Đường hướng hành đạo của Cao đài Ban Chỉnh đạo
Ngày đăng: 14/11/2012
Cao đài Ban Chỉnh đạo là phái Cao đài do hai vị Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương và Đầu sư Lê Bá Trang sáng lập vào năm 1934 tại Bến Tre.

Mục đích của Cao đài Ban Chỉnh đạo là thực hiện đường hướng tu hành theo đúng chân truyền của Đạo Cao đài. Đó là thực hành cơ chỉnh đạo và thực thi theo đường lối tu hành của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương.

1. Thực hiện cơ chỉnh Đạo
 
Nội dung giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ là hoà hợp các phần tinh tuý của các giáo lý đã có như là dạy Tam cương Ngũ thường, thuyết Trung Dung của Đạo Nho, dạy lẽ công bình, bác ái gương thọ khổ của Đức Gia Tô, luyện Tam bửu Ngũ hành của Đạo Tiên, dạy Tam qui Ngũ giới, Tứ diệu đế, Đạo bát chánh của Đạo Phật.
 
Vậy qui nguyên Tam giáo, hiệp nhất Ngũ chi của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ có nghĩa là: Tôn sùng tất cả các vị Giáo chủ và hoà hợp tất cả các phần tinh tuý chân truyền của các tôn giáo đã có. Người tín đồ Cao đài lấy sự thương yêu làm dây thiêng liêng kết thành chung một khối hòa hợp mọi bất đồng để đi đến mục đích chân lý đại đồng. Thiện chí là xây đắp con đường liên lạc tinh thần đạo đức, để các tôn giáo tìm hiểu nhau, dung hòa lẫn nhau trong sứ mạng độ đời. Sự qui nguyên hiệp nhất cũng được chứng minh trong phương châm hành đạo của người tu theo Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ. Phương châm đó là tuần tự nhi tiến đi từ thấp đến cao, từ chỗ dễ đến chỗ khó gồm từ Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Việc hành đạo theo Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ là lấy việc tu thân, công quả làm chánh yếu để bước qua việc luyện hành Tân pháp đoạt mục đích cuối cùng là cơ tuyệt khổ.
 
Về phần nội dung giáo lý, tôn giáo nào cũng cốt tìm một con đường cứu khổ cho nhân loại, bằng một tình thương vô hạn của loài người. Tuy khác nhau về hình thức, nhưng các tôn giáo đều cùng một chân lý là chủ nghĩa yêu sinh, từ bi, bác ái để bảo vệ hạnh phúc cho loài người. Trong Thánh ngôn Hiệp tuyển, Đức Thượng Đế Cao đài có dạy tín đồ như sau:
 
Là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhất định qui nguyên phục nhất”.
 
Vì các lý do trên, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đến khai đạo kỳ ba để qui hiệp Tam giáo, Ngũ chi, mở Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ quyết xoá bỏ những thành kiến chia rẽ về hình thức tôn giáo, kêu nhân loại sớm biết nhìn nhận chân lý có  một của các Đạo, đều chính do Thượng Đế sáng lập, để dung hoà nhau mà hành đạo, hầu chung sức xây dựng thế giới đại đồng.
 
Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ là thực hành chủ nghĩa từ bi, bác ái, thương yêu tràn trề từ người đến vật.Như vậy, Thầy là Trời, là cha chung của tất cả chúng sinh, Thầy vốn là sự thương yêu. Do sự thương yêu mà có chúng ta, do thương yêu mà bảo toàn thế giới. Sự thương yêu đã gây dựng sự sống. Sự ghét là để huỷ diệt sự sống, là nguyên nhân của mọi tai nạn khốn khổ. Cuối cùng, Đức Thượng Đế dạy con người chỉ được phép thương yêu nhau, mà chẳng được phép ghét nhau. Sự thương yêu đưa nhân loại từ chỗ chia rẽ, tranh đấu tương tàn đến chỗ hiểu nhau, tin nhau, hòa hiệp tương trợ nhau, đồng tình cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Vậy trong cuối Hạ nguyên này, tôn chỉ Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ với chủ nghĩa thương yêu và qui hiệp Tam giáo, Ngũ chi là phương cứu độ nhân sinh, để chuyển qua Thượng nguyên Thánh Đức, hưởng cảnh tuyệt khổ đại đồng.
 
Với chủ nghĩa thương yêu, khuyên chúng sinh biết nhìn nhận mình là anh em con chung một Đấng Cha Trời, Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ đã dung hoà được các mối bất đồng về vật chất, quyền lợi màu da sắc tóc của mọi người.

Cả hai điểm chính của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ đều nhằm vào việc mưu cầu hòa bình hạnh phúc và tuyệt khổ cho nhân sinh. Thực hiện chủ nghĩa thương yêu trong Đạo Cao đài là một nhu cầu cần thiết cho mục tiêu xây dựng xã hội văn minh ngày nay.
 
Khi thành lập hệ phái Cao đài Ban Chỉnh đạo thì hai vị chức sắc cao cấp có công sáng lập là Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang đã thực hiện cơ chỉnh đạo bởi: “Đương buổi này, nền Đạo rất chinh nghiêng như người bịnh ngặt nghèo cần cứu chữa gấp mới mong tránh khỏi sự hiểm nguy.
 
Mục đích của cơ chỉnh đạo là lo chấn chỉnh nền Đạo và việc giáo dục nhân sinh. Chấn chỉnh nền Đạo để xoá hết sự giận hờn, nghịch lẫn nhau để mở lòng trọn vẹn thương yêu, khoan dung, tha thứ cho nhau. Lòng thương yêu là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh. Tu hành là tập sửa mình, rèn luyện đạo đức dần dần đến bậc từ bi, bác ái được cầm chiếc chìa khoá cao quí đó.
 
Chương trình chỉnh Đạo gồm ba phần 6 điều. Phần một về người giữ Đạo khẳng định hàng chức sắc, tín đồ nếu đồng lòng lo chỉnh đạo phải nguyện giữ trọn Tân luật và Pháp Chánh truyền, thực hành Ngũ Giới cấm, Tứ đại điều qui. Đã chung lo chỉnh Đạo phải trau dồi đạo đức hàng ngày và thực hành chủ nghĩa từ bi, bác ái. Phần thứ hai về Thánh thất phải thống nhất việc đọc kinh, hành lễ hàng ngày, có chức sắc đến giảng đạo và chỉ dạy chức việc về phận sự hành đạo. Phần thứ ba về Ban Chỉnh đạo nhằm chọn người có đạo đức, có trí thức trong chức sắc, tín đồ lo chấn chỉnh việc tu hành theo đúng qui định cho đến lúc Đạo thành.
 
2. Đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương
 
Với vai trò là người đứng đầu Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo, người sáng lập và có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn thể chức sắc, tín đồ, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã có đường lối hành đạo đúng đắn vừa tu hành vừa có thái độ tiến bộ yêu nước, hi sinh vì dân tộc, vì hòa bình.
 
Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, sinh năm 1881, tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Tổ ba đời của ông là cụ Nguyễn Đức Loan, một nhà Nho học, người tỉnh Bình Thuận. Ông sinh ra vừa tròn 13 tháng tuổi thì thân phụ mất. Ông sống với ông bà nội và được học chữ Nho, chữ quốc ngữ tại nhà. Năm 17 tuổi (1898), ông thi đậu vào Trường Collège de Mỹ Tho. Năm 1902, ông tốt nghiệp Trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn. Sau đó, ông làm việc trong chính quyền Pháp và kinh qua các công việc: Thư ký Thượng thư, Sài Gòn; làm Quận trưởng Châu Thành, tỉnh Cần Thơ; Quận trưởng Hòn Chông, Hà Tiên; làm Quận trưởng Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn và được thăng Tri phủ Thượng Thư. Năm 1926, ông được phong phẩm Phối sư phái Thượng. Đầu năm 1927, tại chùa Gò Kén, ông cùng bà Lâm Hương Thanh đứng bộ đất đai, tài sản tại Thánh địa mới mua ở làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh. Năm 1930, ông được phong Chánh Phối sư kiêm Quyền Thượng Đầu sư. Cuối năm 1930, ông xin từ quan. Năm 1931, ông về Toà Thánh Tây Ninh hành đạo. Năm 1934, ông về ẩn tu tại núi Kỳ Vân, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa một thời gian. Ngày 24-7-1934, ông trở lại hành đạo và lập tạm Văn phòng tại Thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và Thánh thất An Hội, Bến Tre.
 
Ngày 14-10-Giáp Tuất (ngày 20-11-1934), Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương cùng Quyền Đầu sư Lê Bá Trang rời Tây Ninh về Bến Tre tổ chức Đại hội tại Thánh thất An Hội, Bến Tre, có mặt 85 vị phái viên thay mặt cho 85 Họ Đạo trong 18 tỉnh, số người dự khoảng 1.300 vị. Đại hội tán thành chương trình Chỉnh Đạo và thành lập Ban Chỉnh Đạo do phái viên của 18 tỉnh công cử. Ngày 11-1-Ất Hợi (1935) tại Thánh thất An Hội, Bến Tre, Hội Vạn linh bầu Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương làm Giáo tông Cao đài Ban Chỉnh đạo.
 
Từ đây, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thực hiện các việc Đạo đúng như chánh thể, chân truyền của Đại Đạo. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương sắp đặt các công việc hành Đạo của Hội thánh Ban Chỉnh đạo. Ông cho mở lớp Hạnh đường để dạy đạo cho hàng chức sắc kế thừa giáo lý chơn truyền của Đại Đạo, lập công quả trau dồi công đức của người tu hành. Ông dạy cho nhơn sanh ba phương tu Thượng thừa, Trung thừa, Hạ thừa gọi là Phương tu Tam thừa. Đối với hàng chức sắc Thượng thừa thì được thọ truyền bí pháp. Ngoài ra, ông chú trọng mở mang Phước điền, Ban Hành thiện, Nhà tu Trung thừa nhằm cải thiện dân sinh. Ông mở Minh Thiện Học đường để dạy kinh, dạy chữ cho trẻ em để nâng cao dân trí.
 
Năm 1942, ông nhập đại tịnh nơi Lầu Thiên Lý Mật Truyền để thực hành nền Tân pháp của Đại Đạo. Trong thời kỳ đại tịnh của Giáo tông đã nêu gương đức hy sinh. Hai con trai của ông vì tham gia kháng chiến bị quân đội Pháp bắt được. Ông Nguyễn Ngọc Bích bị bắt năm 1946. Ông Nguyễn Ngọc Nhựt bị bắt năm 1948. Chánh quyền Pháp yêu cầu ông chịu đứng ra bảo lãnh thì hai con ông được trả tự do. Nhưng ông nén tình riêng, không nhận bảo lãnh vì giữ gìn danh nghĩa Đạo. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh nơi lầu Thiên lý Mật truyền được 9 năm 81 ngày, theo Đạo pháp gọi là Cửu Niên Diện Bích.
 
Nhận rõ Thiên chức của mình đối với Đạo, tức là phải giải khổ cho nhân sinh về các phương diện: vật chất, tinh thần và linh hồn, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã thực hành một đường lối hành đạo, gồm có năm đặc điểm sau đây:
 
Một là giữ vững đức tin nơi Thầy, nơi Đạo. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương tin tưởng có Trời khai Đạo, có Đức Lý Đại Tiên và các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần giáng trần dạy Đạo và để giúp việc phổ thông nền Đạo. Cuộc đời hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương gặp nhiều truân chuyên, chịu nhiều gian khổ nhưng ông vẫn vững lòng với đức tin, sự sáng suốt để vượt qua và bảo toàn nền Đạo, giữ gìn nhân sinh an lành. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thường nhắc nhở nhân sinh rằng: “Đức tin là cần yếu của sự đắc Đạo. Để nuôi dưỡng đức tin thì người tu hành cần cố gắng giữ chay lạc, siêng năng cúng kính, trau giồi tâm tính theo Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui, siêng năng học Đạo, làm công quả, tìm hiểu và trọn tuân các luật lệ của Đạo, các Thánh giáo và những lời Tuyên ngôn của Đức Lý Giáo tông do Hội thánh truyền dạy,…
 
Hai là tinh thần vị nhân sinh xả thân hành đạo. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã từ bỏ tất cả mọi danh vọng, quyền lợi của quan trường, để hiến thân hành đạo, khép mình vào khuôn khổ tu hành của phẩm Thượng thừa. Về mặt giải khổ tinh thần, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương lo phổ thông các giáo lý đạo đức, chúng sinh học tập, trau giồi tâm trí cho tinh thần được trở nên minh mẫn. Ông mở mang hạnh đường để dạy đạo cho người lớn, và Minh Thiện Học đường để dạy kinh, dạy chữ cho trẻ em, mục đích để cải tạo dân tâm, dân trí. Đối với những người đã dày công tu sửa tính tình và đã xả thân để lập bồi công quả thì được thọ truyền bí pháp để đoạt cơ siêu thoát linh hồn. Về phương diện giải khổ vật chất, nhờ vào Đạo và đi đúng theo đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, người tín đồ Cao đài Ban Chỉnh đạo có được một cuộc đời nhẹ nhàng tốt đẹp hơn xưa, không vướng vào đường tội lỗi, khỏi trái oan do nhận biết những việc làm sai trái, để tu tâm, rèn đức sống cuộc đời thanh đạm, tươi vui. Ngoài ra, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương còn chú trọng mở mang Phước điền, Ban Hành thiện, Nhà tu Trung thừa đều nhắm vào mục đích cải thiện dân sinh. Đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương với tinh thần vì nhân sinh khổ đau mà hy sinh tư kỷ để xả thân hành Đạo, cứu nhơn độ thế.
 
Ba là thực hành đức từ bi, bác ái tràn trề để nêu gương cho sự xây dựng cảnh hoà bình và hạnh phúc chung cho nhân loại. Trong thời kỳ cuối Hạ nguyên này, đại nạn chung cho cả nhân sinh là chiến tranh tương tàn, vì mất tình yêu thương lẫn nhau. Để cứu vớt nhân loại thoát hiểm họa diệt vong, Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ nêu cao chân lý là “Tất cả chúng sanh đều là anh em chung một Đấng Cha Trời, phải thương yêu đùm bọc lấy nhau bằng tình ruột thịt. Để phổ biến sâu rộng chủ nghĩa yêu thương, từ bi, bác ái của Đại Đạo, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã thi hành các phương pháp như sau: Khuyên nhủ và bắt buộc toàn đạo phải học thuộc lòng và thực hành đúng theo bài Thánh giáo Bài Thương yêu. Trong các Tuyên ngôn hay Châu tri dạy đạo, ý nghĩa thương yêu, hoà thuận, làm phải làm lành, từ bi, bác ái luôn luôn được Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương nhắc đi nhắc lại với những lời lẽ thiết tha, cảm động. Khuyến khích sự chay lạc để sống thiện tâm, nêu gương lành khuyến thiện và cầu nguyện cho hoà bình hạnh phúc chung. Về chính bản thân, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là hiện thân cho chủ nghĩa từ bi, bác ái trong mọi cử chỉ, hành động và lời nói.
 
Bốn là giữ vững lập trường đạo đức thuần tuý, không tham gia chính trị đảng phái. Trong những năm chiến tranh dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở Nam Bộ có nhiều đảng phái chính trị ra đời, đồng thời cũng xuất hiện nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động trong vùng. Đứng trước tình thế khó khăn này, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã nhận định: “Tôn giáo là đạo lý thuần túy, mà đảng phái là chính trị. Cho nên Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã giữ vững một lập trường đạo đức thuần túy, không để cho Cao đài Ban Chỉnh đạo trở thành tổ chức chính trị, làm sai lệch tôn chỉ chân truyền của Đại Đạo. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương luôn luôn kêu gọi toàn đạo phải bảo thủ chặt chẽ lập trường đạo đức thuần túy tu hành. Đối với các hệ phái Đạo Cao đài, thì phải giữ đúng luật pháp, chân truyền của Đức Chí Tôn mà Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã nói: “Phải tùng một Luật, hành một Pháp, mới có Trời, Phật, Thánh, Thần chứng chiếu.
 
Năm là phải có công quả âm chất đầy đủ mới bảo đảm cho sự luyện hành Tân pháp được thành công. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương nói trong cuộc họp Hội thánh năm 1936 là: “Thầy đến khai Đạo là lập trường thi công quả tại thế, nếu các con muốn đoạt thủ địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật thì phải vào đường nầy, ngoài ra không có đường nào khác nữa.Về phương châm tịnh luyện, thì Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương trọn tuân theo các bí pháp mật truyền của Đức Chí Tôn, tuần tự đi từ thấp tới cao. Nội dung chính yếu là tích cực hoà hợp, hoàn hư và đem Thần hiệp cùng Tinh, Khí để luyện đắc Chơn Thần.
 
Đức Thượng Đế khai Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ để giải khổ cho chúng sanh. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương phụng thừa Thiên mạng để bảo thủ và thực hành chơn truyền Tân pháp của Đại Đạo trong Tam kỳ Phổ độ. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã mất, nhưng gương sáng hành đạo vẫn luôn luôn còn mãi trong nhơn sanh của Cao đài Ban Chỉnh đạo. Người tín đồ Cao đài Ban Chỉnh đạo luôn có tinh thần học hỏi cho thấm nhuần và thi hành cho đúng theo năm đặc điểm hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương.
 
Tóm lại, đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là đường lối đạo đức đúng theo chân truyền và Tân pháp để thực hiện tôn chỉ, mục đích của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ là kịp đưa nhơn loại đến cơ tuyệt khổ đại đồng. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận xét về Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương như sau: “Trân trọng công lao trong kháng chiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các nhà trí thức, những điền chủ, những lãnh tụ tôn giáo... yêu nước, chúng ta càng tự hào về khối Đại đoàn kết toàn dân, càng khẳng định và vững tin vào thành công của công cuộc kiến quốc”./.
 
            Tài liệu tham khảo :
1.   Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (2006), Đại Đạo khai minh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2.   Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (2006), Thánh ngôn hiệp tuyển, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
 
3.   Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn.
4.   Hoàng Minh Thiện, Đinh Quốc Bảo, Nguyễn Thanh (2012), 72 chức sắc tiền khai Đạo Cao Đài, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
5.   Trầm Hương (2002), Đêm trắng của Đức Giáo tông (Tiểu thuyết), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.