Một vài suy nghĩ về việc chức sắc, tu sĩ Công giáo tham gia các tổ chức chính trị xã hội
Ngày đăng: 15/04/2021
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã gặp mặt các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV
Thời gian qua đã có một số chức sắc, tu sĩ Công giáo ở các địa phương tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị xã hội. Đến nay, chưa có thống kê của cơ quan nhà nước về chức sắc, tu sĩ các tôn giáo, Công giáo tham gia vào các tổ chức trên. Qua một số số liệu trình bày trong bài viết, tác giả diễn tả suy nghĩ, cảm nhận về việc chức sắc, tu sĩ Công giáo tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị xã hội.

1. Một số số liệu liên quan

Theo Niên giám chức sắc, chức việc, nhà tu hành, các tôn giáo là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa XIV của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2017. Cụ thể: Khóa I: 03 Linh mục; Khóa II: 03 linh mục; Khóa III: 03 linh mục; Khóa IV: 03 Linh mục; Khóa V: 03 Linh mục; Khóa VI: 04 Linh mục; Khóa VII: 03 Linh mục; Khóa VIII: 03 Linh mục; Khóa IX: 03 Linh mục; Khóa X: 04 Linh mục; Khóa XI: 02 Linh mục; Khóa XII: 02 Linh mục; Khóa XIII: 02 Linh mục; Khóa XIV: 01 linh mục.

Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ triển khai thực hiện khảo sát thống kê số liệu các tu sỹ nam, nữ ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước (thông qua Ban Tôn giáo, các tỉnh, thành phố) trong đó có khảo sát tu sỹ tham gia các tổ chức chính trị xã hội như: Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam năm 2006. Theo số liệu thống kê của 25 tỉnh, thành phố khảo sát 5.253 nữ tu, 561 nam tu sỹ, tổng cộng 5.814 tu sỹ thu được kết quả sau:

Có 6 tu sỹ tham gia Hội đồng Nhân dân, chiếm 0,01% số tu sỹ tham gia khảo sát. Trong đó có 4 tu sỹ tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã; 01 tu sỹ tham gia HĐND cấp huyện; 01 tu sỹ tham gia HĐND cấp tỉnh (tỉnh Bình Dương).

Có 21 tu sỹ tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Trong đó có 9 tu sỹ tham gia MTTQVN cấp xã; 5 tu sỹ tham gia MTTQ cấp huyện; 7 tu sỹ tham gia MTTQ cấp tỉnh.

Có 109 tu sỹ nữ tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ. Trong đó có 79 tu sỹ tham gia HLHPN cấp xã; 11 nữ tu tham gia cấp huyện; 19 nữ tu tham gia cấp tỉnh. So với các tổ chức khác, Hội LHPN có số tu sỹ là nữ tu khá đông. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã thu hút được nhiều nữ tu tham gia, sự tham gia của nữ tu vào tổ chức này không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước, ở các tỉnh phía nam, nữ tu tham gia với một tỷ lệ khá đông như: Bến Tre có 36/144 tu sỹ tham gia; Long An có 32/60 tu sỹ tham gia; các tỉnh còn lại có tham gia nhưng với tỷ lệ ít hơn. Ngược lại ở các tỉnh phía Bắc, trong các nữ tu được khảo sát không có nữ tu tham gia mặc dù đây là các tỉnh có đông nữ tu như: Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hoá.

Tổng số tu sỹ tham gia Hội Nông dân là 01 tu sỹ tham gia. Các tu sĩ ngoài việc cầu nguyện và phục vụ ở các xứ, còn tham gia vào làm việc tông đồ xã hội, đối với các nữ tu thì công việc tông đồ thường là tham gia giữ trẻ, dạy học, chỉ một số ít nữ tu tham gia vào sản xuất, trồng trọt.

Tổng số tu sĩ tham gia Đoàn Thanh niên: Có 6 tu sỹ tham gia Đoàn Thanh niên, chiếm 0,01% được khảo sát. Trong đó có 3 tu sỹ tham gia Đoàn Thanh niên cấp xã; 03 tu sỹ tham gia cấp tỉnh.

Tổng số tu sỹ tham gia Uỷ ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG): Có 44 tu sỹ tham gia UBĐKCG. Trong đó có 4 tu sỹ tham gia UBĐKCG cấp xã; 18 tu sỹ tham gia UBĐKCG cấp huyện; 22 tu sỹ tham gia UBĐKCG cấp tỉnh. UBĐKCG là tổ chức thành lập nhằm động viên người Công giáo tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thành viên của Uỷ ban là những chức sắc, tu sỹ, tín đồ Công giáo.

Tính chung cả 25 tỉnh, thành phố trong đợt khảo sát có 8 tỉnh không có tu sỹ tham gia bất kỳ tổ chức chính trị xã hội nào, 6 trong 8 tỉnh thuộc các tỉnh phía Bắc.

2. Một vài suy nghĩ

Đối với một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một số tổ chức tôn giáo thì việc tham gia vào trong các tổ chức chính trị, xã hội cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với các chức sắc, tu sĩ Công giáo khi tham gia đại biểu, thành viên của các tổ chức chính trị, xã hội có nhiều vướng mắc, khó khăn hơn, đó là vấn đề lịch sử, quy định Giáo luật… Bên cạnh đó, một số người không có thiện chí đã tận dụng vấn đề này chỉ trích các linh mục, tu sỹ Công giáo tham gia vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị xã hội nhằm kích động chức sắc, giáo dân Công giáo không tham gia các tổ chức trên, chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, nhằm tác động đến tương quan tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo. Một số cá nhân còn gửi thư hoặc gặp gỡ trực tiếp các Giám mục giáo phận để phản hồi về việc này, với các lý do như sự khác biệt giữa Công giáo với Cộng sản, Công giáo với Chủ nghĩa Mác - Lênin…

Chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ thống các quan điểm triết học, kinh tế và xã hội - chính trị, không chỉ nhằm giải thích thế giới mà còn hướng đến lý tưởng cao cả hơn, đó là cải tạo thế giới, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công để từng con người được phát triển tự do và toàn diện. Về mặt triết học, chủ nghĩa Mác-Lênin phê phán các quan điểm giải thích thế giới dựa trên các thuyết duy tâm hoặc thần bí, nhưng tựu trung không nhằm mục đích đả kích hoặc phủ nhận tôn giáo. Tư tưởng của Mác - Lênin có điểm tương đồng với Chúa Giêsu là hướng tới xây dựng một thế giới công bằng, tự do, bình đẳng và hạnh phúc, xóa bỏ áp bức, bất công, bóc lột, đồng thời chỉ ra cho người lao động con đường đấu tranh để xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, hạnh phúc và tự do, xóa bỏ áp bức và bóc lột ngay trên trái đất này, ngay trong cuộc sống này.

Quả thật, cả thời gian dài từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX một số quan điểm, chỉ dẫn của Tòa thánh nhìn nhận vấn đề Công giáo và Cộng sản có nhiều khác biệt. Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Giáo hội chủ trương đi theo đường hướng đối thoại và nhập thế, canh tân và thích nghi. Giáo hội không ngừng canh tân và cải tổ, hiệp thông trong các lĩnh vực thế tục cũng như các hoạt động tôn giáo... Thông điệp “Pacem in terris - Hoà bình trên thế giới” năm 1963 của Giáo hoàng Gioan XXIII, khai mở một hướng đi mới cho cuộc đối thoại giữa Công giáo và Cộng sản… Trong thế kỷ XXI, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã và đang thúc đẩy việc xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo hội tại châu Á. Để xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo hội tại lục địa này, trước hết phải làm sao xây dựng Giáo hội thực sự trở thành một giáo hội địa phương, một Giáo hội ăn sâu vào thực tại đời sống của các dân tộc Á châu “một Giáo hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo hội bản địa, một Giáo hội hội nhập trong một nền văn hóa”...

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng được cập nhật, vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh cụ thể của tình hình tôn giáo ở Việt Nam nên không bị dập khuôn, giáo điều và cứng nhắc. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định: Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Hệ thống chính sách pháp luật về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện phù hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với Tòa thánh ngày càng phát triển tốt đẹp. Trong quan hệ với Tòa thánh Vatican, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí, mong muốn thúc đẩy quan hệ trên tinh thần đối thoại, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, trách nhiệm của Tòa thánh với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Năm 2013 Giáo hoàng Bênêdictô XVI tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, báo chí Tòa thánh khẳng định “đây là lần đầu tiên một vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Giáo hoàng và các vị lãnh đạo cấp cao của Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh”. Giáo hoàng Bênêdictô XVI, Giáo hoàng Phanxicô tiếp các vị Lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong các cuộc tiếp hai vị Giáo hoàng đã phát biểu chỉ dẫn người Công giáo Việt Nam gắn bó với đất nước, người Công giáo tốt cũng là công dân tốt, người Công giáo có trách nhiệm xây dựng đất nước; Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc…Những chỉ dẫn của hai vị Giáo hoàng đã tác động rất lớn đến chức sắc, giáo dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho chức sắc, giáo dân Công giáo theo đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Hơn nữa, với thực tế thể chế của Nhà nước Việt Nam, các vị linh mục, tu sĩ khi tham gia các tổ chức chính trị xã hội đều được trực tiếp tham gia vào các hoạt động của các tổ chức trên trong bầu khí tự do, dân chủ thực sự. Giáo huấn của Tòa thánh chỉ dẫn Giáo hội không đưa ra những giải pháp chính trị cụ thể, lại càng không phải là giải pháp duy nhất đối với những vấn đề thế tục ở các quốc gia, mà tùy theo bối cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế, kỹ thuật và văn hóa nhất định ở quốc gia đó để mang lại lợi ích mang tính xã hội và nhân văn.

Với sự dấn thân, đồng hành cùng dân tộc của các chức sắc, tu sĩ trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, với những đóng góp của các linh mục, tu sĩ khi tham gia các tổ chức chính trị, xã hội đã tham gia, đóng góp để xây dựng đất nước, đồng thời qua đó chuyển tải giá trị tôn giáo của Công giáo với xã hội. Thực tế lịch sử cũng cho thấy rất nhiều vị chức sắc, tu sĩ đã làm tròn hai vai với với dân tộc và tôn giáo, trách nhiệm của người công dân và vai trò chức sắc, tu sĩ tôn giáo. Có thể khẳng định rằng khi tham gia đại biểu các tổ chức trên, các vị linh mục, tu sĩ không nằm ngoài mong muốn cùng góp phần vào công việc của đất nước, xây dựng đất nước, xã hội, Giáo hội phát triển bền vững, thăng tiến về mọi mặt, mong muốn tất cả mọi người được ấm no, bình an và hạnh phúc./.

Đào Thị Đượm

Tài liệu tham khảo:

1. Niên Giám chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa XIV, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2017.

2. Báo cáo tổng quan khảo sát thực trạng dòng tu ở Việt Nam, Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2007.

3. Hiệp thông số 71, Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2012.