho đến không biết khi nào”[20].

Bất chấp sự căng thẳng tột đỉnh trong quan hệ giữa Tòa Thượng phụ Moskva và Tòa Thượng phụ Constantinople, ngày 3 tháng 11 năm 2018, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và Thượng phụ Bactholomew đã có cuộc gặp gỡ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và ký với nhau một thỏa thuận mở đường cho việc công nhận quyền tự trị của Chính Thống giáo Ukraina. Thỏa thuận này lại một lần nữa dấy lên làn sóng giận dữ từ phía Tòa Thượng phụ Moskva.

Thế giới Chính Thống giáo đang bị chia rẽ nghiêm trọng, đặc biệt đối với các giáo hội Chính Thống giáo ở khu vực Trung Đông, nơi mà cả Tòa Thượng phụ Moskva và Tòa Thượng phụ Constantinople đều có những ảnh hưởng nhất định đối với các giáo hội địa phương trong khu vực.

  TS. Nguyễn Văn Dũng

 


[1]  The Russian Orthodox Church , The Holy Synod of  the Russian Orthodox Church has cosidered it impossible to remain in the Eucharistic communion with the Patriarchate of Constantinople

[2]  Ecumenical Patriarchate, Announcement 07 September 2018

[3]  Orthodox Chtistianity, Question of Ukrainian tomos postponed until “right time”

[4] http://www.ng.ru/ng_religii/2018-10-16/9_452_cross.html. Trên sự thống nhất của Chính Thống giáo người ta đã dựng cây Thánh giá (tiếng Nga) 

[5]  Ecumenical Patriarchate, Announcement 07 September 2018

[6]  Interfax Religion, RussianOrrthodox Church warns about response to appointment by Ecumenical Patriarch of his exarch in Ukraine

[7]  AsiaNews .16/Oct/2018

[8]  Catholic World News. Moscow Orthodox Patriarchate breaks ties with Constantinople

[9]  Catholic World News. Moscow Orthodox Patriarchate breaks ties with Constantinople

[10]  Catholic World News. Moscow Orthodox Patriarchate breaks ties with Constantinople

[11]  AsiaNews, 16/Oct/2018

[12]  AsiaNews, 16/Oct/2018

[13]  AsiaNews, 16/Oct/2018

[14]  Interfaks – religiia, 23/Oktiabri/2018.Trong Giáo hội Nga họ đã trả lời Thượng phụ Bactholomew  rằng, họ không buộc phải tuân thủ ngài (tiếng Nga)

[15] Interfaks – religiia, 23/Oktiabri/2018.Trong Giáo hội Nga họ đã trả lời Thượng phụ Bactholomew  rằng, họ không buộc phải tuân thủ ngài (tiếng Nga)

[16]  http://www.ng.ru/ng_religii/2018-10-16/9_452_cross.html. Trên sự thống nhất của Chính Thống giáo người ta đã dựng cây Thánh giá (tiếng Nga)

[17]  http://www.ng.ru/ng_religii/2018-10-16/9_452_cross.html. Trên sự thống nhất của Chính Thống giáo người ta đã dựng cây Thánh giá (tiếng Nga)

[18]  Orthodox Chtistianity, Question of Ukrainian tomos postponed until “right time”

[19]  Orthodox Chtistianity, Question of Ukrainian tomos postponed until “right time”

[20]  Orthodox Chtistianity, Question of Ukrainian tomos postponed until “right time”