Tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Ngày đăng: 14/08/2019
Việt Nam hiện nay có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật riêng nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Đảng và Nhà nước ta từ khi thành lập luôn nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự giao thoa ấy, trong cuộc gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu “Ở Việt Nam chúng ta có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”. Cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc, chức việc các tôn giáo ngày 09/8/2019 thực sự là dịp để chức sắc, chức việc các tôn giáo tề tựu tại thành phố Đà Nẵng, chia sẻ những kết quả hoạt động của từng tổ chức trong công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… đồng thời trình bày những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những mong muốn nhằm tạo điều kiện để các tôn giáo được tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc gặp mặt, vì vậy, đã để lại những dư âm và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhiều đại biểu chức sắc.

Vinh dự khi là đại biểu cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc, chức việc các tôn giáo

Đó là chia sẻ của Linh mục Vũ Kim Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật DonBosco Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long tại cuộc gặp mặt ngày 09/8. Linh mục khẳng định, cuộc gặp mặt của Thủ tướng chính là sự khích lệ để chức sắc tôn giáo cam kết dấn thân nhiều hơn nữa cho sứ mạng giáo dục giới trẻ, bởi “những nỗ lực của anh em Saledieng DonBosco chúng tôi được chính quyền ghi nhận, quan tâm và nâng đỡ”.

Hòa thượng Đào Như, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Viện trưởng Học viện Nam tông Khơ Me tại Cần Thơ cho hay, ngày 07/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ Chôl Chnăm Thơmây tại thành phố Cần Thơ và đến thăm Học viện Phật giáo Nam tông Khơ Me, vì vậy, “khi nhận được lời mời của Ban Tôn giáo Chính phủ đến dự cuộc gặp mặt, tôi hết sức vui sướng”.

“Chúng tôi rất hân hoan khi về đây dự cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc các tôn giáo” Chánh Phối sư Trần Văn Huynh, Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Bạch Y, tỉnh Kiên Giang phát biểu, “Chúng tôi mong muốn được góp thêm những tiếng nói vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Mong muốn được trình bày những kiến nghị để tạo điều kiện cho con em đồng bào vươn lên làm giàu, đóng góp cho đất nước

Một nội dung quan trọng trong cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc, chức việc các tôn giáo ngày 09/8 vừa qua đó là đại diện các tổ chức tôn giáo trình bày tham luận và một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các tổ chức tôn giáo trong sinh hoạt tôn giáo và tham gia các hoạt động xã hội. Đại diện nhiều tổ chức tôn giáo đã đề xuất với chính phủ các chính sách để tôn giáo có thể tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực thế mạnh như y tế, giáo dục, từ thiện xã hội và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi tham gia bảo vệ môi trường, tham gia làm điện mặt trời và sử dụng năng lượng sạch, không thả rông heo bò, nuôi gà, vịt trong khu trang trại tập trung và trồng nhiều cây xanh”, Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận  cho hay.

“Chúng tôi tích cực tham gia công tác an sinh xã hội như vận động xây cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tổ chức xe chuyển bệnh cho bà con nghèo, vận động các bếp cơm từ thiện, đặc biệt trong tháng 7 này, mỗi ngày có trên 1000 suất cơm trong suốt tháng để hỗ trợ bà con nghèo. Tính trong năm 2019, đến hiện tại, công tác từ thiện của Cao Đài Bạch Y đạt con số 4 tỷ đồng” Chánh Phối sư Trần Văn Huynh cho biết.

Những kiến nghị của đại diện các tổ chức tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng lẵng nghe và nỗ lực tạo ra các điều kiện phù hợp để huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo tương đồng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo cơ sở vững chắc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đảng, Nhà nước nỗ lực tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Với vai trò là một thành tố cấu thành của văn hóa, tôn giáo đã góp phần lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, hướng thiện có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, thông qua giáo lý khuyên răn con người sống hướng thiện, vị tha, bác ái... Những giới điều trong giáo lý các tôn giáo mang giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người. Nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo tôn giáo trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Dù mỗi tôn giáo đều có đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành với dân tộc, với đất nước.

Các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng chính quyền các cấp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở,  xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt là cùng chung tay với nhà nước cứu trợ thiên tai, chăm lo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa,...

Linh mục Vũ Kim Long cho biết, trường Trung cấp Kỹ thuật DonBosco Mỹ Thuận vừa được UBND tỉnh nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề lên Trường Trung cấp Kỹ thuật vào năm 2018. Nhà trường hiện là nơi chăm sóc và đào tạo 300 em mồ côi, đồng bào dân tộc và học sinh nghèo, trong đó có 250 em nam và 50 em nữ, với đa dạng ngành nghề như công nghệ ô tô, nghề điện, cơ khí, nghề hàn sắt, chăm sóc sắc đẹp và nghề may “Trong quá trình hoạt động của Trường, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã tạo mọi điều kiện, đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh đã nâng đỡ chúng tôi rất nhiều. Năm vừa qua, Sở đã đề nghị nâng cấp Trường từ Trung tâm dạy nghề lên Trung cấp”.

Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, với hơn 40 ngàn người dân, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông, cộng đồng Chăm Bà-la-môn nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền giúp bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, giáo dục thanh, thiếu niên sống lành mạnh, tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội “Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua và luôn vận động cộng đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc”.

Thay cho lời kết, xin được dẫn lời Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt ngày 09/8 “không phải quốc gia nào trên thế giới đều có thể tập hợp được lãnh đạo các tổ chức tôn giáo như chúng ta có mặt ngày hôm nay. Điều đó thể hiện Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm, coi trọng và thực sự muốn nghe các tôn giáo nói”, để thấy rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tôn giáo, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đến được với đồng bào các tôn giáo, góp phần thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tập hợp được sức mạnh to lớn của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

NL