Nguồn gốc và một số đặc điểm giúp phân biệt giữa "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" với các Hội thánh có tên gọi tương tự của đạo Tin Lành
Ngày đăng: 03/05/2018
Thời gian qua nhiều báo, đài phản ánh về những hoạt động tiêu cực có liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" (thực chất là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ").

Để giúp phân biệt giữa Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ mà báo chí phản ánh với Hội thánh có tên gọi tương tự nhưng thuộc các tổ chức Tin lành hợp pháp khác ở trong nước, bài viết này xin đưa ra một số thông tin về nguồn gốc và đặc điểm nhận diện về Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ để bạn đọc tham khảo.

1. Một số thông tin về "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ"

Năm 1964, Ahn Sahng Hong - một người xuất thân từ gia đình Phật giáo nhưng bản thân cải đạo sang hệ phái Cơ đốc Phục lâm - đã sáng lập ra tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su" sau khi bị Hội thánh Cơ đốc Phục lâm rút phép thông công vì đưa ra quan điểm “lấy thập tự giá làm biểu tượng trong Hội thánh là phạm tội thờ thần tượng".

Năm 1985 Ahn Sahng Hong qua đời, “Hội thánh Đức Chúa Trời làm Chứng cho Chúa Giê-su” bị chia làm hai phái:

- Phái thứ  nhất mang tên “Hội thánh Lễ Vượt Qua Tân Ước của Đức Chúa Trời”. Vợ và ba người con của ông Ahn Sahng Hong tham gia Hội thánh này. Phái này được cho là có tín lý và hoạt động gần với các tổ chức Ki-tô giáo nói chung.

- Phái thứ hai mang tên “Hội thánh Đức Chúa trời Các Nhân Chứng của Đấng Ahn Sahng Hong” do Kim Joo Cheol và bà Jang Gil Ja làm lãnh đạo. Tín lý của phái này có thêm hai giáo lý chính, gồm: (1) Ông Ahn Sahng Hong được công nhận là Chúa Giê-su Christ, là đấng đã đến và được tôn là Đấng Christ Ahn Sahng Hong, cũng là Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Linh; (2) Bà Jang Gil Ja được công nhận là Đức Chúa Trời Mẹ, cũng là Đức Chúa trời như ông Ahn Sahng Hong.

Đến năm 1997, phái “Hội thánh Đức Chúa trời Các Nhân Chứng của Đấng Ahn Sahng Hong” đổi tên gọi thành “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới”. Theo số liệu do Hội thánh này công bố đến năm 2015 có khoảng trên dưới 2 triệu người tin theo, 2.500 Hội thánh (trong đó Hàn Quốc có 400 Hội thánh), có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.

Vì “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới” giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Ki-tô giáo nói chung, trong đó việc tin có Đức Chúa Trời Mẹ bị các tổ chức Tin Lành cho là báng bổ Kinh thánh nên đa số các tổ chức Tin Lành lên tiếng Hội thánh này là "tà đạo" và gọi là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" để phân biệt với các Hội thánh của Đức Chúa Trời khác nhưng thuộc đạo Tin Lành.

  2. Một số đặc điểm về giáo lý và sinh hoạt tôn giáo giúp phân biệt giữa Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ với các tổ chức Tin Lành khác

Về kinh sách, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" cũng sử dụng Kinh thánh (66 quyển) như đa số các tổ chức Tin Lành khác. Tổng hội tại Hàn Quốc còn xuất bản Nguyệt san mang tên Êlôhist, phát hành hằng tháng gửi đến các chi nhánh ở trong và ngoài nước.

Về đấng thờ phượng: "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" ngoài tin có Đức Chúa Trời Ba Ngôi như các tổ chức Tin Lành khác, còn tin Đức Chúa Trời đã hiện thân vào ông Ahn Sahng Hong (gọi là Đấng Ahn Sahng Hong - Đức Chúa Trời Cha) và tin có Đức Chúa Trời Mẹ (hiện thân là bà Jang Gil Ja).

Về sinh hoạt tôn giáo: Trong sinh hoạt tôn giáo "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" không sử dụng cây Thánh giá, tượng Chúa; nữ trùm khăn ren trắng; không công nhận lễ Giáng sinh. Ngoài lễ Sabat diễn ra vào thứ bảy hàng tuần, trong năm còn có 7 lễ chia làm 3 kỳ (thời kỳ của Đức Chúa Cha, thời kỳ của Đức Chúa Giê-su, thời kỳ của Đức Thánh linh) gồm: Lễ vượt qua, lễ bánh không men (1 ngày sau lễ Vượt qua), lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần (50 ngày sau lễ Phục sinh), lễ Kèn thổi, lễ Chuộc tội và lễ Lều tạm (những lễ này đều được lý giải có trong Kinh thánh). Để tượng trưng cho máu và  mình (thịt) Chúa, Hội thánh dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men. Những người theo Hội thánh quan niệm Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ là cha, mẹ (phần linh hồn), cha mẹ đẻ là cha mẹ phần xác của họ; người cùng Hội thánh là anh chị em ruột, gọi Hội thánh là Sion; trong Sion thường treo ảnh của ông Ahn Sahng Hong (Cha) và bà Jang Gil-ja (Mẹ) cùng bảng ghi "Giáo huấn của Mẹ".

"Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000. Năm 2005, 2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, và xuất hiện ở phía Bắc khoảng năm 2013. Địa phương phản ánh sớm nhất về những biểu hiện cực đoan liên quan đến tổ chức này là tỉnh Thái Nguyên, tiếp đến là Thành phố Hà Nội. Từ năm 2016, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh phía Bắc tổ chức tuyên truyền phổ biến về pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo để mọi người hiểu đúng và chấp hành pháp luật; đồng thời hướng dẫn xử lý theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật, như hành vi tuyên truyền về ngày tận thế gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, xúi giục người tin theo ứng xử không hiếu kính với cha mẹ, đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình, xem người thân như ma quỷ, cỗ vũ cho việc từ bỏ công việc, học tập để đi truyền đạo, trục lợi ... trái với luân thường đạo lý và những giá trị nền tảng của gia đình và xã hội.

Các công tác trên vẫn đang được Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo thuần túy, hướng thiện, tuân thủ pháp luật diễn ra bình thường; đồng thời phê phán và nghiêm trị theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật./.

Đào Huy Cường