Cơ sở tự viện (chùa) trong việc đăng ký pháp nhân phi thương mại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh
Ngày đăng: 06/03/2019
Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 (Luật), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Quyết định số 199/QĐ-BNV ngày 31/01/2018 của Bộ Nội vụ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thủ tục hành chính đối với việc cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc đăng ký còn có những ý kiến về nội dung hồ sơ đăng ký quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định 162/2017/NĐ-CP như: “Bản kê khai và giấy tờ chứng minh tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo trực thuộc”.

Một số ý kiến cho rằng, khó xác định cơ sở tôn giáo là tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc để kê khai theo quy định khi đăng ký pháp nhân phi thương mại. Cụ thể, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN), một tổ chức tôn giáo đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam với 63 tổ chức trực thuộc cấp tỉnh, hơn 17 ngàn cơ sở thờ tự. Một số tổ chức trực thuộc cấp tỉnh đang gửi hồ sơ đề nghị được cấp đăng ký pháp nhân, vướng mắc ở đây là việc xác định cơ sở tự viện của Phật giáo có phải là tài sản độc lập của Giáo hội PGVN cấp tỉnh theo phân cấp quản lý của Giáo hội PGVN.

Với tài sản là cơ sở tôn giáo nói chung (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường…) vấn đề đặt ra cần quan tâm trong việc đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc gồm:

- Thứ nhất, việc phân cấp quản lý tài sản là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo có được coi là quy định về tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc khi cấp đăng ký pháp nhân?

- Thứ hai, cơ sở tôn giáo với tư cách là tài sản có đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật về đăng ký pháp nhân “ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;”.

Qua tham khảo các văn bản của một số tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật có liên quan, quan điểm cá nhân thấy như sau:

- Về phân cấp quản lý tài sản là cơ sở tôn giáo, đây là việc nội bộ của tổ chức tôn giáo theo quy định của tổ chức đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi công nhận tổ chức tôn giáo. Mỗi tổ chức tôn giáo có quy định khác nhau về quản lý tài sản là cơ sở tôn giáo, nhưng cơ bản đều thống nhất trong quá trình hình thành, quản lý cơ sở ngoài quy định của tổ chức còn phải tuân thủ quy định pháp luật có liên quan.

Về cơ sở tự viện (chùa) của Giáo hội PGVN:

 Hiến chương Giáo hội PGVN khóa VIII (2017-2022) quy định:

+ Điều 57: “Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là Tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội.”

+ Điều 63: “Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp. Do các thành viên Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước. Giáo sản được giải quyết căn cứ theo quy định chung của pháp luật về tài sản.”

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN khóa VIII (2017-2022) quy định:

+ Điều 18. Phân cấp quản lý Tự viện: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Ban Trị sự tỉnh và Ban Trị sự huyện quản lý các Tự viện.”

+ Điều 26. Sở hữu Tự viện: “(1) Quyền sở hữu Tự viện được quy định trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: (-) Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; (-) Tự viện chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2) Quyền sở hữu Tự viện theo pháp luật của Nhà nước: (-) Tự viện hình thành và phát triển có sự đóng góp của nhiều người hoặc từ các nguồn công sức khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng, nên Tự viện thuộc sở hữu chung ;(-) Các cấp Giáo hội quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của Tự viện theo truyền thống, tập quán của Phật giáo Việt Nam, Tông môn, Hệ phái để phục vụ lợi ích chung của Tự viện, nhưng không được vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; (-) Tài sản của Tự viện là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia;

+ Khoản 1 Điều 29. Định đoạt tài sản Tự viện: “Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện.”

Như vậy, có thể hiểu Giáo hội PGVN đã giao tài sản là cơ sở tự viện cho tổ chức trực thuộc quản lý, sử dụng, định đoạt và trong thực tế việc hình thành, quản lý, sử dụng cơ sở tự viện thuộc phân cấp quản lý đều do tổ chức tôn giáo trực thuộc (Giáo hội PGVN cấp tỉnh) chủ động thực hiện theo Hiến chương và theo quy định pháp luật liên quan.

- Về đáp ứng điều kiện theo khoản 5 Điều 21 của Luật, đây là nội dung cần được tham khảo một số quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể:

Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016:

+ Khoản 14 Điều 2: “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.”

+ Các khoản 3, 4 Điều 56: “ (3) Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng. (4) Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Luật Dân sự 2015:

Điều 211 về Sở hữu chung của cộng đồng: “ (1) Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. (2) Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. (3) Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”

Luật Đất đai 2013:

+ Điều 159: “(1) Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.”

 + Điều 181: “(1) Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật Đất đai. (2) Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”

Từ một số quy định pháp luật nêu trên cho thấy, cơ sở tôn giáo với tư cách là tài sản của tổ chức tôn giáo nhưng trong quản lý, sử dụng có những hạn chế nhất định liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo Điều 181 Luật Đất đai 2013, đất có cơ sở tôn giáo là đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản là đất có cơ sở tôn giáo không thể sử dụng vào việc chịu trách nhiệm của pháp nhân trong các quan hệ pháp luật có liên quan. Mặt khác, cơ sở tôn giáo là các công trình gắn liền với đất, là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng tôn giáo và phục vụ cho mục đích tôn giáo, vì vậy theo tập quán không có việc sử dụng các công trình này vào các hoạt động giao dịch với tư cách là một tài sản như các loại bất động sản khác.

Như vậy, theo tôi hồ sơ đăng ký pháp nhân phi thương mại cho Giáo hội PGVN cấp tỉnh vẫn phải kê khai tài sản là cơ sở tự viện thuộc phân cấp quản lý theo quy định của Giáo hội PGVN, nhưng việc kê khai chỉ có ý nghĩa thống kê tài sản là bất động sản hiện có khi đăng ký pháp nhân, còn khi pháp nhân thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản này thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan, quy định của tổ chức tôn giáo và tập quán của cộng đồng tôn giáo.

Trên đây là ý kiến cá nhân qua tham khảo các quy định pháp luật và quy định của Giáo hội PGVN liên quan việc kê khai tài sản là cơ sở tự viện của Giáo hội PGVN trong việc đăng ký pháp nhân phi thương mại cho Giáo hội PGVN cấp tỉnh xin chia sẻ bạn đọc cùng quan tâm trong thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo./.

Nguyễn Khắc Huy

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016; (Cổng TTĐT Chính phủ)                          

2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; (Cổng TTĐT Chính phủ)

3. Quyết định 199/QĐ-BNV ngày 31/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ v/v công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ; (Cổng TTĐT Bộ Nội vụ)

4. Bộ Luật Dân sự 2015; (Cổng TTĐT Chính phủ)

5. Luật Đất đai 2013; (Cổng TTĐT Chính phủ)

6. Hiến chương Giáo hội PGVN khóa VIII (2017-2022); (GIÁC NGỘ Online)

7. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (2017-2022). (GIÁC NGỘ Online)

* Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo.