Một số giá trị trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Ngày đăng: 05/10/2022
Hình ảnh một giá hầu đồng
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian hình thành khá sớm, tôn thờ người Mẹ với vai trò che trở, bảo vệ cho con người. Cùng với lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu có sự thay đổi, phát triển khác nhau giữa các vùng miền. Các nhà nghiên cứu cơ bản thừa nhận rằng tín ngưỡng thờ Mẫu được tích hợp bởi ba lớp thờ là thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Mẫu Tam Tứ phủ.Trong một thời gian dài Tín ngưỡng thờ Mẫu do nhiều lý do, trong đó thường được hiểu gắn liền với hầu đồng và bói toán nên bị hạn chế hoạt động. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như tôn giáo thực sự phục hưng, hoạt động mạnh mẽ từ sau 1990, đặc biệt có sự bùng phát từ sau năm 2012 khi “Nghi lễ Chầu văn tỉnh Nam Định” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia và tiếp đến năm 2016 "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa cần được bảo tồn của nhân loại. Các giá trị về giáo dục lịch sử, nhân sinh quan, thế giới quan, nghệ thuật (trang phục, âm nhạc, hội họa…) của tín ngưỡng thờ Mẫu là rất đáng ghi nhận, cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

1. Nhận thức thế giới quan

Trước nhất, tín ngưỡng thờ Mẫu không coi thế giới tự nhiên là một thực thể riêng, tách rời với con người, theo cách mà khoa học hiện đại phân ra con người là chủ thể còn thế giới tự nhiên là khách thể, mà con người và tự nhiên là một thực thể đồng nhất, thống nhất. Với tín ngưỡng thờ Mẫu, người Mẹ của con người cũng là người Mẹ tự nhiên. Nó không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang nữ tính. Nói cách khác, với tín ngưỡng thờ Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp - Mẹ Tứ Pháp hay Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ - Mẹ Ngũ Hành), mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng nước sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng), cũng chính vì vậy mà Mẫu, hiện thân của người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.

Cách nhận thức thế giới theo kiểu “nhất thể hóa” này có mặt hạn chế, mà như C. Mác nói, khiến con người không thể ‘tách ra khỏi nuốm vú” tự nhiên, đứng độc lập để nhận thức tự nhiên. Cực đoan hơn, con người còn có tham vọng “chinh phục”, “thống trị” tự nhiên. Tuy nhiên, sự ‘nhất thể” này cũng có mặt tích cực của nó, giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, mà cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà hành tinh chúng ta đang đứng trước thực tế bị tàn phá dẫn đến sự biến đổi khí hậu, đe dọa chính bản thân con người và nền văn minh của con người. Bà Mẹ tự nhiên của chúng ta đã và đang bị những đứa con mình phản trắc và đang nổi giận.

Thế mới hiểu cách con người xưa thiêng hóa tự nhiên, sùng bái tự nhiên chính là để bảo vệ tự nhiên. Và đến một lúc nào đó sự sùng bái ấy đã được chuyển sang sùng bái nữ thần, mà suy cho cùng thì đó cũng là cái cách nhân thần hóa tự nhiên mà thôi. Bởi vì, giữa tự nhiên và tính nữ đều có chung những đặc tính, đó là sản sinh, bảo trữ và che chở.

2. Nhận thức nhân sinh quan

Niềm tin vào cái siêu nhiên vốn là bản chất của bất cứ một hình thức tôn giáo tín ngưỡng nào. Với tín ngưỡng thờ Mẫu, cái siêu nhiên vốn có sẵn trong cái tự nhiên, nay đã được nhân hóa thành cái siêu nhiên mang tính nữ, mà hiện thân chính là Thánh Mẫu.

 Niềm tin của con người chính là một giá trị. Mất niềm tin, dù đó là niềm tin vào tôn giáo tín ngưỡng, thì đó cũng là một thảm họa! Trong một thời gian dài của lịch sử Việt Nam, do ảnh hưởng của các tư tưởng Nho giáo, thậm chí cả các tư tưởng “vô thần”, người ta đả ra sức đả phá tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng trái lại nó vẫn luôn luôn được hàng triệu người tin theo.

Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, dù đó là Phật giáo, Kitô giáo… tín ngưỡng thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện trở nên thứ yếu, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam.

 Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng, không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu, mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết theo chu kỳ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” số lượt người trẩy hội đến các đến phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc. Thời kỳ mà nhà nước ngăn cấm các nghi lễ và lễ hội, thậm chí các đền phủ bị tịch thu các dụng cụ hành lễ, thì họ vẫn ngấm ngầm thực hiện. Bởi vì đó là nhu cầu của bản thân con người, mà trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thừa nhận tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận đời sống nhân dân.

Trong nghiên cứu hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn đồng, tức là những người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt, lại phải chịu những dồn nén xã hội và tâm lý, nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi thì thường sau khi ra trình đồng đều khỏi bệnh, trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có “căn đồng” mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại, thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những căng thẳng.

Ngoài chữa bệnh, những người tin theo tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Vốn là người kinh doanh, nên những người này thường chắt chiu, so đếm từng đồng trong hoạt động kinh doanh, nhưng trong các cuộc hầu đồng (đối với các ông bà đồng) họ có thể bỏ ra một số lượng tiền khá lớn (trung bình 20-30 triệu đồng, có khi lên tới 50-60 triệu). Họ tin rằng họ sẽ được Thánh Mẫu phù trợ, có thể thu được khoản lợi còn lớn hơn nhiều lần. Ở đây, chúng ta khó có thể khẳng định được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán, có lẽ lúc này, niềm tin của con người giữ vai trò quyết định, nó có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.

Bà Susan Vize trao danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt (năm 2017)

3. Về lịch sử

 Tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, lời văn, các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị Thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử. Tuy nhiên, cũng không hiếm các vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Đây không phải là việc làm tùy tiện hay ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Đó chính là ý thức “hướng về cỗi nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước. Bằng cách đó, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm. Thật tự hào và vinh dự cho một dân tộc đã tự lựa chọn hình tượng Mẹ - Mẫu để tôn vinh, thờ phụng và ký thác vào đó niềm tin của mình! Đó chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

 Đây cũng là cách con người cảm nhận và “học” lịch sử của dân tộc mình, một cách “học”, “đọc” lịch sử của những phần lớn những người không biết chữ, do vậy không phải thông qua chữ nghĩa, sách vở, mà thông qua các nghi lễ, qua chiêm tưởng được thực thi trong các tín ngưỡng, phong tục và lễ hội. Cũng bằng nhận thức này, tín ngưỡng thờ Mẫu tuyên bố đứng về phía dân tộc, gắn bó với dân tộc, trường tồn cùng dân tộc.

Trong đời sống thường nhật của con người, tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua các bài giáng bút (tương truyền có hàng trăm bài thơ giáng bút), Thánh Mẫu khuyên dạy người phụ nữ những điều rất cụ thể về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, như với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em họ hàng nội ngoại, với hàng xóm làng giềng sao cho tạo nên sự hòa hiếu, trong êm ngoài ấm.

4. Văn hóa, nghệ thuật

Tín ngưỡng thờ Mẫu và các hình thức Shaman giáo đều ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, vũ điệu, trang phục, hình thức trang trí, kiến trúc... Nhiều người đã nói tới Diễn xướng tín ngưỡng thờ Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh hay một văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu. Về trang phục mỗi giá hầu có một bộ khăn áo, phụ kiện đi kèm khác nhau với các họa tiết trang trí hết sức phong phú, họa tiết cầu kỳ, có tính mỹ thuật cao, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng ứng với vị thánh được hầu.

Chỉ riêng nghi lễ Hầu bóng - Lên đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn, mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong hai loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới. Âm nhạc và hát Chầu văn là yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ Hầu đồng, góp phần tạo nên trạng thái thăng hoa, khiến con người hoà nhập với thần linh. Lời hát văn khắc hoạ vị trí, nhân cách, lai lịch, ca ngợi các vị thánh, với những lời văn rất đẹp, trang trọng, tao nhã. Hát văn có 3 hình thức hát: hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (hát hầu). Hát thờ trước khi vào giá đồng là rất quan trọng, hát chầu văn có 3 hệ thống làn điệu chính là: Cờn, Dọc, Xá với 13 điệu: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn Dọc, Cờn, Hãm, Dồn. Trong buổi hầu đồng phải có: hát, đánh nhịp phách, cảnh, trống, sáo, đàn nguyệt. Người hát văn và người hầu thánh phải phối hợp với nhau nhịp nhàng, linh hoạt, văn nâng giá thánh, giá thánh tạo cảm hứng cho văn thăng hoa, mọi thứ hài hòa tạo nên một buổi lễ hầu đồng thành công viên mãn.

Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… kể trên đã luôn đặt tín ngưỡng thờ Mẫu vào vị trí là một trong những tín ngưỡng dân gian có nhiều sự đóng góp cho lịch sử dân tộc Việt Nam./.

 

Thanh Long

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2012), Hồ sơ di sản “Nghi lễ Chầu văn tỉnh Nam Đinh” (Chứng nhận cấp quốc gia, lưu tại Cục Di sản Văn hóa).
  2.  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), Hồ sơ di sản trình UNESCO “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (lưu tại Cục Di sản Văn hóa).
  3. Trần Lâm Biền (2000): “Mẫu, Thần điện”, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN
  4. Trần Lâm Biền (1990), “Quanh tín ngưỡng dân dã Mẫu Liễu và điện thờ”, Tạp chí văn hoá nghệ thuật, (5), tr.42-45.
  5. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội