Đôi điều suy nghĩ về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam từ góc nhìn của việc tổ chức hoạt động lễ hội văn hóa, tâm linh
Ngày đăng: 07/02/2025
Ở nước ta, hằng năm, có gần 9.000 lễ hội, với nhiều loại hình như: lễ hội truyền thống (lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng), lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, lễ hội văn hóa, thể dục thể thao và du lịch. Trong đó, lễ hội dân gian có số lượng nhiều nhất, tiếp theo là lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng... Nhìn chung, những thập niên gần đây, các lễ hội diễn ra sôi động, vui tư¬ơi, lành mạnh trên khắp mọi miền đất nư¬ớc¬. Các lễ hội này được tổ chức ở nhiều mức độ khác nhau, từ quy mô nhỏ làng, xã đến huyện, tỉnh; không ít lễ hội mang tầm quốc gia. Qua nghiên cứu, khảo sát thấy rằng, đa số các lễ hội dù ít hay nhiều đều gắn với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng.
Lễ hội truyền thống (lễ hội dân gian và lễ hội lịch sử cách mạng) thường gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước và gắn với tên tuổi của những vị Anh hùng có công với dân, với nước như huyền thoại Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Thục Phán An Dương, hoặc gắn liền với những danh thắng nổi tiếng như lễ hội chùa Hương (được gọi là thắng cảnh đẹp nhất trời Nam)… Lễ hội truyền thống thường hướng con người tới cội nguồn tự nhiên, cội nguồn dân tộc. Đó là sự trở về với lịch sử dân tộc. Lễ hội không phải của một cá nhân mà là của một nhóm người, của cộng đồng. Trong lễ hội Việt Nam thì cộng đồng tiêu biểu nhất là cộng đồng làng. Trong môi trường lễ hội của làng phát triển lớn dần lên trở thành một vùng, rồi có lễ hội đã trở thành Quốc lễ như lễ hội Đền Hùng. Trong lễ hội mọi người cố kết với nhau làm nên sức mạnh của cộng đồng. Điều này có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước những năm qua.
Với lễ hội tôn giáo, là loại hình lễ hội có nghi thức, lễ tiết được quy định rất chặt chẽ như: lễ hội Phật đản, lễ cầu siêu, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh và các lễ hội tôn giáo khác. Các lễ hội tôn giáo phần lớn gắn với các cơ sở tôn giáo, danh lam thắng cảnh như các nhà thờ, các chùa, thánh đường, cơ sở thờ tự... Trong việc tổ chức lễ hội, các giáo hội, chức sắc đã chú trọng giới thiệu ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị của di tích (cơ sở) tôn giáo đồng thời tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, đáp ứng được nhu cầu tâm linh, nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và tham quan du lịch của du khách. Cũng như các hoạt động khác, lễ hội tôn giáo được tổ chức ở nhiều địa phương, tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Các lễ hội đó đảm bảo tuân thủ pháp luật, có tác dụng hướng giáo dân thực hiện lẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu Nước”.
Một điểm đáng chú ý là, tại những lễ hội này, vai trò chủ thể của chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân được phát huy cao độ trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội. Chính quyền không những không ngăn cản mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép tổ chức lễ hội và đứng ra bảo đảm trật tự trị an, trông giữ phương tiện giao thông cho bà con đi lễ. Những ai đã từng dự lễ hội La Vang của Công giáo ở Quảng Trị thấy rằng, quy mô lễ hội lớn, có đến cả trăm nghìn người. Thế nhưng cách thức tổ chức của lễ hội rất khoa học từ trang trí, dẫn chương trình đến sắp xếp đội hình những người đi lễ. Điều đáng chú ý là, ý thức của người đi lễ rất trang nghiêm, trật tự, không chen lấn, xô đẩy. Ngay cả khâu giữ gìn vệ sinh nơi lễ hội cũng được mọi người thực hiện một cách tự giác. Đây là nét đẹp trong tổ chức lễ hội. Hay ngày đại lễ Phật đản của Phật giáo, trong ngày lễ này các cơ sở thờ tự trên khắp cả nước đều tổ chức trọng thể, trang nghiêm. Nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức biểu diễn văn nghệ, nghi lễ dâng hương, dâng hoa cúng dường Đức Phật, nghi lễ tắm Phật, cầu nguyện. Đây là dịp tín đồ, người dân ôn lại lịch sử và những lời dạy tốt đẹp của Đức Phật, đồng thời, thông qua thực hành những giáo lý nhà Phật là dịp để các tăng ni, phật tử thể hiện lòng biết ơn, thành kính đối với Đức Phật. Từ đó, sống có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương, giúp đỡ nhau và cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hạnh phúc. Cách thức tổ chức các lễ hội của các tôn giáo khác như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tôn giáo Baha’i, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa… cũng tương tự như vậy. Trong những dịp lễ hội như thế, đại diện cho lãnh đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc ở địa phương và Trung ương đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.
Thực tế nêu trên là bằng chứng sinh động phản bác lại các luận điệu xuyên tạc sự thật của những phần tử thù địch ở một số quốc gia không thân thiện với Việt Nam. Chúng vẫn thường rêu rao: ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam đàn áp tôn giáo; chính quyền can thiệp, ngăn cấm các hoạt động lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo… Thực tế cho thấy, các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và các tôn giáo ở Việt Nam nhiều năm qua luôn được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Người đứng ra tổ chức các lễ hội đều là chức sắc, chức việc, tín đồ, Nhân dân. Họ vừa là người chủ trì tổ chức, được tự chủ, tự do trong các hoạt động lễ hội, đồng thời là người được thụ hưởng những giá trị tinh thần của các lễ hội đó. Các cấp chính quyền luôn tôn trọng đức tin và các hoạt động đó của các chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân; chưa bao giờ ngăn cấm hay đàn áp các hoạt động đó. Điều ấy cho thấy rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền con người của mọi người dân. Đây là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thực tế.
Những thành tựu đạt được trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam là không thể bị phủ nhận. Vì vậy, mỗi người Việt Nam cần tỉnh táo nhận diện và đấu tranh chống lại mọi âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của những phần tử xấu gây chia rẽ và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức cùng toàn dân thực hiện bằng được mục tiêu và lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và dân tộc ta đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Ngọc Huyền