Bài toán tôn tạo khôi phục di tích lịch sử không còn nguyên vẹn
Ngày đăng: 10/01/2018
Dưới tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường, thiên tai, xã hội và các cuộc chiến tranh, phần lớn các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam không còn nguyên vẹn. Những cơ sở khoa học nào, việc kết hợp bảo tồn và phát triển tiếp nối ra sao cho thỏa đáng - đang là bài toán cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Cân nhắc đặc biệt khi can thiệp vào di tích

Giữ gìn, lưu truyền, bổ sung, cải thiện

Theo Viện Bảo tồn di tích, nước ta có 3.415 di tích đã được xếp hạng, có rất nhiều ngôi đền, ngôi chùa vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là thiết chế phục vụ các hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Hoạt động bảo tồn di tích đối với loại hình di tích này vừa phải giữ gìn, lưu truyền những yếu tố cũ, nguyên gốc cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa đã qua thời gian nhiều năm tháng, vừa phải bổ sung, cải thiện các điều kiện cần thiết để nó tiếp tục sử dụng, phát huy một cách tốt nhất trong đời sống.

Các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam, do tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường, thiên tai, xã hội và các cuộc chiến tranh nên phần lớn đến với thế hệ ngày nay không còn được nguyên vẹn. Do vậy, hầu hết những di tích này đều đặt ra những đòi hỏi về cứu chữa, tu bổ, khôi phục từng phần hoặc toàn phần cùng với sự khơi dòng để tồn tại tiếp nối.

TS-KTS Hoàng Đạo Cương - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - cho biết: Bảo tồn di tích là một hoạt động khoa học nhằm bảo vệ những dấu tích vật chất, những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của di tích trong cuộc sống đương đại và tương lai. Bên cạnh những đòi hỏi nghiêm ngặt về bảo tồn các nhân tố gốc tạo nên giá trị di tích (quy mô cấu trúc mặt bằng, đặc điểm bộ khung gỗ chịu lực, các trang trí hoa văn chạm khắc, các di vật và thành phần thờ tự, vật liệu hay cách thức xây dựng truyền thống…), ở một số di tích còn có những nhu cầu khôi phục, bổ sung các thành phần đã bị mất mát hay còn thiếu khuyết. Đây là một đòi hỏi chính đáng, nhằm mục đích tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích, đáp ứng đời sống tín ngưỡng tâm linh đương đại.

“Trên thực tế ở nước ta hiện nay, đã có những hoạt động theo chiều hướng này. Chẳng hạn, khu di tích Lam Kinh ở Thanh Hóa, sau nhiều năm bàn bạc và tính toán, đã được phục dựng lại hầu như hoàn toàn. Đền thờ các vua nhà Trần ở huyện Đông Triều đã được khôi phục, kết hợp với việc giữ lại các thành phần kiến trúc bằng đá và đất nung. Các di tích chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc ở Hải Dương đã được kiện toàn từng phần trên cơ sở phục hồi một số hạng mục đã mai một… Thực tiễn này đang đặt ra những vấn đề cần phải soi rọi, trao đổi nhằm đi đến thống nhất như kết hợp bảo tồn - khôi phục và phát triển như thế nào cho thỏa đáng. Cần những cơ sở nào cho việc phục hồi những thành phần đã mất?” - ông Cương nói.

Ưu tiên trên hết việc bảo tồn nguyên trạng

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), TS Nguyễn Khắc Minh - Trưởng Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc - cho biết: “Từ thực tế công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích, chúng tôi cho rằng chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi tuân thủ các nguyên tắc khoa học. Cần có thái độ trân trọng với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẫm mỹ. Trước khi tiến hành tu bổ cần phải triển khai việc nghiên cứu liên ngành để có sự hiểu biết cặn kẽ di tích về các mặt: Giá trị, tình trạng bảo quản cũng như các hoàn cảnh lịch sử và đặc thù văn hóa ở địa phương nơi có di tích được tu bổ.

Bên cạnh đó, các giải pháp tu bổ cần được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu ở các ngành khoa học có liên quan để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất. Chỉ tiến hành tu bổ, phục hồi di tích lịch sử khi có các cơ sở cứ liệu khoa học chính xác (tài liệu viết, bản vẽ đạc họa, ảnh chụp, bản dập…) phần phục hồi phải phù hợp và thống nhất thành một khối thống nhất với nhất nguyên gốc còn lại. Và đặc biệt, quá trình tu bổ phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích.”

Theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, đối với những di tích lịch sử, ưu tiên trên hết việc bảo tồn nguyên trạng, bởi những di tích là chứng nhân lịch sử, chúng bảo lưu những dữ liệu lịch sử, nhiều khi duy nhất. Từ đó ưu tiên các giải pháp và kỹ thuật bảo quản hiện trạng, không tạo nên những sự biến đổi làm nghèo, làm sai và làm giả những gì là gốc. Bên cạnh đó, cần cân nhắc đặc biệt nghiêm túc những công việc can thiệp và cơ thể di tích, dù ở dạng phế tích hoặc di chỉ. Chỉ tu sửa khi việc bảo quản là chưa đủ để duy trì. Chỉ tu sửa nhỏ khi chưa thật sự cần đến tu sửa lớn. Đối với vấn đề khôi phục từng phần hoặc toàn phần, một di tích lịch sử không còn nguyên vẹn, ta nên hiểu cái việc đó không thể làm cho di tích gốc bị suy chuyển.

Các di tích tôn giáo và tín ngưỡng không còn nguyên vẹn, một mặt cần được bảo tồn nghiêm ngặt và trọn vẹn các cấu trúc và các thành tố gốc, những đặc điểm và giá trị của chúng, mặt khác lại phải hiện hữu trong sự kiện toàn về tổng thể để tham gia vào cuộc sống đương đại như những thiết chế tâm linh thực thụ. Do đó, cần phải bảo tồn các di tích không còn nguyên vẹn trong sự khơi dòng cho sự phát triển tiếp nối, kết hợp nhuần nhị bảo tồn và phát triển.

Tu bổ không làm mất đi “hồn cốt” di tích

Khu di tích Đền Kiếp Bạc (Hải Dương) có một số hạng mục được tu bổ, tôn tạo lại. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Hoạt động khôi phục, tôn tạo, xây mới ở khu vực cận kề ở các ngôi đền chùa hay các khu di tích đang diễn ra như một nhu cầu tất yếu, đa dạng cả về quy mô, hình thức… cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, và đòi hỏi đội ngũ quản lý và thực hiện có đủ năng lực chuyên ngành, có khả năng hiểu, thẩm thấu những giá trị văn hóa và nắm rõ các nguyên tắc bảo tồn, trùng tu.

Giữ gìn giá trị, thông điệp của di tích

Theo Viện Bảo tồn Di tích, việc định ra một công thức nào đó cho việc khôi phục và tôn tạo là không thực tế. Di tích quá đa dạng, nhu cầu và thái độ ứng xử với di tích cũng đa đạng không kém. Việc lạm dụng khôi phục hay tôn tạo quá đà là nguyên nhân làm hỏng di tích, giảm sức hút và tính thuyết phục của di tích.

PGS-TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - cho rằng: “Phần lớn di tích hiện nay không còn được nguyên vẹn, do đó có nhu cầu rất lớn về việc trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, trong quá trình tu bổ, tôn tạo phải xét di tích lịch sử vào chức năng của nó.

Với tư cách là di tích lịch sử văn hóa thì tính nguyên gốc đòi hỏi nặng nề. Trong những di tích được xếp hạng, phần lớn là những cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh đòi hỏi cao về sự trang trọng, hoàn chỉnh. Các di tích xếp hạng được tồn tại dưới dạng một tài nguyên du lịch, cộng với dịch vụ thì nó sẽ tạo thành một sản phẩm du lịch. Một sản phẩm du lịch không có sự hoàn chỉnh tổng thể là một sản phẩm không thu hút.

Việc tôn tạo, tu bổ ở đây cần giữ gìn được giá trị, thông điệp của di tích. Những di tích lịch sử văn hóa như những chiếc xe tải chở những ký ức của lịch sử, truyền tải văn hóa thông điệp đến với chúng ta. Cái gốc tôn trọng rồi, cái chúng ta làm lại phải làm để nó chuyển tải đúng cái thông điệp đó đáp ứng với nhu cầu xã hội. Mặt khác, cũng cần phải xét và đặt di tích trong nhiều phương diện cụ thể đồng thời phải áp dụng các tiêu chí về môi trường, xét một cách tổng hòa để cân bằng với cảnh quan thiên nhiên. Trong quy hoạch tổng thể phải đặt ra các vấn đề đó...”.

Tu bổ nhưng không làm biến chất di tích

Ông Bài cho rằng, bằng thực tiễn việc tu bổ, tôn tạo và quản lý tại các di tích cũng cho thấy cần có một mô hình quản lý di tích hợp lý. Cần sắp xếp nguồn nhân lực sao cho tạo lập được sức mạnh và công tác nghiên cứu khoa học phải được chú trọng. Những người trong chính mô hình quản lý di tích có chủ động nghiên cứu khoa học, tìm tòi, sưu tầm tài liệu… mới có thể nắm vững những tri thức về di tích và như vậy trong quá trình tôn tạo, tu bổ sẽ tránh được những sai sót, lệch lạc trong việc phục dựng…

Còn theo PGS-TS Trần Lâm Biền, việc tu bổ, tôn tạo di tích là vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trăn trở hiện nay, khi phải xác định rõ ràng, dựa trên nền tảng khoa học khi bàn tới vấn đề này. Tu sửa không có nghĩa là tu bổ. Tu sửa chỉ là cái bình thường, tu bổ di tích thì khác, đòi hỏi về trí và tâm, cần phải nắm rõ bản chất trong việc khôi phục và tôn tạo di tích.

Điều quan trọng muốn tu bổ một di tích, di sản văn hóa thì phải dựa trên những tư liệu của nó ở mức tối đa mà chúng ta có thể thu thập được. Đặc biệt trong công tác tu bổ thì không được làm mất đi, biến chất “di tích này” thành một “di tích khác” cho dù nó được khoác lên “chiếc áo mới” đẹp hơn qua công tác tu bổ. Việc tu bổ tôn trọng tính nguyên gốc của nó không chỉ là hình thức mà phải là giá trị của nó. Trong một di tích thì từng cảnh quan, chi tiết đều có những ý nghĩa của nó.

“Cần nắm rõ những điều này để không làm sai lệch đi di tích. Bên cạnh đó, trong công tác tôn tạo di tích cũng cần phải có những nghiên cứu đa ngành, chuyên ngành… Cần phải hiểu rành mạch, có tri thức một cách đầy đủ về di tích đó. Cần phải thấy được giá trị của di tích trong tâm hồn của cộng đồng, phải hiểu được vẻ đẹp tâm linh, sự gửi gắm tâm hồn và niềm tin của nhân dân trong đó…” - PGS-TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

TS Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ: “Những di sản là sản phẩm của du lịch văn hóa tâm linh và văn hóa nghỉ dưỡng. Cần nắm rõ các nguyên tắc của việc bảo tồn, các giá trị nổi bật của di tích. Chúng ta đối mặt với khá nhiều áp lực, do đó cần phải làm tốt công tác quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những nguyên tắc trong công tác bảo tồn cũng như là những cẩm nang trong công tác quản lý sao cho di tích phát huy được tối đa giá trị của nó”.

GS-TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Những quan điểm chung về công tác tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa phải là: Nhận thức đúng về giá trị lịch sử, từ đó có giải pháp khoa học cho hoạt động bảo tồn; Không đánh đồng về mặt nhận thức giữa hoạt động bảo tồn di tích với việc xây mới những công trình tôn giáo, tín ngưỡng không phải và không trong khu vực bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, không thể tách rời một di tích khỏi lịch sử mà nó là chứng nhân, không thể tách rời khung cảnh mà nó tọa lạc. Cùng với đó, trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cần quan tâm đến công tác điều tra, nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích đó. M.K

Nguồn: laodong.vn