Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo: điểm nhấn trong chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 06/09/2022
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Mỗi tôn giáo có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tôn giáo không chỉ là một thành tố cấu thành của văn hóa, góp phần lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà hiện nay, đồng bào các tôn giáo ngày càng thể hiện vai trò rõ nét, đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, góp phần phát triển đất nước.

Với những nét giao thoa như vậy, cùng tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa diễn ra tại TP. HCM đã để lại nhiều dư âm và tình cảm tốt đẹp trong lòng chức sắc, chức việc tôn giáo; là dịp để đại diện các tổ chức tôn giáo thể hiện nguyện vọng chung tay đóng góp xây dựng quê hương, đất nước và khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo.

Niềm vui khi được diện kiến người đứng đầu Chính phủ của chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo

Chia sẻ với phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ sau Hội nghị, Chánh Phối sư Thượng Phong Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên cho biết, “Chúng tôi hết sức vui mừng khi nhận được lời mời của Ban Tôn giáo Chính phủ tham dự Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ. Đạo Cao Đài được phát triển như hôm nay, là nhờ vào chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và sự nỗ lực của toàn thể đồng bào đạo Cao Đài. Các đại biểu chức sắc tham dự Hội nghị là minh chứng cho tinh thần đoàn kết tôn giáo, sự quan tâm của Nhà nước đối với tôn giáo Cao Đài”.

Chánh Phối sư Thượng Phong Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi thật là vui mừng vì Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến tích cực và xây dựng của Nhân dân để phát triển đất nước trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho thấy, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đã rất coi trọng, quan tâm và thực sự muốn nghe các tôn giáo nói. Đồng bào tôn giáo và có tín ngưỡng phấn khởi”.

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đình Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo là sự khích lệ để các tôn giáo cam kết dấn thân, hành động nhiều hơn nữa nhằm đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước, bởi những đóng góp của các tổ chức tôn giáo được chính quyền ghi nhận, quan tâm và hỗ trợ hiệu quả.

“Thay mặt Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sáng kiến tổ chức Hội nghị, một không gian để Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một nhu cầu mà theo giáo lý Baha’i là vô cùng thiết yếu trong việc cộng tác để xây dựng nền văn minh cả vật chất lẫn tinh thần”, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Đình Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam

Diễn ra vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022), Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương các tổ chức tôn giáo đã có nhiều thành tích và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời là dịp để đại diện các tổ chức tôn giáo trao đổi những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, trình bày những đề xuất, kiến nghị đầy tâm huyết và trách nhiệm với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo để cùng nhau xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Khẳng định chính sách nhất quán về tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước xác định ba trụ cột trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đó là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời xác định ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử và tinh thần đại đoàn kết dân tộc) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, trong đó xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất, đạo đức con người Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, của việc phát huy sức mạnh nội sinh trong việc hướng tới các mục tiêu chiến lược đó. Trong đó, tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến xây dựng của đồng bào các tôn giáo để phát triển đất nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, nỗ lực tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần ghi nhận tôn giáo là nguồn lực xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý ổn định để các tổ chức tôn giáo hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, tham gia các hoạt động quốc tế, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Tại Hội nghị, những kiến nghị của đại diện các tổ chức tôn giáo đã được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng lng nghe, nỗ lực tạo ra các điều kiện phù hợp để huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Thủ tướng đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, chức năng liên quan tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, nhằm phát huy mọi nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước; tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo. Giao Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ tập hợp các tham luận, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tham dự Hội nghị; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên, chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tôn giáo bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn của đất nước; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách về tôn giáo; các tôn giáo tiếp tục hành động góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đánh giá về chính sách pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, ông Đinh Thanh Hùng, Tổng Quản nhiệm Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam cho rằng, việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, với giá trị cốt lõi là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, cho thấy Chính phủ thực sự quan tâm và mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của cộng đồng. Hội thánh của ông là tổ chức đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực. Bên cạnh giáo lý Phúc âm, Luật đã hỗ trợ ông và các cộng sự trong việc hoạch định đường hướng tổ chức và hoạt động của Hội thánh theo hướng phát triển ổn định, vững mạnh, toàn diện.

Ông Đinh Thanh Hùng, Tổng Quản nhiệm Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam nêu ý kiến, theo nghiên cứu khảo sát của chương trình phát triển UNDP, người dân Việt Nam đồng thuận, ủng hộ chính sách chống dịch Covid-19 của Chính phủ.

“Chúng tôi rất cảm động khi thấy trên các phương tiện truyền hình, Thủ tướng với chiếc áo sơ mi ướt đẫm mô hôi đến tận các bệnh viện dã chiến thăm hỏi và khích lệ nhân viên y tế và đồng bào. Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức tôn giáo đã chấp hành việc giãn cách xã hội, mặc dầu nhiều cơ sở tôn giáo phải đóng cửa, nhưng để phòng tránh dịch bệnh, mọi người phải chọn biện pháp tốt nhất, vì sức khoẻ và sinh mạng con người là trên hết.

Chúng tôi cũng cảm ơn Đảng và Chính phủ đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo đã tận tụy với chức vụ và giải quyết nhiều nan đề không quản ngại khó khăn”, Mục sư Trần Thanh Truyện chia sẻ.

Chia sẻ về những đóng góp của của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Nguyễn Huy Diễm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho biết, trong nhiệm kỳ IV (2014 - 2019), toàn đạo đạt kết quả hoạt động từ thiện xã hội 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 100 lần so với nhiệm kỳ I (1999 - 2004). Con số này trong nửa đầu nhiệm kỳ V (2019 - 2024) đã đạt hơn 1.300 tỷ.

“Có được thành quả trên là nhờ chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo ngày càng thông thoáng, sự giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ngành liên quan”, đại diện Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo khẳng định.

Ông Nguyễn Huy Diễm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

Đại biểu Tôn giáo Baha’i Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thỏa bày tỏ niềm hân hoan và vinh dự được đóng góp vào nền văn minh tinh thần và vật chất cho đất nước, góp phần vào thành tựu phát triển chung của quốc gia trong thời gian qua, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i cũng gửi lời chúc mừng đến Thủ tướng và các nhà Lãnh đạo đất nước khi Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ ngày 13/9 tới đây.

Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước

Tại Hội nghị, đại biểu các tôn giáo trong phát biểu đều đề cập tới yếu tố con người ở các khía cạnh khác nhau, điều này phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và khẳng định tinh thần đại đoàn kết.

Tham luận của đại biểu cũng nêu ra kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các tổ chức tôn giáo trong sinh hoạt tôn giáo và tham gia các hoạt động xã hội; đề xuất với Chính phủ các chính sách để tôn giáo có thể tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực thế mạnh như y tế, giáo dục, từ thiện xã hội và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm mạnh và hạn chế của tổ chức mình, chia sẻ những tồn tại, vướng mắc trong đời sống đạo và bày tỏ nhu cầu, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương trong công tác tổ chức giáo hội và triển khai các chương trình đạo sự.

Trong bức tranh đa dạng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, mỗi tổ chức tôn giáo đều thể hiện sự khiêm tốn khi nhận về mình những thành tích đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đời sống của một bộ phận đồng bào có đạo còn khó khăn, sinh sống bằng nông nghiệp nhỏ lẻ hoặc tại những nơi hạ tầng giao thông chưa phát triển, bình quân thu nhập đầu người trong vùng còn thấp, áp dụng khoa học, kỹ thuật và phương thức làm ăn tiến bộ, hợp thời đại phát triển còn hạn chế... Do đó, việc khai thác nguồn lực của các tôn giáo để đóng góp cho an sinh xã hội còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Mặc dù vậy, những khó khăn trước mắt không cản trở quyết tâm của các tổ chức tôn giáo trong mục tiêu hành động, dấn thân, phụng sự vì sự phát triển và văn minh của đất nước, hạnh phúc của đồng bào.

Những cam kết dấn thân, phụng sự cho lý tưởng tốt đời, đẹp đạo được Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo nêu ra tại Hội nghị. Các mục tiêu đóng góp vì cộng đồng, chung tay bảo đảm an sinh xã hội được nhắc tới. Nhiều chương trình hành động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các tổ chức tôn giáo thể hiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó là các hoạt động xây dựng xã hội, kết nối cộng đồng, bồi dưỡng, đồng hành cùng giới trẻ cũng được đề ra trong công tác nhiệm kỳ của từng tổ chức; đều thể hiện tiếng nói quyết tâm của các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tôn giáo, chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã và đang tạo động lực mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các tôn giáo, thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tập hợp được sức mạnh to lớn của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

Lam Giang