Tái hiện Lễ cúng Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao tại Hà Nội
Ngày đăng: 07/05/2021
Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa tháng 5 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Dao đỏ đến từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã tái hiện nghi Lễ cúng Bàn Vương truyền thống của dân tộc mình.

Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao bày tỏ lòng biết ơn Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Trong tất cả các ngành Dao đều có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ.

Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc Dao, “Bàn Vương” hay còn gọi là “Bàn Hồ”, tức là con "Long khuyển" mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, từ trên trời giáng xuống trần và được vua Bình Hoàng yêu quý. Một hôm, nhận được chiến thư của Cao Vương, trong khi chưa tìm ra phương cách giao chiến thì Bàn Vương xin được đi giết Cao Vương. Bàn Vương giết được Cao Vương và được vua Bình Hoàng gả cho cung nữ Cối Kê về sinh sống và sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. Vua Bình Hoàng ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ: Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu và Bình Hoàng cấp Quá sơn bảng văn để họ phân tán đi sinh sống ở các nơi. Sau khi Bàn Vương gặp nạn và chết đi, đời đời con cháu tổ chức cúng tạ để tưởng nhớ vị vua anh hùng trong lòng dân tộc. 

Mâm cúng Bàn Vương

Lễ cúng Bàn Vương thường được tiến hành theo trình tự: Gia chủ mời ba thầy cúng. Thầy cúng thứ nhất gọi là thầy cả sẽ cúng trả hai lợn thần cho Bàn Vương và các đời tổ tiên; thầy cúng thứ hai sẽ cúng cầu khấn sức khỏe, thần lúa, thần chăn nuôi; thầy cúng thứ ba cúng trả các lễ vật cho các vị thần và các bậc tổ tiên gần.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ treo tranh

Đúng ngày lành, giờ tốt, ba thầy cúng được mời đến nhà gia chủ làm lễ lập đàn cúng; treo hai bộ tranh Tam Thanh cạnh ban thờ tổ tiên (chỉ những người làm thầy cúng mới có bộ tranh này), làm phép tẩy uế, vẩy nước phép khắp nhà, làm phép trấn an, dán các bùa phép (viết bằng chữ Nôm Dao trên giấy bản) quanh nhà, rồi khấn mời ma Bàn Vương, tổ tiên và các thần cùng âm binh của các thầy về dự lễ chẩu đàng.

Nhạc cụ cần thiết là tù và, chuông, hai mảnh tre làm phép âm dương, và một nan tre mỏng để các thầy mo cầm trong buổi lễ

Lễ vật cúng Bàn Vương

Trên đàn cúng, lễ vật gồm: một con lợn (lợn thần) đã mổ, gà trống, bánh dày, một túm gạo gói trong vải trắng (sài chiên), giấy bản cúng và 7 siên (vật khí để làm lễ của thầy cúng).

Ba thầy cúng và có thêm ba người đàn ông đứng tuổi ngồi vào hai ghế dài kê song song đối diện hai bên đàn cúng. Thầy cả trịnh trọng khấn, tế lễ, dâng lợn thần cho Bàn Vương, cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình và gia tộc. Sau đó, hai thầy phụ và ba người đàn ông lần lượt đọc những bài cúng kể về sự khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao.

Thầy cúng đọc sách “Quá Sơn Bảng Văn” cho mọi người cùng nghe

Các thầy cúng thực hiện điệu múa truyền thống

Người dân dâng hương, lễ vật tới trước bàn thờ Bàn Vương nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên

Sau khi cúng tế Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh của gia chủ và gia tộc của gia chủ, các thầy cúng hóa tiền, vàng và làm lễ tiễn đưa Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh về lại cõi âm.

Thầy cúng đốt vàng mã để bày tỏ lòng biết ơn với các vị tổ tiên

Kết thúc là lễ tiễn đưa Bàn Vương về trời, cũng là lúc các thầy mo gỡ bỏ trang phục, đồng thời vật chày chung vui, vào hội ca hát nhảy múa

Lễ cúng Bàn Vương trước đây thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, ngày nay được rút ngắn nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng và giá trị nhân văn.

 Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ trong cuộc sống.

Nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản.

 

PV tổng hợp