Mối quan hệ giữa khoan dung tôn giáo và đoàn kết hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 23/01/2025
Việt Nam là một quốc gia có lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước hết sức vẻ vang, có đặc trưng vị trí địa lý là một dải đất hẹp, chạy dài theo bờ biển, khí hậu, tài nguyên nhiệt đới có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và an ninh - quốc phòng. Bên cạnh nhiều mặt thuận lợi do thiên tai ưu đãi, người Việt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, đó là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như hạn hán, bão lụt,… và sự xâm lược của các thế lực ngoại bang lớn mạnh. Cuộc đấu tranh chinh phục cải tạo tự nhiên như đắp đê, trị thủy và đấu tranh chống ngoại xâm đã tạo nên những giá trị tinh thần cao quý. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tính cố kết cộng đồng chặt chẽ, ý chí độc lập tự chủ, lòng dũng cảm, đức tính cần cù, sáng tạo, năng động và lạc quan,…

 Trong các giá trị truyền thống đó, truyền thống đoàn kết gắn bó của dân tộc được thể hiện một cách tập trung và nổi bật nhất, nó trở thành giá trị bền vững, ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc, luôn được gìn giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc. Người đã khái quát thành chân lý: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Từ truyền thống tốt đẹp đó, Người đã rút ra bài học: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong khối đại đoàn kết đó, Người sớm ý thức rằng, đồng bào tôn giáo chiếm một vị trí quan trọng.

Đặc điểm khoan dung trong tôn giáo Việt Nam cũng là cơ sở quan trọng để hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng. Hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa cũng như phương thức sản xuất khác nhau đã quy định tâm thức tôn giáo của người Việt Nam khác tâm thức của người phương Tây. Người Việt Nam có khả năng tiếp biến rất cao văn hóa ngoại sinh. Từ Nho giáo, Phật giáo đến Công giáo,… khi vào Việt Nam đều bị bản địa hóa thông qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Vì thế, cách tiếp cận tôn giáo ở Việt Nam thường không theo con đường cạnh tranh hoặc đối kháng. Giữa các tôn giáo, tín ngưỡng có tính đan xen, hòa đồng và thường diễn ra thông qua sự tồn tại để thích ứng, tích lũy và đào thải dần những cái không phù hợp. Đó là sự khoan dung giữa tôn giáo dân tộc với tôn giáo ngoại nhập. Đặc điểm đó đã phản ánh đúng tâm thức tôn giáo của người Việt Nam, đồng thời là cơ sở để nước ta tồn tại nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Trong bối cảnh ấy, việc thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết các tôn giáo lại với nhau để cùng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cực kỳ quan trọng và cần thiết, trở thành nhu cầu tồn tại và chấn hưng đất nước.

Khoan dung và hòa hợp là thái độ lấy lòng tốt mà ứng xử, bao dung, công bằng với sự vật, cộng đồng, khách thể. Ở đây, không bàn đến văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh mà bàn đến nét chủ đạo trong ứng xử của Hồ Chí Minh đối với tôn giáo và dân tộc đó chính thái độ khoan dung và gắn kết hòa hợp.  

Ở vị trí một người có trách nhiệm tối cao của quốc gia, Hồ Chí Minh đã sớm thấy được vai trò quan trọng của công tác tôn giáo. Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945, Người đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Người chỉ ra mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, chỉ khi có độc lập dân tộc thì mới có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng để có điều đó thì phải đặt tôn giáo trong tổng thể quốc gia dân tộc. Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người dân đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”.

Nhân ngày lễ Giáng sinh, 25/12/1945, Hồ Chí Minh với cương vị Chủ tịch nước đã gửi thư tới đồng bào Công giáo Việt Nam, Người đã đề cập đến tinh thần của Chúa Giê-su và nguyện vọng đoàn kết: “Cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giê-su ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hi sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh cho đến nay, đã gần hai nghìn năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, ngấm vào đã sâu.

Cũng trong một bức thư gửi đồng bào nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, Người viết: “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”. Năm 1947, vào ngày Rằm tháng Bảy Bác Hồ đã viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “... Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”.

Từ khoan dung tôn giáo để đi đến đoàn kết hòa hợp dân tộc, vì lợi ích chính đáng của dân tộc, mà trước hết là để thực hiện nhiệm vụ tối cao là giải phóng dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, đó là việc chung của toàn thể dân chúng chứ không phải việc của một, hai người. Vì vậy, phải đoàn kết tập hợp các lực lượng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp và nhân loại… Trong các lực lượng đó có đồng bào các tôn giáo khác nhau, cần tập hợp trong một mặt trận chung của quốc gia. Để thực hiện được sự đoàn kết, theo Người phải tỏ rõ khoan dung, cho nên cần xem xét đánh giá tôn giáo luôn gắn liền với đặc điểm, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của dân tộc, tìm ra những điểm tương đồng, để hướng tới sự giải phóng cho con người, từng bước hạn chế, khắc phục những điểm khác biệt (thậm chí gác lại) nhằm tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đứng lên làm cách mạng, giành độc lập tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Người thuyết phục mọi người khoan dung, đoàn kết trên sự hiểu biết. Vì vậy, trong những bài viết bài nói của mình, Người thường nêu lên những cái hay cái đẹp của mỗi tôn giáo. Người đã từng nêu rõ giá trị đạo đức và văn hóa trong lời dạy của các vị sáng lập các tôn giáo:

“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái.

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”

Trước những cái tinh túy mang đặc điểm chung ấy, Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ các danh nhân của thế giới, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần, thuộc phương Đông hay thuộc phương Tây miễn là họ có tinh thần tiến bộ, tạo ra những giá trị nhân văn cho cuộc đời. Người đã chắt lọc, rút ra những giá trị tư tưởng tốt đẹp ở họ để kế thừa và phát triển. “...Khổng Tử, Giê-su, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy." Từ cách nhìn khoan dung như vậy, Người đã tìm thấy những giá trị văn hoá, đạo đức trong các tín ngưỡng, tôn giáo, điểm “tương đồng” giữa tín ngưỡng tôn giáo và lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Tôn giáo có thể đồng hành với chủ nghĩa xã hội, phụng sự dân tộc.

Năm 1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người cách mạng đối với tôn giáo: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”. Chính những quan điểm đúng đắn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và tôn giáo đã bác bỏ luận điệu tuyên truyền rằng: Chủ nghĩa xã hội không phù hợp với nền văn minh Ki-tô giáo; chủ nghĩa xã hội hạn chế, thậm chí không chấp nhận chung sống với tôn giáo… và giải tỏa nỗi lo lắng, ngờ vực trong cộng đồng Công giáo khi bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới. Người đã cho giáo dân thấy và yên tâm rằng, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Người giáo dân vừa có thể là một công dân tốt. Đức tin tôn giáo và tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc chân chính có thể tồn tại trong ngay một con người.

Khi ứng xử với tôn giáo và dân tộc bao giờ Hồ Chí Minh cũng xem xét và giải quyết trên tinh thần của đại đoàn kết. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống trong lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo. Mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc là tương hỗ, dân tộc theo nghĩa rộng là quốc gia - dân tộc đã bao hàm trong nó yếu tố tôn giáo. Mỗi giáo dân chính là công dân của quốc gia dân tộc. Đây chính là cơ sở để sau này chúng ta nêu lên các phương châm hành xử: tôn trọng tự do tín ngưỡng, đoàn kết tôn giáo, hài hòa: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, kết hợp "Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc"; bảo đảm “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”, cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Như vậy là, Người không dừng lại ở phạm vi hẹp là khoan dung trong tôn giáo, mà Hồ Chí Minh nhìn nhận rộng hơn, xa hơn về khối đoàn kết toàn dân tộc, mà trong đó tôn giáo chỉ là một khía cạnh. Người chủ trương đoàn kết hòa hợp các dân tộc trong nước về nhiều phương diện (giai cấp, giới tính, độ tuổi...) để tạo ra khối đông đảo, những tổ chức của quần chúng nhân dân, những mặt trận trong xã hội. Tại Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt (3.1951), Người khẳng định: “Trong Đại hội này, chúng ta có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già có, trẻ có, nam có, nữ có, thật là một gia đình tương thân tương ái. Chắc rằng sau cuộc đại hội, mối đoàn kết thân ái sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân”. Tinh thần ấy lại được tiếp tục thể hiện trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận (8.1962), Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân.... phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng Tổ quốc... Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”.

Tuy nhiên, Người cũng lưu ý đến sự khác biệt và cách thức giải quyết để đảm bảo sự đoàn kết hòa hợp dân tộc. Rằng, “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp lại nhau nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này hay thế khác, đều dòng dõi của Tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ… Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hóa họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu, rất đời và rất người: kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên Chúa và phụng sự Tổ quốc, giải thoát con người khỏi khổ nạn và giải phóng đất nước khỏi áp bức nô dịch, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Những diễn đạt ấy ai ai cũng có thể hiểu, mọi người có thể ghi nhớ nằm lòng.

Với thái độ chân tình, cởi mở, bao dung, Người luôn thấu hiểu nỗi băn khoăn, ước vọng hòa bình của đồng bào. Những tâm tình đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo. Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc đã từng gửi điện tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nhân danh hàng triệu tín đồ Cao Đài Việt Nam và cả Nhân dân Việt Nam tôi thành thật cám ơn Chủ tịch đã biểu lộ nhiều thiện ý nhằm giải quyết hòa bình thống nhất nước nhà Việt Nam”. Với tinh thần khoan dung lương giáo và đoàn kết hòa hợp dân tộc, trong sự nghiệp chính trị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo, khuyến khích họ hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch. Chính Người, trên cơ sở những lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc, đã nêu lên nguyên tắc cơ bản để giải quyết dân tộc ở đất nước mình, đó là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển, tiến bộ.

Thành công bắt nguồn từ đại đoàn kết. Trong khối đại đoàn kết đó tất sẽ có, đoàn kết các thành phần dân tộc, đoàn kết các tín ngưỡng, tôn giáo, đức tin khác nhau, tổng hòa các giá trị khác nhau. "Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ là yếu hèn."

Nước ta là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, theo Hồ Chí Minh: Nhiều dân tộc là một điểm tốt, và khi biết khai thác yếu tố đoàn kết dân tộc, thì sẽ có sức mạnh to lớn, bởi "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước"

Thực tế lịch sử cho thấy, trong cuộc kháng chiến có nhiều tôn giáo đóng góp công sức to lớn của mình với dân tộc. Nhiều nhà sư là chiến sĩ, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo (nhà chùa, nhà thờ) là nơi trú ngụ của cách mạng. Các dân tộc đều đóng góp công sức to lớn của con, em mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ, những yêu cầu của cuộc cách mạng. Tiêu biểu là đồng bào các dân tộc Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, nơi án ngữ những vùng hiểm yếu, biên cương của Tổ quốc.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng quý giá cho đất nước và Nhân dân Việt Nam, đó là hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, trong đó có tư tưởng, ứng xử của Bác đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, đó là sự chân thành, nhân văn trong ứng xử, sự trân trọng thành tựu văn hóa tôn giáo của nhân loại, tôn trọng và quan tâm đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tinh thần  đó, tư tưởng đó và những ứng xử của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam định hướng cho việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, để trong mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và nay là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người luôn được khẳng định, nhất quán nguyên tắc Nhà nước tôn trọng và bảo đảm, nay là bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

Đức Thành

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984.

2. Viện Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh, Hà Nội 1993.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập III, tập IV, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1995.

4. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập V, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập VII, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1996.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

7. Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2020.

8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011.

9. PGS, TS. Phạm Ngọc Anh, TS. Nguyễn Xuân Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Công an Nhân dân, 2021.