Thánh thất Cao đài Thủ đô hà Nội nơi khơi nguồn hoạt động giao lưu hành đạo của đạo Cao đài hiện nay
Ngày đăng: 22/10/2015
Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội thuộc Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ở Bến Tre. Trong quá trình hình thành, phát triển, Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của đạo Cao Đài và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử 90 năm khai đạo Cao Đài. Một trong những dấu ấn quan trọng của Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội là nơi khởi nguồn cho hoạt động giao lưu hành đạo của các Hội thánh và tổ chức Cao Đài hiện nay.

1. Lịch sử Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội

Đạo Cao Đài ra đời tại Nam Bộ năm 1926, sau đó truyền đạo ra miền Trung, miền Bắc. Tại Hà Nội, việc truyền đạo gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần kiên trung vì Đạo, các chức sắc đã quyết tâm khai mở đạo Cao Đài nơi đất Bắc.

Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, chức sắc đứng đầu Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ở Bến Tre có hoài bão đem đạo Cao Đài phổ truyền ra miền Trung và miền Bắc theo lời dạy của Đức Cao Đài. Năm 1937, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đích thân đi mở đạo tại miền Trung và miền Bắc, cùng đi với Giáo tông có Thanh đồng Tô Văn Pho.

Ở miền Trung, triều đình Huế không chấp thuận cho đạo Cao Đài hoạt động, ông Phạm Quỳnh, quan Ngự tiền Văn phòng của Vua Bảo Đại đã trao trả đơn cho Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương tại Đà Lạt. Ở miền Bắc, Phủ Toàn quyền Đông Dương không cản trở việc đạo Cao Đài hoạt động ở Hà Nội nhưng cũng không có văn bản chính thức cho phép.

Năm 1939, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre cử ba chức sắc: Bảo đức Chơn quân Nguyễn Văn Cui, Lễ sanh Huỳnh Minh Chư và Thanh đồng Tô Văn Pho. Ba vị chức sắc thuê nhà ở số 12 ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai làm Thánh thất tạm thời. Tại đây, các vị chức sắc thực hiện các nghi lễ của đạo Cao Đài nên đã thu hút sự chú ý của một số công chức hưu trí. Họ đến tìm hiểu đạo rồi dần dần có người xin nhập môn. Sau ba tháng, số tín đồ được gần 100 người. Tháng 5/1939, Thánh thất tạm thời bị chủ nhà đòi lại. Sau đó, Thánh thất dời về số 61 Mã Mây là nhà của bà Vương Thị Tống, một chức sắc của Đạo. Đến tháng 7/1939, số tín đồ lên đến hai nghìn người và trong thời gian này, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo triệu hồi ba chức sắc là ông Cui, Chử, Pho về Nam.   Cuối năm 1939, Giáo hữu Hoàng Đức Hữu dời Thiên bàn về nhà ông ở số nhà 25 Hàn Thuyên. Năm 1940, tại số nhà 25 Hàn Thuyên trương bảng: “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ - Thánh thất Hà Nội”. Năm 1941, nơi đây tổ chức lễ kỷ niệm “Đệ nhất Chu niên thành lập Thánh thất Hà Nội”. Ngày lễ khánh thành Thánh thất đã quy tụ được: 8 chức sắc nam phái, 14 chức sắc nữ phái, có Lễ sỹ, giáo nhi, đồng nhi.

Ngày 31/3/1942, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo cử Phối sư Phùng Văn Thới, Ngoại viện trưởng của Hội thánh ra Bắc hành đạo. Năm 1943, Phối sư Phùng Văn Thới mua căn nhà số 34 phố Chùa Vua với số tiền một ngàn đồng Đông Dương do Hội thánh Bến Tre tài trợ. Thánh thất Cao Đài Hà Nội lại chuyển về số 34 Chùa Vua (nay là phố Thịnh Yên, ngõ Trần Cao Vân, phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm 1944, sau 8 tháng ổn định hoạt động thì có lệnh giải toả để chỉnh trang đô thị, Phối sư Phùng Văn Thới mua lại 02 căn nhà số 96 - 98 Nguyễn Thị Minh Khai, nay là phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và dời Thánh thất về đây. Phối sư Phùng Văn Thới với tư cách là Ngoại Viện trưởng Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Đầu Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội đã tham gia Ban liên lạc tôn giáo miền Bắc gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài. Thời gian này ở Hà Nội, còn có Giáo sư Trần Quốc Luyện và một số chức sắc Cao Đài miền Trung ra Hà Nội cùng các thánh thất thuộc Hội thánh Cao Đài Tây Ninh ở phố Hàng Than, Hàng Bè lập ra cơ quan Truyền giáo Cao Đài Trung Bắc Việt. Phối sư Phùng Văn Thới cùng Cơ quan Truyền giáo Trung Bắc Việt làm đơn xin Chính phủ thừa nhận đạo Cao Đài. Ngày 07/11/1946, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng có Công văn số 30/QH phúc đáp Văn thư số 16 ngày 04/10/1946 của Phối sư Phùng Văn Thới với nội dung công nhận quyền tự do tín ngưỡng của công dân và đạo Cao Đài được tự do hoạt động như các đạo khác, đồng thời Quốc hội hoan nghênh tinh thần ái quốc của đạo Cao Đài.

Ngày Rằm tháng 10 năm Bính Tuất (thứ sáu, ngày 8/11/1946), Phối sư Phùng Văn Thới thiết lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai dự lễ. Đó là niềm vinh dự lớn lao không chỉ riêng Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội mà còn cả của đạo Cao Đài với hơn hai triệu chức sắc, tín đồ khắp Bắc Trung  Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.

Năm 1947, ngôi nhà số 96 - 98 đường Nguyễn Thị Minh Khai qua chiến tranh bị hư hỏng. Tòa Thị chính Hà Nội cho Phối sư Phùng Văn Thới thuê ngôi biệt thự tại số 48 Hòa Mã của Hội Ái hữu Bưu điện với giá 50 đồng Đông Dương một tháng. Năm 1948, Phối sư Phùng Văn Thới rời Hà Nội về quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang giao Thánh thất Hà Nội cho Giáo hữu Thái Thung Thanh, Lễ sanh Thượng Hợi Thanh quản lý.

Tháng 12/1948, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo cử Thanh đồng Tô Văn Pho ra hành đạo tại Hà Nội. Từ đây, Thanh đồng Tô Văn Pho là người giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội. Tháng 9/1950, Hộ pháp Phạm Công Tắc cùng Tiếp đạo Cao Đức Trọng và Tiếp thế Lê Thiện Phước tới thăm Thánh thất Cao Đài Hà Nội. Ngày 12/12/1950, tu sỹ Ngô Thị Bình nhập môn vào đạo Cao Đài thực hiện tu bậc thượng thừa và góp sức cùng Thanh đồng Tô Văn Pho giữ gìn, phát triển nền đạo miền Bắc.

Mùng Một Tết Ất Mùi (1955), Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội được đón tiếp Chưởng pháp Cao Triều Phát, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo cùng các cán bộ của Nhà nước như: Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Ca Văn Thỉnh, Doãn Kế Thiện, Lê Thị Xuyến,…

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Giáo sư Tô Văn Pho vừa lo củng cố đạo sự vừa tích cực tham gia các phong trào xã hội và giữ nhiều trọng trách như: đại biểu Hội đồng nhân dân quận Hai Bà Trưng 15 khoá liên tục, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ quận Hai Bà Trưng,… Ngày 23/8/1967, sau khi xả thân cứu người bị trúng bom Mỹ ở phố Huế, Giáo sư Tô Văn Pho vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xe ôtô đến đón và trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Đất nước thống nhất, Họ đạo Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương. Họ đạo kiện toàn lại tổ chức hành chính đạo, Giáo sư Tô Văn Pho làm Đầu Họ đạo, Giáo hữu Đặng Đình Tư, Giáo hữu Nguyễn Văn Lịch và Giáo sư Hương Dư, Giáo sư Hương Giá làm Phó Đầu Họ đạo. Ngày 24-25/2/Tân Mùi (1990), Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Thánh thất nhân kỷ niệm ngày đắc đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương. Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội được xây dựng lại có lầu chuông trống, bửu điện thờ Đức Chí Tôn.

Năm 1998, Phối sư Tô Văn Pho trở về Hội thánh ở Bến Tre làm Trưởng Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo. Đến ngày 16/7/Mậu Dần (1998), Chánh Phối sư Tô Văn Pho qua đời và được Hội thánh thọ phong Thượng Đầu sư. Từ năm 1998 đến 2011, Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội do Phối sư Ngô Thị Bình làm Đầu Họ đạo đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong Họ đạo và Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo. Ngày 4/6/2011, Phối sư Ngô Thị Bình qua đời và được Hội thánh truy phong Chánh Phối sư. Từ năm 2011 đến nay, Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội do Lễ sanh Lê Xuân Mai làm Đầu Họ đạo và tiếp tục thực hiện sứ mạng thiêng liêng giữ gìn, phát triển cơ Đạo tại miền Bắc.

Chặng đường 90 năm lịch sử của đạo Cao Đài và thời gian mở đạo nơi đất Bắc, chức sắc, tín đồ Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội luôn luôn giữ đúng trách nhiệm của người tu hành, thực hiện đạo sự gắn bó với dân tộc. Thực hiện phương châm “Tốt Đời, đẹp Đạo”, Họ đạo đã tích cực tham gia công việc xã hội trở thành tập thể tiêu biểu, điển hình về gương người tốt, việc tốt của Thủ đô Hà Nội.

2. Nơi khởi nguồn hoạt động giao lưu hành đạo của các Hội thánh và tổ chức Cao Đài hiện nay

Từ những năm 1948 đến nay, Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội dưới sự lãnh đạo của ông Tô Văn Pho và bà Ngô Thị Bình đã phát huy được tinh thần “Phụng Đạo, yêu Nước” vừa hành đạo vừa tham gia các công việc xã hội. Thánh thất Cao Đài Thủ đô trở thành trung tâm của đạo Cao Đài, không phân biệt chi phái mà lấy tên là Thánh thất Cao Đài Thủ đô làm nơi liên giao với các phái Cao Đài. Các cá nhân, tập thể của các Hội thánh Cao Đài khắp Bắc Trung Nam khi có công việc ra Hà Nội đều đến Thánh thất Cao Đài Thủ đô cư trú và thăm hỏi.         Năm 2006, với tinh thần vì Đạo và tình cảm kính mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phối sư Ngô Thị Bình đã đề xuất với Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đạo Cao Đài và kỷ niệm 80 năm khai đạo Cao Đài tại Hà Nội. Được sự đồng ý của Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo và sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm có sự hiện diện của lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương, chính quyền các cấp ở thành phố Hà Nội và hàng ngàn tín đồ đạo Cao Đài ở các tỉnh, thành phố.

Sự kiện này đã thu hút được đông đảo các Hội thánh và tổ chức trong nền Đại Đạo tham dự. Ngày 06/12/2006, được sự hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, đoàn đại biểu chức sắc các Hội thánh và tổ chức Cao Đài đến chào thăm Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đã đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các Hội thánh Cao Đài trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Là một tôn giáo sinh ra ở Việt Nam, có quá trình hoạt động gắn bó với dân tộc, Chủ tịch nước mong rằng các chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp “phụng Đạo, yêu Nước”, đoàn kết với nhau cùng tham gia xây dựng đất nước và minh họa bằng câu chuyện bó đũa trong truyện cổ tích Việt Nam. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các Hội thánh Cao Đài đã có sáng kiến thành lập tổ chức giao lưu hành đạo gồm các Hội thánh và tổ chức Cao Đài nhằm thực hiện các nội dung về giáo dục đào tạo, báo chí và hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội. Qua nhiều buổi tọa đàm, thảo luận và được sự chấp thuận của chính quyền nhà nước đến năm 2008, Hội nghị giao lưu lần thứ nhất được tổ chức tại Thánh thất Thiên Cảnh đàn ở thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau thuộc Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo với sự tham gia của 07 Hội thánh và 05 tổ chức Cao Đài, gồm: Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Cao Đài Minh Chơn đạo, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Cầu Kho - Tam Quan, Cao Đài Chơn lý, Cao Đài Bạch y, Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Nam Thành Thánh thất, Cao Thượng Bửu Toà, Ban Qui ước Cao Đài thành phố Cần Thơ và 13 Họ đạo của Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo với gần 200 đại biểu tham dự. Hội nghị đã tổng kết quá trình hành đạo của các Hội thánh và một số tổ chức Cao Đài từ khi được công nhận pháp nhân năm 1995 đến năm 2008, tập trung vào công tác tổ chức, học tập giáo lý, trùng tu xây dựng cơ sở thờ tự, hoạt động từ thiện, xã hội, phong trào xoá đói giảm nghèo, phong trào thi đua yêu nước và chấp hành pháp luật Nhà nước. Tại hội nghị này, các đại biểu đề nghị: hàng năm sẽ tổ chức hội nghị giao lưu giữa các phái Cao Đài một lần; mở lớp bồi dưỡng, đào tạo chức sắc, chức việc chung cho đạo Cao Đài; in kinh sách, xuất bản Tạp chí Cao Đài; hoạt động chung trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, xã hội. Đồng thời hội nghị đã thống nhất thành lập bảng ghi nhớ giữa các phái Cao Đài với những nội dung cụ thể để thực hiện, trên nguyên tắc đoàn kết, tôn trọng tính độc lập, tự chủ và đặc điểm của chi phái giúp đỡ nhau trong hành đạo, không xen vào công việc nội bộ, đối xử bình đẳng với nhau.

Tiếp tục thực hiện tôn chỉ của hội nghị giao lưu hành đạo lần thứ nhất, các hội nghị giao lưu lần lượt được tổ chức như sau: Năm 2009, hội nghị giao lưu lần thứ hai tổ chức tại Tòa thánh Bến Tre, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ở Bến Tre; Năm 2010, hội nghị giao lưu lần thứ ba tổ chức tại Tòa thánh Châu Minh, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên ở Bến Tre; Năm 2011, hội nghị giao lưu lần thứ tư tổ chức tại Tòa thánh Ngọc Kinh, Hội thánh Cao Đài Bạch Y ở Kiên Giang; Năm 2012, hội nghị giao lưu lần thứ năm tổ chức tại Toà thánh Tam Quan, Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan ở Bình Định; Năm 2013, hội nghị giao lưu lần thứ sáu tổ chức tại Trung Hưng Bửu Toà, Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài ở Đà Nẵng; Năm 2014, hội nghị giao lưu lần thứ bảy tổ chức tại Toà thánh Ngọc Sắc, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo ở Cà Mau. Năm 2015, hội nghị giao lưu hành đạo lần thứ tám tổ chức tại Tòa thánh Bến Tre, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ở Bến Tre. Các hội nghị đã từng bước hoàn thiện về mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động giao lưu hành đạo giữa các Hội thánh và tổ chức Cao Đài. Đến nay, hoạt động giao lưu hành đạo đã ghi nhận sự lớn mạnh với sự góp mặt của 09 Hội thánh Cao Đài, 01 Pháp môn tu hành, 10 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và Hội thánh Minh Lý đạo Tam Tông Miếu.

Tổng kết 8 năm hoạt động giao lưu hành đạo của các Hội thánh và tổ chức Cao Đài đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Về tổ chức đã hình thành được mô hình hoạt động chung giữa các Hội thánh và tổ chức Cao Đài, số lượng thành viên gia tăng từ 12 tổ chức lên 21 tổ chức tham gia, hằng năm các Hội thánh Cao Đài luân phiên làm Thường trực điều hành và tổ chức các hoạt động giao lưu chung trong nền Đại Đạo. Ngoài các Hội thánh còn có sự tham gia của các tổ chức Cao Đài như: Cơ quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo, Cao Thượng Bửu Toà, Cao Đài Thượng Đế, Nam Thánh Thánh Thất, Vĩnh Nguyên Tự,... Đặc biệt, sự tham gia của Hội thánh Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu góp phần làm cho khối giao lưu thêm phong phú, đa dạng; Về giáo dục đào tạo, hoạt động giao lưu đã tổ chức được lớp tập huấn giảng viên của các Hội thánh và tổ chức Cao Đài với hàng trăm học viên góp phần nâng cao trình độ giảng dạy, đào tạo chức sắc giữa các phái Cao Đài, đồng thời kết hợp tổ chức các khoá hạnh đường cho chức sắc phẩm Lễ sanh, Giáo hữu, Giáo sư để bổ sung kiến thức chung cho chức sắc trong đạo Cao Đài; Về từ thiện xã hội, hoạt động giao lưu đã thực hiện tốt tôn chỉ của đạo Cao Đai nhằm cứu khổ nhơn sanh, đưa nhân loại đến thế giới đại đồng. Trong 8 năm, toàn thể chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài trong khối giao lưu đã thực hiện công việc từ thiện, nhân đạo với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng với các hoạt động cứu trợ người nghèo, đồng bào bị thiên tai hạn hán, lũ lụt và tham gia các hoạt động chung như thăm, tặng quà chiến sỹ Trường Sa, chương trình Nối vòng tay lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,...; Về hoạt động báo chí, đã thành lập được Tạp chí Cao Đài với 20 số xuất bản đảm bảo về tư tưởng, phổ biến giáo lý, giáo luật của nền Đại Đạo, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo và hoàn thiện hồ sơ xin Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trang báo điện tử; Hằng năm, các phái Cao Đài trong hoạt động giao lưu hành đạo có khoảng một vạn tín đồ mới nhập môn,... Những kết quả nêu trên là thành tựu to lớn mà các đơn vị thành viên cùng toàn thể nhơn sanh trong hoạt động giao lưu của các Hội thánh và tổ chức Cao Đài tạo thành.

Để đào tạo chức sắc kế thừa, các Hội thánh và tổ chức Cao Đài trong hoạt động giao lưu hành đạo đã thống nhất thành lập Học viện Cao Đài có địa điểm tại Tòa thánh Châu Minh, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên và đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ xin phép chính quyền nhà nước chấp thuận. Ngày 12/10/2015 tại Hà Nội, các Hội thánh và tổ chức Cao Đài tổ chức Đại lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài với sự tham gia của đông đảo các phái Cao Đài, đại diện chính quyền các cấp với số lượng khoảng một ngàn người. Nhân dịp này, Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng Thánh thất mới có đủ Tam Đài theo mô hình của Tòa thánh Bến Tre với diện tích trên 300 m2 và mong muốn trong tương lai Thánh thất sẽ trở thành địa điểm cư trú cho các tổ chức, cá nhân đạo Cao Đài khi tới Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình hoạt động giao lưu hành đạo trong đó có công lao to lớn của Phối sư Ngô Thị Bình, Đầu Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đạo Cao Đài tại Hà Nội và được các thế hệ sau kế thừa thực hiện, phát triển như ngày nay.

3. Kết luận

Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội là một cơ sở trực thuộc Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo nhưng luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong lịch sử đạo Cao Đài. Điều này được chứng minh bằng các sự kiện diễn ra tại Thánh thất: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm năm 1946; Hộ pháp Phạm Công Tắc đến thăm năm 1950; Chưởng pháp Cao Triều Phát cùng phái đoàn cán bộ Chính phủ đến thăm năm 1955; Tổ chức kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đạo Cao Đài năm 2006; Tổ chức Đại lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài năm 2015. Với ý nghĩa đó, cho thấy tư tưởng lớn của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương khi truyền đạo ra Bắc được Phối sư Tô Văn Pho và Phối sư Ngô Thị Bình kế thừa và phát triển. Tiếp nối truyền thống, Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội đã thực hiện tốt đường hướng hành đạo không phân biệt chi phái, lấy tinh thần đồng đạo để hoạt động gắn bó với các Hội thánh và tổ chức Cao Đài. Hiện nay, Họ đạo Cao Đài Thủ đô có hơn 10 chức sắc, 20 chức việc, 200 tín đồ. Họ đạo luôn hướng dẫn chức sắc, tín đồ tu hành chân chính thực hiện tôn chỉ, mục đích của đạo Cao Đài được cụ thể hoá qua Hiến chương và đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, giữ mối liên giao hành đạo tốt với các tôn giáo theo phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”.

Sự đoàn kết của các phái Cao Đài hiện nay trong hoạt động giao lưu hành đạo có sự đóng góp tích cực của Họ đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội và đã trở thành một mô hình mới, tiến bộ trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập và quan hệ hợp tác cùng phát triển của tôn giáo./.

Quang Tiến

Tài liệu tham khảo:

1. Phối sư Ngô Thị Bình (2004), Lịch sử Thánh thất Thủ đô Hà Nội;

2. Giáo sư Trần Quốc Luyện (1998), Bác Hồ đã từng đến với đạo Cao Đài, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài;

3. Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên (2013), Báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động giao lưu hành đạo.

4. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (2015), Báo cáo hoạt động giao lưu hành đạo.