Đồng bào Công giáo thành phố Đà Nẵng sống tốt đời, đẹp đạo theo tinh thần Thư Chung 1980 và chỉ dẫn của Giáo hoàng Phanxicô
Ngày đăng: 20/12/2024
Ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng ban Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng
Trong những năm qua cùng với đồng bào các tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng bào Công giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người Công giáo “Đồng hành cùng dân tộc”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố, thể hiện rõ nét đường hướng hành đạo của Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và chỉ dẫn sâu sắc về đời sống đức tin của người Ki-tô giáo và trách nhiệm của người Ki-tô hữu đối với xã hội, đất nước của Giáo hoàng Phanxicô trong thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ngày 08/9/2023. Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng ban Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng về những đóng góp của đồng bào Công giáo Đà Nẵng sống tốt đời đẹp đạo theo tinh thần Thư chung 1980 và chỉ dẫn của Giáo hoàng Phanxicô. Trân trọng gửi đến độc giả nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên:

Thưa ông xin ông cho biết tình hình tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng tại thành phố Đà Nẵng hiện nay?

* Ông Nguyễn Cao Cường:

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (tính cả huyện đảo Hoàng Sa) và 56 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn thành phố hiện nay là 1.134.310 người thuộc 29 thành phần dân tộc, trong đó có 28 thành phần dân tộc thiểu số.

Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở vị trí trung độ của đất nước (cách Hà Nội 764 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam), phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông, có vị trí trọng yếu về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ chính vươn ra biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, Đà Nẵng có bãi biển đẹp được xếp vào một trong 5 bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhiều danh thắng, di tích lịch sử… là tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để du nhập và phát triển các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều tôn giáo đã có mặt trên địa bàn thành phố từ rất sớm, như: Phật giáo vào Đà Nẵng khoảng thế kỷ XV, Công giáo (1615), Tin Lành (1911); Đạo Cao Đài xây dựng Thánh thất vào năm 1938; đạo Minh sư có mặt ở Đà Nẵng vào năm 1964…

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 09 tổ chức tôn giáo thuộc 06 tôn giáo hợp pháp, với 205 cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo, công trình chuyên dùng, 1.111 chức sắc, nhà tu hành, 1.301 chức việc, gần 150.000 tín đồ các tôn giáo; ngoài ra, còn có 02 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài, 08 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các hệ phái Tin Lành và 02 địa điểm của Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt.

Được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua diễn ra sôi động, với các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự như: Lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu lan báo hiếu, lễ Phật đản của Phật giáo; lễ Phục sinh, Giáng sinh của Công giáo, Tin Lành; lễ Thánh đán Đức chí tôn của Cao Đài, các đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo… Các lớp đào tạo, bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo, thần học, giáo lý để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tôn giáo được mở hàng năm. Việc cấp đất để xây dựng, tu sửa các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi (tính đến nay, hơn 90% cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo của các tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); nhiều cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo được cấp phép sửa chữa, xây mới khang trang, đẹp đẽ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của quần chúng Nhân dân theo tôn giáo. Không chỉ có thế, thành phố còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với bên ngoài được thuận lợi, đã có nhiều chức sắc, chức việc các tôn giáo thành phố tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam đến thành phố Đà Nẵng hoạt động tôn giáo, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được thành phố tạo điều kiện tổ chức thành công như: Lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành truyền vào Việt Nam thu hút hàng chục nghìn lượt người trong và ngoài nước đến Đà Nẵng, được chính quyền thành phố tạo điều kiện cho sử dụng Cung thể thao Tiên Sơn để làm địa điểm tổ chức; Lễ kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng, 50 năm thành lập Giáo phận Công giáo Đà Nẵng tham dự lễ có đại diện không thường trú Tòa thành tại Việt Nam, gần 200 Linh mục, tu sĩ và khoảng 7000 giáo dân; Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK)...

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Công giáo là tôn giáo lớn thứ hai sau Phật giáo. Giáo phận Đà Nẵng được thành lập ngày 18/01/1963 bằng việc Giáo hoàng Gioan XXIII ra sắc chỉ “In Vitae Naturalis Similitudinem” thiết lập Giáo phận Đà Nẵng được tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn, bao gồm địa giới thị xã Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Tín (nay là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam). Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn được bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đầu tiên.

Đối với dòng tu Công giáo: trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 06 dòng tu Công giáo (05 dòng tu nữ, 01 dòng tu nam) đang hoạt động tôn giáo ổn định. Các dòng tu nữ gồm: Dòng thánh Phaolô thành Chartres – Tỉnh dòng Đà Nẵng: 12 cộng đoàn, 02 cơ sở chuyên dùng, 177 nữ tu; Dòng Mến thánh giá Quy Nhơn: 02 cộng đoàn, 10 nữ tu; Dòng Mến thánh giá Huế: 04 cộng đoàn (02 cộng đoàn chưa đăng ký thành lập), 10 nữ tu;  Dòng Con Đức Mẹ đi viếng Huế (Bãi Dâu): 02 cộng đoàn (01 chưa đăng ký thành lập), 06 nữ tu; Dòng Con Đức Mẹ vô nhiễm Huế (Phú Xuân): 01 cộng đoàn, 05 nữ tu. Dòng tu nam: Cộng đoàn Đa Minh Đà Nẵng: 05 tu sĩ (được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận cho thành lập năm 2019). Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 53 cơ sở thờ tự (37 cơ sở thuộc Giáo phận Đà Nẵng; 16 cơ sở thuộc các dòng tu), 11 cơ sở chuyên dùng (08 thuộc Giáo phận Đà Nẵng, 03 thuộc dòng Phaolô) ; 31 giáo xứ, 02 giáo họ, 19 cộng đoàn (18 cộng đoàn dòng tu nữ, 01 cộng đoàn dòng tu nam); 63 chức sắc, 15 chủng sinh, 199 tu sĩ, 48.154 giáo dân.

Nhìn chung, tình hình tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cơ bản ổn định; các tổ chức tôn giáo đều hoạt động theo đúng Hiến chương, Điều lệ của giáo hội; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ trên địa bàn thành phố gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

* Phóng viên:

 Đồng bào Công giáo thành phố thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo” xây dựng và phát triển thành phố. Xin ông cho biết những việc làm trên của Công giáo thành phố Đà Nẵng?

* Ông Nguyễn Cao Cường:

Trong Huấn từ và Sứ điệp của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Thông điệp này thể hiện rõ ràng trách nhiệm của tất cả các thành phần giáo dân là sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, đồng bào Công giáo cũng như tất cả người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đối với đồng bào Công giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm qua với tinh thần của người Công giáo Việt Nam: “Đoàn kết, đổi mới, phát triển, hiệp thông với giáo hội và đồng hành cùng dân tộc” và đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào giáo dân trên địa bàn thành phố đã hăng hái thi đua phát triển kinh tế, đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Các phong trào: “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói giảm nghèo”, “thành phố 5 không, 3 có”, “Đà Nẵng chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở từng địa phương được đồng bào Công giáo tích cực tham gia.

Thời gian qua, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo. Cuộc vận động đã được cụ thể hóa thành các phong trào ở các xóm đạo, họ đạo, như: “khu dân cư sống tốt đời đẹp đạo”, “Giáo xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo hạnh phúc, gương mẫu, người giáo dân tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, xóm làng yên vui”…, các phong trào đã thực sự đi vào đời sống của người Công giáo và thu được những kết quả đáng khích lệ: 100% giáo xứ, nhà thờ, họ đạo và hơn 90% gia đình có đạo hưởng ứng các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đề ra, trong đó có 95% gia đình Công giáo được bình chọn gia đình văn hoá nhiều năm liền. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các giáo xứ, họ đạo đã có những việc làm cụ thể như: phong trào “Giáo xứ, họ đạo không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”…, nhiều khu dân cư có đông bà con giáo dân đã trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tiêu biểu như: Khu chung cư Hoà Minh, các khu dân cư Công giáo trên địa bàn xã Hoà Sơn, Hoà Ninh, khu dân cư giáo họ Gioan B giáo xứ Gia Phước, khu dân cư số 13 giáo xứ Nhượng Nghĩa, khu dân cư số 48 giáo xứ Nội Hà, khu dân cư Quang Thành 3a giáo xứ Hoà Khánh, cơ sở giáo dục văn hoá của Dòng Phao lô Đà Nẵng; gần 100% thanh niên Công giáo trong độ tuổi đều tham gia đăng ký đi khám và thực hiện nghĩa vụ quân sự…

 Nhiều chương trình xã hội khác do các cấp chính quyền phát động, cũng đã được các chức sắc, tín đồ Công giáo hưởng ứng tham gia như: “Dự án tăng cường khả năng đáp ứng của các tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS” với sự ra đời 02 Ban Điều phối Phật giáo và Công giáo do các chức sắc của Phật giáo và Công giáo điều hành; chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình “Thành phố 4 an”, giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối với người khuyết tật, chương trình hiến máu tình nguyện. Qua kênh vận động của chính quyền, đoàn thể các cấp, các chủ trương của thành phố như Chỉ thị 43-CT/TU về thực hiện năm văn hóa văn minh đô thị, Chương trình “thành phố 4 an”… đã được triển khai đến các tổ chức tôn giáo và bà con tín đồ; Những năm qua các tổ chức tôn giáo đã cùng ký kết với Mặt trận thành phố và Sở Tài nguyên Môi trường, Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2016-2020 và 2020-2025).… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay dưới sự chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Liên hoan văn nghệ các tôn giáo thành phố đã được tổ chức, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo các chức sắc, tín đồ tôn giáo toàn thành phố (trong đó có Công giáo), liên hoan văn nghệ đã thực sự trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, hòa hợp của các tôn giáo trong sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng.

Về thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị của thành phố: Đây được xem là một chủ trương lớn đòi hỏi phải có sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân toàn thành phố trong đó có đồng bào các tôn tôn giáo. Các chức sắc, chức việc đã động viên bà con tín đồ các tôn giáo ủng hộ và chấp hành chủ trương của thành phố, đã tạo được sự đồng thuận giữa Nhân dân với chính quyền các cấp, hạn chế được tối đa đơn khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đất đai, điển hình trong việc chấp hành tốt chủ trương giải tỏa của thành phố là các nhà thờ Hòa Khánh (Liên Chiểu), Lao Công, An Hải (Sơn Trà), Tam Tòa (Thanh Khê) và bà con giáo dân các tuyến đường Quốc lộ 1A, đường Nguyễn Tất Thành, đường Ngô Quyền, nhà thờ Thanh Đức, An Thượng đã giải tỏa trên 2000m2… Bên cạnh đó, tại một số điểm nóng về đất đai như Hòa Khánh, Hòa Sơn, Cồn Dầu, … các giáo dân đã thấy được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển chung của thành phố cũng như đối với đạo, từ đó mà có những hành động phù hợp, đúng pháp luật và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, thời gian.

Trong phát triển kinh tế: Các mô hình giúp nhau làm kinh tế của các cựu chiến binh là người Công giáo tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú. Các mô hình chăn nuôi trang trại đang phát triển của giáo dân xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang… Những mô hình phát triển kinh tế đã và đang triển khai không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương mà còn cỗ vũ, động viên tinh thần làm giàu chính đáng của đồng bào Công giáo.

* Phóng viên:

Thưa ông! Các chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo đã tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện, nhân đạo ở thành phố Đà Nẵng như thế nào?

* Ông Nguyễn Cao Cường:

Các chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu của Công giáo đã thể hiện tinh thần gắn kết giữa đạo và đời, tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận, các hội, đoàn thể các cấp như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ…, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc và phát triển của thành phố.

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, số chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 04 cấp (Trung ương, thành phố, quận, huyện và phường, xã) là 37 vị, cụ thể: cấp Trung ương: 01 vị linh mục; cấp thành phố: 02 vị (01 linh mục, 01 nữ tu); cấp quận: 10 vị (01 nữ tu và 09  vị chức việc và giáo dân tiêu biểu); cấp xã, phường: 24 vị (chức việc và giáo dân tiêu biểu).

Về Ủy ban đoàn kết Công giáo: hiện nay, toàn thành phố có 02 linh mục và 01 giáo dân tham gia Ủy Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (01 linh mục Phó Chủ tịch Thường trực, 01 linh mục ủy viên và 01 giáo dân là ủy viên - Phó trưởng Ban Phong trào); 84 linh mục, nữ tu và giáo dân tham gia Ủy Ban đoàn kết Công giáo cấp thành phố và cấp quận, huyện (trong đó có 09 linh mục, 04 nữ tu, 71 giáo dân). Hoạt động của Ủy Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong đi đầu trong việc phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” gắn với chương trình “5 không, 3 có” của thành phố và 9 nội dung thi đua xây dựng “Giáo xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu, người giáo dân tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố… nhiều giáo xứ đã tích cực hưởng ứng phong trào do UBĐKCG thành phố phát động thi đua như: giáo xứ Phú Thượng, giáo xứ Cồn Dầu, giáo xứ An Hòa, giáo xứ Hòa Khánh. Với ý nghĩa sâu sắc và tính lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, phong trào đang ngày càng được đánh giá cao và dự kiến được phát động tại nhiều giáo xứ khác trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đã có 19 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp (trong đó, Công giáo 09 vị); kết quả 09/9 vị trúng cử.

Cùng với việc tích cực tham gia vào các các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo thành phố cũng đã hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động tích cực trong lĩnh vực bác ái, từ thiện nhân đạo. Điển hình là hoạt động của Ban bác ái, xã hội – CARITAS của Giáo phận Đà Nẵng hoạt động trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo và đã có những đóng góp đáng kể trong công tác từ thiện nhân đạo. Các chương trình, dự án bác ái, xã hội được thực hiện như: Chương trình xây dựng căn nhà đồng tâm; giếng nước sạch; phát xe lăn cho người khuyết tật nghèo, lắp chân tay giả cho người khuyết tật; mổ mắt bằng phương pháp phaco cho người nghèo khuyết tật, khám bệnh miễn phí, nồi cháo tình thương…

Đặc biệt, thành phố tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các cộng đoàn dòng tu nữ Công giáo trên địa bàn thành phố mở trường mẫu giáo, nhà trẻ, mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật... hoạt động từ thiện bảo trợ người già neo đơn theo đường hướng hoạt động của dòng tu: Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo của các tổ chức tôn giáo có tổng số 24 cơ sở, trong đó: Có 18 cơ sở giáo dục thuộc các dòng nữ tu Công giáo gồm: 16 cơ sở mầm non tư thục (trong đó có 08 trường mầm non và 08 nhóm lớp mầm non). 01 trường chuyên biệt của Dòng thánh Phaolô đang chăm sóc và đào tạo nghề, hướng nghiệp cho khoảng 200 trẻ em khuyết tật (đa phần là các trẻ mắc bệnh tự kỷ, trẻ khiếm thị, khiếm thính). Ngoài ra, Tòa Giám mục Đà Nẵng hiện nay đang tiến hành xây dựng Trường trung cấp nghề DonBosco tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ để đào tạo nghề cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số không phân biệt tôn giáo, với nguồn vốn huy động đầu tư từ các nhà hảo tâm. Trong lĩnh vực y tế có 02 phòng khám Tây y thuộc dòng thánh Phaolô Đà Nẵng. Trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo có 01 cơ sở - Trung tâm Mái ấm tình thương của Tỉnh dòng Phaolô Đà Nẵng hiện đang nuôi dưỡng 30 cụ già neo đơn.

Các hoạt động y tế, giáo dục, nhân đạo từ thiện của các các tổ chức tôn giáo (trong đó có Công giáo) đã thể hiện tính từ bi, bác ái, giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, khơi dậy được tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sống tốt hơn, đã huy động được nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để góp phần chia sẻ cùng với chính quyền và Nhân dân thành phố trong công tác an sinh xã hội.

Tóm lại, có thể thấy, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua, đồng bào Công giáo đã gương mẫu trong đức tin, làm tròn bổn phận “Ki-tô hữu tốt và là công dân tốt”, đúng theo đường hướng hành đạo trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và những chỉ dẫn sâu sắc của Giáo hoàng Phanxicô trong thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam về đời sống đức tin, trách nhiệm của người Ki-tô hữu đối với xã hội, đất nước, đã và đang thực hiện lời dạy của Thiên Chúa: “Nhập thế làm người”, không chỉ là những đóa hoa trọn vẹn của đức tin mà những người Công giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thực sự là những đóa hoa làm đẹp cho đời sống của mọi người bằng những việc làm cụ thể qua việc hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hăng say lao động, sản xuất, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng, phát triển chung thành phố Đà Nẵng.

* Phóng viên:

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn, kính chúc Ông luôn mạnh khỏe và hạnh phúc./.