Hội đồng Giám mục Việt Nam qua 12 kỳ Đại hội
Ngày đăng: 24/10/2013
Từ ngày 5 - 11/10/2013, tại Trung tâm Mục Vụ giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, đã điễn ra Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) lần thứ XII, nhân sự kiện này chúng tôi xin khái lược lại 12 kỳ Đại hội, để có cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt về hoạt động của tổ chức này.

 

1. Vài nét về Hội đồng Giám mục Việt Nam

HĐGM VN được thành lập năm 1980, trụ sở đặt tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, 40 phố Nhà Chung, Hà Nội. HĐGM VN là một tổ chức gồm tất cả các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ ở các giáo phận tại Việt Nam và các giám mục hiệu toà khác đang đảm nhận một nhiệm vụ do Toà Thánh hay HĐGM VN uỷ thác.

Mục đích của HĐGM VN là xây dựng Giáo hội Màu nhiệm - Hiệp thông - Truyền giáo và phục vụ con người trong xã hội. Nhiệm vụ là cố vũ sự liên đới giữa giám mục các giáo phận, để phát huy lợi ích cho Giáo hội bằng các hình thức tông đồ và các phương pháp thích hợp với hoàn cảnh của thời đại trong tinh thần gắn bó với dân tộc và đất nước. HĐGM VN vẫn luôn tôn trọng quyền bính của các giám mục giáo phận là quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp (GL đ 381,1).

Cơ cấu tổ chức HĐGM VN gồm: Ban Thường vụ, giúp việc cho Ban Thường vụ có Văn phòng Tổng thư ký và các Ủy ban Giám mục.

 HĐGMVN họp định kỳ: 3 năm Đại hội một lần và hàng năm có hội nghị thường niên; khi có vấn đề quan trọng HĐGM VN có thể họp hội nghị ngoại lệ do quyết định của giám mục chủ tịch hoặc do yêu cầu của 2/3 các thành viên Ban Thường vụ, hoặc do 1/3 các thành viên của HĐGM VN.

Nội dung đại hội: Trao đổi công tác mục vụ, tìm hướng giải quyết các vấn đề chung của giáo hội; thành lập các Uỷ ban Giám mục; soạn thảo, lấy ý kiến về quy chế HĐGM VN và các Ủy ban Giám mục; ra các văn bản như thư chung, thư mục vụ hay thông cáo và các văn bản này phải được Toà Thánh phê chuẩn và các giám mục phải chấp nhận và thi hành; bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban, hình thức bầu bằng phiếu kín. Tất cả các thành viên tham dự đại hội phải giữ bí mật về các vấn đề thảo luận trừ những gì đại hội đồng ý cho phổ biến.

Văn phòng Tổng thư ký HĐGM VN gồm có: Giám mục Tổng thư ký, các Giám mục phó Tổng thư ký và các linh mục thư ký. Nhiệm vụ là tham dự các hội nghị của HĐGM VN, Ban thường vụ và các Uỷ ban Giám mục nếu xét thấy cần thiết, soạn thảo chương trình nghị sự của các hội nghị HĐGM VN và Ban Thường vụ. Lập biên bản các hội nghị, lưu giữ các hồ sơ của HĐGM VN, liên lạc với các giám mục tại Việt Nam và với các HĐGM thế giới, phổ biến các quyết định của HĐGMVN, phúc trình các hoạt động của Ban Thường vụ trong hội nghị thường niên của HĐGM.

 Các Uỷ ban Giám mục: Giúp HĐGM VN thi hành trách nhiệm mục vụ trong một lĩnh vực chuyên biệt, Uỷ ban Giám mục có trách nhiệm trước HĐGM và phải báo cáo đường hướng và sinh hoạt cho HĐGM. Giám mục đặc trách Uỷ ban do HĐGM đề cử và chấp thuận, nhiệm kỳ 3 năm. Mỗi Uỷ ban Giám mục soạn thảo một nội quy riêng xác định đường hướng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức nhân sự (1).

2. HĐGMVN từ Đại hội lần thứ I đến Đại hội lần thứ XII

* Ban Thường vụ: Ban Thường vụ là đại diện của HĐGM VN, có nhiệm vụ thúc đẩy việc thực hiện các quyết định của HĐGM VN, đề ra chương trình nghị sự cho hội nghị của HĐGM VN, bảo đảm tính liên tục trong các đường hướng mục vụ chung của HĐGM VN, giải quyết các vấn đề thông thường giữa các lần hội nghị của HĐGM, tổ chức việc bầu Ban thường vụ nhiệm kỳ mới (2). Cơ cấu Ban Thường vụ gồm: Giám mục Chủ tịch, một hay nhiều Giám mục Phó Chủ tịch, Giám mục Tổng thư ký, một hay nhiều Giám mục Phó Tổng thư ký. Ban thường vụ họp thường kỳ 1 hay 2 lần trong năm, khi cần có thể họp bất thường, để phiên họp Ban thường vụ có giá trị pháp lý, cần 2/3 số thành viên hiện diện.

- Đại hội lần I (nhiệm kỳ 1980 - 1983): Ban Thường vụ  được bầu với con số 7 người gồm: 1 Chủ tịch (Hồng y Trịnh Văn Căn), 2 phó Chủ tịch (Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền), 1 Tổng thư ký (Giám mục Nguyễn Tùng Cương, giáo phận Hải Phòng) và 3 Phó Tổng thư ký đại diện cho 3 Tổng giáo phận: Hà Nội (Giám mục Phạm Đình Tụng), Hồ Chí Minh (Giám mục Phó Lê Phong Thuận, giáo phận Cần Thơ) và Huế (Giám mục phó Nguyễn Quang Sách, giáo phận Đà Nẵng).

- Đại hội lần II (nhiệm kỳ 1983 - 1986): Ban Thường vụ vẫn giữ con số 7 người như Đại hội I. Các chức danh Chủ tịch và 2 phó chủ tịch vẫn giữ nguyên. Chức danh Tổng thư ký thay bằng Giám mục phụ tá Nguyễn Văn Sang (Hà Nội) và 3 Phó Tổng thư ký đại diện cho 3 tổng giáo phận vẫn giữ nguyên như Đại hội lần I.

- Đại hội lần III (nhiệm kỳ 1986 - 1989): Ban Thường vụ 7 người, các chức vụ như Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và 02 Phó tổng thư ký vẫn giữ nguyên như Đại hội lần II, chỉ có Phó Tổng thư ký đại diện cho Tổng giáo phận Huế được thanh bằng Giám mục Trần Thanh Chung, giáo phận Kon Tum.

- Đại hội IV (nhiệm kỳ 1989 - 1992): Ban Thường vụ 7 người: Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Minh Nhật, giáo phận Xuân Lộc), 2 Phó Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Huy Mai, giáo phận Buôn Ma Thuột và Giám mục Nguyễn Văn Sang, giáo phận Thái Bình), 1 Tổng thư ký (Giám mục Lê Phong Thuận, giáo phận Cần Thơ) và 3 Phó Tổng thư ký: Hà Nội (Giám mục Phạm Đình Tụng), Hồ Chí Minh (Giám mục Huỳnh Văn Nghi) và Huế vẫn là Giám mục Trần Thành Chung.

- Đại hội V (nhiệm kỳ 1992 - 1995): Ban Thường vụ 7 người, gồm 1 Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Minh Nhật), 2 phó Chủ tịch (Giám mục Huỳnh Đông Các, giáo phận Quy Nhơn và Nguyễn Văn Sang), 1 Tổng thư ký (Giám mục Lê Phong Thuận) và 3 Phó Tổng thư ký vẫn như Đại  hội lần thứ IV.

- Đại hội VI (nhiệm kỳ 1995 - 1998): Ban Thường vụ 7 người, gồm 1 Chủ tịch (Hồng y Phạm Đình Tụng), 2 phó Chủ tịch (Giám mục Huỳnh Văn Nghi và Giám mục Nguyễn Văn Hoà, giáo phận Nha Trang), 1 Tổng thư ký (Giám mục Nguyễn Sơn Lâm, giáo phận Thanh Hóa) và 3 Phó Tổng thư ký: Hà Nội (Giám mục phụ tá Lê Đắc Trọng, giáo phận Hà Nội), Hồ Chí Minh (Giám mục Phạm Minh Mẫn) và Huế vẫn là Giám mục Trần Thành Chung.

- Đại hội VII (nhiệm kỳ 1998 - 2001): Ban Thường vụ 7 người vẫn giữ nguyên như nhiệm kỳ VI. 03 Phó Tổng thư ký đại diện cho 3 Tổng giáo phận gồm: Hà Nội vẫn giữa nguyên, Hồ Chí Minh (Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, giáo phận Đà Lạt) và Huế (Giám mục phó Nguyễn Văn Nho, giáo phận Nha Trang).

- Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2001 – 2004), đây là Đại hội mở đầu cho việc đơn giản cơ cấu Ban thường vụ và bỏ 03 chức vụ Phó Tổng thư ký đại diện 03 Tổng giáo phận. Ban thường vụ từ 7 người xuống 4, gồm: 01 Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Văn Hoà), 01 Phó Chủ tịch (Hồng y Phạm Minh Mẫn), 01 Tổng thư ký (Giám mục Nguyễn Soạn, giáo phận Quy Nhơn) và 01 Phó Tổng thư ký (Giám mục Ngô Quang Kiệt).

- Đại hội IX (nhiệm kỳ 2004 - 2007): Ban Thường vụ giữ nguyên như ở Đại họi VIII.

- Đại hội X (nhiệm kỳ 2007 - 2010): Ban Thường vụ giữ nguyên 4 người gồm: Chủ tịch (Giám mục Nguyễn Văn Nhơn), 01 Phó Chủ tich (Giám mục Nguyễn Chí Linh, giáo phận Thanh Hoá),01 Tổng Thư ký (Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt) và 01 Phó tổng thư ký (Giám mục Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha Trang).

- Đại hội lần Thứ XI (nhiệm kỳ 2010 – 2013): Ban Thường vụ chỉ thay Tổng Thư ký là Giám mục Hoàng Văn Đạt, giáo phận Bắc Ninh, các chức vụ khác vẫn giữ nguyên như Đại hội X.

- Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 2013 - 2016): Ban Thường vụ gồm 4 người: Chủ tịch (Phó Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh), 01 Phó Chủ tịch (Tổng Giám mục Nguyễn Văn Hồng, Tổng giáo phận Huế), Tổng thư ký và Phó Tổng thư kỳ vẫn giữ nguyên như Đại hội XI.

Qua 12 kỳ Đại hội Ban Thường vụ được thay đổi về số lượng từ 7 người xuống còn 4, bỏ đi chức Phó Tổng thư ký đại diện 03 Tổng giáo phận. Nhìn vào bình diện chung các chức vụ trong Ban Thường vụ ở từng đại hội thường được phân bổ cho 3 Tổng giáo phận: Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh (rõ nét nhất là Đại hội lần thứ XII) và thường làm 02 nhiệm kỳ, có trường hợp 03 nhiệm kỳ (03 Đại hội đầu tiên).

Tuy nhiên, trong 03 tổng giáo phận thì Tổng giáo phận Hà Nội có nhiều Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục giữ chức vụ Chủ tịch (6 Đại hội: I, II, III, VI, VII, XI) và Tổng thư ký HĐGMVN (8 Đại hội : I, II, III, VI, VII, X, XI và XII) nhất ; đặc biệt Đại hội XI có 3/4 chức vụ trong Ban thường vụ là các Giám mục thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.

* Các Uỷ ban Giám mục (UBGM): UBGM do HĐGM thành lập trong các kỳ đại hội; sau khi thành lập, các UBGM tiếp tục thành lập và triển khai hoạt động ở cấp giáo phận, đứng đầu mỗi ủy ban là 01 linh mục chủ tịch và nhiều linh mục tham gia thành viên.

- Đại hội lần I: Thành lập 3 UBGM: UBGM về Phụng tự do Giám mục Bùi Tuần làm chủ tịch; UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh do Giám mục Huỳnh Đông Các làm chủ tịch; UBGM về Giáo dân do Giám mục Phan Thế Hinh làm chủ tịch.

Từ Đại hội I đến Đại hội lần thứ VI số UBGM vẫn là 3, chỉ thay đổi các Giám mục giữ chức vụ Chủ tịch, cụ thể:

- Đại hội lần II: UBGM về Phụng tự và UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh vẫn giữ nguyên như Đại hội I; UBGM về Giáo dân do Giám mục Phạm Tần làm chủ tịch.

- Đại hội lần III: UBGM về Phụng tự do Giám mục Nguyễn Sơn Lâm làm chủ tịch; UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh do Giám mục Nguyễn Văn Hoà làm chủ tịch; UBGM về Giáo dân vẫn do Giám mục Phạm Tần làm chủ tịch.

- Đại hội lần IV: UBGM về Phụng tự và UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh vẫn giữ nguyên như Đại hội III; UBGM về Giáo dân do Giám mục Phạm Văn Nẫm làm chủ tịch.

- Đại hội lần V: UBGM về Phụng tự và UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh vẫn giữ nguyên như Đại hội IV; UBGM về Giáo dân do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm chủ tịch.

- Đại hội lần VI: UBGM về Phụng tự do Giám mục Lê Phong Thuận làm chủ tịch; UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh do Giám mục Nguyễn Như Thể làm chủ tịch; UBGM về Giáo dân do Giám mục Nguyễn Văn Sang làm chủ tịch.

- Đại hội lần VII: Ngoài 3 Uỷ ban Giám mục nói trên đại hội này thành lập thêm UBGM về Thánh Nhạc do Giám mục Nguyễn Văn Hoà làm chủ tịch đã nâng tổng số UBGM lên 4 và thay đổi Chủ tịch các Ủy ban như: UBGM về Phụng tự do Giám mục Phạm Minh Mẫn làm chủ tịch; UBGM về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh và UBGM về Giáo dân vẫn giữ nguyên như Đại hội VI.

- Đại hội lần VIII: Thành lập thêm 5 UBGM gồm: UBGM về Giáo lý Đức tin do Giám mục Bùi Văn Đọc làm chủ tịch, UBGM về Loan báo Tin mừng do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm chủ tịch, UBGM về Văn hoá do Giám mục Vũ Duy Thống làm chủ tịch, UBGM về Bác ái xã hội do Giám mục Nguyễn Thanh Hoan làm chủ tịch và tách Uỷ ban về Linh mục, tu sĩ và chủng sinh thành 2 Uỷ ban: UBGM về Giáo sĩ và chủng sinh do Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh làm chủ tịch; UBGM về Tu sĩ do Giám mục Hoàng Văn Tiệm làm chủ tịch, nâng tổng số lên 9 UBGM.

- Đại hội lần IX: Vẫn giữ con số 9 UBGM: UBGM Giáo lý Đức tin, UBGM về Loan báo Tin Mừng, UBGM về Tu sĩ vẫn giữa nguyên như Đại hội lần thứ VIII; UBGM về Phụng tự và Nghệ thuật Thánh do Giám mục Trần Đình Tứ làm chủ tịch, UBGM về Thánh Nhạc do Giám mục Tri Bửu Thiên làm chủ tịch, UBGM về Giáo dân do Giám mục Nguyễn Chí Linh làm Chủ tịch; UBGM về Văn hoá do Giám mục Vũ Duy Thống làm chủ tịch, UBGM về Bác ái xã hội do Giám mục Nguyễn Thanh Hoan làm chủ tịch, UBGM về Giáo sĩ và chủng sinh do Giám mục Vũ Huy Chương làm chủ tịch.

- Đại hội lần thứ X: Thành lập thêm 4 Uỷ ban mới bao gồm: UBGM về Mục vụ Gia đình do Giám mục Châu Ngọc Tri làm Chủ tịch; UBGM về Mục vụ Giới trẻ do Giám mục Vũ Văn Thiên làm Chủ tịch; UBGM về Di dân do Hồng Y Phạm Minh Mẫn làm Chủ tịch; UBGM về Kinh Thánh do Giám mục Võ Đức Minh làm Chủ tịch. Tách Uỷ ban Phụng Tự và Nghệ thuật Thánh làm 2: UBGM về Phụng tự và UBGM về Nghệ thuật Thánh do Giám mục Trần Đình Tứ giáo phận Phú Cường làm Chủ tịch. Nâng tổng số UBGM thuộc HĐGMVN lên thành 16.

- Đại hội XI: Thành lập thêm 01 UBGM về Công lý và Hòa Bình do Giám mục Nguyễn Thái Hợp làm Chủ tịch, đây là UBGM cuối cùng trong cơ cấu chung của Tòa Thánh Vatican. Nâng tổng số UBGM thuộc HĐGMVN lên 17 và thay đổi một số Chủ tịch các Ủy ban sau: UBGM về Kinh Thánh do Giám mục Võ Đức Minh làm chủ tịch, UBGM về Nghệ Thuật Thánh do Giám mục Nguyễn Văn Khôi làm chủ tịch, UBGM về Thánh nhạc do Giám mục Nguyễn Văn Bản làm chủ tịch, UBGM về Loan báo Tin Mừng do Giám mục Nguyễn Năng làm chủ tịch, UBGM về giáo dân do Giám mục Trần Xuân Tiếu làm chủ tịch, UBGM về Bác ái xã hội do Giám mục Nguyễn Chu Trinh làm chủ tịch.

- Đại hội XII: Có sự thay đổi Chủ tịch một số Ủy ban như: UBGM về Giáo lý đức tin do Giám mục Nguyễn Năng làm chủ tịch, UBGM Loan báo Tin Mừng do Giám mục Nguyễn Hữu Long làm chủ tịch, UBGM về Bác ái xã hội do Giám mục Vũ Đình Hiệu làm chủ tịch, UBGM về Di dân do Giám mục Nguyễn Chí Linh làm chủ tịch, UBGM về Giáo dục Công giáo do Giám mục Đinh Đức Đạo làm chủ tịch.

Như vậy, từ Đại hội lần I đến Đại hội XII, số UBGM được nâng lên, từ 3 Uỷ ban lên 17 Ủy ban. Chủ tịch các ủy ban cũng thay đổi theo xu hướng bổ sung các giám mục mới và trẻ.

* Một số văn bản qua các kỳ  Đại hội: Trong các kỳ Đại hội, HĐGM VN thường ra văn bản như Thư chung, Thư mục vụ hoặc Thông báo định hướng hoạt động cho toàn đạo trong suốt nhiệm kỳ đó. Ngoài những định hướng chuyên biệt cho hoạt động tôn giáo, các văn bản cũng thể hiện sự liên đới giữa Giáo hội Công giáo và các vấn đề khác trong quá trình phát triển, cụ thể:

 - Đại hội lần I: Ra Thư chung 1980, mở ra đường hướng mục vụ "sống phúc âm giữa lòng dân tộc" trong hoạt động của Công giáo ở Việt Nam trong giai đoạn mới, đánh dấu một lựa chọn hết sức căn bản của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam.

- Đại hội lần II: Ra Thư Mục vụ với chủ đề về Năm Cứu độ, đã nhắc lại tinh thần Thư chung 1980: "Chúng tôi cũng mong Anh chị em đọc lại bức Thư Chung 1980 của HĐGMVN. Bức thư đó đã đem lại cho chúng ta một niềm tin phần khởi và giúp chúng ta đạt được nhiều thành tích tốt đẹp cả về hai mặt đạo đời " (3) (M, 2).

- Đại hội lần III: Ra Thông cáo, tiếp tục tiếp nối nội dung của Thư chung 1980 nhưng có những chỉ dẫn cụ thể hơn: "Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta hãy ra sức đóng góp nhiều hơn nữa với sự nỗ lực của mỗi người, cụ thể trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chúng ta cố gắng lao động tích cực và tiết kiệm hết sức trong mọi lĩnh vực, để làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Chúng ta vừa là người Công giáo, vừa là người công dân của nước CHXHCN VN, hai phẩm tính đó không thể mâu thuẫn nhau, nếu chúng ta sống đạo đích thực và có lòng yêu nước chân thành" (4) (M,4).

- Đại hội làn IV: Ra Thư Mục vụ với chủ đề Hiệp nhất, mục vụ và chia sẻ niềm vui, định hướng cho giáo hội bằng những việc làm tích cực chung tay xây dựng giáo hội và đất nước.

- Đại hội lần thứ V: Ra Thư mục vụ nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa của các dân tộc thiểu số.

- Đại hội lần thứ VI: Ra Thư chung tiếp tục kêu gọi cộng đồng Dân Chúa đóng góp tích cực vào vấn đề phát triển kinh tế của đất nước: "Hãy hợp tác với Nhà nước và Nhân dân trong chương trình xoá đói giảm nghèo. Hãy tích cực đóng kinh rạch mà nguồn nước bị ô nhiễm. Hãy chung góp sức người sức của để dựng cho dân nghèo, ít là những mái nhà tre lá . Hãy cất lên cho đàn trẻ lang thang những lớp học tình thương sưởi ấm lòng người. Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu phải là tinh thần của mọi người và mỗi người Công giáo chúng ta" (M, 3) (5).

- Đại hội lần thứ VII: Ra Thư Mục vụ khẳng định những hành động cụ thể là cơ sở cho việc đối thoại, tôn trọng lẫn nhau: "Chính sự tích cực dấn thân như thế của anh chị em cùng với đồng bào cả nước là cơ sở thực tiễn cho một cuộc đối thoại, có khả năng đưa tới sự hiểu biết, tôn trọng và yêu thương nhau giữa những con người Việt Nam" (M, 5) (6).

- Đại hội lần thứ VIII: Ra Thư chung nêu lên tinh thần trách nhiệm của giáo hội đối với sự phát triển của đất nước:  "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người đựơc sống và sống dồi dào " (M, 8) (7).

- Đại hội lần thứ IX: Ra Thư chung với chủ đề Giáo hội Màu nhiệm Thánh thể định hướng hoạt động của giáo hội phải được đặt trong đa dạng  các nền văn hóa, tôn giáo và thúc đẩy công việc từ thiện và bác ái xã hội.

- Đại hội lần thứ X: Ra Thư chung với chủ đề Giáo dục hôm nay, xã hội và giáo hội ngày mai. Đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam như là tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam.

- Đại hội lần thứ XI: Ra Thông báo về một số vấn đề trong hoạt động tôn giáo. Đại hội lần thứ XII: Ra Thư chung nhấn mạnh đến vấn đề Tân Phúc ấm hóa, vấn đề này được lồng vào trong tổng thể kế hoạch mục vụ mà HĐGM VN trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Tân phúc âm hóa sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014-2016), cụ thể: Năm 2014 Phúc Âm hóa đời sống gia đình; năm 2015 Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; năm 2016 Phúc Âm hóa đời sống xã hội.

Như vậy, qua 12 lần Đại hội, HĐGM VN đã ra 6 Thư chung, 4 Thư Mục vụ và 2 thông cáo. Nội dung của các văn bản trên đã thể hiện tư tưởng "Canh tân, thích nghi" của Công đồng Vatican II, sự tiếp nối của Thư chung 1980 với những gi¸ trÞ l©u dµi cña mét ®­êng h­íng môc vô phù hợp và thích nghi với sự phát triển của xã hội.

Nhìn lại chặng đường hoạt động của HĐGM VN từ khi thành lập đến nay, cho thấy một sự phát triển liên tục, ổn định. Sự ổn định đó với những định hướng phù hợp đã giúp Công giáo ở Việt Nam phát triển, mở rộng quan hệ và tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.

 

____________________________

Tài liệu tham khảo:

 (1), (2). Niên Giám 2004, Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2006, tr 283, 284.

(3). Thư Mục vụ HĐGM VN năm 1983.

(4). Thông cáo HĐGM VN năm 1986.

(5). Thư Chung HĐGM VN năm 1995.

(6). Thư Mục vụ HĐGM VN năm 1998.

(7). Thư Chung HĐGM VN năm 2001.

 

Phương Liên